Tiểu thuyết Bắc Kinh hôn mê

Ma Jian

Phạm Anh Tuấn trích dịch

Viết riêng cho Cù Huy Hà Vũ – Cuối cùng thì cái ngày người ta đưa bạn ra xét xử cũng đã đến. Kết quả thế nào chỉ có Chúa mới biết. Chúng ta đâu còn ngay cả cái quyền được dự đoán!

Trang 511 trong Bắc Kinh hôn mê có kể câu chuyện khi đang đêm người ta đến bắt một bà mẹ chỉ vì bà luyện tập sức khỏe theo Pháp Luân Công, và bà mẹ đã nói với người đến định bắt bà như sau: “Arrest me, if you want! I don’t care!... Whether we’re in a jail or in our home, every one of us is a prisoner!”

Không phải là tôi bi quan hay theo chủ nghĩa thất bại. Ngay cả bi quan bây giờ cũng không được quyền. Không phải là tôi không biết trên đời này việc nào phải được ưu tiên làm trước hay sau. Ngay cả cái quyền hoạch định ưu tiên ấy cũng bị lấy nốt mất rồi!

Nhưng bạn và tôi có quyền ưu tiên lựa chọn niềm hy vọng, phải không Vũ? Tâm hồn mỗi con người không chỉ mang trong nó một hạt mầm duy nhất được Chúa ban tặng. Mỗi con người đều được Chúa ban tặng nhiều hạt mầm. Khi một hạt mầm này bị giày xéo dẫm nát thì dứt khoát vẫn có những hạt mầm khác không ngừng lớn lên để vươn về phía ánh sáng.

Ơn Chúa, không chừng một ngày nào đó sẽ có một Mã Chiến Việt Nam trong ngôi nhà số 24 phố Điện Biên Phủ nơi lưu giữ Lửa thiêng. Có thể sẽ là một Hà Nội hôn mê, phải không Vũ?

Bởi ngay cả khi con người bị tiêu diệt để chỉ còn sống đời sống thực vật, như chàng sinh viên Đới Vệ của Mã Chiến, thì ngay cả khi ấy con người vẫn không chết. Trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1950, nhà văn Mỹ William Faulkner đã nói rằng con người bất tử không phải vì giữa muôn loài chỉ có con người mới có tiếng nói mà con người bất tử bởi vì nó còn có một tâm hồn, một tâm hồn biết hy sinh, nhẫn nại và giàu lòng trắc ẩn.

Đêm nay gác mọi việc để ngồi trích dịch Bắc Kinh hôn mê tặng Vũ. Chỉ còn biết cầu mong ở nơi ngục thất người ta không tiêu diệt nốt quyền được đọc!

Phạm Anh Tuấn.

….

Chỉ có người đang sống mới có quyền được chết. Mày phải leo lên bờ sông thì mới có thể gieo mình trở lại dòng nước.

Tòa nhà chung cư xây bằng gạch đỏ hồi những năm 1950 có tường dày và chắc chắn giống như các tòa nhà khác nằm ở quanh hai bên cạnh nó. Vào lúc sáng sớm khu nhà yên lặng như nghĩa địa ở quê tôi. Mỗi khi nhớ lại cái nghĩa địa đó tôi đều ngửi thấy mùi giun đất bị xéo chết trên con đường lát đá.

Gã cửu vạn người ngoại tỉnh thuê trọ căn hộ ở tầng dưới đã thôi la hét chửi thề. Cách đây mấy hôm cảnh sát đã lôi vợ của anh ta ra khỏi nhà vì cô ta không trình được giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy khai sinh.

Đêm qua mẹ đã quên đóng cánh cửa sổ nhìn ra cái ban công có mái che nên lúc này hương thơm êm ái của cây xanh bay vào đầy ắp hai lỗ mũi tôi. Mùi hương đó tỏa ra từ cây bồ kết gai già trồng ở bên ngoài. Thời gian này chắc nó đang rụng hoa. Bụi bám đầy cành. Lớp nước vôi mới quét quanh thân cây có mùi như lòng đỏ trứng luộc kỹ.

Mình nhớ ở góc cuối khu chung cư có một tòa nhà có cái tháp làm mát bằng thép. Vào mùa đông cái tháp đó nom giống như một công trình điêu khắc bằng nước đóng băng. Ống khói bằng thép của buồng đun nước sôi nằm ở sau cái tháp thỉnh thoảng lại bắn ra những mảnh vụn gỉ sắt.

Tiếng nhịp tim đập của tôi đã ru ngủ con chim sẻ. Đôi cánh của nó lúc này đặt xòe mềm mại trên ngực tôi. Sự có mặt của con chim sẻ dường như đã thổi sức sống vào cơ thể hôi hám của tôi.

Sau khi sinh tôi mẹ đã nằm ốm liệt trên cái giường này trong sáu ngày. Tôi đã nằm trên chính cái giường đó đã gần mười năm nay. Tối qua lúc mẹ vào thay đệm cho tôi rồi mới đi ngủ, mẹ kể khe khẽ, “hôm mẹ mang con ở bệnh viện về, con cứ bú tí mẹ suốt đêm không dứt…” Mẹ thử áp dụng phương pháp xoa bóp mà Thầy Dao đã dạy mẹ, nhưng mình không cảm lấy luồng khí của mẹ. Lúc xoa lòng bàn chân của mình, mẹ thở dài “mẹ còn phải thực hiện bài xoa bóp này bao năm nữa mới chữa cho con khỏe mạnh đây?”

Đồ vật chắc chắn nhất trong căn phòng này là chiếc giường sắt tôi đang nằm. Chiếc giường nặng không thể một mình nhấc nổi bằng tay. Nó cũng chắc và bền như tòa nhà chung cư này. Lớp sơn màu ka-ki đã bong ở một vài chỗ để lộ phần kim loại bị gỉ ở bên trong và các lớp sơn lót màu hạt dẻ, màu xanh và màu nâu. Lớp sơn trong cùng là màu trắng. Nó được sơn phủ lên trên lớp sơn chống gỉ màu da cam nom như một lớp quần lót. Mẹ kể chiếc giường này do ông bà ngoại mua khi họ lấy nhau. Chiếc giường trước đó là của một gia đình người Anh có một nhà máy dệt ở Thiên Tân bị phá sản hồi khủng hoảng kinh tế những năm 1930. Vì màu trắng là điềm gở nên ông bà ngoại tôi đã sơn lại thành màu hạt dẻ. Năm 1950, sau khi ông ngoại tôi tự tử vì nhà máy của ông bị quốc hữu hóa, bà tôi đã sơn chiếc giường thành màu xanh da trời. Sau khi bà mất, chiếc giường được chuyển cho mẹ tôi, mẹ đã dùng sơn nâu để che giấu hết mọi dấu vết của song thân đã mất. Sau khi bố tôi mất, tôi đã sơn chiếc giường thành màu ka-ki sẫm đang được ưa chuộng hồi bấy giờ.

Ban ngày con chim sẻ nhảy nhót quanh chiếc giường. Thỉnh thoảng nó bay lượn trong căn phòng; rồi khi nó mệt nó đậu trên ngực tôi rồi nó bám chặt lấy ngực tôi bằng những chiếc móng vuốt run rẩy. Kể từ hôm nó xuất hiện, căn phòng dường như rộng ra nhiều. Tôi theo dõi nó trong lúc nó vỗ cánh bay trên không. Nó đã giúp tôi lấy lại ý thức về đêm và ngày.

Tôi tưởng tượng mình nhấc hai bàn tay lên rồi hạ xuống để chạm vào bộ lông ấm áp trên cơ thể của con chim. Nó mổ một cái lông mũi của tôi, cọ mỏ vào má tôi rồi kêu chiêm chiếp. Đột nhiên tôi hồi tưởng lại một chi tiết đã xảy ra trong quá khứ. Chi tiết đó sống động đến nỗi toàn bộ cơ thể tôi dường như bị ép chặt lại. Tôi nhớ lại A Muội ngước mắt nhìn tôi rồi nói: “Nếu cho anh một điều ước, anh sẽ ước điều gì?”

“Được đi chu du khắp đất nước và trèo lên đỉnh Everest. Thế còn em?

Em nghe đã thấy mệt quá rồi. Em ước gì kiếp sau mình sẽ đầu thai thành một con chim để bay ngang bầu trời.

Anh thường nằm mơ thấy mình đang bay, nhưng khi bay lên tít trên cao thì anh thấy lạnh nên phải bay thấp xuống.

Nàng ngước nhìn lên bầu trời rồi nói: “Kiếp sau nhất định em sẽ là một con chim bạn tình của anh để ủ ấm cho anh. Chúng mình có thể cùng nhau bay lên tít tận trời cao…”

P.A.T. dịch từ bản tiếng Anh.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn