Đằng sau thành tích cắt giảm 39.000 tỷ đồng đầu tư công!

Sơn Hà

clip_image002

(Tamnhin.net) - Tại sao họ lại có thể dễ dàng cắt giảm một lượng vốn lớn như vậy? Đó là câu hỏi mà ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM) đưa ra khi bình luận về thành tích cắt giảm 39.000 tỷ đồng đầu tư công các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã công bố.

Câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra vào năm 2008. Khi đó, cũng để kiềm chế lạm phát, một đợt rà soát, cắt giảm đầu tư công trên diện rộng đã được tổ chức và số vốn mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tuyên bố cắt giảm là trên 34.000 tỷ đồng nhưng rất nhanh sau đó, chính tập đoàn này lại đề xuất dự án đầu tư lớn hơn.

Câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải chỉ là cắt trên giấy và liệu có vấn đề gì không trong các quyết định đầu tư của các đơn vị này?

Năm nay, theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cắt giảm khá lớn vốn đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực cắt giảm trên 12.000 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí cắt giảm hơn 6.590 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông cắt giảm 3.000 tỷ đồng…

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ lệ cắt giảm đầu tư rất lớn. Chẳng hạn, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn giảm 50,57%; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giảm 38,4%... Với việc các đơn vị này dễ dàng cắt giảm một số lượng dự án và vốn lớn như vậy, chuyện đặt câu hỏi về việc ra quyết định đầu tư, cũng như hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước âu cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng vấn đề là, sau tuyên bố cắt giảm của tập đoàn, tổng công ty, phải tiếp tục kiểm tra, giám sát. Chẳng hạn, họ nói cắt 4 dự án, giãn 3 dự án, thì cần kiểm tra, giám sát xem họ có thực sự làm như thế không?

Chuyên gia kinh tế TS.Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần thực sự minh bạch trong thông tin về cắt giảm đầu tư công, cần công bố công khai danh mục các dự án cắt giảm để cộng đồng giám sát. Đây cũng là điều mà dư luận đã đòi hỏi từ đợt cắt giảm đầu tư năm 2008.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, vấn đề bây giờ là phải tạo dựng niềm tin. Điều đó chỉ có thể trông chờ vào hành động thực tế, cụ thể, nhận biết được. Trong cuộc thắt lưng buộc bụng này, Nhà nước phải làm gương chứ không thể chỉ kêu gọi người dân. Chính phủ đã nói sẽ cắt giảm chi thường xuyên. Khoản này không lớn nhưng mang tính chất biểu tượng. Cần phải giảm chi những khoản dễ đập vào mắt, vào cảm xúc của người dân, như chi cho lễ lạt chẳng hạn. Còn lại, chủ yếu là giảm chi đầu tư công.

Chuyện này đã có chủ trương trong đợt lạm phát trước đây nhưng hiệu quả không cao, cần phải rút kinh nghiệm để từ chủ trương đến thực tế triển khai không có khoảng cách. Lần này, phải có bộ tiêu chí cắt giảm cụ thể, công khai minh bạch địa phương nào, dự án nào, doanh nghiệp nào phải cắt, giảm thì giảm tỷ lệ bao nhiêu, có tương xứng với yêu cầu thực tế hay không và kết quả thế nào.

Trong tình thế cấp bách này, cần áp dụng một số biện pháp hành chính, kỹ thuật và truyền thông. Ví dụ, tập trung ngoại tệ (USD) từ mọi nguồn để tăng tiềm lực cho dự trữ ngoại tệ quốc gia (như xác định của Chính phủ mà Thủ tướng đã trình bày trong buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương ngày 24.2) là đúng.

Bình luận về "hiệu quả của cắt giảm đầu tư công", TS. Lê Đăng Doanh nói: "Vấn đề cơ bản này lại được đề cấp quá nhiều lần rồi. Mỗi lần, lại có chuyện cử các đoàn đi xem xét, sau đó, về tính toán sẽ cắt bao nhiêu... Nhưng qua đợt cao điểm, mọi chuyện lại đâu vào đó.  Sau các cuộc rà soát, người ta vẫn thấy, năm sau, lại thấy đầu tư vẫn tăng vọt lên và hiệu quả thì vẫn bị đánh giá là kém. Dường như, bằng cách này hay cách khác, bệnh đầu tư công vẫn không "bãi bỏ" được."

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, vấn đề bây giờ là Chính phủ phải tìm đến cải cách những căn nguyên dẫn đến bệnh bùng phát đầu tư vô lối này. Đó là việc siết chặt kỷ luật đầu tư, lập một qui chế chặt chẽ về trách nhiệm của những người "chủ trì sử dụng vốn đầu tư công".Trên cơ sở đó, Nhà nước phải kiến tạo một cơ chế để bản thân các doanh nghiệp Nhà nước phải hết sức thận trọng trong việc đầu tư mà lâu dài, không  cần một đợt rà soát cắt giảm theo cơ chế hành chính hiện nay.

Nếu không thay đổi được cơ chế giám sát đầu tư thì sẽ khó mà tạo động lực thay đổi "hiệu quả đầu tư". Việc cắt giảm bằng mệnh lệnh hành chính chỉ có thể tác dụng tích cực nhất thời  và khó mà đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng đề ra. Hơn hết, vấn đề đầu tư công phải công bố công khai, minh bạch để toàn dân, các cơ quan dân cử giám sát.

Chỉ khi giải quyết được tận gốc vấn đề "đầu tư công" thì khi đó, giá điện, giá than hay giá xăng có tăng lên, cũng sẽ không đến mức tác động quá mạnh, đẩy mặt bằng giá lên như hiện nay.

S. H.

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn