Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 30

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Ngọc Thu dịch

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng

21-03-1970

Mô tả: Chu Ân Lai khuyên hỗ trợ Hoàng thân Sihanouk thay vì Lon Nol.

Chu Ân Lai: Pháp lo ngại rằng nếu Sihanouk nghiêng về phía chúng tôi, Campuchia sẽ trở thành một chiến trường nữa. Do đó, lợi ích của Pháp sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, Pháp muốn giành cảm tình của Sihanouk. Pháp cũng muốn giành cảm tình của Liên Xô. Pháp có thể giải thích cho Liên Xô rằng Lon Nol không hoàn toàn ủng hộ Mỹ, rằng ông ta thân Pháp và ông ta đang theo chính sách trung lập. Do đó, chính quyền Lon Nol có thể được công nhận (1). Pháp cũng có thể hứa sẽ khuyên chính phủ Lon Nol không tấn công Bắc Việt và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây có thể được xem như bối cảnh của tiến triển trong hai ngày qua: chính phủ Lon Nol đã hứa một chính sách trung lập, tôn trọng các hiệp ước mà Campuchia đã ký trước đó. Đặc biệt, họ đưa ra các biện pháp an ninh để bảo vệ đại sứ quán Trung Quốc và Liên Xô ở Phnom Penh.

Chúng tôi cần hỗ trợ Sihanouk trong lúc này và xem ông ấy sẽ hành động như thế nào. Chúng ta nên ủng hộ ông ấy, bởi vì ông ấy ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ ở Việt Nam, bởi vì các nước Đông Dương chống Nhật [và] Pháp trong quá khứ và bởi vì chúng ta đã và đang hỗ trợ ông ấy sau Hội nghị Bandung [của các quốc gia không liên kết năm 1955]. Chúng tôi cũng sẽ xem liệu ông ấy có thực sự muốn thiết lập một mặt trận thống nhất để chống Mỹ trước khi chúng tôi ủng hộ ông ấy. Nhưng vì hoàn cảnh, ông ta có thể thay đổi lập trường của mình. Tuy nhiên, chúng ta giành được nhiều cảm tình của ông ta thì tốt hơn. Đó là những gì chúng tôi nghĩ trước tiên. 

Tôi nghĩ rằng một cuộc đảo chính của Lon Nol lật đổ Sihanouk được cả Pháp lẫn Mỹ chấp thuận. Dĩ nhiên, khi nói về điều đó, ông ta chỉ nói tới Mỹ, không nói tới Pháp. Tuy nhiên, theo Rayer [?], người đã nói chuyện với các nhà văn Trung Quốc – Hanzi – Pháp không còn tin tưởng Sihanouk nữa. Nên cả Pháp lẫn Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính.

Khả năng chiến đấu của phe Sihanouk không thể phù hợp với khả năng chiến đấu của các ông. Nên nếu Sihanouk đồng ý thành lập một mặt trận thống nhất, lực lượng Campuchia có thể mạnh hơn. Nhưng Pháp khuyên ông ta đừng [thành lập], với lý do nếu ông ta cho phép người Việt Nam vào Campuchia, họ (người Việt) sẽ không bỏ đi. Cùng lúc, Pháp nghĩ rằng Sihanouk hoàn toàn không nghe theo Pháp, nên Pháp muốn Lon Nol thay thế Sihanouk. Tuy nhiên, Sihanouk đang nghiêng về phía Liên Xô và Trung Quốc, vì thế giảm ảnh hưởng của Pháp.

Về phần mình, Lon Nol không muốn làm phật lòng Trung Quốc và Liên Xô. Ngày 18 tháng 3, sau cuộc đảo chính, Lon Nol đã không tấn công lực lượng của các ông ở các khu vực biên giới và ông ta đã không gây sức ép cho chúng tôi để giải quyết vấn đề này. Ngày 18 tháng 3, họ phá hủy nhà cửa của những người Trung Quốc và Việt Nam sống ở tỉnh Svay Rieng. Tuy nhiên, ngày 19 thì họ ngưng các hành động này. Và vào ngày 20, họ đã ban hành một lệnh đặc biệt, không gây thiệt hại các đại sứ quán Trung Quốc và Liên Xô ở Phnom Penh.

Lon Nol cũng sợ những người Khmer sẽ đứng lên chống lại ông ta và cùng lúc sợ rằng nếu ông ta tấn công [lực lượng miền Nam] Việt Nam, miền Bắc Việt Nam sẽ đánh trả. Trung Quốc sẽ hỗ trợ miền Bắc Việt Nam. Do đó, cuộc chiến sẽ lan rộng. Chiến tranh đã nổ ra ở Lào. Tình trạng tương tự có thể xảy ra ở Campuchia.

Như vậy tình hình ở Đông Dương sẽ trở lại như thời trước Hội nghị Geneva năm 1954. Tôi chắc chắn rằng các ông vẫn còn nhớ những điều đồng chí Mao đã nói với Hồ Chủ tịch: "Đông Dương là một khối thống nhất. Tình trạng này do người Pháp tạo ra". Nếu tình hình phát triển theo cách đó, cách mà các hành động của Mỹ sẽ dẫn đến, Đông Dương sẽ trở thành một chiến trường thống nhất.

Tôi không biết liệu lực lượng của Um Savuth (2) đã tới Rattanakiri chưa, và họ có liên lạc với lực lượng Việt Nam không?

Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đã nhận được thông tin họ có [liên lạc]. Lực lượng này có thể quay trở lại chống Lon Nol. Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin rằng quân đội ở Seam Reap đang chống đối Lon Nol (3).

Chu Ân Lai: Trong lúc nói chuyện với ông ta, các ông đã đưa ra khả năng hợp tác giữa Đảng Nhân dân Khmer, Khmer Đỏ và lực lượng của Sihanouk. Các ông cũng đề cập đến nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Chúng tôi có cảm giác rằng Sihanouk muốn chúng tôi giúp đỡ về điều đó. Vì vậy, chúng tôi xin rất muốn nghe từ các đồng chí Khmer của chúng ta trước khi chúng tôi nói chuyện với Sihanouk.

Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đã nói rõ rằng, liên lạc nên diễn ra ở cả cấp độ cao lẫn thấp hơn để có sự hợp tác tốt ở các cơ sở.

Chu Ân Lai: Phản ứng của ông ấy thế nào?

Phạm Văn Đồng: Ông ấy chẳng nói gì ngoại trừ đưa ra sự nhất trí chung. Ông ấy không đề cập đến điều ông ta muốn chúng tôi làm. Có lẽ ông ấy sẽ hỏi ông. Điều đó sẽ tốt, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam sẽ giúp.

Chu Ân Lai: Chúng ta có thể gây ảnh hưởng chính trị, nhưng họ, người Khmer, phải trực tiếp đương đầu với nhau.

Phạm Văn Đồng: Sẽ không khó khăn nếu chúng ta đồng ý các nguyên tắc hướng dẫn. Trong trường hợp này, chúng ta có thể yêu cầu cả hai bên hợp tác. Sihanouk hiện đang đợi ông trả lời về các yêu cầu của ông ta phải không?

Chu Ân Lai: Phải. Bởi vì tôi đã nói với ông ta rằng tôi sẽ trả lời sau cuộc họp của tôi với các ông. Lúc đầu, Lon Nol và Sirik Matak (4) sẽ thương lượng với cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Các ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Phạm Văn Đồng: Trước khi tôi đến đây, chúng tôi đã thảo luận vấn đề này. Chúng tôi tiến hành đàm phán sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào, bởi vì cuối cùng họ sẽ đánh lại chúng tôi. Nhưng chúng tôi không để bị đánh bại. Nên sử dụng các cuộc đàm phán để làm gì? Tuy nhiên, hiện tại khi chúng tôi vẫn đang nói chuyện với các ông và với Sihanouk để xem tình hình sẽ phát triển như thế nào, chúng tôi yêu cầu các đồng chí của chúng tôi chờ, tìm hiểu thái độ của họ, và kéo dài thời gian. Đối với Sihanouk, thái độ của chúng tôi là khẳng định và lập trường của chúng tôi về các vấn đề khác sẽ dựa vào đó.

Ghi chú:

1. Thủ tướng Lon Nol dẫn đầu một cuộc đảo chính chống lại Sihanouk ngày 18 tháng 3, trong khi hoàng thân ở nước ngoài.

2. Um Savuth là trung tá của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia, đóng quân tại Rattanakiri vào năm 1970. Ông ta không "đào ngũ", mà ở lại trong lực lượng vũ trang của Cộng hòa Khmer, ở đó ông ta được thăng đại tá, và sau đó đã chiến đấu trong chiến dịch Chen La II ở Kampung Thom chống lại lực lượng phối hợp giữa Việt Nam và Khmer Đỏ.

3. Một số cuộc nổi loạn chống lại chính phủ trung ương ở Campuchia đã nổ ra vào đầu năm 1969. Một số phiến quân sau này gia nhập Khmer Đỏ hoặc lực lượng Việt Nam.

4. Phó Thủ tướng Campuchia, thân cận với Lon Nol.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn