Triển vọng kinh tế Việt Nam: Lạm phát dẫn tới thắt chặt chính sách

Marshall Carter, Moody’s Analytics, ngày 17/5/2011

imageBản dịch ra tiếng Việt không chính thức, đề nghị độc giả tham khảo thêm bản chính bằng tiếng Anh trong trường hợp thấy nội dung tiếng Việt không rõ ràng. Các biểu đồ xin tham khảo bản chính bằng tiếng Anh.

Tóm tắt nội dung chính của bài viết: Kiểm soát lạm phát hiện là thách thức chính sách lớn nhất của Việt Nam. Các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa dự báo sẽ khiến GDP năm 2011 chỉ tăng với tốc độ 6%. Đồng Việt Nam sẽ chịu áp lực cho tới khi các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản được cải thiện. Xuất khẩu sẽ tăng cùng với việc kinh tế toàn cầu hồi phục vững chắc, tuy nhiên việc giảm thâm hụt

thương mại sẽ vẫn là một thách thức đối với Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chậm lại cùng với việc Chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa để đối phó với lạm phát. Tăng trưởng tín dụng với tốc độ bình quân năm 35% trong vòng 3 năm vừa qua cùng với việc các luồng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam đã làm tăng tốc độ đầu tư và tiêu dùng tư nhân tại nước này, gây ra áp lực lạm phát (giá cả tăng). Lạm phát đã tăng với tốc độ 17,5% vào tháng 4/2011 so với cùng kỳ năm 2010, buộc

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. SBV đã tăng các mức lãi suất cơ bản, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng, và đặt ra các hạn chế cho vay đối với các ngân hàng thương mại. Tăng trưởng chậm lại trong Quý I/2011

GDP quý I/2011 của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 5,4%, chậm lại so với tốc độ tăng trưởng 6,8% của quý IV/2010. Tăng trưởng chậm lại có thể thấy trên hầu hết các ngành: chế tạo, nông nghiệp, xây dựng, khai thác mỏ, và thậm chí cả dịch vụ. Mặc dù vậy các luồng thương mại vẫn tăng trưởng tốt. Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2011 tăng với tốc độ 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị dệt may và giày dép xuất khẩu, tổng cộng chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu, cùng tăng khoảng 30%. Xuất khẩu cà phê, chiếm khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu, tăng 111% nhờ vào giá tăng. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng với tốc độ 29% so với cùng kỳ năm 2010 và mức thâm hụt thương mại hàng tháng cũng tăng lên, riêng tháng 4/2011 thâm hụt thương mại đã lên tới 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Lạm phát tăng tốc

Lạm phát đã duy trì ở mức 2 con số trong vòng 6 tháng vừa qua, đạt tới mức cao nhất trong vòng 2 năm vừa qua vào tháng 4 là 17,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do tăng trưởng tín dụng nhanh và các biện pháp chính sách áp dụng gần đây của Chính phủ.Việc phá giá tới 9,3% giá trị đồng Việt Nam vào tháng 2/2011 đã làm tăng chi phí nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian khi tính ra đồng tiền nội địa. Ngoài ra, việc giá dầu trên thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua đã khiến Chính phủ Việt Nam cắt giảm trợ giá xăng dầu và điện. Kết quả là giá xăng và dầu diesel tăng lần lượt 17% và 24% trong tháng 2/2011, còn giá điện thì tăng 20% trong tháng 3/2011. Điều này đã làm chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa trong nước tăng vọt. Giá lương thực thực phẩm tăng 24% còn giá nhà và vật liệu xây dựng tăng 19% trong tháng 4/2011.

Giá cả tăng chóng mặt đã buộc các cơ quan hoạch định chính sách phải chuyển hướng mục tiêu chính sách từ chú trọng vào tăng trưởng sản lượng sang cắt giảm lạm phát. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất tái cấp vốn – lãi suất SBV áp dụng khi cho

các ngân hàng thương mại vay vốn – thêm 600 điểm cơ bản trong vòng 6 tháng vừa qua lên mức 14%/năm áp dụng từ tháng 5/2011. Cùng một lúc, SBV cũng tăng lãi suất tái chiết khấu – lãi suất mà SBV trả cho các NH thương mại trên các khoản dự trữ đặt tại SBV – thêm 700 điểm cơ bản lên mức 13%/năm. Chính phủ còn cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ mức 7%-7,5% xuống 6,5%, tương đương với mức tăng trưởng của năm ngoái.

Dự báo SBV sẽ còn tiếp tục tăng các mức lãi suất cơ bản trong thời gian còn lại của năm, tuy nhiên vẫn đảm bảo việc kiềm chế lạm phát và tăng chi phí vốn sẽ không làm ảnh hưởng quá mạnh đến tăng trưởng kinh tế.

Áp lực phá giá đồng Việt Nam

Việc duy trì ổn định tỷ giá hối đoái vẫn sẽ là một thách thức đối với các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam trong năm nay. Lạm phát tăng đã làm suy giảm niềm tin vào đồng Việt Nam; các hộ gia đình và doanh nghiệp đều tìm cách giảm bớt lượng nắm giữ tiền đồng bằng cách tích trữ ngoại tệ và vàng. Áp lực phá giá đồng Việt Nam đã khiến các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam phải thực hiện phá giá đồng Việt Nam tới 4 lần kể từ tháng 11/2009 cho đến nay, tổng cộng làm giảm khoảng 20% giá trị của đồng tiền này. Việc điều chỉnh dải tỷ giá từ 18.932 đồng Việt Nam/USD xuống 20.693 đồng Việt Nam/USD vào tháng 2 vừa qua là mức phá giá mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Để thu hút người dân gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định áp dụng lãi suất tiết kiệm tối đa 3%/năm đối với cá nhân gửi ngoại tệ và 1%/năm đối với các tổ chức phi tín dụng gửi ngoại tệ từ tháng 4/2011. SBV cũng tăng mức yêu cầu các ngân hàng giữ lại giá trị ngoại tệ gửi vào bằng tiền mặt từ 2% lên tới 3%-6% trước khi cho vay. Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam có mức lãi suất lên tới 14%/năm.

Dự trữ ngoại hối giảm dần

Nhu cầu nắm giữ đồng Việt Nam suy giảm có liên quan chặt chẽ tới việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang thu hẹp lại. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tháng 10/2010 là 13,6 tỷ đô la Mỹ, giảm từ mức 26,4 tỷ đô la Mỹ tínhtại tháng 3/2008. Việc dự trữ ngoại hối giảm đã không cho phép SBV có đủ lực để hỗ trợ giữ giá đồng Việt Nam trên thị trường ngoại hối.

Dự trữ ngoại hối giảm khiến căn bệnh thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam trở thành tiêu điểm chú ý, đặt ra câu hỏi về khả năng quốc gia này có thể tài trợ các khoản nhập khẩu. Thâm hụt thương mại của Việt Nam tăng dần trong các năm gần đây; thâm hụt tài khoản vãng lai hiện tăng từ mức 0,3% GDP vào năm 2006 lên tới 12% GDP vào năm 2008 và có thu hẹp xuống mức vẫn còn cao là 6% GDP vào năm 2009. Như vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu như các nhà đầu tư nước ngoài hiện rất lo ngại về rủi ro tiền tệ và việc khủng hoảng cán cân thanh toán có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian tới. Tiền đồng Việt Nam sẽ còn tiếp tục chịu áp lực phá giá chừng nào lạm phát chưa giảm và thâm hụt thương mại chưa được thu hẹp.

Giảm thâm hụt thương mại

Sức mạnh xuất khẩu của Việt Nam hiện nằm ở các sản phẩm sử dụng lao động giá rẻ và các nguyên liệu thô như dầu thô và than. Xuất khẩu tăng từ mức 55% GDP vào năm 2000 lên tới 70% vào năm 2009. Việt Nam là nước xuất khẩu chính các mặt hàng dệt may và lương thực thực phẩm như gạo và hải sản, và các nguyên liệu thô như than và dầu thô. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc.

Giá trị gia tăng thêm từ xuất khẩu là thấp do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thường có hàm lượng nhập khẩu cao. Ngoài ra, việc Việt Nam phụ thuộc vào tư liệu sản xuất nhập khẩu khiến cho nước này khó có thể giảm thâm hụt thương mại kinh niên thông qua biện pháp phá giá đồng tiền. Khi thực hiện phá giá, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu thường bị trung hòa bởi tốc độ tăng giá trị nhập khẩu tương ứng. Như vậy, giải pháp dài hạn đối với vấn nạn thâm hụt thương mại của Việt Nam là phải thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn.

Hiện có một số sản phẩm xuất khẩu có lượng giá trị gia tăng cao như các bộ phận máy tính và thiết bị điện tử có mức tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên tỷ trọng của các sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn nhỏ. Các lĩnh vực sản xuất mới này hiện đang được tài trợ bởi các luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam và có thể trở thành các sản phẩm xuất khẩu chính trong thời gian tới. Chẳng hạn như, công ty Intel của Mỹ đã mở một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm trị giá 1 tỷ đô la Mỹ, nhà máy lớn nhất của công ty này trên thế giới, tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm ngoái.

Tiếp tục tăng trưởng ở mức khiêm tốn trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam dự kiến sẽ vượt mức 6% tuy nhiên sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trên 8% của giai đoạn 2005-2007. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ làm giảm tốc độ tiêu dùng và đầu tư, do đó kéo chậm lại tăng trưởng kinh tế, song song với quá trình các cơ quan hoạch định chính sách đang cố gắng hãm phanh lạm phát và thu hẹp thâm hụt thương mại.Hồi phục kinh tế toàn cầu có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và đợt phá giá tiền tệ gần đây đã giúp giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ cần phải cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản để dẹp bỏ e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về tình hình cán cân thanh toán của Việt Nam.

Nhìn dài hạn hơn, Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hỗn hợp hiện tại của mình theo hướng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, điều này sẽ hỗ trợ việc tạo ra của cải và giảm bớt sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu. Tiếp tục cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước (SOEs) có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tính cạnh tranh quốc tế của các tổ chức này và hỗ trợ sự phát triển của một khu vực xuất khẩu đột phá. Việc Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam Vinashin không thanh toán được khoản nợ 60 triệu đáo hạn cuối năm ngoái cho thấy các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả và do đó làm nặng thêm gánh nợ quốc gia của Việt Nam./.

M. C.

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn