Trở lại chuyện cái chết bất thường của anh Nguyễn Công Nhựt

Có thể nói, gần đây những hiện tượng vi phạm về đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp và cả vi phạm pháp luật trong ngành công an, cảnh sát có mật độ ngày càng dày hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn; đã có một số trường hợp người dân bị thiệt mạng vì những vi phạm này” (Nguyễn Huy Cường). Cách khái quát của nhà báo, theo chúng tôi, còn quá nương nhẹ đấy. Hiện tượng người dân vô tội chết dưới tay công an đã không còn hiếm hoi nữa trên khắp đất nước, và dây thần kinh của mọi người từ lâu rồi đã trở nên căng thẳng vượt quá sức chịu đựng. Người có nhân phẩm cảm thấy đang sống trong một không khí “bị khủng bố” chứ không bình thường. Nên nhớ dưới thời thực dân Pháp cai trị, theo lời cố GS Đinh Gia Khánh, thanh niên học sinh đi chơi đêm đến hai ba giờ sáng ở giữa Hà Nội vẫn hết sức thoải mái yên tâm vì tính mạng hoàn toàn được bảo đảm và lính cu lít là lực lượng chịu trách nhiệm trước nhà cầm quyền sự yên ổn về mặt tinh thần ấy của người dân. Cực kỳ hiếm hoi mới xảy ra một vụ án mạng, mà khi có một vụ như thế thì là chuyện tày đình, khắp Nam cùng Bắc đều xốn xang, ghê sợ. Đó mới là một xã hội thanh bình, trong đó cái quyền được sống của mọi con người được cơ quan an ninh Nhà nước coi là mục tiêu quan trọng. Bây giờ thì sao? Người bảo vệ tính mạng cho dân lại là nguyên nhân gieo chết chóc kinh hoàng cho dân, thế thì kỷ cương còn đâu nữa? Ai được lợi trong việc này? Người dân lành hẳn có quyền thắc mắc: Có chủ trương từ đâu hay không mà tràn lan như vậy?

Bauxite Việt Nam

1. Cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt dưới con mắt Luật sư

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Tiếp tục cập nhật vụ án Nguyễn Công Nhựt có nghi vấn bị tra tấn đến chết và tạo hiện trường giả để kết luận rằng nạn nhân tự tử.

Mới đây Văn phòng Luật sư Vì Dân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội đã có văn thư chính thức gửi cho Giám đốc Công an và Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương thông báo Văn phòng đã chấp nhận yêu cầu của vợ nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền để tư vấn và bảo vệ quyền lợi cho gia đình chị. Mặc Lâm phỏng vấn Tiến sĩ LS Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân để biết rõ hơn về vấn đề này.

Về bức thư tuyệt mệnh

clip_image002

Chị Tuyền và di ảnh chồng. Photo courtesy of news.go.vn

Mặc Lâm: Thưa LS, chúng tôi được biết Văn phòng Luật sư Vì dân vừa gửi văn bản cho Giám đốc Công an và Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Dương, qua nội dung của văn thư này, việc liên quan thứ nhất về sự mất mát của Công ty Kumho thì LS đặt câu hỏi về thẩm quyền điều tra của công an huyện Bến Cát là không đúng với thẩm quyền của cấp huyện, xin LS giải thích rõ hơn về điều này.

LS Trần Đình Triển: Trước hết ở đây liên quan đến đối tượng nước ngoài, trong bộ Luật tố tụng hình sự quy định thuộc thẩm quyền xét xử của ai. Ở đây với giá trị như lời của một số nhân chứng cho rằng liên quan đến khoảng 7 tỷ bạc và đấy là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì nếu là hình sự thì thẩm quyền xét xử phải từ cấp tỉnh hay thành phố trở lên. Nếu Tòa án cấp nào xét xử thì cơ quan của cấp đó mới có quyền tiến hành điều tra.

Ở đây không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện vì có liên quan đến đầu tư nước ngoài. Trong hướng dẫn của Bộ Công an về thẩm quyền điều tra cũng đã nói rất rõ điều đó. Cơ quan điều tra an ninh hoặc cơ quan cảnh sát điều tra của cấp tỉnh, thành phố trở lên chứ không thuộc thẩm quyền điều tra của công an cấp huyện.

Tôi đặt ra dấu hỏi đó để họ trả lời chứ còn về mặt luật lệ thì nó đã rất rõ.

Mặc Lâm: Thưa khi bắt tay vào việc tư vấn và bênh vực quyền lợi cho gia đình nạn nhân thì LS nhận xét về bức thư tuyệt mệnh được cho là của anh Nhựt có dấu hiệu gì sai trái hay không?

LS Trần Đình Triển: Trước hết đối với công tác tạm giữ thì người bị tạm giữ phải được quản lý rất chặt chẽ. Những đồ dùng của họ cũng như những gì trong nhà tạm giữ phải cất đi để đảm bảo an toàn cho công tác tạm giam tạm giữ. Cho nên việc viết một lúc hai bức thư ba bốn trang như vậy thì giấy bút ở đâu? Đấy là một dấu hỏi đặt ra. Thứ hai nữa là nội dung trong bức thư mà tôi [đã] đọc cả hai thì nó có những dấu hiệu rất mất bình thường. Ở đây cũng cần phải làm rõ, tôi, với tư cách là Luật sư thì chưa trả lời được là chữ viết của anh Nhựt hay không mà phải chờ kết luận khách quan của cơ quan khoa học để xem rằng chữ viết có phải là chữ của anh Nhựt hay không.

Tuy nhiên tôi không quan tâm lắm đến có phải là chữ của anh Nhựt hay không mà tôi quan tâm đến nội dung của bức thư nó có dấu hiệu không phải của một người bình thường. Anh Nhựt là một người rất có học, có trình độ mà viết một bức thư có nội dung lủng củng như vậy và có câu từ không chuẩn xác như thế. Đồng thời cái đó nó phải phù hợp với dấu vết trên thân thể của anh Nhựt.

Mặc Lâm: Còn dấu vết để lại trên thi thể của anh Nhựt thì sao, có nói lên điều gì hay không thưa Luật sư?

LS Trần Đình Triển: Trong quá trình xem xét các vết tích, trên thi thể của anh Nhựt mà theo như gia đình và các bức ảnh tôi đã được xem thì có những dấu hỏi rất lớn đặt ra: cái chết của anh Nhựt có phải tự sát hay do một nguyên nhân nào đó.

Cuộn băng thu âm gạ tình

clip_image004

Công ty Kumho, nơi anh Nhựt làm việc trước khi bị CA bắt giữ và tử vong . Photo courtesy of news.go.vn

Mặc Lâm: Cho tới giờ này thì LS đã nhận được kết quả khám nghiệm tử thi của anh Nhựt hay chưa?

LS Trần Đình Triển: Đến bây giờ thì tôi chưa nhận được và theo như cả chị Tuyền vợ anh Nhựt và gia đình thì cũng chưa nhận được bất cứ một kết quả gì, kể cả biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xem xét về chụp ảnh trên thi thể của anh Nhựt cũng như kết quả giám định tử thi… gia đình và luật sư cũng chưa nhận được một cái gì cả.

Tôi dự định là ngày mùng 9 tôi vào làm việc tại Bình Dương, lúc ấy tôi sẽ yêu cầu cung cấp những tài liệu đó theo quy định của pháp luật cho gia đình của anh Nhựt.

Mặc Lâm: Thưa LS, về cuộn băng thu âm của công an viên tên Phú gạ tình chị Tuyền thì anh ta đã xác nhận là chính tiếng nói của anh ta nhưng lại nói rằng là nói giỡn. Lãnh đạo công an Bến Cát lên tiếng sẽ kỷ luật anh ta, liệu biện pháp kỷ luật có đủ để áp dụng vào hành động này của đương sự hay không?

LS Trần Đình Triển: Ở đây trong nội dung đó không thể là nói đùa được bởi vì theo chị Tuyền cho biết trong thời gian đó có tới 8 cuộc điện thoại từ ông Phú. Trước hết về hành vi, về mặt luật pháp thì đây là hành vi cưỡng dâm trước đã. Tức anh đặt người ta trong một bối cảnh bức bách để đặt ra điều kiện quan hệ tình dục với người khác nhưng chưa đạt là bởi vì do chị Tuyền là người chống lại việc đó chứ không phải là do cái ý chủ quan của người gọi điện thoại.

Đồng thời trong điện thoại đó lại còn có một yếu tố nữa là gạ người ta bán đất đi để lo liệu thì đây là một hành vi đòi hối lộ. Với những hành vi như vậy đủ để xử lý mặt hình sự chứ không phải chỉ có hành chính là tước đảng tịch hoặc đuổi ra khỏi ngành dù họ là công an hay là ai đi nữa.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Luật sư.

Nguồn: rfa.org

2. Nếu đùa, phải nặng tay hơn!

Nguyễn Huy Cường

(Tamnhin.net) - Nhiều “loại” lỗi xuất phát từ đùa giỡn, có thể xem là nhẹ nhàng, hình phạt chỉ vừa đủ răn đe nhưng với kiểu đùa dưới đây của vị Thiếu tá công an ở Bình Dương, cần phải “trị” thẳng tay.

clip_image005

Có thể nói, gần đây những hiện tượng vi phạm về đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp và cả vi phạm pháp luật trong ngành công an, cảnh sát có mật độ ngày càng dày hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn; đã có một số trường hợp người dân bị thiệt mạng vì những vi phạm này.

Có thể lí giải một phần cho sự “gia tăng” có thật và đáng buồn này là công tác xử lí, giáo dục cán bộ, chiến sĩ của ngành chủ quản.

Nếu làm tốt, nhân dân sẽ tin yêu chế độ, tôn phục kỷ cương hơn. Ngược lại, nếu cứ “làm” kiểu xưa nay, từ “khiển trách” đến sa thải ra khỏi ngành là xong, đó có thể là nguyên nhân tạo tiềm năng vi phạm về sau.

Nếu xem như đùa

Việc Thiếu tá Nguyễn Thành Phú của Công an tỉnh Bình Dương giải thích với cơ quan chủ quản và công luận việc anh ta gọi điện thoại đề nghị được “tươi mát” với vợ nghi phạm đang nằm trong tay mình chỉ là “nói đùa” có thể là lời nói dối trá, lối bao biện rất thô thiển, khó tránh được sự truy xét của cơ quan thẩm quyền (nếu làm nghiêm túc). Nhưng trong bài viết này, tôi đi theo hướng tin rằng anh ta… đùa.

Thiếu tá Nguyễn Thành Phú dư biết rằng, ai cũng có thể đùa giỡn nhưng cách đùa với… vợ một người trong vòng lao lý, đang nằm trong tay mình và đứng trước nguy cơ biến thành một bi kịch gia đình (vài ngày sau, bi kịch đó đã trở thành sự thật khi nghi phạm này tử vong) thì kiểu “đùa” này, nếu đùa… thật, là một sự đùa giỡn dã man không kém những hình ảnh trong văn học, khi người phụ nữ phải đem thân xác, tài sản của mình ra chuộc tội cho chồng trước những bi kịch tương tự.

Cho dù Thiếu tá Phú đùa, nhưng nếu người phụ nữ kia có nhan sắc, có tiền… trước áp lực của vụ việc đang ảnh hưởng đến danh dự, sinh mạng, tài sản của chồng mình, thì việc chuyển đùa thành thật sẽ dễ như bỡn.

Khi đó, người phụ nữ tội nghiệp kia có thể nghiến răng cam chịu đánh đổi mọi thứ để chồng mình nhẹ tội.

Chặn đứng “tiềm năng”

Từ vụ việc một số cảnh sát ở khu vực Yên Viên – Hà Nội năm nào chặn bắt một thanh niên, buộc ghi giấy nhận nợ và bức bách phải chi tiền sặc mùi xã hội đen đến vụ một chức trách tầm cao dính dáng đến tội phạm ma túy và pháp luật phải xử lí, vụ “gạ tình - bán đất cứu chồng” ở Bình Dương là một sự cảnh báo khẩn thiết.

clip_image006

Những năm vừa qua, đây đó đã xuất hiện hiện tượng người dân phản ứng thái quá, thậm chí nhục mạ hay chống lại cảnh sát, công an đang làm nhiệm vụ. Ngoài những tình tiết cụ thể kích động những hành vi đó, phải kể đến tâm lý bất phục của người dân khi chứng kiến hoặc thấy thông tin trên báo chí, truyền hình những hình ảnh không vui như: chỉ vì ai đó không đội mũ bảo hiểm cũng có thể dẫn đến xô xát, bị mời về đồn rồi “đi” luôn.

Hy vọng công an Bình Dương sẽ sớm làm rõ hành vi của Thiếu tá Phú. Nếu đủ thông tin, đủ chứng cứ nên sớm kéo anh ta về vị trí ‘thật” thì hay hơn để ở tình tiết “đùa”.

Khi là thật, rõ nét là một cán bộ thoái hóa, biến chất, không còn hình ảnh người công an nhân dân nữa, phải xử lí.

Nhưng nếu chấp nhận đó là “đùa” thì thật cay đắng, vì sau khi xem xét, xử lí; sau khi “khiển trách” hoặc hạ một, hai sao trên quân hàm, ngành công an vẫn còn sự hiện diện của một sĩ quan “dám” đùa với người phụ nữ đau khổ kia, ngay cả khi chị ta đang ở bước đường cùng.

Như vậy, ít nhiều xúc phạm đến danh dự của một ngành vốn là niềm tin yêu của nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho chế độ.

Bài và ảnh: N.H.C.

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn