Truyền thông lịch sử: không thể cứ “dạy chay” và “đóng hộp”

Hồ Quang Lợi

clip_image002

Ông Hồ Quang Lợi.

 

LTS. Là nhà báo kỳ cựu (Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập Hà Nội mới), ông Hồ Quang Lợi hiện trên vai trò trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến truyền thông lịch sử, văn hóa trong bối cảnh thông tin trên mạng tràn lan, nhiều khi lấn át thông tin chính thống… Nhân kỷ niệm 36 năm ngày thống nhất đất nước, ông đã bày tỏ một số băn khoăn về nhận thức lịch sử của thế hệ trẻ và nhấn mạnh “bản thân các em không có lỗi”.

Không thông tin một chiều, áp đặt

Đất nước ta đang ở giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, trong ngoài đều có nhiều làn sóng thông tin tác động mạnh. Các giá trị văn hóa, lịch sử luôn đứng trước sự xô đẩy nhiều chiều của những cơn bão thông tin, những con sóng ngoại lai. Trong chừng mực nào đó, nếu một đất nước, một dân tộc không biết gìn giữ, bảo vệ đúng cách và hiệu quả, những con sóng thông tin nguy hiểm và không chính thống vẫn có thể làm chao đảo con thuyền chuyên chở những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn đời tưởng như bất biến. Chúng ta không thể không thấy rằng, thường thì đối tượng chịu tác động nhất ở đây chính là những người trẻ – những công dân của thời đại công nghệ thông tin và đại dương hội nhập mà những sự biến xảy ra gần đây ở Bắc Phi, Trung Đông là ví dụ nhãn tiền!

Với cung cách giáo dục truyền thống, truyền thông lịch sử, văn hóa như chúng ta đang làm, có những cái tốt, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ một số bất cập. Lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ không còn hấp dẫn ở mức cần thiết với lớp trẻ, khi những thông tin không chính thống bên ngoài lấn át vì chúng có vẻ “hấp dẫn hơn”, “hay hơn”, thậm chí là những thông tin được thêu dệt có mục đích, nửa hư nửa thực, không cần đúng sai miễn là gây được tò mò!

Ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… tôi thấy cách giáo dục, truyền thông lịch sử, văn hóa dân tộc của họ thật tuyệt vời. Người ta trân trọng từng viên gạch của quá khứ. Trung Quốc không chỉ giữ gìn, bảo tồn một cách hiệu quả những di tích lịch sử của họ, mà cách họ “sử hóa” được văn học và điện ảnh một cách sống động và chuyển tải được nhiều sự kiện lịch sử đến công chúng cũng đáng học hỏi. Điều đó có nghĩa, có thể giáo dục, truyền thông lịch sử bằng nhiều cách chứ không nhất thiết thông qua công cụ sách giáo khoa ở nhà trường và các tài liệu chính thống khô khan. Lịch sử bao hàm trong đó số phận một đất nước, một dân tộc, một vùng đất… chứ không chỉ đơn thuần là một cuốn biên niên sử ghi ngày nọ ngày kia xảy ra cái gì ở đâu và ý nghĩa của nó một cách máy móc, theo hiểu “đóng hộp”. Phải làm sống động trở lại những sự kiện lịch sử thông qua những câu chuyện, những con người có số phận cụ thể. Do vậy, cái đầu tiên phải thay đổi là cách thức truyền thông: ngoài học sử trong nhà trường, phải đa dạng hóa cách thức và phương thức chuyển tải các giá trị văn hóa, lịch sử bằng văn học nghệ thuật (ví dụ: tiểu thuyết lịch sử) hay điện ảnh (phim lịch sử)… để những giá trị đó đi vào đời sống, đi vào lớp trẻ một cách tự nhiên, thấm thía nhất, chứ không thông tin một chiều, gò bó, áp đặt.

Đừng bi quan!

Nếu ở đâu đó, có chuyện một số bạn trẻ ngơ ngác không biết “chị” Trưng Trắc, Trưng Nhị là ai, thì hãy xem đó là một thất bại của giáo dục trong nhà trường. Đừng bi quan. Để từ đó thấy được những lỗ hổng có thật trong giáo dục và truyền thông lịch sử là trách nhiệm của người đi trước chứ bản thân các em không có lỗi. Ngay cả khi phim ảnh của chúng ta về đề tài lịch sử còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng, còn chưa đạt về mặt giá trị lịch sử, nghệ thuật, thì cũng phải thấy một điều rằng: chúng ta đã có chủ trương đúng, nhưng làm chưa được và trách nhiệm này thuộc về những người thực thi. Không có con đường nào nghiêm túc hơn là sự học hỏi, sự chuyên nghiệp của cả bộ máy truyền thông, ở bất kỳ khâu nào. Cũng không có cách truyền thông nào thay thế được sự truyền thông không phải bằng lời của chính các di tích lịch sử. Nếu lịch sử không còn gì để chúng ta nhìn thấy, sờ thấy thì đó là một mất mát lớn vì mọi lời nói luôn có thể nay nhớ mai quên. Do vậy truyền thông lịch sử phải càng chú ý truyền thông bảo vệ tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa như những gia tài vô giá mà cha ông để lại.

Thời đại thông tin mà bưng bít thông tin thì cũng như đi giữa đại dương mà không có la bàn .

Đây là thời điểm chúng ta cần phát huy tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng, coi đó là những vũ khí lợi hại có sức chuyển tải mạnh mẽ nhận thức và tình cảm của công chúng, trong đó có giới trẻ, đối với truyền thống dân tộc. Bản thân những phương tiện này cũng phải luôn đổi mới một cách năng động và sáng tạo.

Bản lĩnh nào trước ma trận thông tin?

clip_image004

Đối tượng chính của truyền thông lịch sử phải là thế hệ trẻ. Ảnh: trimethylxanthine2 (Flickr)

 

Chuyện “ma trận thông tin”, khiến công chúng trẻ không khỏi bị bối rối, bị “nhiễu sóng”, khó phân biệt hư thực, khó nhận ra đâu là chính sử và đâu là dã sử… là vấn đề rất khó. Nhưng, điều đầu tiên, là đòi hỏi ở những công dân trẻ của chúng ta phản ứng tự vệ cần thiết – một phẩm chất của người yêu nước khi đứng trước những thông tin trái với thông tin chính thống, chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc. Muốn vậy, họ phải được trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa đủ để nhận ra được cái gì đúng, sai, cái gì cần phải nghi ngờ và kiểm chứng…

Về vai trò của người làm sử, viết sử hiện nay đối với trách nhiệm truyền thông lịch sử, tôi nghĩ rằng: những giá trị, cứ liệu lịch sử đã được khẳng định thì phải được truyền bá; còn những tư liệu nào chưa được kiểm định thì phải tiếp tục được soi rọi, kiểm định, bổ sung… trên nguyên tắc nhìn nhận, đánh giá về lịch sử phải khách quan và khoa học. Lịch sử như thế nào phải được nhìn nhận và truyền thông như thế ấy, phải được tiếp nhận theo đúng quy trình: nghiên cứu, khảo nghiệm, hội thảo, đánh giá, kết luận. Chỉ công bố những thông tin đã có kết luận rõ ràng. Nếu ai cũng có quyền tung lên mạng mọi thông tin mà họ có, những tư liệu lịch sử mà họ cho là đúng, thì e rằng mọi giá trị sẽ bị đảo lộn, niềm tin sẽ bị lung lay…

Một vấn đề nữa: những bí mật lịch sử sau bao nhiêu năm thì có thể công bố? Ở ta một cô văn thư cũng có quyền đánh dấu mật lên một công văn để từ chối cung cấp thông tin; một số người có trách nhiệm phải thông tin về những điều mà dư luận quan tâm và luật pháp cho phép cũng sử dụng cách này để lẩn tránh nghĩa vụ…

Thời đại thông tin mà bưng bít thông tin thì cũng như đi giữa đại dương mà không có la bàn. Bởi vậy, rất cần những ngọn “hải đăng” thông tin. Và đó là một trong những trách nhiệm của những người làm truyền thông lịch sử – không chỉ với cổ sử, mà cả với sử đương đại…

H.Q.L. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn