Lại đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

Lại đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

Vũ Danh Phóng viên BVN (Ảnh và bài)

clip_image030[1]

Lên sân Công viên Lê Nin. Ảnh: Phan Dương Hiệu & Vũ Dương

Ngay sau vụ Viking 2, GS Nguyễn Huệ Chi gọi điện cho tôi nói: Tình hình có vẻ khẩn trương đấy, hãy chuẩn bị tinh thần để nếu cần thì đi biểu tình một lần thứ hai. Tôi hồi hộp và cũng sung sướng như mở cờ, vì nếu lại được đi biểu tình thì lần này có điều kiện để chụp những bức ảnh “nóng” hơn lần trước, vì lần trước hơi chủ quan nên không chụp được nhiều, lại về hơi sớm nên bỏ qua đi mất những pha quan trọng trên suốt tuyến đường đoàn biểu tình tuần hành. Điều không ngờ là khi tôi sang trao đổi cho rõ thêm về những điều GS định phân công cho mình ngày mai thì anh Huệ Chi nói ngay: “Mai mình cũng sẽ tham gia. Những cuộc như thế này mà ỷ thế tuổi tác nằm nhà là một thiếu sót lớn trong cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng. Danh cứ có mặt ở đây vào lúc 6 giờ rưỡi, chúng ta cùng xuất phát. Chịu khó chở mình với nhé”. Thế thì còn gì nữa. Hôm trước mới là quân chứ hôm nay đã xuất tướng rồi thì khỏi bàn, tôi sẽ làm hết sức mình dưới sự điều hành trực tiếp của anh.

Đúng 6 giờ rưỡi sáng chúng tôi đã nai nịt gọn ghẽ và lên đường. Vì là sáng Chủ nhật nên dù trời đã sáng bạch mà đường vẫn vắng vẻ, xe chúng tôi chạy bon bon, đi thẳng một mạch từ Đội Cấn lên Điện Biên Phủ rất nhanh. Nhưng đến gần Điện Biên Phủ thì điện thoại di động reo. Đầu bên kia Nguyễn Xuân Diện cho biết: “Thầy ơi, có thể Quán café Cột Cờ nó đóng cửa đấy, chúng ta hãy đổi sang Quán café Trung Nguyên ở số 36, cứ đến đấy chờ nhau”. Chẳng sao. Cũng gần cả thôi mà. Nhưng trời còn sớm chán, hãy rảo qua một vòng quanh Công viên Lê Nin xem binh tình đã chứ. Trời ơi, người biểu tình thì chửa thấy đâu nhưng lực lượng an ninh đã đông đặc. Xe cảnh sát đậu đầy từ ngã tư Hoàng Diệu cho đến tận ngã tư Trần Phú và Điện Biên. Lực lượng đeo băng bảo vệ ngồi đặc các góc phố, các vệ đường. Cảnh sát cơ động đứng rải đầy dọc theo Công viên, giữa sân lát đá Công viên cũng chỉ công an là công an. Thế này thì có vẻ gay go, họ đã chuẩn bị đâu vào đấy, khó mà “làm ăn” được với họ đây. Chúng tôi đi quành lại, đến số 36, cả khu vườn café còn rất vắng vẻ, tìm vào một hàng ghế ngoài vườn, ngồi chờ mọi người tụ tập xem sẽ đối phó thế nào.

clip_image002[1]

clip_image004[1]

clip_image006[1]

clip_image008[1]

clip_image010[1]

clip_image012[1]

clip_image014[1]

clip_image016[1]

Một chốc thì bắt đầu lục tục đến. Nguyễn Xuân Diện, Phạm Xuân Nguyên, nhiều anh em trẻ, hai mẹ con chị H và nhiều người khác, toàn thanh niên. Diện giới thiệu: “Đây, Mạnh Thường Quân của chúng ta đây. Chị H sẽ cung cấp cho chúng ta 1.000 chai nước và 1.000 ổ bánh mỳ kẹp thịt, không sợ khát hoặc đói nữa, có thể đi đến chiều”. Ai nấy ồ lên vui mừng. Lại một cái đầu trắng xuất hiện. Ai thế? Anh Huệ Chi reo lên: “A, anh Hiển, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt. Có mặt anh là thêm một sức mạnh cho chúng ta rồi”. Đang tay bắt mặt mừng thì điện thoại Nguyễn Xuân Diện đổ chuông: Hóa ra Nhà hàng café bên Cột Cờ đã mở. “Mở rồi à?” “Thế này thì chắc thuận lợi chứ không khó khăn lắm đâu”. Lập tức bảo nhau kéo sang Café Cột Cờ vì ở đấy mới tiếp cận nơi biểu tình nhanh chóng và “cơ động” được. Trên đường đi, nhìn thấy số lượng công an vẫn đông nghịt chứ không có gì thay đổi, có khi còn dày đặc hơn. Mặc, cứ vào đây ngồi chờ lúc nữa xem sao. Chúng tôi không chui vào trong quán mà xuyên ra sau, đi tuốt lên một bệ cao, ngồi vào các ghế băng để đợi đông người hơn, cũng để dễ quan sát tình hình bên kia.

clip_image018[1]

Tại quán café Cột Cờ nhìn sang Công viên Lê Nin. Người tóc trắng đứng giữa là GS Phạm Duy Hiển

clip_image020[1]

Nhóm phóng viên hãng Reuteurs đang hỏi về những câu khẩu hiệu trên bức ảnh ĐT Võ Nguyên Giáp

Người kéo đến lác đác, có cả hai người Âu mang theo máy ghi hình cùng chân chống, hỏi ra mới biết là phóng viên hãng Reuteurs. Đến 8 giờ thì đã được khoảng vài chục người. Sốt ruột quá! Nhìn sang bên kia thấy lực lượng CSCĐ áo xanh cứt ngựa, đội mũ bảo hiểm đi lại nườm nượp mà có phần lo ngại, vì bên mình có chừng ấy mống thì quá mỏng manh, không khéo làm trò cười cho họ. Nhưng đã đến giờ rồi. Một người nào đấy hô lên: Chúng ta cứ xuống đường xem nào, việc gì mà băn khoăn. Rất nhanh chóng mấy thanh niên đổi ngay áo đang mặc sang áo phông đỏ có ngôi sao vàng, rút cờ ra và tất cả ào xuống, đứng bên này đường vài phút rồi mạnh dạn bước hẳn sang bên kia đường. Ồ, hóa ra người đi biểu tình đang lảng vảng xung quanh đây cả, như một tín hiệu, nhìn thấy người ra là những ai đứng lẻ loi đây đó trên quãng đường này đều rút hết băng cờ giương lên và gia nhập ngay vào hàng ngũ, con số đột ngột tăng, đã có đến năm bảy mươi người. Lực lượng CSCĐ dồn đến ngay. Nhưng mà lạ, sao lần này họ có vẻ nhẹ nhàng, mặt không gườm gườm như Chủ nhật tuần trước. Không một tiếng quát nạt, cũng chẳng một dùi cui nào chĩa ra cả. Các bạn ấy chỉ nói: “Các bác các anh chị biểu tình thì nên đi ở dưới lề đường, trên khoảng sân công viên đã có lệnh ngăn lại, đừng lên đó”. GS Huệ Chi lên tiếng: “Công viên là nơi vui chơi công cộng, chúng tôi có quyền lên chứ, chúng tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì phải đến gần Đại sứ quán Trung Quốc kia kìa, để giơ khẩu hiệu lên họ mới nhìn thấy, đứng đây có được gì đâu”.

Và thế là cả đoàn bước hẳn lên Công viên khiến anh em CSCĐ phải rẽ ra cho mọi người đi. Không ai bảo ai đoàn người cứ lừng lững tiến về phía bãi cỏ gần Cổng ĐSQ Trung Quốc, và người đến tham gia càng đông, chỉ một chốc đã có đến khoảng 200 người.

.

clip_image022[1]

Bắt đầu xuống đường

clip_image024[1]

Sang đường

clip_image026[1]

Sang đường

clip_image028[1]

Chúng tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì phải đến gần Đại sứ quán Trung Quốc đằng kia kìa.

clip_image032[1]

clip_image034[1]

clip_image036[1]

Phóng viên nước ngoài và trong nước bắt đầu đổ tới tác nghiệp

Không ngờ mấy vị Giáo sư hăng hái thế, đi vượt lên trước cánh trẻ, vì thế mà có tin đưa ngay lên mạng là cuộc biểu tình do GS Nguyễn Huệ Chi và GS Phạm Duy Hiển cầm đầu, kỳ thực ai cũng biết hai vị cũng chỉ là người tham gia chứ chẳng hề “cầm” ai. Mà không chỉ có hai vị, lực lượng trí thức lần này không ít, còn có GS Hoàng Xuân Phú và GS Nguyễn Yên Đông đều ở Viện Toán học giương cao một tấm biểu ngữ rất lớn. Tất cả mọi người tụ tập lại trên những mô đất dưới bóng cây và khác hẳn lần trước, hàng loạt tiếng hô khẩu hiệu bắt đầu vang vang: Việt Nam – Hoàng Sa / Việt Nam – Trường Sa / Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải / Đả đảo Trung Quốc gây hấn / Việt Nam muôn năm... cứ lặp đi lặp lại, ngân rền không dứt. Các hãng tin, hãng truyền hình phương Tây, Nhật Bản, và cả một nữ phóng viên Trung Quốc cũng len vào tác nghiệp, cô này chỉ chụp ảnh, ghi hình còn các hãng khác thì phỏng vấn nhiều người ngay tại chỗ; hai phóng viên Nhật Bản quây lấy GS Huệ Chi và nhiều cư dân mạng cũng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh, xúm lại quanh anh chào hỏi và bắt tay, trong khi anh cố sức thoát khỏi tình thế bị “vây bủa” bằng cách giới thiệu GS Hiển đứng ngay bên cạnh: “Đây, GS Phạm Duy Hiển đây mới quan trọng, người vừa lên tiếng trên trang mạng chúng tôi yêu cầu Nhà nước lùi việc xây nhà máy hạt nhân lại 10 năm nữa, cốt tránh cho đất nước một tai họa như Nhật Bản”. Người ta ồ lên trầm trồ.

clip_image038[1]

Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image040[1]

Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image042[1]

Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image044[1]

Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image046[1]

Người tiếp nối đi theo

clip_image048[1]

Người tiếp nối đi theo

clip_image050[1]

Người tiếp nối đi theo

clip_image052[1]

Các bạn trẻ tiếp nối đi theo

clip_image054[1]

Các bạn trẻ tiếp nối đi theo

clip_image056[1]

Đã đến nơi cần đến

clip_image058[1]

Đã đến nơi cần đến

clip_image060[1]

Đã đến nơi cần đến

clip_image062[1]

Vòng ngoài

clip_image064[1]

Vòng ngoài

Thế rồi một người cất lên tiếng hát trầm hùng. Mọi người hát theo. Ai cũng hát đến vỡ giọng các bài Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Dậy mà đi ơi đồng bào ơi ... hát đi rồi hát lại vì sau ngần ấy năm những bài hát hùng tráng khác người ta hình như chỉ còn nhớ lõm bõm, người nào hứng chí chỉ được vài câu lại quên tịt nên đám đông lại đành hát trở lại bài vừa hát xong. Hát và hô khẩu hiệu cứ thế xen nhau một lúc lâu rồi cũng phải dừng vài phút để thở. Thì bỗng một người nào đó cất tiếng rất to hô từng câu rành rọt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, cả đám đông ầm vang đáp lại: Nam đế cư ư ư ư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thưTại thiên thư ư ư ư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm lai xâm phạm ạm ạm ạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư thủ bại hư ư ư ư. Người có cái giọng trầm hùng ấy lại chuyển sang hô bằng tiếng Việt: Sông núi nước Nam vua Nam ở vua Nam ở ở ở / Rành rành định phận tại sách trời – Tại sách trời ời ời ời / Giặc dữ cớ sao sang xâm phạm sang xâm phạm ạm ạm ạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời đánh tơi bời đánh tơi bời đánh tơi bời. Bài thơ có sức kích thích hứng khởi mạnh, lan tỏa hơn, trong khi đám CSCĐ đã bắt đầu rục rịch, hình như muốn mời đoàn biểu tình rút lui khỏi địa điểm quá “nhạy cảm”, không được phép đứng lâu. Lập tức Phạm Xuân Nguyên đứng lên một mô đất cao và hắng giọng đọc thơ tiếp. Anh đọc bài thơ của anh làm trong chuyến đi thăm Trường Sa vào năm ngoái gây một sự xúc động lan truyền trong những người đang vây quanh anh vòng trong vòng ngoài. Hết bài thơ ấy, anh bắt ngay sang bài Đất nước rất dài của Nguyễn Khoa Điềm, liên tiếp hết câu này bắt sang câu khác, đọc không cho miệng nghỉ. Mấy CSCĐ giơ tay xua mọi người nhưng có những tiếng nói nghiêm hơn ngăn lại: “Để cho người ta đọc hết thơ đã nào” và những bàn tay kia đành rụt lại. Đó chính là cách câu giờ tuyệt vời để được đứng đối diện với cổng Sứ quán TQ thêm một lúc nữa. Nhưng bài thơ dài đến đâu rồi cũng hết. Và lần này thì không còn tìm ra cách gì để cho đám CSCĐ nhân nhượng, vả lại cũng đã đứng đây dễ đến 45 phút. Họ không dùng dây như lần trước nhưng cậu nào cậu ấy áp sát nhau tiến lên và bà con biết ý đành lùi dần. Lại một cuộc dịch chuyển từ cổng Đại sứ quán TQ đến tượng Lê Nin khiến tôi chợt nghĩ đến cái tín hiệu cũ mà Chủ nhật trước đã từng ngẫm nghĩ: thôi thì đành phải rời quỹ đạo anh Tàu mà tiến đến gần anh Nga trước khi có thể bắt tay với anh Mỹ – mệnh lệnh lịch sử rõ ràng là như vậy chứ không còn có cách nào khác. Chúng tôi bảo nhau quay đầu để biến cuộc biểu tình thành một cuộc tuần hành và áp sát sau chúng tôi là cả một đội CSCĐ hình như... đi theo để tiễn chân. GS Huệ Chi còn dừng lại nói với họ: “Các cháu có nghĩ rằng làm thế này là làm nhục quốc gia hay không? Nhân dân chỉ muốn biểu dương lực lượng để bọn xâm lược biết quyết tâm sắt đá của cả nước chúng ta, thế mà lại đứng ra ngăn cản thì chỗ đứng của các cháu ở đâu?” Không một ai trong đám người “tiễn chân” đó có vẻ tức giận với câu nói của vị Giáo sư, có anh hình như lại hơi cười, ra ý “Chúng cháu biết cả, việc phải làm là làm thôi”. Và khi đến hết công viên Lê Nin thì họ cũng dừng lại.

clip_image066[1]

Đả đảo quân xâm lược Trung Quốc

clip_image068[1]

Đoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc

clip_image070[1]

Nhìn sau lưng đoàn biểu tình đang hô khẩu hiệu và hát

clip_image072[1]

Nhìn sau lưng đoàn biểu tình đang hô khẩu hiệu và hát

clip_image074[1]

Cảnh sát cơ động nhường bước cho đoàn biểu tình

clip_image076[1]

Họ đang nhòm ai và nghĩ gì đây nhỉ?

clip_image078[1]

Cờ đỏ sao vàng là để em biểu dương sức mạnh chứ, đừng có níu mà rách mất của em.

clip_image080[1]

Anh Phạm Xuân Nguyên đọc thơ

clip_image082[1]

clip_image084[1]

Kiên nhẫn chờ bài thơ đọc xong

clip_image086[1]

Bắt đầu xoay hậu đội làm tiền đội để biến thành cuộc tuần hành

clip_image088[1]

Bắt đầu xoay hậu đội làm tiền đội để biến thành cuộc tuần hành

clip_image090[1]

Cuộc tuần hành bắt đầu

clip_image092[1]

Những tấm ảnh lịch sử được ghi tới tấp

clip_image094[1]

Đoàn tuần hành đi tràn xuống lòng đường. Ảnh Phan Dương Hiệu & Vũ Dương

clip_image096[1]

clip_image098[1]

clip_image100[1]

Truyền hình nước ngoài ngồi xuống lòng đường trước đoàn tuần hành để tác nghiệp

clip_image102[1]

Nữ mà hăng đến nam cũng không theo kịp

clip_image104[1]

clip_image106[1]

Vừa đi vừa hát

clip_image108[1]

Người Buôn Gió (áo vàng) xông xáo trong hàng quân, chắc để tìm đề tài cho một chương “Đại Vệ chí dị” mới

Một anh vào khảng 40 tuổi đi trong đoàn nói: “Thôi mặc họ bác ạ. Cháu đây này, là đảng viên hẳn hoi mà cũng đi biểu tình đây. “Còn đảng còn mình”, nhưng nước mất thì đảng có còn được không, cháu nghĩ thế đấy nên cả hai Chủ nhật đều quyết tham gia, mặc dầu lần thứ hai này chỉ nghe phong thanh chứ không rõ ràng như lời kêu gọi vào Chủ nhật tuần trước”. Nhiều tiếng nói cùng phụ họa: “Đúng rồi, nước mất thì may ra cái đảng khốn nạn của bọn láng giềng nó bắt các anh làm tay sai đắc lực cho chúng để đàn áp cả dân tộc”. Rất nhiều tiếng cười vang lên: “Chứ còn gì!”.

Khi bắt đầu cuộc tuần hành mới thấy một vài nhà văn nhà thơ xuất hiện ở trong hàng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở đâu bỗng ló ra một lúc, mặt tươi cười. Nhà văn Trần Nhương thì tất tả với chiếc máy quay di động chạy từ đầu hàng đến cuối hàng. TS Nguyễn Xuân Diện ôm chiếc laptop, vẫy một chiếc xe đi thẳng về trước nhà Thủy tạ để kịp thời tác nghiệp. Còn anh Ba Sàm thì nghe nói ngồi trên một chiếc taxi bám theo đoàn và tác nghiệp luôn trên đấy. GS Chu Hảo đến được Quán café Trung Nguyên hơi muộn nên đành ngồi lại không ra với đoàn nữa. Và GS Phạm Duy Hiển cũng thong thả cuốc bộ về 36 Điện Biên Phủ ngồi chờ đoàn, vì ở tuổi anh, một cuộc diễu binh xuống tận Bờ Hồ trong cái nắng gay gắt tháng Sáu không phải là chuyện dễ. Chỉ có GS Huệ Chi, GS Hoàng Xuân Phú và GS Nguyễn Yên Đông thì vẫn sát cánh cùng nhau, bước đi xem chừng còn khỏe.

clip_image110[1]

GS Nguyễn Huệ Chi, GS Nguyễn Yên Đông và GS Hoàng Xuân Phú sát cánh bên nhau. Ảnh: Nguyễn Quang Thạch

Cả đoàn đi đến ngã năm Điện Biên Phủ – Tràng Thi – Hàng Bông – Cửa Nam thì rẽ ngoặt theo Phan Bội Châu để vào đường Hai Bà Trưng. Bỗng có những tiếng bảo nhau đâu từ phía trên lan xuống: Đi sát vào Tòa án nhân dân Hà Nội và chụp cho được hình ảnh đoàn chúng ta đang diễu qua tòa nhà “nổi tiếng” ấy. Tôi và nhiều anh đeo máy ảnh vội vọt lên chờ sẵn để đoàn đi tới đúng vị trí là bấm máy. Vài tiếng xuýt xoa: “Xong rồi! Chúng ta chống Tàu cần nhớ rằng TS Cù Huy Hà Vũ cũng là người kiên quyết chống Tàu”.

clip_image112[1]

Đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội

clip_image114[1]

Vẫn là nơi cách đây ít lâu có một vụ án nổi tiếng được xử

clip_image116[1]

Tượng Lý Thái Tổ nhô lên chút ít phía sau đoàn tuần hành

Nhiều câu khẩu hiệu và bài hát lại tiếp tục rền vang. Mãi đến Hồ Gươm, khi đoàn đến sát chân tượng vua Lý Thái Tổ mới thấy một người cao lêu đêu tóc trắng phớ quanh cái đầu hói, tất tả đi tới. Tôi hỏi GS Huệ Chi: “Ai đấy?”. Anh reo lên: A! Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, rồi hai người nắm chặt tay nhau. Tuấn bảo: “Em đến Công viên Lê Nin thì đoàn đã đi rồi, đuổi đến đây mới kịp”.

clip_image118[1]

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bây giờ mới đuổi theo kịp đoàn

Cuộc diễu hành dừng lại chừng mười phút để chụp ảnh và mặc niệm trước người anh hùng rồi lại tiếp tục kéo nhau đi. Bây giờ thì hai bên Hồ Gươm những người trẻ tuổi đứng chờ sẵn để gia nhập vào cuộc tuần hành càng đông hơn. Trong đoàn có nhiều người vẫy tay và cứ thấy có bàn tay vẫy là lại có vài cô cậu chạy sang nhập đoàn. Nhìn từ đầu hàng đến cuối hàng thấy dài tít tắp mà cảm thấy nức lòng. Một đôi nam nữ đang làm lễ cưới trước tượng Lý Thái Tổ cũng được kéo luôn vào đoàn và họ sung sướng đi ở đầu hàng cho tới gần quả địa cầu có khắc nổi bản đồ Việt Nam mới xin rẽ sang lối khác.

clip_image119[1]

Cô dâu chú rể tham gia đoàn biểu tình trên quãng ven Hồ Gươm. Ảnh: Phan Dương Hiệu & Vũ Dương

clip_image121[1]

clip_image123[1]

clip_image124[1]

Cả đoàn dừng lại chụp ảnh ở đây và ở cụm tượng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” hơi lâu vì nhiều người, kể cả mấy đoàn truyền hình nước ngoài, xin được quay phim cảnh này. Tôi nghe Đỗ Minh Tuấn nói với Nguyễn Huệ Chi: “Lòng dân như thế này mà đàn áp người ta, làm cho người ta nhụt đi thì lạ quá”. Một chốc lại thấy anh nói tiếp: “Tất nhiên mình cũng thông cảm, vì cái “thằng anh” thâm hiểm nó lên giọng kẻ cả bắt “thằng em” phải “xử lý” dân chúng. Hơn nữa cũng còn phải chờ có thêm thực lực chút nữa. Mới được vài chiếc tàu kilo chưa ăn thua. Lòng dân phải đi đôi với thực lực mới thành sức mạnh được. Hai cái ấy bên nào cũng không thể thiếu”. Khi đến cụm tượng đài “quyết tử quân” thì một chàng trẻ măng chạy đến hỏi: “Chú có phải chú Huệ Chi không?” “Phải, cháu là ai?” Cháu là con bố Phan Đình Diệu đây! Cháu mới từ Pháp về mấy hôm nay”. “Ôi sao mà vui thế! Tên cháu là gì?” “Cháu là Phan Dương Hiệu. Dương Hiệu là Diệu Hương, cả tên bố và mẹ gộp lại”. Hai chú cháu còn ríu rít bao nhiêu là chuyện, còn riêng tôi thì cảm thấy nở từng khúc ruột. Những Tiến sĩ trẻ măng như thế mà vừa chân ướt chân ráo về nước đã xông vào cuộc ngay thì thật là phúc cho đất nước mình. Làm sao một dân tộc nhiệt huyết như kia mà có thể mất vào tay bọn láng giềng phương Bắc được! Đang nghĩ vẩn vơ thì bỗng lại thấy Đỗ Minh Tuấn nói lọt vào tai: “Nhưng phải biết cách “nuôi” cái sức mạnh quý giá này anh ạ! Kẻ ngồi trên mà chỉ biết có mình, không nhìn thấy ai khác, và không biết “nuôi” ý chí của tuổi trẻ thì sớm muộn họ cũng trở thành một đám thờ ơ, đứng ngoài, hoặc lăn vào những trò vô nghĩa, vô trách nhiệm với đất nước. Anh cứ xem xem kia, dân chúng hai bên đường ai không gia nhập thì đứng nhìn chúng mình một cách bàng quan thôi chứ có ai nở một nụ cười với người biểu tình đâu! Chứng tỏ trong mắt họ, đây là một đoàn người đang làm một việc gì khác chứ không liên quan gì đến vận mệnh của họ cả”. “Đúng vậy – GS Huệ Chi đáp lại. Bọn anh vừa có một bài xã luận nẩy lửa trên trang mạng cũng về vấn đề này đấy, Tuấn hãy đọc đi!”. Nhiều người đi sau hai người vội nói thay: “Chúng tôi đọc rồi. Bài ấy thì “đã” thật! Rất trúng và rất kịp thời! Nhưng cái đám “canh gác... ” sao mà tệ thế. Chỉ có thể đọc qua trang Ba Sàm chứ không làm sao leo tường vào trang Bauxite được! Mấy lâu nay bức bối tìm mọi cách mà cũng đành chịu”. Tôi thấy vị GS hơi nhăn mày, quay lại cười với họ mà không nói gì.

Cho đến khi vòng qua Nhà Thủy tạ, quành theo đường Trường Thi, giữa những tiếng hô Việt Nam – Trường Sa / Việt Nam – Hoàng Sa vừa hơi ngớt, lại bỗng thấy một giọng nói rất to như rít lên giữa đoàn người đi gần chỗ tôi: “Các anh thấy không, Việt Nam thua một trận bóng thì lập tức có một triệu người xuống đường biểu tình, thế mà thằng Tàu ngoạm hai miếng đau vào tàu thăm dò dầu khí của ta thì hai lần, mỗi lần được bấy nhiêu đây, 500 nhân mạng là cùng chứ mấy! Tức anh ách! Phải làm thế nào lần sau hễ nghe một tin gì về hành vi bỉ ổi của bọn chúng là hàng vạn người kéo nhau đến hô vang trời đất lên mới được!” Nhiều cái gật đầu hưởng ứng, nhưng cũng có những người nhìn anh cười và lắc đầu, hình như họ biết rõ “lực cản” là ở đâu rồi mà không tiện nói. Có người kể: “Đừng bảo họ hiền nhá! So với lần trước thì có hiền hơn thật, nhưng lúc nãy ở Công viên Lê Nin tôi chứng kiến có một tay cứ đi theo mấy cô cậu trông ra bộ sinh viên mà hỏi rất ngọt: “Này, các em ở trường nào thế?” May mấy cô cậu này cũng ranh, trả lời tránh đi: “Chúng em ở tỉnh xa, về đây tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược”, anh ta mới tha cho đấy!” “Khiếp thế cơ à?” “Chứ lại không. Nhưng cũng có thể đây là cán bộ chuyên trách hoặc lãnh đạo một trường đại học nào, vì nghe nói nhiều “người quen” ở các trường ra đây đứng hai bên đường để nhận mặt người biểu tình. Đám ấy mới là khiếp. Có khác gì cái ông Hiệu trưởng Tr. mà mạng Anh Ba Sàm đã cho phơi áo”.

Cuộc diễu binh trở về vẫn khí thế không kém gì lúc xuất phát. Mặc cho trời càng về trưa càng nắng gắt, ai cũng toát hết mồ hôi nhưng tiếng hát và tiếng hô vẫn rền vang phố xá, làm giật mình những người đi trên đường. Khen thay cho 5 chiếc xe cảnh sát, 2 xe đen và 3 xe trắng, vẫn kiên nhẫn bám theo đoàn, người ngồi trong xe thỉnh thoảng lại phát loa nhắc nhở người qua đường hãy đi lên vỉa hè, và xe cộ thì tránh ra kẻo ách tắc. Họ chỉ lặp đi lặp lại có thế nhưng ai cũng hiểu đây là một cách “dẹp đường” cho đoàn biểu tình dễ dàng hành tiến. Tình nghĩa quân dân (hay “công an-dân” cũng rứa cả) đẹp quá cứ còn gì nữa.

clip_image126[1]

Khi về đến phố Điện Biên, gần số nhà 24, lại có những tiếng nói phát ra từ đầu đoàn: Ai có máy ảnh muốn chụp thì đi nhanh lên trước, chờ đoàn đi đúng vào tấm biển đề “Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ” thì chụp nhé. Tôi vội vọt lên và làm đúng cái điều người nào đó đã kịp thời nhắc nhở giúp mình.

clip_image128[1]

Nhưng rồi bỗng có tiếng nhốn nháo ở phía cuối đoàn. Gì vậy nhỉ? Té ra khi qua đồn công an ở đây có mấy vị chức năng từ trong đồn ra mời Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn vào đồn. Vì đã đi quá xa nên tôi không kịp quay lại để chụp vài tấm ảnh một ông Đạo diễn “cứng cựa” giằng co với công an ra sao, hơi tiếc. Song cũng chỉ 15 phút sau là Tuấn lại được thả ra, nguyên do thế nào không ai kịp hỏi.

Cho đến khi đoàn tiến sát đến chỗ giao nhau giữa phố Điện Biên Phủ và phố Trần Phú thì một đội CSCĐ đã dàn hàng ngang rất nhanh, cản bước chân chúng tôi. Bên kia đã là Công viên Lê Nin. Chắc “cấp trên” rút được kinh nghiệm Chủ nhật tuần trước, không muốn cho đoàn trở lại trước cổng Đại sứ quán TQ một lần thứ hai, e sẽ làm những người bên trong “thức giấc”, chẳng phải là đã quá 11 giờ rưỡi rồi sao? (nghe nói ở Bắc Kinh có cái “thói quen” ngủ trưa từ 11 giờ kia!).

clip_image130[1]

Đoàn còn đứng lại đấy rất lâu. Bị chặn bất ngờ nên chẳng ai muốn giải tán. Nhưng không muốn cũng không được. Mọi việc kể cũng đã gọi là viên mãn. Một số anh em, trong đó có tôi và GS Huệ Chi, lần lần bỏ ngũ, cuốc bộ thong thả về 36 Điện Biên Phủ để nghi ngơi một chốc. Chúng tôi gặp lại chị H, người chỉ mới mất mấy thùng nước phát cho anh chị em dọc đường đi mà chưa mất một ổ bánh mỳ nào. Chị cười vui: “Bây giờ các anh muốn ăn gì cứ ăn, em thết”. Chúng tôi cũng gặp lại GS Phạm Duy Hiển đang ngồi với GS Chu Hảo để ngóng chờ tin tức của đoàn. Hàn huyên sôi nổi một lúc lâu rồi cuối cùng thì ai về nhà nấy.

V.D.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn