Chuyện tiếu lâm quốc tế

Trung Quốc: 'Chúng tôi muốn làm bạn tốt'

clip_image001  

Thứ trưởng Lưu Chấn Dân nói Trung Quốc muốn 'làm bạn tốt' của ASEAN

 
Quan chức ngoại giao Trung Quốc nói nước này muốn cải thiện quan hệ với các quốc gia ASEAN theo sau những sự cố gần đây.

Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh của khối 10 nước ASEAN ở Bali, Indonesia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói:

"Chúng tôi quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước ASEAN.

"Chúng tôi hướng tới tương lai, chúng tôi có tương lai rộng mở và tươi sáng.

"Chúng tôi muốn là bạn tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt với các nước ASEAN".

Trong ngày họp hôm 20/7, Trung Quốc và các nước ASEAN đã thông qua những biện pháp thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông.

Bắc Kinh và khối mười nước Đông Nam Á đã đưa ra Tuyên bố từ hồi năm 2002 (DOC), nhưng chưa đồng ý được về việc thực hiện trong suốt tám năm qua.

Trên thực tế tuyên bố này chỉ là bước để tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính chất ràng buộc nhiều hơn mà hiện còn chưa biết khi nào đàm phán sẽ bắt đầu.

Ngoại trưởng Indonesia, nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, nói ASEAN hài lòng với những gì mà khối này vừa đạt được với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Marty Natalegawa cũng nói thêm: "Tôi không tự mãn, vẫn còn phải làm nhiều để xây dựng niềm tin".

'Bạn hàng lớn nhất'

Hãng tin AFP nói Việt Nam đã bày tỏ sự "lạc quan thận trọng" hôm thứ Tư nhưng Philippines nói Trung Quốc vẫn chưa cố gắng đúng mức và họ sẽ vẫn khiếu kiện lên Tòa án Quốc tế.

Philippines tố cáo Trung Quốc bắn ngư dân và gây hấn với tàu thăm dò dầu khí của họ ở Biển Đông.

"Chúng tôi muốn là bạn tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt với các nước ASEAN"

Thứ trưởng Lưu Chấn Dân

Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc bắt bớ và đánh đập ngư dân Việt Nam và gần đây là gây sự với các tàu ở các giàn khoan dầu khí tại khu vực Biển Đông.

Một số nhà quan sát nói cả Việt Nam và Philippines đều muốn Washington gây ảnh hưởng để Trung Quốc tự kiềm chế trên vùng biển [Đông] mà thế giới gọi là Biển Nam Trung Hoa.

Ngoại trưởng Clinton có kế hoạch tới Bali vào tối 21/7 sau chuyến thăm tới Ấn Độ, nơi bà kêu gọi nước này có vai trò lớn hơn trong khu vực.

Bình luận của bà Clinton đã được giới quan sát xem là thể hiện mong muốn của Hoa Kỳ rằng Ấn Độ sẽ trở thành đối trọng với Trung Quốc.

Trong khi đó Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân của Bắc Kinh nói Trung Quốc đang trở thành bạn hàng lớn nhất của ASEAN và hợp tác giữa khối này và Trung Quốc đang "phát triển rất nhanh".

ASEAN vẫn được xem là một khối lỏng lẻo và có nhiều thành viên bị chỉ trích về cách đối xử với người dân của chính họ như Việt Nam hay Miến Điện.

Một trong những mục tiêu ban đầu của ASEAN khi thành lập hồi năm 1967 với năm thành viên là để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản mà Trung Quốc và Việt Nam là đại diện.

Cùng ngày, báo chí quốc tế và Trung Quốc cũng đăng ảnh Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì bắt tay Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Gia Khiêm tại Bali.

Nguồn: bbc.co.uk

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Biển Đông: Bắc Kinh kêu gọi Mỹ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc

Đức Tâm

Trung Quốc vẫn coi Biển Nam Hải – tức Biển Đông, là một bộ phận lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối của các nước liên quan, như Việt Nam, Philippines, Malaysia,… Do vậy, hôm nay, 22/7/2011, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc" cũng như "tôn trọng những quan ngại chính của Trung Quốc liên quan đến Tây Tạng và những chủ đề nhạy cảm khác".

clip_image002

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) nói chuyện với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc gặp song phương, Bali, Indonesia, 22/7/2011. REUTERS

Hôm nay, 22/7/2011, bên lề cuộc họp với ASEAN tại Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gặp nhau.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Duy Minh, cho AFP biết là nội dung chính của cuộc gặp này là đề cập đến tình hình tại Biển Đông.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh, «điều quan trọng là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc» cũng như «tôn trọng những quan ngại chính của Trung Quốc liên quan đến Tây Tạng và những chủ đề nhạy cảm khác».

Xin nhắc lại là Trung Quốc vẫn coi Biển Nam Hải – tức Biển Đông, là một bộ phận lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối của các nước liên quan, như Việt Nam, Philippines, Malaysia,…

Trong khi đó, Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ các nước này tiến hành giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đa phương, còn Trung Quốc thì tìm mọi cách coi đây là vấn đề nội bộ khu vực và chỉ muốn giải quyết trong khuôn khổ song phương.

Hôm qua, 21/7, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông – mà theo giới quan sát, đó là chỉ là một thỏa thuận ở mức tối thiểu, một «lộ trình» giải quyết các tranh chấp.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh bước tiến này. Về phần mình, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khẳng định đây là «một tài liệu quan trọng… thúc đẩy hòa bình và ổn định».

Vẫn theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì phía Mỹ «hiểu được sự nhạy cảm của những vấn đề này» và hai bên đã hứa sẽ thúc đẩy «sự hiểu biết lẫn nhau».

Theo giới quan sát, Hoa Kỳ không có ý định lùi bước trong hồ sơ này. Washington cho rằng Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với những lợi ích quốc gia của mình và tại Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, được tổ chức vào ngày mai, 23/7, Ngoại trưởng Clinton sẽ nêu vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, bà Clinton sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc «tôn trọng tự do lưu thông hàng hải, không ngăn cản hoạt động thương mại và duy trì hòa bình, ổn định» trong khu vực.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn