Con mọt sách

Hà Linh Quân

 

Một “con mọt sách” (ảnh minh hoạ). Ảnh: H.L.Q

 
Hồi đầu những năm 70 thế kỷ XX, ở Hải Phòng có 2 người đàn bà nổi tiếng trong giới trí thức. Họ không viết văn, làm thơ, soạn nhạc hay cầm cọ vẽ, nhưng họ có quyền phân phát các tiểu thuyết lừng danh nhất, những tập thơ tuyệt vời nhất, các đĩa nhựa ghi 9 bản giao hưởng của Beethoven hoặc những kiệt tác (in lại) của các danh hoạ thuộc trường phái ấn tượng Pháp.

Họ là hai người bán sách tại cửa hàng sách trung tâm của Công ty Phát hành sách Hải Phòng. Một người bán sách ngoại văn, một người bán sách quốc văn. Họ được chiều nịnh, tôn vinh như hai bà hoàng (mà họ cũng kiêu và xinh đẹp thật!), vì người Hải Phòng rất mê đọc sách. Trừ loại lý luận - chính trị, kinh tế - khoa học, còn sách văn học thì được phân phối như áo may ô và dép nhựa Tiền Phong...

Trưởng phòng mới được quyền đọc “Bà Bovary”

Vì sách văn học là hàng mậu dịch phân phối, nên mua sách cũng phải có tiêu chuẩn. Phải là cấp từ Trưởng phòng thuộc Sở trở lên mới được mua cuốn “Bà Bovary” của văn hào Pháp Flaubert. Kẻ viết bài này một lần chứng kiến cuộc đối đầu âm thầm giữa ông lãnh đạo Công ty Phát hành sách Hải Phòng – một người giản dị, cục mịch như bức tường đất - với một cô gái dạng người não nhiều hơn ngực.

Không nao núng trước ánh mắt cầu xin của cô giáo trẻ dạy văn, ông đáp lại bằng cái nhìn thương hại nóng hổi và oai vệ phán như vị quan toà luận tội: “Phải ở vị trí như vậy, người ta mới đủ nhận thức để đánh giá được sự tha hóa đạo đức của tầng lớp thị dân tư sản!”. Thế nhưng, dù mới tốt nghiệp phổ thông, mặt vẫn mọc mụn trứng cá, tôi cũng mua được “Bà Bovary” vì có ông chú nguyên là Giám đốc “Ba toa” (lò mổ gia súc Hải Phòng) viết cho cái giấy giới thiệu đi kèm nửa cân sườn lợn.

Phàm đã là hàng phân phối bao giờ cũng hiếm. Chẳng hạn, một năm cả miền Bắc có trên dưới 40 đầu sách văn học xuất bản. “Hot” nhất hồi ấy là sách văn học nước ngoài. Chỉ những tác giả, tác phẩm được đánh giá là “rõ ràng” mới được tuyển dịch (mà dịch thì rất cẩn thận). Các bậc thầy của chủ nghĩa hiện sinh như Jean Paul Sartre, Albert Camus... chỉ tồn tại trong những sách phê bình. Dostoievsky và B. Pasternak cũng không được dịch, mặc dù nguyên bản tiếng Nga thì tràn ngập các kệ sách.

Ngoài vài truyện ngắn của O’Henry và Jack London, người miền Bắc không được đọc “Chùm nho nổi giận” hay “Âm thanh và cuồng nộ” (của John Steinback và William Faulkner – các nhà văn Mỹ). Thậm chí họ đã phải xem “Những bức thư của người đàn bà không quen biết” (Stefan Zweig) qua bản chép tay! Sách hiếm như vậy, cho nên chỉ có những người mê sách như là mê gái mới chịu khổ nhục để được chạm tay vào cuốn “Đồi gió hú” thuộc dạng tài liệu tham khảo nội bộ!

Mỗi khi nghe tin đồn sách mới về, những con mọt sách lại chạy vội ra hiệu sách, hí hửng chầu chực như chú mèo ngồi chồm chỗm trước chảo cá rán đậy kín, vì sách quý thường bị giấu dưới quầy. Họ nhận ra rằng muốn mua được sách, tìm đường đi vào trái tim của người bán sách dễ hơn bằng giấy giới thiệu. Thế nên, trước hết phải thật ngọt ngào, cầu tài cô bán sách bằng nụ cười, nhưng phải là một nụ cười không để họ nghĩ bạn phải đến bác sĩ răng (hồi đó không có tệ hối lộ tiền). Đấy là nghi lễ dọn đường bắt buộc cho sự thành công, vì lễ ở phương Đông đóng vai trò như luật ở phương Tây.

Sau đó hãy tỏ ra thật đáng thương, dằn vặt hơn cả đau răng nếu như không mua được sách. Một con mọt sách thời đó, tôi nhớ anh ta gầy mỏng đến nỗi không biết cơ thể có đủ chỗ để chứa hết lục phủ ngũ tạng hay không, đã thành công trong hầu hết vụ “mua-ăn xin” sách, vì dai như con đỉa đói.

Trong nhiều gia đình, sách được bày ở nơi kín đáo nhất, vì nó được giữ như của gia bảo. Con mọt sách kỵ nhất là cho mượn sách. Sách là thứ hồi môn ảo sang trọng để các chàng trai đem đi hỏi vợ. Có bà mẹ vợ (bán vàng chợ Sắt) hãnh diện nói về gia đình thông gia: “Nhà bên ấy nghèo, thế nhưng anh ấy là người đọc sách!”. Và cô dâu mới đã cậy nhờ mua tặng chồng một đống sách để thể hiện trọng lượng tình yêu của mình. Họ trở thành một gia đình hạnh phúc hoàn hảo: Chồng đọc sách, vợ có tiền!

Sách được tôn trọng như vậy, cho nên thành phố đầy đường những người đọc sách, ngốn sách như bò ngốn cỏ. Thanh niên ngày nay đánh giá nhau bằng đi con xe nào. Thanh niên ngày ấy hỏi nhau đã xem “Bông hồng vàng” của Pautovsky hay “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Aitmatov chưa? Họ sẽ thất vọng khi đối tác chưa đọc qua “Hội chợ phù hoa”. Ngay cả trong lúc bom rơi đạn nổ, sách vẫn nằm trong balô theo người thành phố về những miền quê sơ tán. Người ta vẫn đọc “Chiến tranh và hoà bình” dưới hầm trú ẩn, trong ánh đèn dầu phòng không.

Nghịch lý của sách

Năm 1975 - một cánh cửa mới của sách được mở. Trong đám những người miền Bắc vào Nam trở về với chiếc balô lủng lẳng cái khung xe đạp, đài bán dẫn, búp bê nhựa, có những người đi tìm sách. Họ kinh hoàng khi bắt gặp cảnh tượng sách được bày bán, được chồng đống từ mặt đất lên nóc nhà trên suốt con đường Calmette, Sài Gòn.

Không cần là cấp Trưởng phòng, hay nở nụ cười cầu tài với cô bán sách, chỉ cần có tiền là mua được cả kho tàng thông tin đồ sộ của cả loài người, từ Thánh kinh đến “Tài liệu mật của Lầu Năm góc” được tiết lộ trên tờ New York Times, từ các tác giả đoạt giải văn chương Nobel đến những đại diện của mọi trường phái tư tưởng... Có vị đại uý công binh (tốt nghiệp Đại học GTVT miền Bắc) khi rút ra khỏi thành cổ Quảng Trị (năm 1971) đã liều chết cõng theo mình 60kg bộ “Đại từ điển Britannica” trong một ngôi nhà cháy dở và gặp ở đây (chợ sách Calmette) gần một chục bộ tương tự.

Lần đầu tiên họ được đọc “Mật khải” của K.Gibran, “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzche, “Thiền và phân tâm Suzuki” của Fromm, những cuốn sách của Suzuki và Fromm, các cuốn sách không chỉ mở cho họ thấy những chân trời thế giới mới, mà còn được in rất đẹp trên các trang giấy mịn và thơm như làn da trẻ thơ. Bây giờ họ không kháo nhau về “Cây phong non trùm khăn đỏ” nữa, mà hỏi nhau đã được đọc “Bác sĩ Zhivago” hay “Giờ thứ 25” chưa. Những tưởng bắt đầu thời đại của sách, một con mọt sách hí hửng nói chơi: “Loài người chỉ còn 3 loại: Những người sống, những người chết và những người đọc sách!”.

Thế nhưng, cánh cửa đổi mới càng mở, càng nhiều sách thì người đọc càng ít. Hoá ra cùng với sách vở, người ta còn phát hiện ra vô số niềm vui trần tục, mà trong chiến tranh chúng là vô nghĩa so với cuộc sống – cái chết: Ẩm thực, thời trang, du lịch, những môn thể thao mới mẻ như golf, tennis... Tất cả đều lên tiếng đòi “thị phần” của mình trong khoảng thời gian bất biến 24 giờ/ngày của đời người.

Đấy là chưa kể khát vọng làm giàu dâng cao ngùn ngụt, chúng nuốt chửng bao thời gian. Đặc biệt khi Internet xuất hiện, đổ thông tin vào đầu người với tốc độ gần bằng ánh sáng, thì sách tuột sâu ra khỏi vị trí thống trị tư tưởng con người. Sách không còn là tấm gương duy nhất quan trọng để con người soi vào đấy thấy thế giới, thấy chính mình. Đã thế, khi sách nhiều quá tràn ra vỉa hè, văn chương sọt rác xuất hiện trở thành sữa mẹ của một tầng lớp thanh niên, truyện tranh lên ngôi, truyện dịch ẩu như là “diệt”.

Khi con người đổ xô đi đào vàng, đồng đôla được tôn vinh thành giấy thông hành lên trời, thì những con mọt sách biến mất dần khỏi mặt đất như những chiếc cối xay gió của thế kỷ XVIII. Từ “con mọt sách” trở thành đồng nghĩa với “hâm”. Bà bán hàng vàng chợ Sắt bắt đầu sốt ruột hộ cô con gái và thấy tiếc thằng vai u thịt bắp hàng xóm ngày xưa nay là chủ hai mỏ than ở ngoài Quảng Ninh.

Vắng khách dập dìu, những cô bán sách bắt đầu già và xấu đi. Họ ngồi suốt ngày tỉa lại lông mày trong các nhà sách yên tĩnh như hồ nước của ngày hè nóng nực. Ông Giám đốc mới của Công ty Phát hành sách Hải Phòng lặn lội vào Nam đi tìm mối hàng văn hoá phẩm, văn phòng phẩm để lấp đầy các kệ sách. Chỗ ngày xưa Hemingway và Remarque (nhà văn Đức) “ngồi”, thì nay chễm chệ những chiếc đồng hồ điện tử Nhật Bản, băng keo và tả pí lù. Từ đó, những cô bán sách đời mới bắt đầu giàu lên. Họ hỏi Remarque có phải là tiền Đức không?

Không thể võ đoán nói rằng ngày nay người ta đâm chém nhau nhiều vì không đọc sách. Nhưng rõ ràng rằng vắng sách, tâm hồn con người sẽ nghèo nàn, nhạt nhẽo đi, đầu óc con người sẽ thiếu đi sự sâu sắc vì văn hoá mạng là một thứ mì ăn liền. Chừng nào loài người còn sống, còn tồn tại sách. Những con mọt sách sẽ sống lại và phát triển, bởi đọc sách là nhu cầu tinh thần và niềm vui cao quý.

H.L.Q.

Nguồn: laodong.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn