Lãnh đạo Việt Nam bị chỉ trích về vấn đề Trung Quốc

David BrownAsia Times Online

Chắc chắn những tranh cãi ồn ào gần đây xoay quanh các yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông sẽ đổ ập vào nền chính trị quốc nội Việt Nam. Làm sao để xử lý được mối quan hệ với Trung Quốc là vấn đề nhạy cảm thứ hai trong đời sống chính trị - xã hội của cả quốc gia (vấn đề số một là liệu xây dựng chế độ đa đảng có phải là một điều tốt hay không).

Sau gần hai tháng cả nước thể hiện sự nhất trí tuyệt đối trước hiểm họa Trung Quốc, vào ngày 16 tháng 7 mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi công an giải tán một cuộc biểu tình nho nhỏ ở gần Đại sứ quán Trung Quốc. Chính quyền Việt Nam đã dung thứ –  cũng có nguồn tin cho rằng chính quyền ngầm khuyến khích – cho những cuộc tuần hành như thế từ đầu tháng 6.

Không khí đối đầu trên đường phố Hà Nội bùng phát chỉ vài ngày sau khi một nhóm trí thức có tên tuổi chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo bởi theo như họ nói, đã không thấy được rằng “Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới”.

Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam đặc biệt tỏ ra rất nhạy cảm với những lời chỉ trích rằng họ đang hòa hoãn thái quá với siêu cường đang nổi lên dọc theo biên giới phía Bắc Việt Nam kia. Lần gần đây nhất những lời chỉ trích ấy dấy lên là vào năm 2008, sau khi chính phủ cấp phép cho một công ty Trung Quốc khai thác những mỏ bauxite khổng lồ ở Tây Nguyên.

Chiến đấu chống ngoại xâm là chủ đề thường trực trong tiềm thức của người Việt Nam. Học sinh được dạy rằng đất nước đã trụ vững được qua 1100 năm nhờ không bao giờ đầu hàng giặc khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị lung lay.

Trong số tất cả các vị anh hùng trong lịch sử Việt Nam, phần lớn được ghi công là do họ đã chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc, làm tiêu hao sinh lực địch cho đến khi kẻ địch phải từ bỏ hẳn âm mưu. Tinh thần ngoan cường đó được thể hiện rất rõ ràng khi người Việt Nam nhất loạt đứng lên vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua để phê phán các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc khăng khăng tuyên bố rằng khoảng 85% diện tích 1,5 triệu kilômét vuông biển Hoa Nam –  tức “Biển Đông” – là thuộc về Trung Quốc, và Trung Quốc có chủ quyền ở đó từ thời xưa. Ngay khi có lực lượng hải quân đã phát triển lớn mạnh hơn, Trung Quốc đã trợ lực ngày càng mạnh bạo cho yêu sách của họ trong khi ngày càng coi thường yêu sách do các nước Philippin, Việt Nam và Malaysia đưa ra dựa trên các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển.

Căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc trắng trợn quấy nhiễu hoạt động của hai tàu thăm dò dầu khí Việt Nam ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Khi ấy, báo chí Việt Nam tràn ngập các bài thảo luận về đường hướng và biện pháp để bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước.

Những đòn phản công mạnh mẽ của Hà Nội – bao gồm cả một cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi và các cuộc tham vấn công khai với các bạn bè nước ngoài như Mỹ – được hoan nghênh nhiệt liệt trên các blog và mạng xã hội, cũng như trên các báo hàng ngày.

Bước ngoặt xảy ra vào thời điểm cuối tháng 6, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố rằng hai nước đã nhất trí làm dịu mọi ngôn từ và tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một nghị quyết song phương về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Đối với chính quyền Hà Nội – vốn đã nhận thức sâu sắc được rằng phía Việt Nam ít có hy vọng giành được thế thắng nếu chiến tranh nổ ra thật sự – thì lùi khỏi bờ vực xung đột là khôn ngoan. Còn đối với những người dân đã quen với việc tuần hành một cách thách thức và treo các khẩu hiệu yêu nước lên Facebook, thì sự chuyển hướng mới này không phải là điều họ hoan nghênh.

Một số nhân vật nổi bật đã từ chối tuân thủ theo đường lối mới của chính quyền. Ngày 10 tháng 7, 20 trí thức có tiếng đã ký vào một bản Kiến nghị gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Chủ tịch Quốc hội, đề nghị thực hiện những thay đổi căn bản trong đường lối điều hành. Họ lập luận rằng cuộc khủng hoảng gần đây chỉ là triệu chứng của một căn bệnh nguy hiểm hơn trên bình diện quốc gia. Nếu không cải cách quyết liệt, Trung Quốc sẽ tiếp tục “thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta” cho đến khi đất nước rơi vào địa vị chư hầu.

Các trí thức này đều không phải là những người xa lạ với đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Tất cả đều là những người có vai vế trong hệ thống chính trị; một số là quan chức sĩ quan và cán bộ ngoại giao cao cấp đã về hưu; một số vẫn còn tại vị. Họ là những người sinh trưởng trong các gia đình giàu truyền thống cách mạng. Nói theo ngôn từ của đảng thì họ là những “cá nhân yêu nước”. Họ nổi tiếng là những người bộc trực, thẳng thắn, nên họ thường xuyên trở thành đối tượng báo giới Việt Nam săn đón và tìm cách trích dẫn. Hơn hẳn phần lớn các luồng dư luận khác trong đời sống xã hội Việt Nam, ý kiến của họ về những gì đang khiến một bộ phận lớn công chúng bất mãn nhìn chung là có độ tin cậy cao.

Bản Kiến nghị của các nhà trí thức, mặc dù trải rộng trên nhiều lĩnh vực và thường có phần cay độc, nhưng cũng cho thấy bản thân họ cũng biết rõ mức độ khoan dung của chính quyền. Bản kiến nghị không đả động tới việc thay đổi chế độ hoặc thiết lập thể chế đa đảng – quan niệm mà vì nó, rất nhiều người chỉ trích khác kém thận trọng hơn đã bị bỏ tù. Đó là một văn kiện dài mười trang, xứng đáng được chú ý đến và nhất định sẽ được chú ý đến một cách thỏa đáng.

Phần đầu của bản Kiến nghị nêu luận điểm rằng tham vọng bá quyền trong khu vực của Trung Quốc đặt ra một hiểm họa to lớn. Các nhà trí thức khẳng định, kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh nhằm khống chế Việt Nam đã được hiện thực hóa đáng kể, đến chừng mực nền kinh tế gần như nằm gọn trong tầm kiểm soát của Trung Quốc và “quyền lực mềm” của Trung Quốc đã làm mục ruỗng đời sống chính trị của đất nước.

Để minh họa luận điểm này, các nhà kiến nghị phân tích bản thông cáo báo chí chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, ký ngày 26 tháng 6. Đó là một tuyên bố mà theo đó, có vẻ như Hà Nội cam kết tiến hành đàm phán song phương trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Các nhà trí thức không nhất trí với thông cáo báo chí ở chỗ coi quan hệ song phương giữa hai nước là “lành mạnh, ổn định”, và họ cũng không chấp nhận việc Hà Nội đồng ý trấn áp biểu tình và dập tắt việc báo chí công kích Trung Quốc.

Những người ký Kiến nghị phản đối nhiều nhất với khẳng định của thông cáo rằng “hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”.  Họ bình luận rằng, trong khi Hà Nội dứt khoát im lặng, không đề cập tới bản chất của cái “nhận thức chung” đó, thì giới lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc tuyên bố, khẳng định như thế có nghĩa là Việt Nam cũng nhất trí rằng các nước thuộc bên thứ ba không nên can thiệp vào tranh chấp lãnh hải.

Phần giữa bản Kiến nghị tập trung vào phê bình rộng khắp các vấn đề của quốc gia. Nền kinh tế được cho là đang khủng hoảng, lại càng xấu thêm vì lạm phát, thâm hụt thương mại, nợ nần gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và phụ thuộc vào khai thác lao động chân tay và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tình hình văn hóa xã hội thì xuống cấp. Công bằng xã hội bị làm ngơ, tham nhũng hoành hành, trong khi đó hệ thống giáo dục chỉ nhào nặn ra những cỗ máy kiếm điểm.

Tiếp đến, bản Kiến nghị cho rằng tất cả những yếu kém này “phản ánh rõ nét … sự bất cập và xuống cấp ngày càng gia tăng của hệ thống chính trị – xã hội và bộ máy nhà nước ta” và “nhiệm vụ đổi mới chính trị tuy đã được đặt ra nhưng chưa có mục tiêu, biện pháp và hành động thiết thực”. Chính phủ cồng kềnh, chìm ngập trong nạn quan liêu tham nhũng. Các quyền dân chủ mà Hiến pháp Việt Nam quy định, trong đó có “quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình… vẫn chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống”.

Trở lại chủ đề Trung Quốc, bản Kiến nghị nhận định rằng Việt Nam, vì điều kiện địa lý bắt buộc, không có cách nào khác là phải làm láng giềng với “một đất nước Trung Quốc đầy tham vọng đang trên đường trở thành siêu cường”. Việc tranh chấp các hòn đảo trên Biển Đông chỉ là một góc trong bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn. Việt Nam phải đối diện với mưu đồ của Trung Quốc “lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta”.

Các nhà Kiến nghị kêu gọi Chính phủ và Bộ Chính trị minh bạch hóa. Họ cho rằng các nhà lãnh đạo phải “công bố trước toàn thể nhân dân thực trạng quan hệ Việt - Trung”. Các nhà lãnh đạo phải đặt lòng tin vào công dân Việt Nam, kể cả vào những người Việt sinh sống rải rác ở nước ngoài, giúp họ hiểu rõ nguy cơ mà quốc gia phải đối mặt và có cách ứng xử như những người yêu nước. Cải cách kinh tế, giáo dục và chính trị được xem như thiết yếu để “giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cuối cùng, các nhà kiến nghị chốt trách nhiệm thẳng vào các nhà lãnh đạo đảng: “Là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam phải dẫn đầu”.

Nói chung, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các nhà cầm quyền đều không dễ chịu khi bị lên án, thậm chí ngay cả khi sự phê phán đó là của các quan giám nghị. Thật khó mà hình dung được việc Bộ Chính trị Việt Nam cùng lên tiếng thừa nhận rằng họ thiếu năng lực, hoặc thú nhận họ càng ngày càng kém khả năng điều hành đất nước.

Đúng hơn, nên coi bản Kiến nghị của các nhà trí thức như mục đích chính là thu hút sự chú ý của công chúng quan tâm. Nó là một văn kiện phản ánh những quan điểm điển hình của các thành phần tiến bộ trong nền chính trị Việt Nam, là một tuyên bố mà những người muốn tìm cách đổi mới “từ trong hệ thống” có thể tập hợp quanh nó.

Một trong những người viết dự thảo bản kiến nghị cho Asia Times Online biết:  “Trước hết, chúng tôi muốn toàn dân biết rõ tình hình để tạo ra sự đồng thuận dân tộc. Chúng tôi không có ảo tưởng rằng Lãnh đạo Việt Nam chấp nhận tất cả các kiến nghị, nhưng cũng hướng tới sự đồng thuận của một bộ phận tích cực trong giới lãnh đạo cao nhất”.

Mặc dù chính quyền Việt Nam và ban lãnh đạo đảng rất lưu ý đến sự thay đổi tâm lý của quần chúng, họ cũng đã hiểu rằng trong kỷ nguyên Internet,  họ chỉ có khả năng rất giới hạn trong việc định hình hoặc điều khiển tâm lý quần chúng. Sau khủng hoảng bauxite, cơ quan an ninh Hà Nội đã tăng cường các nỗ lực kiểm soát ngôn luận về chính trị trên môi trường blog và các mạng xã hội.

Nhưng những nỗ lực đó đều thất bại; người sử dụng Facebook và giới blogger đã nhanh chóng học được cách sử dụng các máy chủ đặt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Nhờ cách đó, bản Kiến nghị của các nhà trí thức đã được phát tán nhanh chóng kể từ khi nó được đưa lên trang blog của “Bauxite Việt Nam” vào tuần trước. Theo báo cáo, trong vài ngày đã có thêm khoảng 1.000 người ký tên vào đây.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự cũng đáng được thông cảm đôi chút trong tình hình này. Thật dễ tìm ra các vấn đề đáng phê phán trong đời sống xã hội ở Việt Nam, nhưng khắc phục chúng thì khó hơn nhiều. Ra lệnh thì thật dễ, nhưng thực thi lệnh thì quả thực khó. Đặc biệt, vấn đề quan hệ với Trung Quốc không thể có câu trả lời đơn giản. Cách xử trí tốt nhất đối với người láng giềng khổng lồ của Việt Nam, suốt theo chiều dài lịch sử, là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thái độ tôn kính có chừng mực và ý chí sẵn sàng đổ máu chiến đấu đến cùng trong trường hợp không còn con đường nào khác.

Đó dường như vẫn chỉ là ý chí. Cho dù bản thông cáo chung Trung Quốc – Việt Nam ngày 26 tháng 6 có là thế nào đi nữa, cho dù bản Kiến nghị của các nhà trí thức có vạch ra sự thật gì với chính quyền đi chăng nữa, cũng ít có bằng chứng cho thấy giới lãnh đạo hiện nay của Việt Nam đã và đang mềm mỏng với Trung Quốc.

D. B.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên viết về Việt Nam đương đại. Có thể gửi thư cho ông tại địa chỉ nworbd@gmail.com.

Đan Thanh dịch

David Brown & THA hiệu đính

Nguồn: anhbasam.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn