Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông

Trọng Thành

Hôm nay 23/7/2011, tại diễn đàn khu vực Asean – ARF về an ninh Châu Á họp ở Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi các nước trong khu vực Biển Đông giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hillary Clinton tuyên bố, Hoa Kỳ lo ngại với các xung đột mới đây tại vùng biển Đông Nam Á có thể làm các căng thẳng giữa các nước gia tăng, đe dọa giao thông hàng hải và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và sự phát triển kinh tế. Mối quan ngại của Hoa Kỳ đối với an ninh tại Biển Đông và lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ tại khu vực này là nội dung chính trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại hội thảo Bali.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì muốn trấn an phía Hoa Kỳ, khi khẳng định các xung đột mới đây không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và nền kinh tế khu vực. Còn ngày hôm qua, người phát ngôn Ngoại giao Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn, khi đề nghị Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển phía nam nước này.

Về các tranh chấp tại Biển Đông, nếu như trong quá khứ các tranh chấp chủ yếu liên quan đến nghề đánh cá và một số đường giao thông từ Biển Đông ra Thái Bình Dương, thì hiện nay các căng thẳng chủ yếu xuất phát từ việc khai thác các nguồn tài nguyên dưới biển. Trên đây là nhận định của một viên chức cao cấp Hoa Kỳ được AFP ghi nhận.

Theo quan điểm của một viên chức cao cấp khác của Hoa Kỳ, tranh chấp giữa các phía cần phải được giải quyết thông qua trung gian của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, theo đó các đường biên giới trên biển phải được xác định dựa trên lãnh thổ, chứ không phải là được vạch ra một cách võ đoán ngay giữa biển. Nhắc nhở kể trên đã gián tiếp chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông với bản đồ hình chữ U hay bản đồ 9 vạch, mà theo Bắc Kinh, dựa trên các đặc quyền “mang tính lịch sử”. Các đòi hỏi chủ quyền này lấn sâu vào phạm vi khu vực đặc quyền kinh tế trên biển của nhiều nước như Việt Nam, Malaysia hay Philippines.

Trong vòng hai tháng mới đây, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc hai lần cắt cáp thăm dò dầu khí của công ty PetroVietnam, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Manila cũng lên án Bắc Kinh trong nhiều vụ, đặc biệt với việc có hành động bạo lực đối với một chiếc tàu thăm dò của Philippines. Philippines đã đề nghị đưa tranh chấp với Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về biển của Liên Hiệp Quốc. Về việc này, Manila đã nhận được sự ủng hộ của Washington.

Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Nam Á muốn giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán đa phương, ngược lại với chủ trương chính của Trung Quốc là chỉ giải quyết thông qua đối thoại song phương. Tuy nhiên, ngày thứ Năm 21/7 vừa qua, Trung Quốc và Asean đã đạt được một đồng thuận tối thiểu, bước đầu mở đường cho việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông.

Trong cuộc gặp song phương, ngoại trưởng Mỹ đã bày tỏ sự khen ngợi đối với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì về bước tiến mới đạt được này. Ông Dương Khiết Trì, về phần mình, cũng cho rằng thỏa thuận vừa đạt được là “rất quan trọng … tạo thuận lợi cho hòa bình và ổn định” của khu vực. Theo AFP, mục tiêu chung của hai bên Mỹ Trung trong cuộc gặp này làm dịu bớt các căng thẳng giữa hai nước. Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh, phái đoàn Mỹ đã rất cố gắng để không khiến cho Biển Đông trở thành địa bàn xung đột và bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh.

Sau chuyến công du Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Hồng Kông và có cuộc gặp với ông Đới Bỉnh Quốc, một trong các lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc tại Thẩm Quyến. Một vài ngày tiếp theo, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Trung Quốc để gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được coi như là người sẽ đứng đầu Trung Quốc trong tương lai, thay thế ông Hồ Cẩm Đào.

T.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn