Tản mạn vài điều nhân xem chương trình TV của Nhật Bản (NB) về “tàu cao tốc Trung Quốc” (TQ)

Nguyễn Hoàng

image Mấy hôm trước vừa xem chương trình TV của Nhật nói về tuyên bố đầy kiêu ngạo của phía TQ rằng  "Tàu shinkansen (tức tàu cao tốc) của TQ về mặt kỹ thuật còn ưu tú hơn shinkansen của Nhật Bản”. Người Nhật lập tức làm một chương trình để so sánh, nhưng nghiêng về giải trí nhiều hơn là đi sâu vào phân tích kỹ thuật của tàu cao tốc shinkansen. Tuy nhiên chương trình cũng có sự tham gia của các chuyên gia về kỹ thuật tàu cao tốc, các Luật sư và nhà báo. Đầu tiên họ hỏi các chuyên gia về kỹ thuật. Các chuyên gia của Nhật đã trình bày các nghiên cứu, đối chiếu xem thử kỹ thuật ưu tú của TQ là cái gì. Điểm nào TQ chưa bằng và điểm nào TQ vượt trội.

Khi so sánh, mọi người mới nhìn ra một sự thật, tàu cao tốc của TQ gần như  “học lóm” lại kỹ thuật shinkansen của Nhật Bản và một số nước khác mà thôi. Có lẽ để mọi người có thể tưởng tượng được cái gọi là "kỹ thuật phát minh" của Trung Quốc là như thế nào, nhà đài TV của Nhật đã làm một so sánh cụ thể về hai cái lò làm nóng bánh bao của TQ và NB ở trên hai con tàu để minh chứng. Trên tàu Shinkansen của Nhật Bản có đặt chiếc lò làm nóng bánh bao cho khách. TQ cũng có.  Người Nhật bèn lấy  hai cái máy ấy ra, một  của TQ và một của NB đặt gần nhau. Máy của TQ hoàn toàn giống của NB, kể cả hình dáng và mẫu mã.

Mọi người có biết TQ bảo rằng họ khác NB ở chỗ không? Trong máy làm nóng bánh có một chiếc trục xoay. Trục này được  gắn với các móc có vị trí đặt phía trên chiếc bánh bao. Khi bánh được cho vào lò thì trục xoay sẽ xoay, vừa xoay vừa ấn phần lưng của các chiếc móc vào bánh bao để làm cho nó mềm, và nóng. Do được ấn từ từ, từ trên xuống dưới theo chiều xoay của chiếc kim đồng hồ nên chiếc bánh bao sẽ nóng mọi phía, từ trong ra ngoài. Trục xoay của Nhật thì xoay về bên phải, của Trung Quốc thì cho xoay về bên trái! Thế thôi đấy. Thế mà Trung Quốc cũng gọi đó là phát minh của họ. Ăn cắp ý tưởng 100%, xong sửa đi một chút rồi bảo đấy là của mình. Đến chịu các ngài Đại Hán.

NB bắt đầu thấy lo lắng khi TQ định triển khai trong tương lai hệ thống đường sắt qua Nga và xuống Đông Nam Á,  tự tuyên bố hào hùng là phát minh của mình và định cho bán công nghệ này ra nước ngoài. Đúng là TQ có cải tiến để khác với Nhật, nhưng thực ra sự cải tiến chỉ là thay đổi đôi chút như trường hợp vừa kể ở trên. Hoặc tàu shinkansen của NB chỉ có một trục giảm xóc, TQ thì cho 2 cái. Công nghệ làm giảm xóc của TQ bắt chước gần như nguyên vẹn của Nhật, vậy mà đã lớn tiếng cho đó là kỹ thuật của mình. Người NB ớ người ra, buồn cười về cái gọi là "phát minh" của người TQ.

Đúng là một đất nước giỏi làm đồ nhái. Mới biết TQ để đạt đến một nước văn minh, được các nước khâm phục chắc còn lâu lắm. Qua chương trình này, được biết Nhật Bản bắt đầu siết chặt việc cung cấp kỹ thuật cao cho TQ. Họ không ngờ điều mà người Nhật tự hào nhất là kỹ thuật shinkansen lại bị kẻ làm nhái tự cho là “ưu tú hơn hẳn”. Nhưng đó là chương trình phát sóng trước khi tai nạn đường sắt Trung Quốc xảy ra.

Xem tai nạn về tàu cao tốc của TQ vào ngày 23/7, mới thấy hoá ra họ đã không thể học hết được công nghệ làm tàu cao tốc của Nhật. Ở Nhật, các đoàn tàu cao tốc đều trang bị hệ thống chống sét, chống động đất. Những kỹ thuật này TQ có thể chưa làm được. Tất nhiên không phải tất cả các kỹ thuật của Nhật đã hoàn mỹ, bởi có những vấn đề phát sinh trong môi trường tự nhiên mà con người không lường hết được, nhưng nói chung tàu cao tốc của Nhật vẫn có độ an toàn cao nhất (từ năm 1964 khai thông tàu shinkansen tới nay, NB chỉ bị trật bánh một lần do tuyết, nhưng không xảy ra thương vong).

Nhân sự kiện 23/7 vừa rồi, liếc qua một số bài viết trên mạng của Nhật nói về nguyên nhân gây ra việc dừng đột ngột của các tàu cao tốc, khả năng chống sét, chống động đất và bão tuyết... của tàu cao tốc TQ thì thấy, ngoài các yếu tố kỹ thuật hiện đại, yếu tố con người cũng rất quan trọng. Theo Tân kinh báo (dẫn theo báo Mainichi shinbun ngày 27/7) cho biết, có 30 người mới tốt nghiệp Đại học được tuyển vào lái tàu. Họ đều chưa có kinh nghiệm trong việc điều khiển tàu cao tốc. Họ mới chỉ thực tập trong 6 tháng đã được đưa vào lái. Theo quy định, người lái tàu thấp nhất cũng phải có thời gian 2 năm và sau khi đã chạy được 10 vạn km mới được chính thức đưa vào lái tàu cao tốc, nhưng do yêu cầu gấp của việc tăng ồ ạt số lượng tàu cao tốc ở Trung Quốc, người ta đã không giữ đúng quy định trên.

Cũng theo Tân kinh báo, do không đủ lái tàu nên người lái phải chạy quá mức quy định. Ban ngày phải làm việc sự vụ, không được nghỉ, tối đến chạy tàu cao tốc, một lần 4 - 5 tiếng cũng là nhiều. Ở Nhật Bản tàu shinkansen cứ 2 - 3 tiếng lại phải thay lái tàu một lần. Ở Trung Quốc quy định là trên 4 tiếng. Vào thời tiết xấu cần phải có hai lái tàu thay nhau, nhưng ngày 23 vừa rồi ở Ôn Châu, nhân viên lái tàu sau (D301) đã chết vì tàu anh ta đâm trực diện vào chiếc tàu dừng trước đó; ngày hôm ấy sấm chớp ầm ầm, vậy mà anh ta chỉ có một mình, “thật đơn độc”.

Không chỉ có con tàu, các phụ kiện đi theo trên tàu cũng rất quan trọng, ví dụ bếp làm nóng cơm hộp, nếu không biết cách điều khiển và máy không làm theo đúng kỹ thuật cũng gây ra sự cố, ví dụ nếu để cơm hộp quá nhiệt độ thì thiết bị cảm nhiệt sẽ ra tín hiệu cảnh báo và con tàu sẽ tự động dừng bánh (vì tất cả theo công nghệ điều khiển tự động cao). Điều quan trọng nhất để cho tàu cao tốc hoạt động an toàn cần ba yếu tố: con người, máy móc và toàn bộ hệ thống điều khiển con tàu. Nếu một thiết bị đã có vấn đề thì cần phải thay ngay, chần chừ là có thể chính nó gây ra thảm họa.

Thật đáng tiếc cho tai nạn đường cao tốc hôm qua ở TQ, mọi sự ăn bớt ăn xén, tham nhũng qua các công trình đòi hỏi kỹ thuật cao lập tức đã phải trả giá. Kết cục chỉ có người dân là thiệt thòi, phải trả bằng cả tính mạng của mình cho sự cẩu thả của những người làm ra nó và điều khiển nó.

TQ sau sự cố này chắc cũng phải ngẫm nghĩ lại về cái gọi là "đại nhảy vọt" về đường sắt. Đó cũng là kết quả của việc phát triển không bền vững. Chỉ nghĩ lợi trước mắt, làm hàng nhái vừa nhanh vừa rẻ, nhưng biết đâu dần dần mất chữ "tín" trong lòng mọi người. Âu cũng là bài học nhãn tiền cho các nước khác.

N.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn