'Im tiếng về cáo buộc với ông Lê Đức Thúy'

clip_image001  
Ông Lê Đức Thúy làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm từ năm 1999-2007  

Hơn một ngày sau khi báo chí Úc tái khẳng định nêu tên cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ông Lê Đức Thúy trong vụ tai tiếng hối lộ của công ty Securency về in tiền polymer, các cơ quan công quyền và báo chí Việt Nam chưa có phản ứng gì (*).

Hôm 2 tháng Bảy, tờ báo Úc The Age vốn đi đầu phát giác tham nhũng ở vụ Securency hối lộ quan chức của một số nước, trong đó có Việt Nam, để thắng thầu in tiền, đã nêu đích danh tên của ông Lê Đức Thúy, trên một danh sách ba quan chức nước ngoài mà hãng này được cho là đã 'mua chuộc' được bằng 'tiền hoa hồng'.

Tờ báo có trụ sở tại Melbourne đưa ra chi tiết về vị quan chức Việt Nam: "Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, một trong những quan chức giàu quyền lực nhất của đất nước và là người mà Securency bị cáo buộc đã hối lộ vào năm 2003 bằng việc trả các học phí cho con trai ông này du học tại Đại học Durham, Anh".

Hai phóng viên Nick McKenzie và Richard Baker và đồng thời là tác giả của bài báo trên The Age hôm thứ Bảy với tựa đề "Tiền giấy và hối lộ: các vụ bắt giữ còn tiếp tục" cho hay nhiều triệu đô-la đã được công ty của Úc hối lộ và chuyển tới các quan chức nước ngoài ở Indonesia, Malaysia và đặc biệt là Việt Nam.

Thỏa thuận lớn nhất

Việt Nam là nơi mà Securency có thỏa thuận làm ăn lớn nhất tới nay, với một hợp đồng 5 năm để chuyển đồng tiền của toàn bộ quốc gia từ tiền giấy sang polymer

The Age

Trong bài báo thứ hai, cùng ngày, với tựa đề "Những con người tiền bạc" (The money men) cũng của hai tác giả Úc khởi đăng ngay sau khi Tòa án Melbourne ở Úc chính thức buộc tội sáu quan chức cấp cao của Securency, tờ The Age khẳng định:

"Việt Nam là nơi mà Securency có thỏa thuận làm ăn lớn nhất tới nay, với một hợp đồng 5 năm để chuyển đồng tiền của toàn bộ quốc gia từ tiền giấy sang polymer.

"Người đóng vai trò trung gian kết nối rất mạnh mẽ trong vụ này là thương gia Lương Ngọc Anh và công ty của ông này, CFTD".

Ông Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, là người đã bị tờ The Age nhiều lần nêu đích danh với cáo buộc đã nhận lót tay nhiều triệu đô-la Úc từ Securency.

clip_image002

Bài báo ca ngợi ông Lương Ngọc Anh trên báo điện tử của Đảng Cộng sản VN đã bị tờ này rút xuống sau vụ việc

Tổng số tiền 'lại quả' cho ông Ngọc Anh, người được cho là có các liên hệ rất gần gũi với ông Lê Đức Thúy và ông Lê Đức Minh, con trai của ông Thúy - người đứng đầu một công ty con có liên hệ tới quá trình in tiền polymer, cũng như qua công ty của ông Ngọc Anh, theo The Age, là hơn 12 triệu đô-la Úc.

Im lặng như tờ

Một phần trong đó, vẫn theo báo này, đã được gửi vào tài khoản ở Thụy Sĩ.

Cho tới 18h00 ngày Chủ Nhật, 2 tháng Bảy, trên các trang mạng của Văn phòng Chính phủ Việt Nam, hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như hàng loạt báo chí trong nước, trong đó có các tờ Nhân dân, Thời báo Kinh tế VN, Sài Gòn Giải phóng, Thanh niên, hay các trang mạng VietnamNet, VnExpress.net..., đều không xuất hiện bất cứ tin bài nào đưa tin, hoặc bình luận, phản ứng về các cáo buộc đích danh mới nhất của báo chí Úc.

Vụ tai tiếng hối lộ của công ty Securency với các quan chức Việt Nam và nước ngoài trong các thương vụ hoa hồng in tiền polymer giai đoạn từ 1999 tới 2005 đã bị tờ The Age phát giác từ tháng 5/2009.

Các phát giác gây tác động lớn tại Úc và đã kéo các cơ quan điều tra, an ninh và tư pháp của nước này vào cuộc, mà trong đó vụ buộc tội một lúc 6 quan chức cao cấp của công ty này hôm 1 tháng Bảy có thể chưa phải là các diễn biến cuối cùng.

Báo The Age cho biết phóng sự điều tra của báo đã được cảnh sát sử dụng cho cuộc điều tra liên quốc gia. Chính quyền Indonesia và Malaysia miễn cưỡng hợp tác với cuộc điều tra, trong khi Việt Nam thì từ chối.

Được biết, ông Lê Đức Thúy làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong 8 năm, từ năm 1999. Người tiền nhiệm của ông là đương kim Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Sau khi ông Thúy thôi chức Thống đốc, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ nhiệm ông, từ tháng 3/2008 tới 5/2011 làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.

Nguồn: bbc.co.uk

(*) Chú thích của BVN:

Chính xác thì nhiều báo của Việt Nam từ ngày 1/7 đã nhắc đến vụ án này, nhưng không đề cập đến Việt Nam, chỉ riêng có Sài Gòn Tiếp thị mạnh dạn đề cập đến cả Việt Nam và ông Lê Đức Thúy. Sau đây là bài của Sài Gòn Tiếp thị.

Úc bắt 6 viên chức liên quan đến vụ in tiền VN

SGTT.VN - Ngày 1/7, tại bang Victoria, cảnh sát Liên bang Úc đã bắt giữ 6 cựu viên chức thuộc hai công ty in tiền vì cáo buộc đưa hối lộ cho các quan chức châu Á, trong đó có Việt Nam, để giành hợp đồng in tiền polymer.

Theo tài liệu điều tra, 6 cựu giám đốc của hai công ty Securency International, Note Printing Australia (trực thuộc Ngân hàng Dự trữ Úc), đã đút lót các quan chức Việt Nam, Indonesia, và Malaysia từ năm 1999 - 2005.

Cảnh sát Úc đã tiến hành điều tra các công ty nêu trên từ 2 năm nay trong vụ tham nhũng hối lộ quy mô lớn nhất của Úc ở nước ngoài từ trước tới nay.

Báo The Age tiết lộ ngân hàng Úc đã chi trả chi phí du học ở Anh của Lê Đức Minh – con trai ông Lê Đức Thúy (là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN trong thời điểm vụ bê bối xảy ra). Khoản tiền hối lộ trong vụ việc liên quan tới Việt Nam ước tính là 10 triệu đô la Úc, được chuyển vào nhiều tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Nhà chức trách Malaysia cũng đã phối hợp với cảnh sát Úc bắt giữ hai người có liên quan đến vụ scandal ở Malaysia sau cuộc điều tra của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia.

Cảnh sát Úc chưa tiết lộ danh tính của những người bị bắt. Sáu người bị bắt phải ra trước tòa án Melbourne, đối mặt với án 10 năm tù và phạt tiền lên đến 1,2 triệu USD nếu bị kết tội.

Securency có trụ sở tại Craigieburn, in tiền polymer sử dụng tại 31 quốc gia, bao gồm Úc, New Zealand, Việt Nam và Brazil. Note Printing Australia có trụ sở tại Craigieburn, sở hữu máy in tiền polymer đầu tiên trên thế giới. Cảnh sát Liên bang Úc cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục mở rộng đến những đối tượng có liên quan trong và ngoài nước Úc.

Bá Nha (Forbes, Bloomberg)

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn