Báo cộng sản và báo nhân dân

Huỳnh Ngọc Chênh

KỲ 1:  BÁO CỘNG SẢN

Luật pháp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chỉ cấp phép hoạt động cho các cơ quan truyền thông thuộc đảng Cộng sản, thuộc các tổ chức quần chúng của đảng, thuộc các cơ quan của nhà cầm quyền. Do vậy mà ở Việt Nam hiện nay chỉ có báo đài của đảng Cộng sản. Đó là báo đảng ở trung ương, báo đảng của 64 tỉnh thành, rồi báo của các bộ, rồi báo của các sở, rồi báo của Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc. Rồi báo của các hội như Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Điện ảnh…

Báo của các ngành và các đoàn thể thì có ở cấp trung ương, nhưng cũng có mặt ở các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ví dụ: báo Lao Động rồi báo Người Lao Động, báo Tiền Phong rồi báo Tuổi trẻ Thủ ĐôTuổi Trẻ, báo CAND rồi báo CA TP HCM… Tiếp theo là đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử đều có từ trung ương xuống các địa phương. 64 tỉnh thành là 64 đài phát thanh, 64 đài truyền hình, 64 trang web… Nói chung là có đến cả ngàn cơ quan truyền thông trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả đều thuộc Đảng Cộng sản.

Cả ngàn cơ quan đó nhân sự lên đến vài chục ngàn người. Có báo đài do nhà nước lấy tiền ngân sách trả lương và kinh phí hoạt động (số nầy hơi đông). Có báo đài tự thu tự chi không cần đến tiền đóng thuế của dân (số này không nhiều).

Có người gọi tất cả các báo đài đó là báo đài chính thống, không biết theo hệ quy chiếu nào? Có người gọi là báo đài cách mạng, vì vậy mà có ngày báo chí cách mạng. Có người gọi đó là báo đài quốc doanh, lại có người gọi là báo lề phải.

Nhưng nói cho đúng bản chất thì đó là báo đài của Đảng Cộng sản nên cứ gọi là báo cộng sản cho gọn.

Vì là báo cộng sản nên chỉ đăng những gì đúng theo quan điểm và chủ trương của đảng, đăng những gì có lợi cho đảng. Do vậy tuy rất nhiều về số lượng nhưng thông tin trên báo cộng sản thường rập khuôn một chiều và dĩ nhiên không thể nói là không phiến diện.

Trong hệ thống báo đài cộng sản, có đến cả ngàn cơ quan, nên có đến cả ngàn tổng biên tập hoặc giám đốc, tất cả họ đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng vì cách đưa tin rập khuôn theo chủ trương của đảng, nên có người nói vui: tất cả các báo đài ấy thực chất chỉ có một tổng biên tập thôi, đó là người không-ai-nói-ra-nhưng-ai-cũng-biết.

Làm sao mà chỉ một tổng biên tập mà quản được cả ngàn báo đài ấy để không đi chệch hướng của đảng? Cũng đơn giản thôi. Cách làm việc có thể hình dung như sau. Người không-ai-nói-ra-nhưng-ai-cũng-biết đó, mỗi tối trước khi đi ngủ gởi một tin nhắn chung cho tất cả các tổng biên tập các báo đài (trước đây thì phải tê lê phôn cho từng người, nhưng bây giờ trình độ tu luyện của kẻ không-ai-nói-ra-nhưng-ai-cũng-biết đã tăng cao, có thể nhắn tin một lần cho hàng loạt được rồi) với nội dung như sau: Điều A là tuyệt đối không đăng một chữ nào nhé! Điều B thì đăng như thế nầy thế nầy nhé! Các em nhớ nhé! Còn các chuyện ăn chơi, nhảy múa, cướp bóc, hiếp dâm, đồi trụy… thì các em cứ thoải mái làm theo kiểu mà các em thích cho nó đa dạng, phong phú, nhớ nhé!

Nhưng công bằng mà nói thì báo cộng sản cũng có nhiều lúc, nhiều tờ làm rất hay, rất sinh động và có bản sắc  riêng. Ấy là do có những lúc Đảng Cộng sản nới lỏng sự kiểm soát, hoặc do tờ báo may mắn rơi vào tay những tổng biên tập tài năng.

Phía Bắc thì có tờ Văn nghệ của thời ông Nguyên Ngọc. Phía Nam thì có nhiều hơn, đó là các tờ Tuổi trẻ thời ông Võ Như Lanh, bà Kim Hạnh, ông Lê Văn Nuôi, ông Huỳnh Sơn Phước… Sài Gòn Giải phóng thời ông Tô Hòa và Võ Như Lanh, Công an TP Hồ Chí Minh thời ông Huỳnh Bá Thành, Lao động thời của nhóm Tống Văn Công, Hồng Đăng, Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức…, báo Thanh niên thời của Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế, báo Phụ nữ TP HCM thời của Thế Thanh. Rồi tiếp theo là Thời báo Kinh tế Sài Gòn thời của Võ Như Lanh, Sài Gòn Tiếp thị thời của Kim Hạnh rồi Tâm Chánh, Pháp luật TP HCM thời của Nam Đồng và Huỳnh Quý.

Các vị đó là những người làm báo tài năng, trong phạm vi nhỏ hẹp của “lề phải” họ đã bươn chải, tạc dấu ấn cá nhân của họ vào, biến một tờ báo bao cấp rập khuôn của đảng thành một tờ báo xã hội hóa được xã hội đón nhận và hoan nghênh, làm ăn có lãi, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, cố gắng trong phạm vi cho phép chống lại bạo quyền, bênh vực những kẻ oan khiên, đóng góp không nhỏ cho xã hội qua các hoạt động ngoài báo.

Báo Tuổi trẻ thì có chương trình Vì ngày mai phát triển, báo Thanh niênQuỹ học bổng Nguyễn Thái Bình, Sài Gòn Tiếp thị của chị Kim Hạnh thì có chương trình vang dội Hàng Việt Nam chất lượng cao mà nhiều doanh nghiệp trong nước hẳn phải ghi ơn chị suốt đời… Những nhà báo đó, không biết đảng của họ có đánh giá cao họ không, riêng cá nhân tôi, với tư cách là một độc giả, họ là những người làm báo đáng khâm phục, là thế hệ vàng của làng báo Cộng sản Việt Nam. Rất tiếc, tất cả họ đều không còn làm báo nữa.

Một thế hệ vàng đã ra đi, để lại đàng sau họ những tờ báo do họ làm ra bản sắc, trở lại đúng vị trí của mình: Tờ báo đảng… ngoan hiền, và một nỗi buồn trống vắng trong lòng các thế hệ độc giả, trong đó có tôi.

Nhưng may quá…

KỲ 2: BÁO NHÂN DÂN

Lại nói về báo cộng sản, chỉ đăng những thông tin theo chủ trương đường lối của đảng, đăng những tin có lợi cho đảng, đăng những ý kiến của đảng, ý kiến của các quan chức đảng và của nhà cầm quyền, đăng ý kiến của người dân đồng ý kiến với đảng.

Những thông tin không có lợi cho đảng, dứt khoát không được đăng, ý kiến của người bất đồng với ý kiến với đảng càng không được đăng.

Chín người mười ý, 85 triệu dân thì không biết bao nhiêu là ý. Chỉ đăng theo ý của đảng thì còn hàng chục triệu ý kiến khác đăng ở đâu? Có cả ngàn phương tiện truyền thông nhưng người dân vẫn thiếu thông tin. Quyền được nêu ý kiến và quyền được thông tin của người dân bị xâm phạm.

Nhưng may quá, trời đã sinh voi nên sinh ra cỏ, đã sinh ra con người đói thông tin thì phải sinh ra… internet. (Nhưng cũng có ai đó than: Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng, đã sinh ra CNXH sao còn đẻ ra cái thằng tinh vi internet!)

Cái anh đế quốc tư bản sắp giãy chết kia lại làm ra cái công cụ rất tinh vi thâm độc. Nó tinh vi thâm độc ở chỗ, với nó thì cứ một anh dân nào cũng có thể nhảy vào… làm báo. Thế mới chết kia chứ, từ anh nông dân đến anh trí thức, từ em học sinh đến cụ già sắp xuống lỗ, từ anh nhà báo đến anh nghệ sỹ, từ anh đồng ý kiến đến anh bất đồng ý kiến, từ anh trong nước đến anh ngoài nước, từ anh cộng sản đến anh không cộng sản… tất tất đều có thể đường hoàng ra cho riêng mình một tờ báo ngon ơ. Đó là các trang blog, trang web cá nhân đang vào thời kỳ nở rộ như nấm sau mưa, và không biết chúng còn phát tướng ra cái gì trong tương lai nữa. (Dân bất đồng ý kiến sướng rồi nhé, nếu các vị chưa có đất để sống thì ít ra các vị cũng có đất để… nói. Trăm lạy thần internet, xin thần tiếp tục tồn tại để phù hộ cho chúng con, a di đà phật, amen!)

Thật ra ban đầu những trang blog, web chỉ dùng để ghi nhật ký cá nhân mà thôi, nhưng mà cái thằng nhà mạng chúng nó cũng đồng lõa tinh vi, chúng phù phép thế nào đó các trang nhật ký riêng tư ấy… ai cũng vào xem được và đăng ý kiến của mình lên được. Thế là nhật ký biến thành báo lúc nào không hay. Nhân dân cũng không hay mà nhà cầm quyền cũng không biết. Nhờ vậy mà chúng nó lừng lững tồn tại, rồi họp lại thành nhóm thành làng. Bây giờ nó phát triển to lớn rồi, người ta đặt tên cho nó. Có người gọi nó là báo mạng, báo lề trái, báo phản động (lại không biết đứng trên hệ quy chiếu nào), có người làm báo đảng còn gọi (nó) là báo rác rưởi. Có rác rưởi thì cũng của nhân dân, cao quý cũng của nhân dân, nhân dân nước nào lại không có từ hạng thấp hèn rác rưởi lên đến hạng quý phái cao sang. Do vậy đây là báo của mọi người dân nên cứ gọi là báo nhân dân cho đúng bản chất sự việc.

Nếu báo cộng sản phải tuyệt đối có tính đảng, thì báo nhân dân lại rất có tính…đa nguyên. Bởi báo ấy không từ chối đăng tải bất cứ một loại ý kiến gì, loại chủ trương gì, quan điểm gì… Mà ai từ chối được ai chứ, báo của ta thì ta cứ đăng ý kiến của ta và cả ý kiến không phải của ta, ai cấm được. Còn thiên hạ ai muốn đọc cái gì thì cứ vào đọc, không ai bị chỉ đạo phải đọc cái này không đọc cái kia. Đứng trước làng báo nhân dân, mỗi người đọc là một con người tự chủ, được toàn quyền quyết định sự lựa chọn của mình không ai ngồi vào đầu mình, làm thay cho mình cả.

Nhiều blog hoặc web cá nhân trở nên phổ biến, thu hút một lượng đông đảo người đọc, có những trang thu hút đến hàng vạn lượt người đọc mỗi ngày. Những tờ báo nhân dân đó trở thành món ăn tinh thần hàng giờ không thể thiếu của nhiều người. Có nhiều tên tuổi nổi lên trong làng báo này, có thể kể ra như: blog Osin của nhà báo Huy Đức, Cô gái Đồ Long của Hương Trà, Điếu Cày của Nguyễn Văn Hải, Quê Choa của Nguyễn Quang Lập… Rồi các blog của Hà Sỹ Phu, Mẹ Nấm, Nguyễn Hữu Vinh, Đỗ Trung Quân, Tô Hải, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Hải, Ngô Bảo Châu… rồi đến các trang chung nổi tiếng như Bauxite Việt Nam, Anh Ba Sàm, Tin tức hàng ngày, Dân làm báo, và nhiều nhiều nữa và không thể biết được trang nào ở trong nước, trang nào ở nước ngoài. Mà biết làm gì cho mệt nhỉ, ở đâu cũng là nhân dân, là đồng bào Việt Nam thôi. Nên trong nước hay ngoài nước gì thì cũng là báo nhân dân cả.

Những thông tin đa chiều và thô ráp trên các trang báo nhân dân ban đầu làm cho nhà cầm quyền rất khó chịu, vì thế mà nhiều trang hoặc bị đóng cửa, hoặc bị “tin tặc” quậy phá. Nhưng nhân dân có đến hàng chục triệu người thì làm sao chặn cho hết được những tờ báo của họ. Trang nầy mất, trang khác mọc ra.

Nói một cách nghiêm chỉnh, những tờ báo nhân dân đó đã tạo ra những hiệu quả thông tin rất lớn và trong chừng mực nào đó đã làm lay động đến xã hội. Từ anh CSGT đến anh quan chức cấp thấp đến tận các anh ở trên cao, bất cứ lúc nào cũng có thể được đưa lên báo. Nếu làm việc tốt đẹp thì tiếng thơm nhờ vậy được lan tỏa rộng, ngược lại tiếng thối cũng lan xa. Vì thế mà từ hành vi của anh nhân viên công lực đứng đường, đến những phát biểu của các vị quan chức cao cấp trong nghị trường đều phải luôn luôn cẩn trọng vì được nhân dân giám sát thường xuyên. Chuyện như vậy thì tốt hay xấu nhỉ? Thôi tốt hay xấu thì tùy theo mỗi cái đầu, không bàn ra đây nữa.

Không có báo nhân dân thì không ai biết được chuyện viên đại úy đạp vào mặt người biểu tình, không ai biết được tình trạng bạo lực học đường diễn ra rất khốc liệt, không ai biết được thơ Hồ Chí Minh ca ngợi Quang Trung bị đục bỏ, không ai biết được hai anh cảnh sát đấu võ với nhau ngoài đường phố, không ai dám phê phán vị đại biểu nói sai về lạm phát một cách ấu trĩ, không ai biết được có vị quan chức mới được đề bạt xài bằng giả, không ai biết được vừa mới đây có 10 công dân ở Vinh bị mất tích một cách khó hiểu, không ai dám bình phát biểu của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề hợp tác cùng tiến lên CNXH với Trung Quốc là câu nói hay. Báo nhân dân bỗng dưng trở thành công cụ giám sát quan chức của nhà cầm quyền cho nhà cầm quyền lúc nào không hay mà không cần ăn lương để tốn tiền thuế của dân như hằng hà các cơ quan giám sát chính thống khác mà chẳng giám sát được gì.

Rồi nghiễm nhiên báo nhân dân tạo ra một loại kênh thông tin rất khác cho nhà cầm quyền bên cạnh kênh thông tin tạo ra bởi làng báo cộng sản. Nhờ vậy mà nhà cầm quyền nắm bắt toàn diện và kịp thời các tín hiệu từ dân mà có những điều chỉnh thích ứng trong công việc cai trị (theo hướng tiêu cực lẫn hướng tích cực).

Đến bây giờ, dường như nhà cầm quyền đã nhìn ra được mặt tích cực của vấn đề nên đã trực tiếp ủng hộ sự tồn tại của các tờ báo nhân dân đó bằng cách mỗi vị lãnh đạo cao cấp cũng  làm ra cho mình một trang web cá nhân. Những trang Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng… bắt đầu xuất hiện hòa mình vào trong làng báo nhân dân. Công dân mạng đang hoan hỉ đón nhận. Như vậy làng báo nhân dân trong thời gian tới sẽ không còn bị quấy rối bởi bọn tin tặc mờ ám nữa. Những trang trước đây bị tin tặc phá hoại thì bây giờ có lẽ là lúc có thể phục hồi trở lại. (Và các đồng chí công bộc của đảng từ giờ trở đi đừng có dại mồm nói báo nhân dân là báo rác rưởi nữa nhé!)

Với tư cách là độc giả thường xuyên, xin được hoan hô tất cả các nhà làm báo nhân dân, hoan hô Bauxite Việt Nam, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Thư viện Hà Sỹ Phu, Cu làng cát, Nguyễn Phú Trọng, Quê choa, Nguyễn Sinh Hùng, Chú Tư ngố, Trương Tấn Sang, Anhbasam, Nguyễn Tấn Dũng, Beo, Nguyễn Xuân Diện, Osin, Trần Nhương, Người Buôn Gió, Nguyễn Trọng Tạo, Mẹ Nấm, Tạ Phong Tần, Hồ Trung Tú, Cô gái Đồ Long, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Vạn Phú,  Nguyễn Thế Thịnh, Mr Do, Nguyễn Thông… và nhiều nhiều nữa không thể kể hết ra đây.

Các vị là những người đầu tiên đặt chân vào một chương mới của lịch sử báo chí Việt Nam. Mỗi vị là một tổng biên tập thực sự của tờ báo của mình và của nhân dân, trên các vị không có kẻ Không-ai-nói-ra-nhưng-ai-cũng-biết chỉ đạo. Độc giả biết các vị chỉ đi theo sự dẫn dắt của một kẻ duy nhất thôi, đó là lương tâm của các vị.

Xin nhại lại câu nói của ông bà để kính tặng hàng triệu vị tổng biên tập trong làng báo nhân dân thay cho lòng biết ơn của tôi: Còn lương tâm thì còn làng báo nhân dân, còn làng báo nhân dân thì còn Tổ quốc Việt Nam.

H.N.C.

Nguồn: Huỳnh Ngọc Chênh blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn