Giải quyết 1.000 LĐ Trung Quốc không phép?

Vũ Điệp (tổng hợp)

clip_image002

 

Công nhân Trung Quốc sau giờ tan tầm ở Công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau - (Ảnh: Thanh Niên).

 
Trong những ngày qua, thông tin công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau ở Cụm công nghiệp khí - điện - đạm, đang có hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc chưa được cấp phép lao động thu hút sự quan tâm của dư luận.

Kiểm tra là phát hiện lao động không phép

Sở LĐTB&XH và Công an tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, có 1.535 lao động người Trung Quốc, trong đó 858 người chưa được cấp phép. Ngày 4-8, Sở LĐ-TB&XH Cà Mau tiếp tục kiểm tra, phát hiện trên công trường tăng lên 1.733 lao động Trung Quốc, lao động không phép cũng tăng lên 1.360 người.

Sở LĐ-TB&XH và Công an Cà Mau làm việc với Ban quản lý Cụm khí - điện - đạm Cà Mau và các nhà thầu Trung Quốc, đề nghị phải lập danh sách 1.733 lao động Trung Quốc trên công trường, phân loại người có phép và không phép để chấn chỉnh việc quản lý nhưng chưa có kết quả.

Ông Dữ Minh Huân, Trưởng phòng Chính sách lao động và Bảo hiểm xã hội của Sở LĐTB&XH Cà Mau cho biết trên báo Tiền Phong: “Hễ kiểm tra là phát hiện vi phạm, nhưng việc khắc phục rất chậm chạp. Chúng tôi quyết định phạt hành chính hành vi tuyển dụng lao động các nhà thầu thì họ thực hiện và đã trục xuất 16 lao động người Trung Quốc, nhưng họ chấp hành như thế nào thì chẳng biết”.

Ông Vương Văn Cường - người phụ trách an ninh công trường và quản lý lao động nước ngoài thuộc ban quản lý dự án Cụm khí - điện - đạm Cà Mau cũng xác nhận với Tuổi Trẻ, trong số 1.051 lao động Trung Quốc chưa được cấp phép có 440 người làm việc dưới ba tháng (theo quy định không cần cấp phép lao động - PV), số còn lại đang làm thủ tục xin cấp phép lao động.

Thành phần lao động Trung Quốc tại đây gồm có cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân có tay nghề, lao động phổ thông nhưng phần lớn trong số này là lao động có tay nghề và lao động phổ thông.

Ông Cường giải thích: “Việc tồn tại tình trạng lao động Trung Quốc làm việc chưa có giấy phép tại đây “do công việc công trường đang gấp. Họ (nhà thầu - PV) có nói ở nước họ làm thủ tục chậm nên việc hoàn tất thủ tục ở đây chậm”.

Từ tháng 7-2008, sau khi trúng thầu xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, Cty Cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn (Trung Quốc) liên kết với 5 nhà thầu khác của Trung Quốc đưa lao động đến công trường nhưng không tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Cà Mau Chung Ngọc Nhãn cho biết thêm: “Nhà thầu Trung Quốc tuyển dụng lao động không có hồ sơ theo qui định, sử dụng lao động không phép, không báo cáo đúng định kỳ theo qui định đã gây khó khăn cho việc quản lý lao động người nước ngoài”.

Đại tá Trần Như Tâm, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Cà Mau nói: “Công an quản lý an ninh trật tự và tạm trú chứ cũng không nắm được lao động có phép hay không phép”.

Không chấp nhận lao động nước ngoài không phép

Ông Lê Thanh Tòng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, lẽ ra phải ưu tiên lao động Việt Nam làm việc tại công trường này, trường hợp lao động Việt không đáp ứng được mới tuyển lao động nước ngoài.

Hiện bên nhà thầu chính chưa có bất cứ văn bản nào gửi cơ quan quản lý địa phương về nhu cầu lao động tại công trường để nơi đây cung cấp lao động tại Việt Nam.

Được biết, trước khi khởi công dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, Sở LĐTB&XH đã hai lần hướng dẫn về quy định cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sau đó tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh nhiều lần kiểm tra.

Qua các lần kiểm tra, Sở đã phạt hành chính nhà thầu do có hành vi vi phạm thủ tục sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, thậm chí Sở từng đề nghị Bộ Công an trục xuất hơn 10 lao động Trung Quốc tại đây vì lỗi vi phạm trên.

Trả lời câu hỏi tại sao có kiểm tra thường xuyên nhưng lao động không phép tại đây tồn tại trong thời gian dài, ông Tòng nói: “Cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn, xử phạt, làm hết trách nhiệm theo quy định rồi”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trả lời Tuổi Trẻ: “Tỉnh chỉ hướng dẫn cấp phép những lao động đủ điều kiện, không chấp nhận việc đưa lao động phổ thông vào làm việc tại công trường nhưng họ vẫn đưa vào, họ chấp hành không nghiêm”.

Ông Hải nói quan điểm của tỉnh là xử lý kiên quyết và hiện giao Sở LĐ-TB&XH xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đề cập việc hơn 1.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau không có giấy phép, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH chưa nhận được báo cáo về vụ việc... Tôi sẽ yêu cầu Cục Việc làm soạn ngay công văn trong chiều 9-8 để gửi UBND tỉnh Cà Mau, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, báo cáo. Tùy từng mức độ vi phạm, Bộ sẽ hướng dẫn Sở LĐ-TB&XH Cà Mau nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu, hoặc nếu nghiêm trọng thì đề nghị Bộ Công an cho xuất cảnh những lao động không phép”.

Theo ông Hòa, lao động làm việc dưới ba tháng không cần giấy phép. Trong thời gian làm thủ tục, chờ được cấp phép, lao động nước ngoài vẫn được phép làm việc. “Đây có thể là kẽ hở, bởi các quy định của ta không nói rõ thời gian để làm thủ tục là bao lâu nên rất khó xử lý” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận.

Ông Hòa cho rằng Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cần kiểm tra, chỉ cấp phép cho lao động nào đủ điều kiện, còn không đủ điều kiện thì phải hướng dẫn chủ đầu tư để họ hoàn tất thủ tục. Nếu hướng dẫn rồi nhưng họ vẫn không thực hiện, phải thông báo ngành Công an xử lý, kiên quyết cho xuất cảnh những trường hợp lao động không phép.

V.Đ.

Nguồn: Vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn