Hà Nội của ai?

PV Quốc Doanh

image Khoảng 40 năm trước, Hà Nội còn bom rơi, đạn nổ. Nữ văn sĩ Bulgary Blaga Dimitrova (2/1/1922-2/5/2003) đi trên đường phố Hà Nội, thấy một phụ nữ Hà Nội luống tuổi đi ngược chiều. Từ xa, bà đã nhói lòng trước dáng vẻ gầy yếu, khuôn mặt mệt mỏi, âu lo của người phụ nữ Hà Nội. Nhưng khi đi ngang qua nhau, thật bất ngờ, người phụ nữ Hà Nội chào khách lạ nước ngoài bằng nụ cười rạng rỡ. Sững sờ xúc động, Blaga Dimitrova viết: "Tôi đã vượt nửa vòng trái đất đến đây, chỉ để gặp nụ cười này!".

Chuyện được Blaga Dimitrova kể lại trong tác phẩm nổi tiếng “Ngày phán xử cuối cùng”.

Trong tác phẩm, nữ văn sỹ còn viết về giọng nói của Hà Nội, của Việt Nam, những năm tháng ấy: “Tôi không để ý đến ý nghĩa của những lời nói đầu tiên. Cái ý nghĩ làm sửng sốt tâm can tôi là ở cái thanh điệu, ở cái nhỏ nhẹ của những lời nói ấy. Lời nói nhỏ nhẹ buộc mọi người phải xích đến gần nhau, xích lại với nhau. Chỉ có trong căn nhà ấm cúng, hòa thuận giữa bốn bức tường của mình, mọi người mới bằng cái giọng khẽ khàng như thế và nghe thấy nhau. Vậy mà tiếng nói của Việt Nam nghe được khắp mọi nơi trên trái đất này. Đó là tiếng nói của lương tâm bình yên”.

Thời đó, Hà Nội rất nghèo vật chất, chưa được như bây giờ.

Nhưng bây giờ, Hà Nội lại lớn quá, nhiều dự án bất động sản quá làm cho cuộc sống người dân luôn luôn xáo động, không còn bình yên. Cả nước có bao nhiêu vấn nạn dân sinh thì Hà Nội có bấy nhiêu, nhiều khi trầm trọng hơn và chưa tìm được hướng tháo gỡ. Gần đây, còn xảy ra cảnh dọa nạt, bắt bớ người dân biểu tình phản đối Trung Quốc quanh Hồ Gươm.

Báo chí quốc doanh ở Hà Nội cũng rộ lên lớn tiếng xúc xiểm người dân, mà trước kia không hề có. Nhà báo Nick Davies của tờ The Guardian (Anh), người phanh phui vụ nghe lén ở News of The World, từng viết: “Một nền báo chí bất cần đạo lý, đánh thuê, mị dân, tha hóa sẽ dần tạo ra một dân tộc như chính nó”.

Nên không tốn lời cối chày với báo chí quốc doanh Hà Nội, chỉ xin trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư: Ngày 12 (tháng Giêng năm Ất Dậu – 1285) giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát” bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: “Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi”. Vua mừng, nói rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!” (chỉ những loại ngựa quý, ngựa tốt). Rồi sai đem thư xin giảng hòa. Ô Mã Nhi hỏi {Chung}: “Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem (…) Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích (một tên tướng cướp sừng sỏ trong truyền thuyết Trung Quốc), không nịnh ta lên là Nghiêu (vị hoàng đế lý tưởng trong truyền thuyết Trung Quốc), mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”. (Đại Việt sử ký toàn thư tập II, trang 52 và 53, của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1998).

Nay, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, đang gây hấn ngoài biển Đông lăm le chiếm nốt Trường Sa của ta, tình hình này lòng dân cần hơn lòng lãnh đạo Trung Quốc. Lợi ích của dân tộc phải đặt cao hơn lợi ích của cá nhân, phe nhóm.

Nhà thơ Chế Lan Viên (20/10/1920- 19/6/1989) có viết: Lòng ta thành con rối / Cho cuộc đời giật dây / Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”. Bên nước Nga xa xôi, nhà thơ Maiacopxki (19/7/1893 – 14/4/1930) cũng viết: “Đêm ta ngủ / Ngày đi đứng nói năng / Tắm vũng ao nhà ta vẫy vùng hể hả (…) Vợ ở nhà nó thích, nó yêu / Ta đã sướng mê, hả lòng hả dạ”.

Không trách sự nhỏ bé cũng như không cần biết đến còn có loại nhà thơ làm thơ dựa hơi để Tết đăng được nhiều báo chí quốc doanh, kiếm tiền cho “vợ ở nhà nó thích, nó yêu”. Nhưng khó chấp nhận loại nhà thơ như thế lại nhân danh Hà Nội lên giọng dạy con cháu của sứ thần Đỗ Khắc Chung về lòng yêu nước.

Hà Nội muôn đời của người Việt Nam!

“Con người Việt Nam là niềm kiêu hãnh đầy bi tráng của thời đại chúng ta”, vẫn nữ văn sĩ Blaga Dimitrova viết trong “Ngày phán xử cuối cùng”, con người Việt Nam không biết sợ hãi, mà “sợ hãi là loài vật kinh tởm nhất sống trên trái đất này”.

Xin mượn thơ của Ngô Ngọc Du, viết về Thăng Long mùa xuân 1789 sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, để có thể nói về hôm nay và mãi mãi: “Mây tạnh mù tan trời lại sáng / Đầy thành già trẻ mặt như hoa / Chen vai khoác cánh cùng nhau nói / "Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta".

Ngày 29/8/2011

Q.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn