Tại sao nông dân đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng nghèo?

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Nông dân làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năng suất ngày càng một tăng, nhưng đời sống ngày càng một nghèo mạt. Đây là một nghịch lý mà lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần phải sớm loại bỏ.

Chúng ta điều biết: nông dân nghèo vì Chính phủ khống chế giá lúa gạo trong nước để chống lạm phát; nông dân nghèo vì hễ cứ trúng mùa thì mất giá; nông dân nghèo vì mất mùa cũng mất giá; nông dân nghèo vì gạo xuất khẩu bị bán với giá thấp; nông dân nghèo vì gạo xuất khẩu không có thương hiệu; nông dân nghèo vì được hưởng quá ít trong chuỗi lợi nhuận từ lúa gạo; nông dân nghèo vì giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật năm nào cũng tăng, mà giá lúa không tăng hoặc tăng không theo kịp; nông dân nghèo vì giá lúa không tăng, nhưng mọi mặt hàng nhu yếu cần dùng mỗi năm mỗi tăng đến chóng mặt; nông dân nghèo vì sản xuất nhỏ lẻ đất đai manh mún…

Tất cả các thực trạng làm cho nông dân ngày càng nghèo hơn, ai cũng thấy, thế nhưng những nguyên nhân gây ra các thực trạng này lại không được truy tìm tận gốc.

Khi những nguyên nhân gốc không được chỉ đích danh, những biện pháp cải thiện nữa vời dựa trên hiện tượng, sẽ không mang lại các lợi ích thiết thực.

Vì thế, dù Đảng và Nhà nước có Nghị quyết về tam nông, với mục đích nâng cao mức sống của nông dân, nhưng trong thực tế nông dân chúng tôi lại nhận được rất ít sự giúp đỡ thiết thực từ những chính sách hiệu quả.

Do đó, nông dân chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm lên tiếng, như là một sự phản ảnh từ thực tế, như là một sự giải bày, với mong muốn mọi người hiểu hơn nữa tình cảnh của nông dân ĐBSCL, hiểu rõ những nguyên nhân làm cho nông dân chúng tôi ngày càng nghèo hơn, hầu có thể đưa ra những giúp đỡ hữu hiệu cho nông dân chúng tôi.

Những nguyên nhân làm cho nông dân ngày càng nghèo hơn

Nguyên nhân thứ nhất: Chính phủ khống chế giá lúa gạo trong nước để chống lạm phát.

Năm 2008 khi giá gạo thế giới lên đến gần 1.000 đô la Mỹ/ tấn, Chính phủ vội ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo anh ninh lương thực, sau đó, lúa của nông dân chỉ bán được với giá qui gạo khoảng 350 đô la Mỹ/ tấn.

Minh chứng cho việc này là phát biểu với báo Tuổi trẻ Online của Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ Nguyễn Thành Biên: “Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân” [1].

Nguyên nhân thứ 2: Chính phủ không có các chính sách phát triển sản xuất hiệu quả.

Nông dân làm lúa chúng tôi hầu như không nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ những chính sách phát triển sản xuất hiệu quả, do Chính phủ không có một chiến lược lúa gạo rõ ràng.

Chúng ta là một nước nông nghiệp, thế nhưng không có nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hầu hết máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp đều phải mua của nước ngoài với giá rất cao.

Chính sách lớn nhất của Chính phủ về tiêu thụ sản phẩm được quy định trong Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, dù đã ban hành 9 năm nhưng hầu như không thực hiện được trong thực tế.

Về giống lúa:

Các nhà khoa học về giống cho biết: giống lúa xác nhận giúp tăng năng suất từ 8-10%, thế nhưng hiện nay, việc cung cấp giống xác nhận cho nông dân chưa được 30% yêu cầu, Chính phủ cần phải có biện pháp cung cấp đủ giống nguyên chủng cho nông dân, để mỗi nông dân tự gây thành giống xác nhận cho vụ sau.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bán gạo bằng cách trộn lẫn các loại gạo với nhau, xuất với tên gạo trắng hạt dài phân biệt bởi % tấm (5%, 15%, 25%), thế nên Bộ Công Thương không thể biết được số lượng và chủng loại của từng loại gạo được xuất từng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ khuyến cáo nông dân cơ cấu giống để tránh sâu bệnh, còn nông dân thì đang chọn giống tự phát theo kiểu hên xui, thấy giống nào có giá thì chọn cho mùa sau.

Về vấn đề cơ giới hóa việc thu hoạch và sau thu hoạch:

Việc cơ giới hóa việc thu hoạch và sau thu hoạch đã được Chính phủ đề ra trên 20 năm, nhưng hiện nay vẫn còn nằm ở vạch xuất phát. 20 năm qua, Chính phủ không hề có chính sách nghiên cứu và chế tạo máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa cung cấp cho nông dân.

Hiện nay, Chính sách cơ giới hóa chỉ dừng lại ở mức độ cho nông dân vay tiền mua máy gặt đập liên hợp. Cho nông dân vay khoảng 500 triệu để mua máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota, khiến cho nông dân đang gánh chịu giá cánh kéo quá lớn, Chính phủ không hề hỗ trợ giá cánh kéo cho nông dân.

Nguyên nhân thứ 3: Chính phủ ngày càng giảm đầu tư cho nông nghiệp.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết:

“Giai đoạn 2003-2007, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp chỉ đáp ứng 17% nhu cầu của khu vực này. Tuy vậy, thống kê gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lại đang giảm dần từ năm 2007 đến nay.

Năm 2009, tổng nguồn vốn dành cho lĩnh vực này chỉ chiếm 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội (giảm 0,19% so với năm 2008) trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP lên đến 20,91%. Nhìn sang các nước châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines… mức đầu tư của họ dành cho nông nghiệp, nông thôn thường trên 20% tổng chi ngân sách”.

Bài báo cho biết thêm:

“Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép trợ cấp cho nông nghiệp có thể lên đến 10% GDP của ngành, tương đương khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu cộng thêm khoảng 4.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư hàng năm, ông Phong cho rằng có thể dôi ra đến 20.000 tỉ đồng để hỗ trợ nông nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2009, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho khu vực nông nghiệp chỉ có khoảng 9.917 tỉ đồng. “Chúng ta hỗ trợ cho nông nghiệp còn quá ít!”, ông nói” [2].

Nguyên nhân thứ 4: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) độc quyền trong mua bán lúa gạo.

Nhà nước đang độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vì vậy, lẽ ra theo Luật Cạnh tranh, Chính phủ phải ấn định giá mua bán lúa gạo, để bảo vệ quyền lợi nông dân hài hòa với lợi ích của người ăn gạo và lợi ích của VFA.

Hiện nay, Chính phủ giao toàn quyền ấn định giá mua bán lúa gạo cho VFA là những doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, vì vậy VFA luôn chiếm phần lớn lợi nhuận từ lúa gạo của nông dân mà không đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo.

Do độc quyền, VFA luôn bán gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới: “Trong vòng 5 năm 2001-2005 giá của chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế giới (220 USD/ tấn). Đó là giá bán “bèo” nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan” [3].

Năm 2006, trên VnExpress, chính ông Trương Thanh Phong cho biết các doanh nghiệp trong VFA bán gạo 5% tấm với giá 242-245 đô la Mỹ/ tấn trong khi giá thành gạo này lên đến 248 đô la Mỹ/ tấn [4].

Năm 2008, khi giá lúa lên gần 1.000 đô la Mỹ/ tấn, VFA ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, giá gạo giảm, theo các chuyên gia, nông dân thiệt khoảng 400 triệu đô la Mỹ.

Hai năm 2009 và 2010 VFA bán gạo xuất khẩu rẻ hơn gạo Thái Lan cùng Loại từ 100 – 150 đô la Mỹ/ tấn.

Bán gạo của nông dân chúng tôi với giá rẻ nhất thế giới, đồng nghĩa với việc VFA mua lúa của nông dân chúng tôi với giá rẻ nhất thế giới. Để mua lúa giá rẻ, năm nào VFA cũng áp dụng mưu kế mua lúa tạm trữ, giá lúa tạm trữ quy gạo từ năm 2008 đến nay dao động ở mức 350 đô la Mỹ/ tấn.

Vì được độc quyền ăn chênh lệch đầu tấn, nên Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA không hề đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu: không đầu tư kho chứa lúa, không đầu tư nhà máy xay lúa, không tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, và tệ nhất là không biết chính xác mình xuất khẩu gạo loại gì, do trộn lẫn các loại gạo với nhau.

Không có đủ kho nên không điều tiết được quá trình xuất khẩu gạo, phải xuất khẩu theo kiểu sang tay nên dễ bị khách hàng ép giá. Không có nhà máy xay lúa hiện đại nên chất lượng gạo xuất khẩu thấp. Không có thương hiệu nên bán gạo cùng loại rẻ hơn nước khác. Không biết chính mình xuất khẩu gạo loại gì nên nông dân chọn giống theo kiểu hên xui, may nhờ rủi chịu.

Nguyên nhân thứ 5: Sự độc quyền của Hiệp hội phân bón và các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng là mặt hàng nằm trong danh mục cần bình ổn với lúa gạo, thế nhưng khi giá lúa tăng cao thì Chính phủ thực hiện bình ổn để kiềm giá, còn khi phân bón tăng cao thì lại giải thích là kinh tế thị trường, nhập cao nên bán cao. Chưa bao giờ Chính phủ bình ổn giá phân bón cho nông dân cả (?!).

Thuốc bảo vệ thực vật thì tăng giá mỗi năm, có khi, năm sau tăng hơn 50% giá năm trước, khi giá thuốc trên thị trường thế giới giảm thì các công ty tăng hoa hồng cho các đại lý, chứ không giảm giá bán cho nông dân. Hoa hồng của các công ty cho các đại lý có lúc lên đến 40%, thế mà không có cơ quan nào kiểm tra giám sát cho nông dân [5].

Nguyên nhân thứ 6: Hội Nông dân không phải của nông dân. Và không bảo vệ được quyền lợi của nông dân trong kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD cho biết trong kinh tế thị trường sẽ có nhóm lợi ích: “Trong xã hội hình thành các nhóm quyền lợi khác biệt ráo riết tranh thủ quyền lực chính trị. Giới doanh nghiệp dù là quốc doanh hay dân doanh, tầng lớp thị dân dù là viên chức hay dân thường vận động cho một hệ thống chính sách đem lại lợi ích cho mình và không phải luôn có lợi cho nông dân, đây là thực tế khách quan của mọi hình thức nhà nước trong cơ chế thị trường”.

Để đối phó với nhóm lợi ích, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn yêu cầu Hội Nông dân: “Mục tiêu của hội phải là bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa cho nông dân” [6].

Thực tế hiện nay, cơ quan làm việc của Hội Nông dân do Nhà nước cấp, nhân sự do Nhà nước bổ nhiệm, tiền lương do Nhà nước phát, công việc do Nhà nước phân công, cho nên, Hội Nông dân chỉ làm những việc có tính phong trào, mà không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền lợi của nông dân trong kinh tế thị trường.

Ông Chủ tịch Hội Nông dân ở tận miền Bắc xa xôi, không ở ĐBSCL, không làm ruộng ở ĐBSCL, cả nhiệm kỳ vào ĐBSCL cỡi ngựa xem hoa một vài lần thì làm sao biết được tình cảnh của nông dân ĐBSCL? Làm sao bảo vệ cho quyền lợi của nông dân ĐBSCL?

Trong 2 năm 2008 và 2009, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo của VFA, vấn đề ngừng xuất khẩu gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp bị công luận phản ứng dữ dội, đại biểu Quốc hội chất vấn cả Thủ tướng trên diễn đàn Quốc hội. Thế mà Hội Nông dân không hề lên tiếng.

Hiện nay, việc mua lúa tạm trữ - mà Chính phủ không ấn định giá lúa - đang gây hại cho nông dân, cũng không thấy Hội Nông dân lên tiếng.

Ở địa phương tôi, năm 1998, UBND xã đến tận nhà phát cho một số nông dân thẻ hội viên Hội Nông dân, rồi từ đó đến nay không hề họp hội gì cả, bản thân tôi đã 20 năm làm lúa mà không biết mình có phải là hội viên Hội Nông dân hay không.

Đồng cảm với thiệt thòi của nông dân, Tiến sĩ Nguyễn Phú Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đưa ra đề nghị như sau: “Để giải quyết và bênh vực quyền lợi của nông dân, nên thành lập Hiệp hội người trồng lúa” và Tiến sĩ giải thích rõ hơn: “Chúng ta có Hiệp hội những doanh nghiệp xuất khẩu để bênh vực quyền lợi của doanh nghiệp, vậy tại sao không xây dựng Hiệp hội của những người trồng lúa để nông dân lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình?” [7].

Nguyên nhân cuối cùng - Nguyên nhân của mọi nguyên nhân: Chính phủ ở xa nông dân ĐBSCL quá.

Trên VietnamNet, trong bài “Ở xa Trung ương quá”. Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, nguyên Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, giải thích việc ĐBSCL còn nghèo là do: “Đồng bằng Sông Cửu Long ở xa Trung ương quá, Bộ lâu lâu mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì Miền Tây chưa thoát nghèo được".

Rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao nông dân ĐBSCL ngày càng nghèo hơn trên vựa lúa của mình?

Nông dân chúng tôi xin được phép trả lời: Chúng tôi càng ngày càng nghèo vì Trung ương ở xa quá, và Hội Nông dân cũng ở quá xa.

H.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tài liệu tham khảo:

(1) Bài “Bức xúc với giá sàn xuất khẩu gạo”, http://tuoitre.vn/kinh-te/400864/buc-xuc-voi-gia-san-xuat-khau-gao.html

(2) Bài “Nông thôn vẫn khát vốn”, http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/45179/Nong-thon-van-khat-von!.html

(3) Bài “Xuất khẩu gạo: tấn nhiều, đô ít”, http://tuoitre.vn/Kinh-te/193763/Xuat-khau-gao-Tan-nhieu-do-it.html

(4) Bài “Gạo ngon bán rẻ”, http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2006/03/3b9e760d/

(5) Bài “Giá vật tư nông nghiệp: “ ngất trời” vì hoa hồng”, http://tuoitre.vn/Kinh-te/308824/Gia-vat-tu-nong-nghiep-%E2%80%9CNgat-troi%E2%80%9D-vi-hoa-hong.html

(6) Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (CAP), bài: “Nông dân Việt Nam cần có tổ chức mạnh để giành thắng lợi trong cơ chế thị trường và chuyển mình thành công trong quá trình công nghiệp hóa”, http://www.cap.gov.vn/News/newsdetail.asp?targetID=1834

(7) Bài “Chưa tập lội, nông dân đã tự bơi”, http://nld.com.vn/2010071401018251P0C1014/chua-tap-loi-nong-dan-da-tu-boi.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn