Đảng và dân phải ‘đồng thuận anh em’ về ‘lợi ích cốt lõi’

Trần Minh Thảo

Khái niệm ‘anh em’ trong chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay có thể hiểu hai cách:

(1) Đồng chí 4-16.

(2) Công dân một nước, đồng bào.

Do những cáo buộc, bắt bớ, tù đày trước nay vì tội ‘chống phá nhà nước XHCN’,’lật đổ chính quyền cách mạng’, do những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và hành vi trấn áp ‘biểu tình phản động’ tinh vi của đảng, nhà nước và ‘dư vị mặn chát’ từ hai chuyến ‘đi làm việc’ của hai vị Thứ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng mà ta thấy được sự thật: dân và đảng chưa đồng thuận trên nhiều ‘lợi ích cốt lõi’ của dân tộc, đất nước.

Bằng chứng

Về phía đảng, nhà nước: đồng thuận với anh em là thực hiện ‘cam kết Tàu’(chữ của nhà văn Nguyễn Quang Lập) hay ‘không còn mơ hồ’ trong nhận thức của nhà văn lão thành Nguyên Ngọc trong bài viết ngắn “Thôi nhé, hiểu rõ quá rồi!”. Sự ‘giác ngộ’ mà hai nhà văn đã nói thay nhiều người dân Việt có được sau chuyến đi và những phát ngôn của hai nhà ngoại giao dân sự, quân sự – Thứ trưởng Hồ xuân Sơn và Thứ trưởng Nguyễn chí Vịnh.

Sau chuyến đi Trung quốc của Thứ trưởng Ngoại giao dân sự Hồ xuân Sơn, nhiều người còn hoài nghi về một ‘đồng thuận Trung Việt’ nào đó nên một số vị đã ký kiến nghị yêu cầu bộ ngoại giao công khai ‘đồng thuận Trung Việt’ cho người dân ‘quán triệt’ như luật định.

Sự không còn hoài nghi nội hàm ‘anh em’ chính là đồng chí 4-16 được nhiều người mượn chữ của nhà thơ Đỗ Trung Quân thay cho ‘lời muốn nói’: “ Rõ rồi nhé, rõ mồn một rồi nhé” vốn để nói về hành vi thú tính đối với người biểu tình yêu nước ở Hà Nội.

Những hoài nghi sau chuyến đi của Thứ trưởng Hồ xuân Sơn đã được Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh ‘giải trình’ minh bạch. Thử trích một số phát ngôn của nhà ngoại giao quân sự trong và sau ‘Đối thoại chiến lược’ Trung Việt lần 2 ở Bắc Kinh:

- “Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc”. (Có người nói: Thế là Trung quốc sẽ trả lại Hoàng sa, Trường Sa cho Việt nam, ông Vịnh giỏi quá mà Trung quốc cũng rất ‘xã hội chủ nghĩa’).

- “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới, một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”. ( Có người nói: Từ ‘Việt Nam’ trong cách nói, hiểu của Thứ trưởng Vịnh có khác với cách nói hiểu của người dân. Người dân nói Việt Nam là nói về tổ quốc, Tướng Vịnh nói Việt Nam là nói về đảng. Đúng sai để công luận phán xét).

- “Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”. (Cũng có người nói: Trung Quốc chỉ lấy những gì của Trung quốc thôi, không phải Việt nam nhượng bộ. Thế là qua ông Vịnh, đảng Việt Nam công nhận Trung quốc chỉ lấy những gì của Trung Quốc).

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn. (Phát biểu này của Tướng Vịnh với đối tác Mã Hiểu Thiên được nhiều báo điện tử của đảng đưa lại từ TTXVN nhưng nay chỉ còn thấy trong Google cache, có lẽ thông báo đó ‘phản động’ chăng?).

Có ý kiến nói, ‘sự đồng thuận anh em Trung Việt’ có từ mấy chục năm về trước rồi, gán sự ấy cho đảng hiện nay là không công bằng, vô tư.

Về phía người dân, đồng thuận anh em là đảng, nhà nước và nhân dân đồng lòng chống Trung Quốc xâm lược, chống âm mưu phá hoại sự phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó mới có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, mới có các kiến nghị, mới có các góp ý này nọ (nhân dân Việt nam kể cả người Việt ở nước ngoài nghĩ rằng đảng, nhà nước cũng chống xâm lăng, yêu nước như mình).

Tại sao lại có sự ‘trái chiều’ trong cách hiểu ‘anh em’, ‘đồng thuận anh em’ giữa đảng và dân? (Thực ra là sự khác nhau giữa người dân và một số cá nhân, tổ chức của đảng (nhóm lợi ích, nhóm lũng đoạn…) nhưng vì không thấy lãnh đạo tối cao của đảng ‘đính chính’ những việc làm sai trái của vài cá nhân, tổ chức của đảng nên tôi cứ phải nói và nghĩ ‘đảng và dân’ cho đến khi đảng cai trị ‘xử lý vấn đề’ thỏa đáng thì sẽ có cách nói khác, chẳng hạn ‘một bộ phận thoái hóa biến chất trong đảng cai trị và người dân’…).

Có thể trả lời câu hỏi trên từ hai cuộc đi ‘đồng thuận Trung Việt’ của hai vị Thứ trưởng (thay mặt, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đảng cầm quyền) và các cáo buộc ‘phản động’, ‘chống phá chế độ’, ‘lợi dụng lòng yêu nước’ của đảng, nhà nước đối với những người bất đồng chính kiến, những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

- Đảng nhắm lợi ích cốt lõi: sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối (có người nói là ‘nhóm lợi ích’), ai ủng hộ, bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, vĩnh viễn của đảng thì đều là anh em. Ngoài ‘anh em đồng chí’, số còn lại là ‘phản động’,’thế lực thù địch’…

- Dân bảo vệ lợi ích cốt lõi: tổ quốc là trên hết, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, dân chủ là bất khả chuyển nhượng (rất khác với Tướng Vịnh trong câu: “không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền” – có thể do ông ấy chưa thành thạo sử dụng ngôn từ, nên nhà văn Nguyễn Quang Lập mới suy ra “Bây giờ mới biết còn có nguyên tắc nhượng bộ (chủ quyền), nguyên tắc nhượng bộ (chủ quyền) là nguyên tắc gì vậy ta?”(trích Cam kết Tàu).

Phải chăng, đó là sự khác nhau cơ bản về quan niệm ‘lợi ích cốt lõi’ giữa đảng và dân? (Khác nhau nên tất yếu một phía (cai trị hoặc bị trị) phải trở thành ‘phản động’,’chống phá’…?).

Làm thế nào để có sự đồng thuận giữa dân và đảng, nhà nước về lợi ích cốt lõi của Việt nam?

Lợi ích cốt lõi của dân tộc

(Cũng phải ‘học tập’ đồng chí 4-16: phải xác định cho được ‘lợi ích cốt lõi’ của đất nước để có sự đồng thuận anh em - đảng và dân - trong một nước).

Tuy chưa phải là ‘sự thật 100%’ nhưng cũng cần nghiên cứu, học tập: Bà Suu Kyi gặp đại diện chính phủ (nhà nước làm việc với người vốn là tù nhân ‘âm mưu chống phá, lật đổ nhà nước’) hay Một ngụy quyền nữa ra đi ( nhà báo Huỳnh ngọc Chênh viết về sự nổi dậy của nhân dân Libya và sự sụp đổ của tập đoàn phản động Gaddafi).

Đó là bài học về sự ‘không có đồng thuận anh em trong một nước’, về đoàn kết dân tộc, về độc lập tự chủ và lệ thuộc ngoại bang, về dân chủ và độc tài, về phát triển bền vững và khủng hoảng, suy thoái, ăn xổi ở thì, được chăng hay chớ, rối loạn, sụp đổ… Dân với đảng phải nhất trí: “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, dân chủ là bất khả chuyển nhượng” (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng chữ ‘thiêng liêng’ - Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng – hơi ‘dân túy’ một tí).

Hiện nay, câu trả lời làm sao để có ‘đồng thuận anh em’ là trách nhiệm của đảng và nhà nước vì người dân nói chung đã trả lời bằng những bản án tù, bài viết, kiến nghị, góp ý, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và bị đàn áp… từ nhiều năm nay rồi.

T.M.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn