Liên minh Mỹ - Úc

Việt Hà, phóng viên RFA

2011-09-22

clip_image001  

AFP photo. Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc họp báo chung tại San Francisco vào ngày 15/9/2011

 

Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng Mỹ Úc, hay còn gọi là AUSMIN đã kết thúc hôm 15 tháng 9 vừa qua tại San Fransisco, Mỹ.

Trong bản tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, cả hai nước đã nói đến tầm quan trọng của hợp tác an ninh mạng, hợp tác giữa Mỹ Úc với Ấn Độ, Trung Quốc, và tranh chấp trên biển Đông.

Vậy tại sao cả Mỹ và Úc lại nhấn mạnh đến an ninh mạng, đến tầm quan trọng của hợp tác với Ấn Độ và Trung Quốc, quan điểm của hai nước trong việc giải quyết vấn đề biển Đông có gì đặc biệt?

Nhiều điểm mới

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước quân sự Úc - New Zealand - Mỹ, hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Quốc phòng Mỹ, Úc hàng năm đã được tổ chức tại San Fransisco vào trung tuần tháng 9. Hội nghị lần này đã cho thấy nhiều điểm mới trong quan hệ liên minh giữa hai nước bên bờ Thái Bình Dương.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta khẳng định tầm quan trọng của mối liên minh hai nước khi ông nói rằng chiều sâu và rộng của các cuộc đàm phán hai bên đã khẳng định Úc là một đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Việc củng cố quan hệ liên minh hai nước cho thấy cả hai bên đều nhìn nhận rằng an ninh và thịnh vượng của cả hai nước phụ thuộc vào an ninh và sự thịnh vượng của khu vực châu  Á Thái Bình Dương.

Trong bản tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác an ninh mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói đây chính là chiến trường trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng Mỹ và Úc đang muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc vì nghi ngờ Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ và công ty Mỹ thời gian gần đây.

Hồi cuối tháng 7, Công ty an ninh mạng McAfee có báo cáo cho rằng đã có một chiến dịch trong 5 năm qua nhắm vào mạng của các công ty và chính phủ của các nước trong đó có Mỹ, Việt Nam, Canada, và Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công mạng này.

Mỹ và Úc cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của Trung Quốc vào các vấn đề của châu Á và thế giới nhằm đạt được an ninh và ổn định chung. Mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc được nói đến bao gồm cả kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ông Geoffrey Garret, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney, nói rằng quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là một mối quan hệ hỗn hợp và cân bằng giữa lợi ích của hai nước về kinh tế và lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc:

"Có hai điều quan trọng về Australia khi chúng ta đề cập đến Trung Quốc, điều đầu tiên là Trung Quốc cần các nguyên liệu thô nhập khẩu từ Úc, tương lai sẽ là cả khí đốt, rồi uranium, thực phẩm. Nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc từ Úc đã thúc đẩy phát triển kinh tế tại Úc.

Cho nên về mặt kinh tế, quan hệ hai nước là rất tốt đẹp. Nhưng mặt khác, một số người Úc lại lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực cho nên quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là một quan hệ hỗn hợp và cân bằng, nó có điểm tốt là quan hệ kinh tế, nhưng cũng có lo ngại về tham vọng của Trung Quốc hay nói cách khác thì đó là những lo ngại về an ninh do sự lớn mạnh của Trung Quốc và về điểm này thì Úc là đồng minh của Mỹ".

Quan ngại quốc phòng TQ

CHINA-TRANSPORT-AVIATION-TAIWAN-US-MILITARY-WEAPONS-DIPLOMACY

Người dân Trung Quốc xem các mô hình máy bay quân sự tại hội chợ triển lãm hàng không Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 21/9/2011. AFP photo

Hồi cuối tháng 8, Bộ quốc phòng Mỹ công bố một bản báo cáo bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ trước sự gia tăng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cho rằng chỉ vào khoảng cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có thể có được sức mạnh quân sự và duy trì được một lực lượng hải quân cũng như bộ binh ở mức độ vừa cho các xung đột ở xa Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc có khả năng thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ trên biển tại khu vực Đông Á.

Nỗi lo ngại này cũng là một phần lo ngại của đồng minh Úc.  Sách trắng quốc phòng của Úc gần đây nhất là vào năm 2009 cho rằng Úc cần phải tăng thêm chi phí quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, mua sắm thêm các tàu ngầm quy ước đời mới, để bảo vệ Úc khỏi hướng tấn công từ phía Bắc.

Theo chuyên gia Geoffrey Garret thì đây có thể được hiểu là phản ứng đầu tiên của Úc trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc thời gian gần đây.

Cả hai Thủ tướng gần đây nhất của Úc cũng đều đã lên tiếng khẳng định sự cần thiết phải thiết chặt hơn nữa liên minh Úc - Mỹ. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith cũng khẳng định điều này sau cuộc họp AUSMIN khi ông nói cả hai nước sẽ gia tăng các họat động chung, tập trận chung, sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau của tàu chiến, máy bay và quân đội hai nước.

Việc củng cố liên minh Mỹ - Úc lúc này, theo các chuyên gia, là để đối phó với một mối đe dọa mới là Trung Quốc, thay vì mối đe dọa là Liên Xô trước kia trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chuyên Geoffrey Garret viết trên tờ The Australian rằng trọng tâm của mối liên minh vào thế kỷ XXI sẽ chắc chắn là Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất là tìm cách gia tăng các mối lợi từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong khi đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ là một người chơi có trách nhiệm trên thế giới. Chuyên gia này cho rằng mặc dù sự lớn mạnh của Trung Quốc làm Úc và Mỹ quan ngại nhưng đây không thể là một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai:

"Tôi không nghĩ chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Lý do là vì vấn đề kinh tế, Liên Xô trước kia hoàn toàn không tham gia vào nền kinh tế tư bản trên thế giới, nhất là đối với Mỹ và Úc hay các nước có nền kinh tế tư bản khác, nhưng khi nói về Trung Quốc thì Trung Quốc ngày nay đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tư bản của thế giới, và nền kinh tế tư bản cũng quan trọng đối với Trung Quốc.

Điều này tạo nên một mối quan hệ ổn định cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc, cho nên dù đôi khi chúng ta thấy những vấn đề, những căng thẳng trên biển Đông, hay chúng ta có vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, vân vân... nhưng những vấn đề đó được sắp xếp khá hiệu quả bởi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vì họ hiểu là dù duy trì quan điểm của mình là điều quan trọng nhưng không thể để các vấn đề này vượt quá tầm kiểm soát".

Với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực và ảnh hưởng của nước này đối với bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á, cả Úc và Mỹ cũng nhìn thấy tầm quan trọng của việc gia tăng hợp tác với các nước đồng minh khác trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn.

Quan hệ Trung - Ấn

INDIA-CHINA-DEFENCE

Hải quân Wu Shengli (T) và Đô đốc Ấn Độ Sureesh Mehta (P) trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ năm 2008. AFP

Ngoài ra người ta cũng thấy bản thông cáo chung nói đến Ấn Độ. Úc và Mỹ hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào các vấn đề Đông Á nằm trong chính sách hướng Đông của Ấn. Hai nước kêu gọi thắt chặt hơn nữa hợp tác với Ấn Độ trong đó có hợp tác về an ninh hàng hải.

Trung Quốc và Ấn Độ vốn có những căng thẳng không chỉ trên biên giới đất liền mà còn cả trên biển Ấn Độ Dương, và gần đây nhất là biển Đông. Vài tuần trước tuyên bố chung AUSMIN, tàu INS Viraat của hải quân Ấn Độ đã bị tàu Trung Quốc chặn trong chuyến thăm của tàu này đến Việt Nam.

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Ấn độ ONGC phải ngưng việc thăm dò hai lô dầu khí 127 và 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam vì cho rằng hai lô này nằm trong chủ quyền của mình.

Tuyên bố chung AUSMIN lần này cũng khẳng định quan điểm của Úc và Mỹ đối với vấn đề biển Đông, đó là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền thuộc vùng biển này. Cả hai nước khẳng định quyền lợi của mình đối với việc đảm bảo tự do hàng hải, an ninh và ổn định tại khu vực này.

Mỹ và Úc kêu gọi các bên liên quan thực hiện nghiêm túc bản tuyên bố về ứng xử của các bên năm 2002 giữa  ASEAN và Trung Quốc, tránh mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Các chuyên gia Úc cho rằng rất khó có sự can thiệp về quân sự của Úc tại khu vực Đông Nam Á, nhất là trong khu vực biển Đông nếu có xảy ra xung đột quân sự, trừ khi có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên với tuyên bố AUSMIN, cả Úc và Mỹ đã cho Trung Quốc và các nước trong khu vực thấy cam kết của các nước này vào việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

V.H.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn