Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có nguy cơ bùng phát

Kiều Tỉnh

clip_image001(Tamnhin.net) - Với 79 phiếu thuận và 16 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 4/10 đã bỏ phiếu ủng hộ tranh luận về một dự luật tiền tệ, tạo điều kiện cho Chính phủ Mỹ bổ sung thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị coi là “thao túng tiền tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu”.

Đạo luật này chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, vì vậy dư luận cho rằng cuộc chiến tranh mậu dịch hai nước có thể lại bùng phát.

Theo dự luật này, nếu phát hiện tỉ giá tiền của nước nào đó bị thao túng và bóp méo so với thực tế, Chính phủ Mỹ có quyền áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu của nước đó vào thị trường Mỹ. Dư luận cho rằng biện pháp này chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, vì cho tới nay cán cân thương mại hai nước nghiêng về phía Trung Quốc.

Hiện nay hai nước là đối tác buôn bán lớn thứ hai của nhau. Theo phía Mỹ cho biết mặc dù luôn có mâu thuẫn thương mại, nhưng kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2009 đạt 409 tỷ USD. Năm 2010 tuy có suy giảm đôi chút nhưng vẫn đạt gần 400 tỷ USD. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc có nhiều lợi thế trong quan hệ buôn bán hai nước và luôn luôn xuất siêu sang Mỹ. Số liệu của Bộ thương mại Mỹ cho biết tính tới cuối năm 2006, xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 15,4%, tổng ngạch cộng lại lên tới 232,5 tỷ USD trong tổng số 763,6 tỷ USD nhập siêu của Mỹ với toàn thế giới. Năm 2006 Mỹ nhập siêu của Trung Quốc tới 177,4 tỷ USD, năm 2007 tới trên 230 tỷ USD. Hai năm qua có giảm đi đôi chút, nhưng Quý 1/2011, Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ tới 64 tỷ USD.

Phía Mỹ cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm cho cán cân thương mại mất cân đối là do Trung Quốc đã “thao túng tỷ giá”, hạ thấp tỷ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) so với đồng USD để tạo lợi thế xuất khẩu cho mình. Kể từ năm 1993 khi gắn cả gói tỷ giá 8,5 đồng Nhân dân tệ (CNY) với 1 đồng USD tới nay, Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh tăng giá một số lần, nhưng biên độ điều chỉnh rất thấp như năm 2005 chỉ có 2%, năm 2010 chỉ có 1,5% trong khi phía Mỹ yêu cầu phải tăng giá đồng CNY từ 25% tới 30% so với đồng USD. Vì vậy, cuộc đấu tranh về vấn đề tỷ giá giữa hai nước luôn xảy ra từ đó tới nay. Phía Mỹ cho rằng phải coi Trung Quốc là “nước thao túng tỷ giá” thì mới có biện pháp để đối phó hữu hiệu.  Bước vào năm 2010 cho tới nay, cuộc đấu tranh diễn ra khá gay gắt, thậm chí ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng nhảy vào cuộc. Ngày 3/2/2010, Tổng thống Obama nói: “Mỹ phải theo dõi chặt chẽ chính sách ngoại hối của các nước, không để họ dùng biện pháp tỷ giá để giành ưu thế buôn bán với Mỹ”. Ông Obama cũng cam kết sẽ áp dụng lập trường cứng rắn trong buôn bán với Trung Quốc.

Còn phía Trung Quốc khẳng định rằng tỷ giá giữa CNY và USD không phải là nguyên nhân làm buôn bán hai nước mất cân đối mà chủ yếu do Mỹ không bán hàng kỹ thuật cao cho Trung Quốc. Vì vậy, cọ xát và chiến tranh mậu dịch thường xảy ra giữa hai nước.

Tờ Tham khảo kinh tế Trung Quốc ngày 24/5/2011 dẫn phát biểu của ông Vương Quý Thanh, Phó chủ tịch Hội xuất nhập khẩu máy Trung Quốc cho biết 5 năm qua số vụ Mỹ tiến hành điều tra, trừng phạt kinh tế đối với hàng hóa Trung Quốc bằng tổng số vụ của 20 năm trước cộng lại. Hàng điện máy của Trung Quốc là “nạn nhân nghiêm trọng nhất”. Từ năm 2006 tới 2010 có tới 56 vụ doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ điều tra và trừng phạt. Nhưng chỉ riêng năm 2010, Mỹ tiến hành tất cả 56 vụ đối với hàng điện máy các nước, tăng gấp hai lần năm 2009, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc là nạn nhân số 1 với 18 vụ, chiếm 32,1%.

Tuy nhiên, những vụ Mỹ tiến hành trừng phạt hàng hóa Trung Quốc trước đây chỉ tiến hành theo từng vụ việc mà chưa có hành lang pháp lý, nên thường phải thông qua nhiều cơ quan, nhiều ngành mới tiến hành. Bởi vậy, nếu Quốc hội Mỹ lần này thông qua “Luật cải cách giám sát tỷ giá” và Tổng thống Obama ký thành luật, điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các cơ quan hữu quan của Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngay khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu, phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ. Ngày 4/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói Trung Quốc kiên quyết phản đối và cho rằng nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ buôn bán hai nước. Ông Mã Triều Húc đòi “Mỹ phải đình chỉ thủ đoạn dùng Quốc hội để gây sức ép đối với Trung Quốc, từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, không được chính trị hóa buôn bán”.

Dư luận Mỹ nhìn chung tỏ ra hoan nghênh kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện. Thượng nghị sĩ Dân chủ  Hanry Reid nói: “Mười năm qua, nhập siêu do Trung Quốc thao túng tỷ giá ngoại tệ làm hơn 2 triệu người Mỹ mất việc làm, bởi vậy đây là bộ luật tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thế giới, tạo việc làm cho dân chúng Mỹ. Vì vậy bản thân bộ luật này là bộ luật giải quyết việc làm”.

Trong khi đó, Ủy ban Khẩn cấp về Thương mại Mỹ cảnh báo cho dù dự luật được lưỡng viện Quốc hội Mỹ ủng hộ, nó cũng khó có thể được thông qua tại WTO và điều này sẽ mở đường cho những chính sách thương mại "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc nhằm vào Mỹ.  

Dư luận thế giới cho rằng, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ đã bán nhiều vũ khí cho Đài Loan. Việc chuẩn bị ban hành bộ luật tiền tệ sẽ phủ bóng đen lên quan hệ hai nước và báo hiệu ngọn lửa chiến tranh mậu dịch hai nước sẽ bùng phát.

K.T.

Nguồn: tamnhin.net

Đọc thêm:

Thượng viện Mỹ mở đường dự luật tiền tệ

clip_image002

Dự luật không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ tranh luận về luật theo đó có thể gây áp lực với Trung Quốc để nâng giá nhân dân tệ.

Dự luật này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Mỹ bổ sung thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị coi là để giá đồng tiền của họ thấp nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Một số chính khách và các nhóm thương mại cho rằng Trung Quốc sử dụng đồng tiền của mình theo cách như vậy.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ "kiên quyết phản đối” dự luật.

Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng cái gọi là việc mất cân đối tiền tệ như cái cớ để nâng tỷ giá thêm, và thực hiện biện pháp bảo hộ, [mà biện pháp này] vi phạm nghiêm trọng quy tắc của Tổ chức Mậu dịch thế giới, [và] can thiệp nghiêm trọng vào các quan hệ kinh tế và mậu dịch".

Mặc dù dự luật không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng sẽ cho phép Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra thuế trừng phạt một quốc gia có đồng tiền bị coi là dưới giá thực.

Không giống như hầu hết các đồng tiền chính khác, Trung Quốc không cho phép đồng tiền của mình, nhân dân tệ, được thả nổi tự do trên thị trường hối đoái.

Giới học giả lập luận nhân dân tệ có thể được định giá thấp hơn 20% - 40% so với đôla Mỹ.

Trung Quốc bị cáo buộc giữ giá trị của tiền tệ thấp một cách giả tạo trong nỗ lực để làm cho xuất khẩu rẻ hơn và cạnh tranh hơn với các đối thủ.

Đồng thời, việc nhân dân tệ bị để dưới giá cũng làm cho hàng hóa từ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua Trung Quốc so với các sản phẩm sản xuất ở trong nước.

Nhiều chính trị gia Mỹ nói rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ mà cũng đã có tác động tới thị trường việc làm.

Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã gây áp lực với Trung Quốc để Bắc Kinh tăng giá đồng tiền của mình.

Trong khi Bắc Kinh để nhân dân tệ tăng giá trong 12 tháng qua, giới chỉ trích nói việc tăng giá này là quá ít.

Đồng nhân dân tệ đã tăng gần 5% so với đồng đôla Mỹ trong 12 tháng qua và hơn 8% so với đồng euro.

Tuy nhiên, Trung Quốc duy trì quan điểm việc tăng giá nhân dân tệ đột ngột sẽ không chỉ làm tổn thương tới ngành xuất khẩu của họ mà còn gây bất lợi với nền kinh tế của Trung Quốc nói chung.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn