Chiến tranh trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] [Biển Đông]? Việc này không thể xảy ra

Rukmani Gupta, The Diplomat, 23-10-2011

Trần Ngọc Cư dịch

Như Rukmani Gupta, tác giả bài bình luận này, nhận xét: xung đột quân sự không thể xảy ra giữa các cường quốc trên Biển Đông vì, chẳng hạn, các nước như Mỹ và Ấn Độ đã công khai tuyên bố sẽ đứng ngoài mọi tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và chỉ cần tự do lưu thông trên biển thôi – một đòi hỏi mà Trung Quốc không công khai bác bỏ. Thậm chí, có thể Trung Quốc sẽ không tấn công Việt Nam bằng sức mạnh quân sự, nhưng cũng không có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ ý đồ ăn cướp nước ta xuyên qua cái mà họ gọi là quyền lực mềm như hợp tác kinh tế và đưa người sang làm ăn và định cư trái phép trên đất Việt Nam. Sau các biến cố như việc Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa (1974), tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc (1979), xả súng bắn giết các chiến sĩ công binh VN không vũ trang ở đảo Gạc Ma (1988), bắn giết, trấn lột, bắt giam, đòi tiền chuộc từ ngư dân Việt Nam, vân vân và vân vân, thì nay việc cam kết hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đang tranh chấp với Trung Quốc e chẳng khác gì tình cảnh một anh chủ nhà khốn khổ đến mức phải rước một tên côn đồ từng có hành vi hiếp đáp vợ con mình vào nhà để hùn hạp làm ăn với nó. Phải chăng đó là tấn thảm kịch của một nước yếu phải "chung sống hòa bình" với một bá quyền hung hãn mở màn cho hiện tượng “cộng sinh” lạ đời của thế kỷ XXI này?

Bauxite Việt Nam

Một số người đang thúc đẩy Ấn Độ cần đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] [nguyên văn: South China Sea] [Biển Đông – BVN chú thích]. Không cần thiết – Trung Quốc (TQ) sẽ gặp quá nhiều mất mát bằng hành động leo thang các tranh chấp lãnh thổ.

Vấn đề Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] – và lập trường của TQ về biển này – đã là đề tài gây nhiều bàn luận, đặc biệt từ Cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội tháng 7 năm ngoái. Thật vậy, có nhiều người tin rằng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] sẽ trở thành một điểm nóng xung đột trong những năm sắp tới.

Bằng chứng của dư luận này có thể được tìm thấy trong lời qua tiếng lại đầy hậm hực giữa các bên liên quan đến cuộc tranh chấp – đáng lưu ý nhất là, TQ, Việt Nam và Philippines. Đồng thời, một tuyên bố do Hoa Kỳ đưa ra rằng họ có “lợi ích quốc gia” trong khu vực được nhiều người coi như là một lời cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò tích cực – điều này khiến TQ rất bực mình. Trong những tuần lễ gần đây, nhiều tuyên bố của các quan chức TQ tái xác quyết ‘chủ quyền không thể tranh cãi’ của TQ trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], và những lời cảnh báo của TQ chống lại việc đầu tư của Ấn Độ trong khu vực này được coi như là những dấu hiệu cho thấy sự hiếu chiến của TQ có thể nhanh chóng gây ra xung đột.

Những đề nghị đòi Ấn Độ phải can dự nhiều hơn vào các cuộc tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] được đưa ra trên cơ sở rằng Ấn Độ cần phải mạnh dạn trong thái độ ứng xử với TQ. Việc Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Limited (OVL) xúc tiến đầu tư vào các khu khai thác dầu khí của Việt Nam chắc chắn là điều nên thực hiện. Thật ra, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ thay đổi ý kiến về việc này. Sự hiện diện của Công ty OVL tại Việt Nam không phải là một hiện tượng mới mẻ. Liên doanh đầu tiên của OVL trong việc thăm dò dầu khí ngoài khơi trong Khu Lán Tây của Việt Nam, cùng với Petro Vietnam và BP, bắt đầu hoạt động năm 2003. Những hiệp đồng đầu tư hiện đang xuất hiện trên các tít lớn báo chí thật ra là đã được ký kết vào tháng 5 năm 2006; đây là một dự án không thể bị đình chỉ bởi vì những tuyến bố gián tiếp của TQ.

Nhưng điều đáng làm chúng ta lo ngại là đề nghị cho rằng sự can dự của Ấn Độ phải được nới rộng để có thể đóng một vai trò tích cực ngay trong chính các tranh chấp lãnh thổ, và rằng Ấn Độ phải tích cực bành trướng sự hiện diện hải quân của mình – hoặc để bảo vệ những đầu tư của Công ty OVL hoặc để bảo vệ các tuyến đường nối đơn vị hải quân trên biển với hậu cứ (lines of communication). Một quan hệ song phương thiết thân hơn với Việt Nam, những tuyên bố của Việt Nam về cuộc tranh chấp trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và lịch sử của dân tộc Việt Nam dám đứng dậy chống lại các đế quốc to lớn được đưa ra làm luận cứ cho việc Ấn Độ tham gia và trang bị vũ khí để Việt Nam có thể thắng một cuộc chiến trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].

Những đề nghị này, nhằm rà soát lại chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và quan hệ Ấn-Việt, trong khả năng tốt nhất cũng chỉ là quá sớm (premature at best). Mặc dù có những lời lẽ gay gắt, một cuộc chiến trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] không thể xem là tất yếu. Nếu lịch sử các cuộc đối thoại giữa các phe liên hệ cho ta ít nhiều chỉ dấu, thì những căng thẳng hiện nay có khả năng đưa vấn đề tranh chấp ra phía trước. Tiếp theo sau những lời tuyên bố của Hoa Kỳ và những đụng độ liên quan đến các tàu đánh cá, ASEAN và TQ đã chấp thuận những Hướng dẫn cho việc Thực thi Bản Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] tại Hội nghị Thượng đỉnh Bali vào tháng 7 năm 2010. Và những căng thẳng gần đây rất có thể thúc đẩy các bên tiến tới một quy tắc ứng xử có ràng buộc hơn. Điều này không có nghĩa là những tuyên bố chủ quyền và những vấn đề chủ quyền sẽ được giải quyết, nhưng chắc chắn chúng có thể trở nên dễ quản lý hơn nhằm tránh xung đột quân sự.

Các nước liên hệ có một lợi ích chung trong việc làm cho các tranh chấp dễ quản lý hơn, chính vì các phe tranh chấp đều nhìn nhận rằng có nhiều lợi ích vật chất to lớn có thể mất đi, bất chấp các luận điệu mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Một sự gián đoạn thương mại trên các tuyến đường của Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] sẽ kéo theo nhiều thiệt hại kinh tế – không những cho các nước giáp biển mà thôi. Cho đến nay, không một quốc gia tranh chấp nào, kể cả TQ, thách thức nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải áp dụng cho thương mại toàn cầu xuyên qua Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Các quốc gia trong khu vực đều đã ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), một công ước quy định rằng ‘các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về một khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các tài nguyên thiên nhiên và một số hoạt động kinh tế nhất định, và có quyền thực thi quyền tài phán về việc nghiên cứu hải dương học và bảo vệ môi trường’ nhưng cũng quy định rằng ‘Tất cả các quốc gia khác được tự do lưu thông qua vùng biển và vùng trời của khu đặc quyền kinh tế, cũng như có quyền tự do đặt các cáp viễn liên và ống dẫn nhiên liệu dưới đáy biển’. Như vậy, viễn ảnh về các mối đe dọa đối với các tuyến đường biển dành cho thương mại, hậu cần, và các lực luợng hải quân có vẻ phần nào đã được cường điệu.

Thiết tưởng cũng nên nhớ rằng các quốc gia liên hệ chỉ coi cuộc tranh chấp như một yếu tố trong các mối quan hệ song phương rộng lớn hơn. Chắc chắn Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] không phải là phép tính duy nhất qua đó các nước nhỏ sẽ thẩm định mối quan hệ của họ đối với TQ. Tổng thống Philippine, Ông Benigno Aquino, chẳng hạn, đã nói rằng tranh chấp trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] chỉ là một khía cạnh trong mối quan hệ với TQ. Việt Nam, cũng vậy, không để cho mối quan hệ với TQ gặp trở ngại vì những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, đã đến thăm Bắc Kinh tháng này, cùng đưa ra một tuyên bố chung với TQ nói rằng hai bên sẽ ‘tích cực tăng cường hợp tác’ trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi (nguyên văn tiếng Anh: the two sides would ‘actively boost co-operation’ in offshore oil and gas exploration and exploitation). Hai bên cũng đồng ý rằng các cuộc đàm phán nhắm tới giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] sẽ được xúc tiến nhanh chóng, hợp tác quân sự giữa TQ và Việt Nam sẽ được tăng cường, một đường dây nóng giữa các Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ được thành lập và việc tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao sẽ được gia tăng. Kể từ tháng 7 năm 2011, TQ, đứng thứ 14 trên danh sách đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đã có đến 805 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn giá trị 4,2 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra, kể từ năm 2004 TQ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai nước được đánh giá là 27 tỷ Mỹ kim vào năm 2010. Trong trường hợp xảy ra các cuộc xung đột quân sự, thiệt hại đầu tiên sẽ là quan hệ kinh tế, một hậu quả mà cả hai nước rất muốn tránh.

Mặc dù các bài bình luận trên Hoàn cầu thời báo có nói gì đi nữa, nhiều người vẫn có lý do để nghi rằng TQ không muốn leo thang xung đột trong khu vực [Biển Đông]. Mặc dù các bình luận từ phía Hoa Kỳ cho rằng TQ coi Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] như một ‘lợi ích cốt lõi’, nhưng người ta không tìm được một bài viết nào trên báo chí chính thức của TQ để kiểm chứng lời tuyên bố này. Ngoài ra, sự dè dặt của TQ có thể được coi như một dấu hiệu phản ánh khả năng quân sự của TQ, rằng TQ không đủ mạnh để thắng một cuộc chiến trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Thật ra, Bản tin Quốc phòng TQ, được xuất bản bởi Tổng cục Chính trị của Quân Giải phóng nhân dân TQ, đã ví việc dùng vũ lực của TQ trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] như tự bắn vào chân mình. Không những việc TQ sử dụng biện pháp quân sự sẽ giúp các nước trong khối ASEAN cố kết lại với nhau, mà nó có thể lôi kéo cả Hoa Kỳ và Nhật Bản vào cuộc, hủy hoại các kế hoạch tăng trưởng kinh tế liên tục của TQ và xóa bỏ luôn cả chính sách ngoại giao của TQ. Các tuyên bố của TQ về Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] vì vậy có thể được coi như là những mưu toan phóng đại các đòi hỏi chủ quyền của mình nhằm đạt được một thế đàm phán có lợi hơn.

Đối với Ấn Độ, việc rà soát lại chính sách về Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] dựa trên một bối cảnh như thế là điên rồ, nhất là khi không ai biết được Việt Nam có phải là một đối tác thực tâm với Ấn Độ trong trường hợp có một cuộc leo thang xung đột với TQ hay không. Trong bối cảnh việc leo thang xung đột không nằm trong lợi ích của TQ, việc TQ sử dụng sức mạnh quân sự để chặn đứng các hoạt động của Công ty dầu khí Ấn Độ OVL sẽ không có khả năng xảy ra.

Tất cả điều này có nghĩa là Ấn Độ không cần chọn lập trường nào về các tranh chấp lãnh thổ mà Ấn Độ không hề liên can. Có lẽ Ấn Độ nên học theo sách của Hoa Kỳ về vấn đề này. Mặc dù cho là có ‘lợi ích quốc gia’ trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], nhưng Hoa Kỳ đã tuyên bố dứt khoát là sẽ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Một sự duyệt xét lại chính sách của Ấn Độ về vấn đề này phải được dựa vào một sự quán triệt rõ ràng về những gì mà Ấn Độ hy vọng đạt được và trong cách nào mà lợi ích quốc gia của Ấn Độ được tăng cường nhiều nhất. Các quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á không thuần túy chỉ có một chiều, và không nhắm vào chỉ một việc là chặn đứng ảnh hưởng của TQ trong khu vực.

Về khả năng yểm trợ bằng quân sự cho các hoạt động của OVL, vấn đề này cần phải được suy nghĩ thật nghiêm túc. Xây dựng các khả năng quân sự để chặn đứng các hành động phiêu lưu của nước khác là một chuyện, nhưng việc hậu thuẫn các đầu tư kinh tế bằng sức mạnh quân sự lại là một vấn đề khác hẳn. Đây là một vấn đề sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động doanh nghiệp Ấn Độ trên toàn cầu. Liệu Ấn Độ có sẵn sàng – trong ý nghĩa tiềm ẩn về quân sự lẫn chính sách – để gửi quân yểm trợ cho tất cả các hoạt động doanh nghiệp như thế hay không? Đây là một điều còn quan trọng hơn cả quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam hay TQ – đây là một vấn đề liên quan các giá trị và viễn kiến của Ấn Độ.

Rukmani Gupta là một Nghiên cứu gia tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại New Delhi. Đây là một phiên bản tóm tắt và được biên tập lại từ một bài viết trước đây đã được tổ chức này xuất bản.

T.N.C. dịch từ http://the-diplomat.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn