Kết quả một năm viết bộ sách tham khảo bậc Tiểu Học của Nhóm Cánh buồm

Một đất nước hầu như quanh năm bị bão lũ bủa vây tứ bề.

Nhưng có một cơn bão nhen nhóm âm thầm ngay trong lòng đất nước, và từ lâu rồi đang có nguy cơ đe dọa nhấn chìm ngành giáo dục khiến vô số người lo lắng, nhiều chuyên gia bậc thầy như GS Hoàng Tụy phải nhiều lần lên tiếng cảnh báo và kêu cứu.

Vậy mà giờ đây, đã bắt đầu có những Cánh Buồm... tuy còn rất mỏng manh, song với sức trẻ và niềm tin tràn trề, đang băng mình tìm phương cứu bão.

Xin chúc cho họ sát vai nhau, từng bước, từng bước khơi động lên cả một phong trào rộng lớn, nhằm đưa ngành giáo dục của đất nước đến những cuộc cải cách căn bản.

Bauxite Việt Nam

1. Nhóm Cánh Buồm: Chưa hay, sẵn sàng viết lại sách

Nhã Uyên

Ảnh: Văn Chung

Buổi hội thảo “Tự học – Tự giáo dục”  ra mắt bộ sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 4 của nhóm biên soạn sách Cánh Buồm vừa diễn ra chiều 3/10 tại Hà Nội kéo dài tới hơn 5 tiếng đồng hồ.

clip_image002

Có mặt tại Hội thảo, TS Chu Hảo – đại diện NXB Tri thức nói luôn ủng hộ “những con người dũng cảm” và ý tưởng của Nhóm Cánh Buồm.

Khán giả bị thu hút bởi những ý tưởng mới mẻ do các tác giả sách trình bày. Nhiều câu hỏi chưa thể trả lời hết nên nhóm Cánh Buồm hứa sẽ đăng tải từng nội dung lên website Giáo dục hiện đại. Nhà giáo Phạm Toàn – người đứng đầu nhóm Cánh Buồm – hy vọng được nghe nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia và phụ huynh vì theo ông, dù được đón nhận hay không cũng đều tốt.

Nhóm lên không khí sôi nổi của Hội thảo, GS Vũ Thế Khôi đã dự báo: “Tôi tin sẽ còn nhiều bộ SGK khác nữa cạnh tranh với sách của Cánh Buồm”. GS Khôi lưu ý, dù thế nào, Cánh Buồm hay các nhóm khác cũng không cản trở bộ SGK hiện hành và nên tham khảo hệ thống đang được sử dụng, chứ không phải đối đầu. Ông mạnh mẽ khẳng định quan điểm “một nền giáo dục nhưng có nhiều quy trình”.

Những nhà giáo, nhà nghiên cứu lão thành như GS Đặng Anh Đào, GS Đặng Thị Hạnh, dù tuổi cao nhưng vẫn đến, chăm chú lắng nghe và cũng nhắn nhủ đến nhóm Cánh Buồm: “Cần tham khảo ý kiến của nhóm làm sách SGK của Bộ GD-ĐT, bởi họ là những người có kinh nghiệm”. Tuy nhiên, nhà giáo Phạm Toàn đượm buồn nói: “Buổi hội thảo hôm nay không được đón một cán bộ hay chuyên gia nào từ Bộ GD-ĐT, mặc dù nhóm đã có lời mời”.

Lần này, ưu tiên đặc biệt nhất ở Hội thảo của nhóm Cánh Buồm chính là phần dành để giới thiệu về 4 môn học và phương pháp giảng dạy mà Nhóm đã biên soạn trong suốt 3 năm qua. Nhóm biên soạn dành thời lượng dài nhất cho phần thông tin về cái mới từ các lĩnh vực khác như xây dựng, công nghệ thông tin.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải, chủ biên sách Văn (Giáo dục nghệ thuật): Với quan điểm, nên bắt đầu dạy nghệ thuật từ lớp 1, môn văn được chọn để làm “mẫu”. Qua môn Văn, nhóm Cánh Buồm biên soạn sách theo cách học “ Đi lại chính con đường mà tác giả đã đi để sáng tạo ra tác phẩm”.

Con đường này được lý giải là đường chung chiếm lĩnh các môn nghệ thuật khác, bắt đầu bằng tạo ra “nhân lõi” là đồng cảm để học các ngữ pháp nghệ thuật là thao tác tưởng tượng, liên tưởng, bố cục. Trò chơi đóng vai là một phương pháp dạy học được nhóm đặc biệt sử dụng trong sách Văn lớp 1.

Môn Tiếng Việt (Ngôn ngữ học) đặt mục tiêu sẽ dạy ứng xử với ngôn ngữ một cách khoa học để giữ được vẻ đẹp của tiếng Việt. Vì vậy, môn này được dạy theo hướng cung cấp và xây dựng dần dần cho các em những hiểu biết cơ bản nhất về khoa học ngôn ngữ: lớp 1 học ngữ âm, lớp hai học từ tiếng Việt, lớp 3 học câu và lớp 4 học về văn bản. Lớp 5, các em sẽ ứng dụng tri thức này để sử dụng vào các hoạt động ngôn ngữ.

Môn học lối sống: qua từng lớp, học sinh sẽ được học cách tự phục vụ bản thân đến sống với cộng đồng biết sẻ chia, đồng cảm từ các cộng đồng từ lớn đến nhỏ: cộng đồng nhân loại, xã hội và gia đình. Quan điểm giảng dạy lối sống của Nhóm hướng tới sự đồng thuận, có sống hài hòa mới hạnh phúc.

Môn học Khoa học- Công nghệ mang lại nhiều hứng thú cho các khán giả của buổi Hội thảo. Với các kiến thức khoa học tưởng rất phức tạp như vòng đời, sự bay hơi của nước, hòa tan…  Nhóm Cánh Buồm đã biến chúng trở thành dễ hiểu bằng những hoạt động thực nghiệm của học sinh. Thông qua hoạt động, học sinh có thể tự lý giải các hiện tượng xung quanh mình, tạo tư duy thực chứng, chỉ tin vào khoa học. Vì thế, phương pháp thực nghiệm ở lớp 1 để làm nền tảng đi khám phá các nội dung cụ thể về thế giới thực vật, động vật, con người.

Tất cả các tiết học đều hết sức kiệm lời giảng giải của giáo viên mà chủ yếu để các em tự khám phá qua thực nghiệm và đóng vai. Nhiều khán giả cảm thấy rất dễ hiểu với những ví dụ minh họa về hoạt động dạy học.

Môn Văn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả nhất khi có lời phản biện rất chân thành và thẳng thắn của GS Đặng Anh Đào về phương pháp đóng vai. Bà không ủng hộ các cô giáo không có chuyên môn dạy học sinh đóng kịch. Bên cạnh đó, nhắc nhở các tác giả về những chi tiết sai sót và lựa chọn chưa chuẩn xác của sách Văn, bà nhấn mạnh, SGK không được phép sai sót.

Không dừng lại ở đó, dù nhóm rất quan tâm đến việc xóa bỏ sự áp đặt trong nội dung và phương pháp giảng dạy nhưng GS Đặng Thị Hạnh nói, Cánh Buồm còn đang vướng vào một áp đặt khác: đó là “quy định” muốn hiểu nghệ thuật thì phải “đồng cảm”, điều này đúng nhưng không có đồng cảm cũng không hẳn không học được.

Bên cạnh đó, nhóm chưa bao quát hết các đối tượng học sinh. Theo GS Hạnh, sách phù hợp với học sinh thành phố và gia đình có điều kiện.

clip_image003

GS Vũ Thế Khôi, người được mời phản biện cũng ủng hộ Nhóm biên soạn sách: “Đây đã là một bộ Sách giáo khoa, không phải sách tham khảo”.

Theo ông: “Bộ chỉ nên đặt ra chuẩn cho từng cấp học. Nhiều chuẩn sẽ loạn bằng (…) Cần phải có nhiều những bộ sách giáo khoa khác, như thế sẽ tăng tính cạnh tranh” và “Bộ không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (vừa đặt ra chuẩn, vừa biên soạn sách) như hiện nay”. Song GS Khôi cũng thẳng thắn: “Nhóm cũng không nên chọn cách đối đầu mà cần tìm hiểu để đưa ra chuẩn đối với hệ thống giáo dục đang tồn tại”.

Không khí khán phòng trở nên nóng và chờ đợi giải đáp từ Cánh Buồm. Được nghe ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà giáo Phạm Toàn tỏ rõ sự vui mừng và cũng đầy ưu tư khi chia sẻ về công việc của Nhóm. Phương pháp táo bạo, mới mẻ nhưng ba yếu tố là người làm sách, sư phạm hóa chương trình và trường để thực nghiệm của nhóm đều rất ít. Nhà giáo Phạm Toàn thừa nhận trước khán phòng: Sách chỉ đạt 30% trong thang điểm của ông và Nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại. Còn nhiều cánh tay giơ lên để phát biểu ý kiến. Nhưng tiếng nói dứt khoát của ông Trần Việt Chung, một giáo viên nghỉ hưu làm nhóm Cánh Buồm chú ý: “Tại sao sách của Cánh Buồm lại có nhiều đau thương như thế? Trẻ lớp 1 còn nhỏ và sức khỏe tinh thần còn non nớt”. Theo ý kiến của ông Chung, nên tránh những điều về chiến tranh, về đau thương mất mát. Cần đồng cảm ở những niềm vui, cảm xúc hạnh phúc khi đọc bài thơ hay, ngắm bức tranh đẹp. Đây là ý kiến được nhà giáo Phạm Toàn và các tác giả rất tâm đắc.

Buổi hội thảo có sự hiện diện của PGS TS Trần Diên Hiển, Chủ nhiệm Khoa giáo dục Tiểu học -ĐHSP Hà Nội. Ông lặng lẽ ngồi lắng nghe giới thiệu của các tác giả rất chăm chú. Chia sẻ ngoài phòng hội thảo, người đứng đầu Khoa Tiểu học nói: “Tôi đến nghe và hiểu để biết thêm một cách tiếp cận trong giáo dục, biết thêm các anh chị làm những gì, ý kiến của xã hội ra sao?”

Đáp lại lời đề nghị nhận xét về bộ SGK của Cánh Buồm, PGS thận trọng đáp: “Đánh giá chất lượng là vấn đề lớn, tôi chưa thể có ý kiến gì. Tôi thấy rằng họ rất mạnh dạn, tâm huyết dù mới chỉ là một nhóm người rất ít”.

Trong khán phòng có cả những người làm nghề nghiệp khác như công nghệ thông tin, xây dựng. Nhiều người cho biết, họ đến vì muốn tìm kiếm một cách để nâng cao khả năng tương tác, truyền đạt ý tưởng từ người này đến người khác mà họ nghĩ rằng có thể tìm thấy ở các phương pháp sư phạm.

Giáo viên: Tôi thích cách giảng dạy này

Cô Nguyễn Thị Thu, GV trường THCS Nguyễn Du - Thanh Hóa: Có nhiều giáo viên đôi khi làm những cái dễ trở nên khó đi. Sách này mình thấy cách dạy rất dễ hiểu. Mình nghĩ nếu dạy tốt thì tư duy trẻ con sẽ được phát huy, nhất là môn Văn. Nhưng nếu giáo viên không có tâm hồn nghệ thuật sẽ rất khó dạy theo cách này.

Lâu nay ở cơ sở, nhiều thầy cô ngại đổi mới phương pháp vẫn dạy theo hướng áp đặt theo khuôn mẫu. Mình biết về Nhóm từ lâu và cách làm của họ gợi mở cho mình những sáng tạo, cách dạy tới cá thể học sinh, không áp đặt theo số đông. Nhưng hiện nay mình thường chỉ dạy học sinh giỏi, còn học sinh trung bình và yếu hơn vẫn phải dạy từ cái mẫu.

Ý tưởng hay nhưng dạy được, theo mình phải thay đổi từ cách đào tạo giáo viên và nhận thức của họ trong làm nghề.

Phụ huynh: mong muốn tìm một phương pháp mới để dạy con

Chị Trần Thị Minh Thìn:  Là phụ huynh thì mình rất thích. Như con mình, chỉ học khi thích và vui thôi và như thế học nhanh lắm! Còn áp đặt là không học! Mình rất đồng tình vì nhóm định hướng nền tảng từ mẫu giáo, lớp 1. Con mình đã học chương trình này và cháu học rất tốt. Bây giờ dọa không cho đi học, con sẽ sợ ngay. Bài cô giao về làm chút là xong mà vẫn đúng, dù con tư chất bình thường. Mình yên tâm nhưng chẳng thấy dạy ở đâu ngoài trường Nguyễn Văn Huyên. Nếu trường có đưa chương trình này vào giảng dạy 100%, mình sẽ tin tưởng vào nhà trường như lâu nay họ đang đi đúng và làm tốt.

N.U.

Một số hình ảnh của buổi hội thảo

clip_image004

GS Alain Fenet (người Pháp) qua giới thiệu là một người am hiểu luật, gia đình có tới 20 người làm trong ngành giáo dục, đến từ “nơi cải cách giáo dục đầu tiên trên thế giới” cũng được mời làm người phản biện thứ 2 về bộ sách.

clip_image005

Điểm đáng chú ý nhất của buổi hội thảo chính là phần hỏi-đáp, tranh luận, giữa những người quan tâm đến bộ sách diễn ra và nhóm tác giả. Khán phòng tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội chiều nay có rất đông người tới dự buổi hội thảo. Nhiều trong số đó là những người đã, đang làm trong ngành giáo dục.

clip_image006

Góp ý với Nhóm biên soạn, GS Đặng Anh Đào lo ngại: “Gọi môn văn học là giáo dục nghệ thuật là sai. Sách này từ đầu đến cuối chỉ là đóng vai, đối thoại tức đóng/diễn kịch. Xã hội bây giờ sợ những “diễn viên” giỏi như thế lắm.

clip_image007

Theo nhà giáo Phạm Toàn: “Chúng tôi dùng văn là mẫu để giáo dục nghệ thuật. Việc đóng kịch sẽ giúp trẻ nâng sức tưởng tượng, học được nhiều môn”.

clip_image008

Hoan nghênh ý tưởng của Nhóm Cánh Buồm nhưng theo GS Đặng Thị Hạnh: Sách còn áp đặt, còn “sạn” và dành chủ yếu cho HS thành phố, con nhà khá giả.

clip_image009

Bức xúc và mong có sự cải cách, đầu tiên là từ SGK, thầy Đặng Hữu Tuấn, giáo viên dạy Sử Trường THPT Phương Sông Lục Nam, Bắc Giang đã lặn lội xe máy về Hà Nội. Một trong những quan tâm của thầy là: “Sao nhóm không viết cả sách Toán. Vậy sắp tới nhóm viết sách mới hay vẫn thấy sách cũ dùng được?”.

clip_image010

Nhiều trong số các khán giả tới dự buổi hội thảo là những người trẻ. Dù kéo dài hơn 5 tiếng nhưng mọi người đều cảm thấy “chưa thỏa mãn”.

Nguồn: abcvietnamese.wordpress.com

2. Ngỏ lời biết ơn lần thứ ba

(Bài phát biểu của Nhà giáo Phạm Toàn tại cuộc Hội thảo TỰ HỌC - TỰ GIÁO DỤC ngày 3-10-2011tổ chức ở L'Espace Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội)

Thưa quý vị,

Đây là lần thứ ba tôi được đứng tại diễn đàn này để ngỏ lời cám ơn ông Patrick Michel đã giúp đỡ chúng tôi báo cáo trước xã hội những việc làm hướng vào công cuộc Cải cách Giáo dục của nước Việt Nam.

Phải nhấn mạnh cái ý lần thứ ba, vì hình như qua sự giúp đỡ vô tư và khảng khái của ông Giám đốc, hình như những công dân Pháp đang làm việc trao đổi văn hóa ở Việt Nam lại hết sức lo lắng, chăm sóc, vun vén những nỗ lực Cải cách Giáo dục ở đất nước chúng ta!

Cuộc Hội thảo lần thứ nhất diễn ra sau Ngày nhà giáo năm 2009 mang chủ đề HIỂU TRẺ EM - DẠY TRẺ EM. Đó là một cuộc ra mắt hồi hộp của chúng tôi. Và sự hưởng ứng của công chúng và sự đáp ứng công luận bằng những trù tính tiếp theo giữa Trung tâm L'Espace và Nhà xuất bản Tri thức đã dẫn tới cuộc Hội thảo lần thứ hai, một năm sau.

clip_image012

Nhà giáo Phạm Toàn, GS. Alain Fenet, GS Chu Hảo, GS. Vũ Thế Khôi tại hội thảo

Cuộc Hội thảo lần thứ hai lại diễn ra sau Ngày nhà giáo năm 2010 mang chủ đề CHÀO LỚP MỘT khi đó nhà xuất bản Tri thức đã giúp nhóm Cánh Buồm công bố 5 đầu sách lớp Một để thăm dò dư luận. Đó là một cuộc thăm dò, nhưng đó cũng là dụng ý của nhóm Cánh Buồm. Dụng ý đó là tuyên ngôn ẩn ngầm của chúng tôi: muốn Cải cách giáo dục thì phải Hiểu Trẻ Em và phải bắt đầu từ lớp Một - xuất phát đúng, định hướng đúng, giải pháp đúng thì hãy tiến hành Cải cách Giáo dục.

Năm nay 2011, cuộc Hội thảo lần thứ ba diễn ra mang chủ đề TỰ HỌC - TỰ GIÁO DỤC, điều này thật hết sức có ý nghĩa. Nó nằm trong ước nguyện của nhóm Cánh Buồm muốn tạo ra một cái mẫu Giáo dục Hiện đại cho đất nước ta. Thật vậy, Tổ quốc Việt Nam phải hiện đại hóa qua con đường công nghiệp hóa, thì nền Giáo dục Việt Nam chắc là cũng phải hiện đại hóa.

Nhưng hiện đại hóa giáo dục là gì? Đó không phải là mua sắm những học cụ đắt tiền để biểu diễn cho học sinh như những khán giả vô cảm. Đó cũng không phải là những nỗ lực tổ chức du học tại chỗ cho con em những gia đình có điều kiện du học.  Thôi thì ai có tiền cứ du học, nhưng mối quan tâm của nhóm Cánh Buồm là hướng tới nhiều chục phần trăm còn lại gồm những con em Việt Nam bình thường của những gia đình sống giản dị bằng thành quả lao động của mình.

Điều quan trọng, ấy là phải tổ chức cho các em được hưởng một nền giáo dục hiện đại hóa – một nền giáo dục tiến hành bằng những hành động học do chính các em thực hiện dưới sự tổ chức của những giáo viên yêu các em không chỉ vì tình thày trò mà vì đã nắm được khoa học tổ chức việc học của các em, nhờ đó mà chính những giáo viên ấy sẽ yêu nghề chỉ vì công việc mình làm có chất lượng rõ rệt.

clip_image014

Các diễn giả của Nhóm Cánh Buồm : TS. Nguyễn Thành Nam,

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải, ThS. Đinh Phương Thảo, Nhà giáo Phạm Toàn.

Những điều đó quý vị sẽ tìm hiểu dần dần, mà liền sau đây các chuyên gia giáo dục trẻ trong nhóm Cánh Buồm sẽ trình bày:

- Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, trình bày các môn do cô chủ biên: môn Văn (hoặc "Giáo dục nghệ thuật),  môn Giáo dục Lối sống (thay cho các môn Luân lý, đạo đức, đức dục...);

- Thạc sĩ Đinh Phương Thảo, trình bày môn do cô chủ biên: môn Tiếng Việt (hoặc "Ngôn ngữ học" với tiếng Việt là vật liệu);

- Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thành Nam, với môn Khoa học - Công nghệ.  

Chúng tôi vừa giới thiệu các thuyết trình viên thuộc nhóm Cánh Buồm. Đó là một nhóm nhà giáo trẻ tự nguyện làm công việc soạn lại sách giáo khoa theo một định hướng khác với sách của nền giáo dục đương thời, có mục đích gợi ý về một cách làm khác. Cách làm khác đó đã được trình bày trải dài trong ba năm tại chính cái hội trường văn hóa, văn minh, và ấm cúng này, ba năm đọng lại thành một triết lý giáo dục (như thường nghe nói bây giờ):

- Hiểu trẻ em, để tổ chức công cuộc tự học - tự giáo dục cho các em ngay từ lớp Một, bằng công tác tổ chức sư phạm của những nhà giáo khước từ lối dạy học bằng giảng giải áp đặt, do đó mà cuộc sống nhà trường sẽ thành niềm hạnh phúc đi học của cả dân tộc.

Công việc vẫn đang tiến hành, may sao lại được sự giúp đỡ tận tình của Trung tâm L'Espace, đặc biệt là của ông Giám đốc Patrick Michel, và của Nhà xuất bản Tri thức (quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) đặc biệt là của ông Giám đốc Giáo sư Chu Hảo.

Tôi xin một lần nữa thay mặt nhóm Cánh Buồm ngỏ lời cám ơn các ân nhân - và bây giờ xin cám ơn những ân nhân tiềm tàng của xã hội có mặt tại đây hôm nay và có mặt tại từng gia đình sẽ chào đón những cuốn sách của chúng tôi.

Xin cám ơn !

P.T.

Nguồn: hiendai.edu.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn