Từ những lời bàn luận “thẳng thắn” trong cuộc họp... đến thực hiện là cả một khoảng cách còn xa thăm thẳm

1. Tiền thất thoát đủ để tăng lương cho công chức 10 lần!

Quang Phong

clip_image001  
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng việc công khai tài sản hiện nay làm nhưng chưa nghiêm túc  

(Dân trí) - Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội, Trần Huy Sáng cho rằng, số tiền thất thoát xã hội rất lớn, có thể nuôi công chức gấp 10 lần hiện nay. Theo ông, để đẩy lùi tham nhũng, “quan chức” phải công khai tài sản “thực chất, chính xác”.

Ngày 5/10, Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã bàn về chương trình “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015”.

“Tham nhũng ở đâu đó, không phải ở chỗ mình!”

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố cho rằng, cơ chế chính sách hiện nay còn nhiều kẽ hở, bất hợp lý dẫn đến việc tạo cơ hội cho những cán bộ, đảng viên thoái hóa lợi dụng để tham ô, tạo ra những đặc quyền đặc lợi. Tiêu cực cũng được bắt nguồn từ cơ chế xin cho, thiếu công khai, minh bạch.

Theo Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt, tham nhũng thực chất là lợi dụng chức quyền để trục lợi, trục lợi bằng chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền vốn của người dân thông qua nhũng nhiễu thực thi công vụ và công tác cán bộ. “Trong đội ngũ cán bộ, công chức chúng ta không thiếu gì người làm những việc đó”, ông Hoạt nói.

Nói về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí nhưng chưa được xử lý nghiêm. “Chủ đầu tư lại buông lỏng quản lý, nhà thầu rút ruột công trình, không đảm bảo tiến độ thi công gây biến động giá cả…”, ông Hùng chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới thất thoát tiền của Nhà nước.

Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Huy Sáng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc tham nhũng là chưa có chế tài xử lý nghiêm minh và chất lượng đời sống cán bộ còn rất thấp. Ông Sáng cho rằng, số tiền thất thoát có thể nuôi cán bộ công chức gấp 10 lần hiện nay!

“Muốn được việc cứ chi tiền bôi trơn là xong. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường. Cán bộ chúng ta nhận thức tham nhũng, lãng phí là nội xâm – ai cũng rõ, nhưng hình như việc tham nhũng diễn ra ở đâu đó, chứ không phải xảy ra ở chỗ mình”, Bí thư huyện ủy huyện Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thạch nói.

Phải minh bạch tài sản thực chất

Theo Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt, tham nhũng, lãng phí tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác nhau như cấp đất dự án, đầu tư xây dựng, hội họp, đề bạt thi tuyển công chức… gây mất niềm tin cho xã hội. Ông Hoạt cũng băn khoăn việc phần lớn các vụ việc phát hiện tham nhũng là do nhân dân tố cáo.

Để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Huy Sáng cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa việc công khai tài sản cá nhân, cũng như gia đình. “Việc công khai tài sản cán bộ đã làm, nhưng vẫn chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao. Để đẩy lùi tham nhũng phải làm việc này một cách thực chất, chính xác. Nếu không làm được sẽ dẫn tới việc thất thu thuế và là mầm mống dẫn tới tham nhũng. Để thực hiện điều đó rất khó nhưng nếu làm được sẽ tạo được sự minh bạch trong nhiều vấn đề”, ông Sáng phân tích.

clip_image002

Các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến về phòng chống tham nhũng 

Ngoài ra, ông Sáng cho rằng cần có chế tài khen thưởng thích đáng và xử lý nghiêm minh. Việc cụ thể hoá khen thưởng ở từng lĩnh vực, có giá trị rất lớn để động viên những cá nhân có thành tích chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi tham nhũng.

Bí thư Đảng bộ khối các cơ quan thành phố Đào Xuân Mùi, cho rằng: “Nếu cơ chế, chính sách của chúng ta không sát với thực tế thì sẽ xảy ra lãng phí, thì sẽ có tham nhũng”. Theo ông Mùi, vấn đề đặt ra hiện nay là phải lấy ngăn ngừa, phòng là chính, kết hợp với việc tăng cường kiềm tra, giám sát. Bí thư Đảng bộ khối các cơ quan thành phố cho biết, thực tế là có những vụ việc năm đến sáu tháng sau khi khởi tố thì Đảng ủy mới biết.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho hay, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít, mới chỉ đưa vào định kỳ, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi xảy ra vụ việc chưa xử lý kiên quyết, chưa kịp thời. Để làm tốt công tác phòng ngừa cần tập trung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý các lĩnh vực đầu tư, xây dựng…

Trong thời gian tới, Hà Nội cần có chế tài và biện pháp thực thi việc kê khai tài sản góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện hợp lý quá trình cải cách tiền lương góp phần chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích cũng như bảo vệ người tố cáo, có cơ chế khen thưởng người tố cáo đúng, xử lý người cố tình tố cáo sai.

Q.P.

Nguồn: dantri.com.vn

2. Hà Nội bàn về phòng, chống tham nhũng: Nuôi đủ, kê đúng

Võ Hải

GiadinhNet - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, cần thực hiện được hai giải pháp cơ bản là kê khai tài sản và đảm bảo thu nhập cho công chức.

Ngày 4/10, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XV đã thảo luận cho ý kiến về chương trình "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015". Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho rằng, cần thực hiện được hai giải pháp cơ bản là kê khai tài sản và đảm bảo thu nhập cho công chức.

Công việc nhiều, lương tăng không đáng kể

clip_image003

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng

Theo ông Trần Huy Sáng, một trong những vấn đề quan trọng nhất để góp phần phòng chống tham nhũng là phải đảm bảo thu nhập hợp lý chính đáng cho cán bộ, công chức. Ông Sáng nói: "Tôi đã có một bài viết về kinh doanh trong lĩnh vực tiền lương, trong đó có nêu đó là kinh doanh có hiệu quả nhất về cả kinh tế và xã hội. Nếu chúng ta nuôi cán bộ, công chức đủ sống một cách hợp lý sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng".

Ông Sáng cho rằng, trong nhiều năm qua, việc cải cách tiền lương chưa đạt do tăng quá ít, mỗi lần được 100.000 đồng thì chỉ kích cho giá cả thị trường lên. "Tôi đã tranh luận với các đồng chí ở Ban chỉ đạo cải cách tiền lương Trung ương là, thực ra cái mà chúng ta đầu tư hiện nay chưa đúng với nguyên lý. Tức là vẫn đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước của chúng ta ở đây, lượng cán bộ mỗi năm tăng lên không đáng kể nhưng khối lượng quản lý, tức là đối  tượng quản lý của chúng ta có những lĩnh vực tăng gấp hàng nghìn lần so với ngày xưa", ông Sáng phân tích. Ông Sáng dẫn chứng, ngày trước trên một quận, huyện chỉ có 10 - 15 doanh nghiệp, nhưng bây giờ quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân... có hàng vạn doanh nghiệp. Số cán bộ vẫn thế, công việc tăng lên hàng nghìn lần nhưng tiền lương so với thu nhập thực tế trước đây thì giảm đi. Đây chính là cái gốc của phòng chống tham nhũng.

Giám đốc Sở nội vụ cũng thẳng thắn cho rằng, số tiền thất thoát có thể dùng để tăng lương cán bộ công chức gấp 10 lần hiện nay.

Kê khai tài sản chưa thực chất

clip_image004

Khối lượng công việc của công chức ngày càng nhiều nhưng lương tăng không đáng kể. Ảnh: Chí Cường

Nói về việc kê khai tài sản của cá nhân và gia đình, ông Sáng đưa ra nhận định, việc công khai tài sản cá nhân của cán bộ chưa thực chất nên dẫn tới thất thu thuế rất lớn, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là một nguyên nhân dẫn tới tham nhũng lãng phí, do đó cần xây dựng hệ thống khen thưởng và chế tài để xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm trong kê khai tài sản.

Tuy nhiên, ông Sáng cũng thừa nhận đây là việc khó. Ông đề nghị phải kiến nghị với các cơ quan chuyên môn và Chính phủ để thống nhất tất cả công dân đều phải kê khai tài sản. "Chúng ta phải chấp nhận lịch sử đã để lại rằng, có những tài sản khó kê khai minh bạch, nhưng sau thời điểm cả nước đã kê khai thì sẽ quản lý được. Khi đó, những đồng tiền không chính đáng, bất minh sẽ bị phát hiện, không tiêu được và sẽ không ai kiếm những đồng tiền đó nữa", ông Sáng nói.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, vấn đề công khai hoá tài sản, tính sát thực của kê khai và chế tài để xử lý những trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực... là vấn đề không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Do đó cần phải có kiến nghị để thống nhất chung trong việc thực hiện được kê khai tài sản góp phần vào phòng ngừa tham nhũng và tiêu cực. Đối với việc cải cách tiền lương, theo ông Thảo thì đây là vấn đề của quốc gia ai cũng biết như vậy, nhưng cải cách thế nào cho phù hợp với vận hành của cả nền kinh tế, xã hội của đất nước, chứ không thể chỉ nghĩ cho bộ phận công chức hưởng lương. Ông Thảo cho biết, đó là cả một chiến lược, quá trình của đất nước... Tuy nhiên chúng ta cũng mong muốn việc cải cách tiền lương hợp lý để góp phần phòng chống  tham nhũng.

Theo Bí thư Huyện uỷ Mỹ Đức - ông Nguyễn Ngọc Thạch, việc phòng, chống tham nhũng muốn có hiệu quả thì người đứng đầu phải gương mẫu, công khai minh bạch, không có gì che giấu, nếu có sai phạm phải xử lý mạnh và không có ai đứng ngoài cuộc (mặt trận, chính quyền, đảng đều phải vào cuộc). Ông Thạch cho rằng, cán bộ ai cũng nhận thức tham nhũng, lãng phí là nội xâm, nhưng hình như lại nghĩ rằng tham nhũng xảy ra ở đâu đó, chứ không phải xảy ra ở chỗ mình.

V.H.

Nguồn: toancanh.tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn