140 năm ngày mất nhà yêu nước, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (28/11/1871-28/11/2011)

Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) – một bi kịch lạc quan

Trần Hữu Tá

Từ cuối thế kỉ XVIII, cơn lốc xâm lược từ các nước tư bản phương Tây đến các dân tộc Á Phi bắt đầu khởi phát, và đến nửa cuối thế kỉ XIX đã bùng lên đặc biệt dữ dội. Hãy nói riêng đến các nước gần gũi với Việt Nam: Singapore, Malaysia rơi vào tay thực dân Anh; Philippines bị đặt dưới quyền bảo hộ của Mỹ; Indonesia do Hà Lan làm chủ; Lào và Campuchia trở thành “Pháp quốc hải ngoại”. Rộng lớn mênh mông như Ấn Độ (bao gồm cả Bangladesh và Pakistan, 4.319.000 km2), năm 1877 cũng bị đế quốc Anh thôn tính. Ngay Trung Quốc cũng không hoàn toàn thoát khỏi hiểm họa này. Hai cuộc chiến tranh nha phiến kéo dài từ 1839 đến 1872 là cái cớ để “bát quốc liên quân” xâu xé, dốc đại binh vào Bắc Kinh, buộc triều đình nhà Thanh phải cắt hàng loạt vùng duyên hải thịnh vượng phía Đông và vùng Đông Bắc giàu có khoáng sản, làm nhượng địa cho Anh – Pháp – Mỹ - Bò Đào Nha – Tây Ban Nha, v.v.

Thế nhưng cũng trong tình thế chính trị đen tối ấy ở châu Á vẫn có những điểm sáng khác thường: Thái Lan đất không rộng, người không đông, kinh tế chưa phát triển nhưng nhờclip_image001 chính sách ngoại giao khôn khéo của những người cầm quyền, đứng đầu là vua Rama I đã giúp nước này tránh được quá trình thực dân hóa của châu Âu tư bản chủ nghĩa.

Ở một đẳng cấp cao hơn, nước Nhật Bản đã có một cuộc “lột xác” ngoạn mục. Cuối thế kỉ XIX, tướng quân cuối cùng của thể chế tướng lĩnh phân quyền bị lật đổ, trả lại quyền lực tập trung cho hoàng gia, rồi liền sau đó đã có cả một chủ trương chiến lược duy tân, cải cách mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự quốc phòng, văn hóa giáo dục. Chỉ sau mấy chục năm, đến đầu thế kỉ XX, Nhật đã trở thành một cường quốc bậc nhất châu Á.

Nửa cuối thế kỉ XIX, nước ta đứng trước hai khả năng hết sức trái ngược ấy. Và như thực tiễn bi thảm đã diễn ra, chúng ta bị Pháp thôn tính, bị xóa tên trên bản đồ thế giới ròng rã 87 năm (1858 – 1945). Các nhà sử học đã phân tích thấu đáo những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng “quốc phá, gia vong”. Có điều nghĩ lại, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này, thế bế tắc của nước ta đâu phải hết khả năng tháo gỡ, hóa giải! Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Bùi Viện (1835 – 1878), Nguyễn Lộ Trạch (1852 – 1895)… là những con người ưu tú, có nhân cách đáng trọng, có tư tưởng đổi mới sáng suốt, có sự tiếp cận sâu sắc với cách mạng khoa học kỹ thuật phương Tây; các vị ấy có khát vọng và có khả năng phò vua giúp nước vượt qua tình thề nước sôi lửa bỏng. Điều đau xót là ở chỗ họ không được tin dùng, “đại tài” nhưng chỉ được “tiểu dụng”, thậm chí không được đoái hoài, đếm xỉa đến. Nguyễn Trường Tộ nằm trong số những con người xuất sắc nhưng bất hạnh ấy.

Về mặt trí tuệ, ông thuộc loại người hiếm quí: đặc biệt thông minh, học một biết mười, “bác văn cường ký”, được ca ngợi là “Trạng Tộ”. Ông lại có may mắn được tiếp nhận cả hai nguồn văn hóa Đông và Tây, cổ và kim. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ thụ giáo các thầy trong vùng (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và có được một vốn Hán học chắc chắn. Do những mối quan hệ tốt đẹp tình cờ, ông được giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và các môn khoa học phổ thông – cơ bản thôi, nhưng với Nguyễn Trường Tộ cũng như với trí thức Việt Nam lúc đó là rất mới mẻ, cần thiết. Trên cái nền tảng ban đầu ấy, ông có điều kiện mở rộng kiến văn trong những dịp đến Hồng Kông, Pháp, Ý. Ông không chỉ sưu tầm, học hỏi qua sách vở mà còn quan tâm tìm hiểu tình hình chính trị xã hội phương Tây, đồng thời rất năng nổ xông xáo tham quan nhiều cơ sở công kỹ nghệ, gặp gỡ nhiều trí thức, kỹ thuật gia, học giả châu Âu. Vì thế ngay khi bước vào tuổi 30, ông đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Với tiềm lực chất xám rất quí như thế, nếu ông được tin dùng, được tạo điều kiện để hoạt động, tình thế có thể sẽ rất khác. Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn – sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người tin theo Kitô giáo. Bi kịch lớn lao ấy bình thường ra có thể nhấn sâu những con người nặng lòng với đất nước vào tình trạng trầm cảm, u uất, bế tắc. Với Nguyễn Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm chất đáng tôn trọng: sự kiên trì nhẫn nại – nhẫn nại đến mức phi thường. Trong vòng 10 năm (1861 – 1871), Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi đến vua Tự Đức và triều đình Huế rất nhiều bản điều trần. Riêng linh mục Trương Bá Cần đã tập hợp được 58 bản và công bố trong tập Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo (nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002). Gửi mà không có hồi âm, nhưng lại tiếp tục gửi nữa. Đề tài không lặp lại, nội dung hết sức phong phú đề cập đến hầu hết những vấn đề chiến lược ở tầm “quốc sách”. Về chính trị, Nguyễn Trường Tộ trình bày với nhà vua về chiến lược cơ bản, về những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ (Thiên hạ phân hợp đại thế luận, 1863) và đề xuất Kế ly gián giữa Anh và Pháp (1866); không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc “Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác” (1871).

Về quân sự, có lúc Nguyễn Trường Tộ tha thiết xin triều đình cho mình được tổ chức việc đột kích lấy lại Nam Kỳ. Không được chuẩn thuận, ông viết điều trần dâng lên Tự Đức về việc “tái tu võ bị” (1869), để sớm có một lực lượng quân sự hùng mạnh. Chi li và căn cơ, ông đề nghị trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, triều đình nếu cho mua những sản phẩm kỹ thuật hiện đại như tàu biển, máy móc, vũ khí thì chỉ cần mua mỗi thứ một đơn vị để nghiên cứu. Ông tin có thể căn cứ vào mẫu mã đó sẽ chế tạo mới, không những chất lượng không thua sút mà còn có những cải tiến tốt hơn.

Về kinh tế, ông có hàng loạt điều trần, thuyết phục nhà vua nhanh chóng có những chủ trương biện pháp “làm cho dân giàu nước thịnh” (Lục lợi từ - 1864). Với nông dân, cần đem lại cho họ nhiều đất canh tác hơn nữa, muốn vậy phải đẩy mạnh việc khai hoang (Khai hoang từ - 1866).

Về văn hóa giáo dục, Nguyễn Trường Tộ cũng có những đề xuất rất “khó nghe” với những đầu óc thủ cựu nhưng hết sức xác đáng, kể cả thời ấy lẫn bây giờ. Không bài bác Nho học, nhưng ông xin với vua cho những thanh niên ưu tú sang du học châu Âu, thậm chí xúc tiến ngay một việc tưởng nhỏ nhưng rất thiết thực, cần kíp, “gửi học sinh sang Singapore học sinh ngữ” (1871). Rất dũng cảm, ông đề nghị với triều đình nên ban bố chủ trương tự do tôn giáo (Giáo môn luận – 1863), v.v. và v.v.

Giờ đây trong hoàn cảnh đất nước đang quyết tâm đổi mới, tự cường, khắc phục nguy cơ tụt hậu, đọc lại tập Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tin rằng mỗi trí thức cao cấp cũng như mỗi độc giả bình thường đều sẽ có những cảm nhận đặc biệt. Có thể đó là sự xúc động về lòng yêu nước chân thành nồng nhiệt của người đã khuất. Dường như ông không phải viết bằng mực bình thường mà bằng máu từ chính trái tim mình – một trái tim luôn quặn thắt trước tình hình ngày càng bi đát của đất nước. Cũng có thể đó là sự sửng sốt, ngạc nhiên trước những kiến giải sắc sảo, tinh tường, đến nay vẫn còn giá trị. Những kiến giải này càng có thêm sức thuyết phục nhờ một văn phong nghị luận chuẩn mực: vấn đề được đặt rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể sống động. Nhằm lành mạnh hóa đội ngũ quan chức, Nguyễn Trường Tộ hiến kế với vua: Nhất thiết phải để họ có thể sống được bằng lương. Từ Pháp, ông viết trong Tế cấp bát điều (Về tám điều cần bàn gấp – 1867): “Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không qua ba, bốn thạch (mỗi thạch khoảng 60 – 70 đồng tiền), như vậy nuôi một người còn không đủ huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết rõ thiếu hụt mà cứ đem lời suông khuyên người ta thanh liêm, như thế là ngầm để cho người ta tham nhũng”. Trên cơ sở ấy, ông đề nghị: “Lương bổng một năm, tính hết tất cả các khoản của một Lục bộ đại thần nước ta không bằng hai ngày lương của một nguyên soái nước Pháp. Một ngày lương của một Tổng đốc nước Anh tương đương một năm lương của một quan đại thần nước ta… Các nước ngoài nghe quan lại nước ta hưởng lương ít ỏi như vậy họ rất chê cười và tựa hồ họ không thể hiểu nổi tại sao lại có thể như thế được. Vì vậy tôi xin đề nghị lấy những của cải phù phiếm xa hoa trong dân gian để thêm lương cho các quan binh. Đó là lí do hết sức chính đáng (các nước phương Tây cũng tăng thu bằng cách đó để cấp cho quan binh). Nếu vậy mà họ còn tham ô mới có thể trách được”.

“Khuyên người ta thanh liêm bằng lời nói suông”. Nguyễn Trường Tộ đã chỉ ra một thói tật rất lớn của những nhà quản lý đất nước thời đó. Trước hiện tượng kỳ thị tôn giáo quá nặng nề kéo dài đã khá nhiều năm, ông lưu ý với vua về những gì đã được “thực mục sở thị” ở các nước phương Tây cũng như phương Đông: “Hễ nước nào có thanh danh văn vật, xứ nào có giao thông trù mật thì người theo đạo đông đúc. Nước càng thịnh vượng thì tôn giáo càng nhiều”. Để từ đó ông gợi ý với triều đình nên để tôn giáo được tự do phát triển, người dân được tự do tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng. Theo ông, nếu dùng sức mạnh để đàn áp tôn giáo nào đấy đã lan rộng tỏa sâu trong dân chúng, chỉ càng làm cho nó có sức bật, phát triển mạnh hơn dẫn đến tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước (Giáo môn luận – 1863).

Có thể nói tập Điều trần này giúp các thế hệ hậu sinh thấu hiểu tài năng toàn diện, kiệt xuất và nhân phẩm cao quí của Nguyễn Trường Tộ. Cũng có thể cảm nhận những đặc điểm nổi bật trong nhân phẩm ấy thông qua những câu thơ, bài thơ mà ông để lại. Căn cứ vào số di cảo của Nguyễn Trường Tộ, có thể chia thơ ông thành hai mảng: những bài “tức cảnh - sinh tình” và những bài “Ngôn chí, tự tình”.

Trong cuộc đời khá ngắn của mình, Nguyễn Trường Tộ đã đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Cũng như những bậc trí giả khác, nhiều cảnh đẹp đã đem lại cho ông thi hứng. Có khi là một buổi dạo chơi núi Ngũ Hành (Quảng Nam), một đêm đậu thuyền ở Đà Nẵng, một thoáng ngắm cảnh cửa biển Cần Giờ (Nam Bộ). Cũng có khi ông cao hứng trước một danh thắng ở Quảng Đông (Trung Quốc) hoặc miên man cảm xúc trong một đêm mưa đi thuyền trên biển. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét chính xác: “Thơ ông nhìn chung mang phong cách trữ tình khoáng đạt” (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Tửu, Trần Hữu Tá (đồng chủ biên), Từ điển văn học, bộ mới, nxb Thế giới, 2004, tr. 1209). Đúng thế, bức tranh phong cảnh trong thơ Nguyễn Trường Tộ thường thoáng, sáng, gây ấn tượng từ những đường nét lớn chứ không phải từ những chi tiết rậm rạp, tỉ mỉ. Thiên nhiên trên đỉnh Đèo Ngang có biết bao cảnh đáng ghi nhận, nhưng Nguyễn Trường Tộ có cách thu hình của riêng mình: không chỉ có cảnh hôm nay mà còn cả hình ảnh đau thương của quá khứ.

Nguy nga tráng lệ màu sông núi

Tuyệt đỉnh chia đôi vũ trụ hình

Chiến lũy đã tàn lưu cổ tích

Ngự bia còn đó dấu uy linh

(Lê Thước dịch)

(Nguyên tác: Nguy quan túc tráng sơn hà sắc

Tuyệt lãnh trung phân vũ trụ hình

Chiến lũy dĩ tàn lưu cổ tích

Ngự bi trường tại tác sơn linh)

Cảnh nước trời lẫn sách trong đêm đen, giữa biển khơi vần vụ không hề dễ tả. Nguyễn Trường Tộ đã phóng bút dựng bức tranh rất ấn tượng:

…Trời biển tiệp màu chung sắc nước

Mưa rơi sóng vỗ khó phân minh

Nhẹ thuyền sóng biếc cao ba trượng

Mây ám vầng trăng suốt mấy canh

(Lê Thước dịch)

(Nguyên tác: Thôn hợp hải thiên đô thị thủy

Đích sao đào lãng bất phân tranh

Thuyền khinh tự giác trào tam trượng

Vân ám trường già ngyệt ngũ canh)

Đối với những bậc trí giả luôn gắn bó với đất nước quê hương, thơ của họ không chỉ để dựng cảnh thuần túy mà gần như bao giờ cũng để gửi gắm tâm sự sâu kín của mình. Đó thường không phải là nỗi buồn riêng mà là sự chia sẻ với nỗi ưu tư, thậm chí đau khổ chung của nhân dân, dân tộc. Nguyễn Trường Tộ cũng thế. “Đêm đậu thuyền ở Đà Nẵng”, ông như bị hút vào cảnh hùng vĩ của non cao, sông lớn:

Hai nhánh Tây Nam sông đổ xuống

Cửa nhìn Đông Bắc dựng non cao

(Lê Thước dịch)

(Nguyên tác: Giang tự Tây Nam song lệ hạ

Môn khai Đông Bắc lưỡng sơn cao)

Nhưng lập tức ông giật mình, nghĩ đến những hiểm họa tàn khốc sẽ xảy ra nếu có ngoại xâm – và ông chỉ đích danh thế lực xâm lược ấy:

…Tây triều vô cớ động binh đao

Một mai sát khí tràn sông nước

Vạn đại hồn oan dậy sóng gào

(Nguyên tác: Tây triều hà sự động binh đao

Nhất triêu sát khí không lưu thủy

Thiên cổ oan thanh thượng nộ đảo)

Vì vậy niềm vui, sự say mê thưởng ngoạn của Nguyễn Trường Tộ không bao giờ trọn vẹn. Tình thế đất nước cứ bị mất dần từng mảng khiến một số bài thơ ông như chứa đựng một tiếng thở dài chua xót. Đến với bãi biển Cần Giờ, cảnh trí say người đấy (Núi dựng ba tòa quanh bãi biển/Đèn cao một ngọn dẫn tàu đi), nhưng ông nhớ ngay đến thực trạng mất nước:

…Nước non như cũ hồn sông núi

Cảnh sắc rõ ràng đã đổi thay

Đất nước sơn hà ai đấy chủ?

Biết đem tâm sự hỏi trời thôi!

(Lê Thước dịch)

(Nguyên tác: Quan hà điện định nhưng y cựu

Cảnh sắc thương mang dĩ bất tiền

Như thử giang sơn thùy thị chủ?

Yếu tương tình sự vấn chi thiên)

Mảng thơ thứ hai của Nguyễn Trường Tộ lại mang sắc thái khác lạ: thơ “tự tình, ngôn chí”. Những câu, những bài loại này không nhiều và thường thấy trong những bản Điều trần hoặc trong thư gửi những nhân vật trọng yếu của triều đình. Trong nhiều năm liền, ông luôn canh cánh một tâm trạng bi kịch, như đã bộc lộ trong bản trần tình ngày 26/3 năm Tự Đức thứ 16 (tức ngày 13/5/1863): “Lúc trước tôi có đi với người Pháp, bất đắc dĩ phải làm cái việc thân ở Hán tâm ở Hàn. Về tình tuy không thẹn, nhưng ai thấu rõ nguồn cơn?”. Nguyễn Trường Tộ đã quá nghiêm khắc với chính mình. Ông không có gì phải thẹn về tình, mà ngay về lý cũng vậy. Như trên đã nói, có lúc ông đã khẩn thiết xin nhà vua cho mình được chỉ huy việc đánh úp lấy lại Nam Kỳ. Trong bản tấu sớ đó, ông còn cẩn thận đề nghị với nhà vua xin không để các thừa sai ngoại quốc biết được dự kiến của mình. Không nhằm thanh minh, phân trần một cách đơn giản, Nguyễn Trường Tộ muốn những người có trách nhiệm chủ yếu của triều đình nhà Nguyễn giải tỏa những nghi ngờ không đáng có về ông, để rồi hiểu chính xác tâm sự sâu kín của ông. Có thể hiểu sự khúc mắc khó lý giải này của Nguyễn Trường Tộ trong bài thơ mang tính ẩn dụ nhưng dễ cảm nhận ông gửi người bạn họ Phan đang làm tri phủ. Hoàng giáp Đinh Văn Chấp – một nhà khoa bảng nổi tiếng của Nghệ An (thân phụ của Hòa thượng Thích Minh Châu) – đã dịch nghĩa bài thơ như sau:

Đi dệt mướn ở thôn Tây không phải vì nghèo,

Vì muốn nhận thấy rõ cái cơ yếu bí quyết của nhà người

Để sau này xóm Đông nếu muốn học hỏi nghề dệt lụa cho vua

Thì sẽ đem hết đường kim mũi chỉ tỏ bày rạch ròi tử tế

(Trích Biên khảo bổ túc vào tiểu sử của Nguyễn Trường Tộ – in trong Nguyễn Trường Tộ – con người và di thảo, tr. 530)

Giải nguyên Lê Thước đã dịch thành thơ:

Dệt mướn thôn Tây chẳng phải nghèo

Khung cửi nhà người sẵn đấy theo

Gấm vóc xóm Đông mà hỏi đến

Kim vàng trân trọng nắn đường thêu

Hiểu rất rõ thái độ chưa tin cậy, thậm chí nhiều lúc nghi ngờ mình của vua Tự Đức, nhưng vì đại cục quốc gia, Nguyễn Trường Tộ vượt qua tâm trạng nặng nề và đã tha thiết bày tỏ lòng chân thành phục vụ đối với người lèo lái con thuyền quốc gia trong bão lũ:

Mặt trời tuy ngự ở trên cao cũng có chỗ không chiếu soi tới

Tấm lòng hoa quì bao giờ cũng thầm hướng về mặt trời

(Đinh Văn Chấp dịch nghĩa – Sđd tr 531)

(Dịch thơ: Mặt trời cho dẫu không soi đến

Hướng dương xin vẫn nếp hoa quì

Lê Thước dịch)

Ngày 22-11-1871, Nguyễn Trường Tộ tạ thế, hưởng dương 41 tuổi. Hoàng giáp Đinh Văn Chấp cho biết: “khi chết thổ ra một cục máu lớn”. Có thể suy đoán: nỗi niềm uất kết ấy đã tiềm ẩn, tích tụ trong hơn hai mươi năm trời, kể từ lúc thành niên. Con người bình thường khó trụ vững trong bi kịch lớn ấy. Nguyễn Trường Tộ, như trên đã nói, đã vượt qua. Động lực giúp ông có sức mạnh ấy không khó nhận ra: đó là lòng yêu nước thiết tha sâu nặng. Là giáo dân, ông kính Chúa; nhưng là công dân, ông kiên định tình cảm gắn bó với đồng bào, dân tộc của mình. Những kế sách lớn dâng vua không được chuẩn thuận, vậy thì ông làm những việc nhỏ miễn là có ích: thiết kế và chỉ đạo thi công tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn (1863), xây cất Nhà Chung Xã Đoài (1870), tư vấn kỹ thuật trên thực địa việc đào Kênh Sắt (Thiết cảng) ở Nghệ An (1866), lập kế hoạch và trực tiếp giúp bà con vùng Xuân Mỹ (Nghệ An) thường xuyên bị úng lụt đến nơi ở mới (1869), v.v.

140 năm đã qua đi, đọc lại thơ của Nguyễn Trường Tộ, ta hiểu và trân trọng tâm sự sâu kín, cao đẹp của ông. Nghiền ngẫm 58 bản Điều trần, ta không khỏi ngạc nhiên trước sự kiên trì và về trí tuệ phi thường của ông. Những di cảo ấy giúp ta hiểu nhân cách và tài năng của một người Việt xuất sắc – Nguyễn Trường Tộ. Mặt khác, có thể nói tài sản tinh thần ấy nếu nghiên cứu chu đáo, chắc chắn sẽ vẫn có ích cho công cuộc đổi mới hôm nay.

T. H. T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn