Một bản đồ về biên giới Ấn-Trung gây ra sự cố giữa Đại sứ Trung Quốc với báo chí Ấn Độ

Trọng Nghĩa

clip_image001  

Đại sứ Trung Quốc tại ấn Độ (trái) lãnh đạo Tân Cương (giữa) Bộ trưởng thưong mại Ấn (phải) trong cuộc gặp gỡ tại New Delhi, ngày 03/11/2011. Không khí còn vui vẻ trước khi bị báo Ấn chất vấn. Reuters

 

Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc lại vừa có thái độ rất thô bạo khi bị chất vấn về chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng đất tranh chấp thuộc Ấn Độ, nhưng bị một tấm bản đồ Trung Quốc ghi là lãnh thổ của Trung Quốc. Bên lề một cuộc họp ngày 03/11/2011, khi bị hỏi, đại sứ Trung Quốc ở New Delhi đã yêu cầu một nhà báo Ấn Độ «câm mồm» lại.

Theo báo chí Ấn Độ, sự cố xảy ra bên lề một cuộc họp tại New Delhi với một phái đoàn kinh doanh Trung Quốc do lãnh đạo vùng tự trị Tân Cương dẫn đầu.

Đến theo dõi cuộc họp, các phóng viên báo chí Ấn đã bất ngờ phát hiện ra là trên trang bìa một tập giới thiệu một công ty Trung Quốc, có tấm bản đồ cho thấy là vùng Arunachal Pradesh và Ladakh là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, trong lúc vùng Kashmir đang do chính quyền Islamabad chiếm đóng (Pok) lại thuộc Pakistan.

Đối với Ấn Độ, đây là hai vùng lãnh thổ hoàn toàn thuộc chủ quyền của họ, vì thế, một phóng viên Ấn Độ đã lập tức chất vấn Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi, có mặt trong cuộc họp, về tấm bản đồ kể trên. Theo nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times, khi bị hỏi vặn về tấm bản đồ này, vị đại sứ Trung Quốc đã nổi nóng và bảo người chất vấn ông là hãy «câm mồm» đi.

Đấu khẩu giữa hai bên đã bùng lên. Theo báo Times of India, nhà báo Ấn Độ đã phản ứng như sau với đại sứ Trung Quốc: «Đây không phải là đất của Trung Quốc... đây là lãnh thổ Ấn Độ. Ở đây, chúng tôi có đầy đủ quyền tự do. Làm sao mà ông có thể yêu cầu một nhà báo câm mồm khi được hỏi về một điều gì đó!».

Phân trần với báo giới sau đó, Đại sứ Trung Quốc đã cho rằng sở dĩ ông nổi nóng, đó là vì ký giả Ấn Độ đã tiếp tục «hỏi vặn, hỏi vẹo» sau khi ông đã giải thích nhiều lần là sai sót trên tấm bản đồ là do vấn đề «kỹ thuật» và phía Trung Quốc sẽ sửa sai.

Sau sự cố kể trên, cả hai chính quyền Ấn Độ và Trung Quốc đều tìm cách giảm nhẹ tầm mức hệ trọng của vấn đề. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Gautam Bambawale, có mặt tại chỗ, cho biết là ông đã lưu ý Đại sứ Trung Quốc về tấm bản đồ, và phía Trung Quốc cũng thừa nhận đấy là một sai sót. Theo ông, tác giả tấm bản đồ chỉ là «một công ty tư nhân, chứ không phải là chính phủ Trung Quốc».

Theo các quan chức chính quyền hai nước, ngay cả các công ty Ấn Độ cũng từng có những sai lầm tương tự trong quá khứ và điều đó không phản ánh quan điểm chính thức của Bắc Kinh.

Phải nói là khi tranh luận về vấn đề chủ quyền, các giới chức Trung Quốc, kể cả các nhà ngoại giao, nhiều khi đã mất bình tĩnh. Sự cố nhỏ xảy ra tại Ấn Độ hôm qua, không khỏi khiến cho mọi người liên tưởng đến một sự cố nghiêm trọng hơn, xảy ra tại Philippines hồi tháng 6 vừa qua.

Vào lúc ấy, trong một cuộc tranh luận về các cáo buộc của Manila về việc Bắc Kinh xâm phạm các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Lý Vĩnh Thịnh, đã thô bạo lớn tiếng với một quan chức Philippines.

Hệ quả của sự cố này là chính quyền Manila đã quyết định cấm cửa nhà ngoại giao Trung Quốc nói trên, trong lúc Đại sứ quán Trung Quốc phải ra thông cáo khẳng định rằng họ luôn luôn nỗ lực làm việc trong tinh thần hữu nghị.

Dẫu sao thì sự cố hôm qua tại Ấn Độ đã nêu bật một trong những hồ sơ gai góc trong quan hệ Ấn - Trung. Bắc Kinh hiện tuyên bố chủ quyền đối với một phần lãnh thổ vùng Ladakh cũng như toàn bộ vùng Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc đặt tên là vùng Nam Tạng. Hai vùng này đang do Ấn Độ quản lý.

Vào năm 1962, đã nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai bên ở vùng biên giới, và từ đó đến nay, các cuộc đàm phán luôn luôn thất bại. Cho dù quan hệ kinh tế Ấn Trung không ngừng được cải thiện, tranh chấp biên giới luôn luôn là một vấn đề rất nhạy cảm, và thường xuyên gây căng thẳng giữa hai bên.

Trong những tháng gần đây, dư luận Ấn Độ lại càng căng thẳng hơn với Bắc Kinh sau một loạt những hành động của Trung Quốc bị cho là tấn công vào các lợi ích của Ấn Độ, như tăng cường sự hiện diện tại vùng Kashmir thuộc Ấn Độ nhưng bị Pakistan chiếm đóng, hay là hù dọa tàu hải quân Ấn ngoài Biển Đông hoặc phản đối không cho tập đoàn dầu hỏa quốc gia Ấn Độ hợp tác với Việt Nam.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Đại sứ TQ nói phóng viên 'câm mồm'

Báo chí quốc tế cho hay Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đã tỏ ra giận dữ khi bị chất vấn về một tấm bản đồ, trong đó Trung Quốc 'lấn nhầm' đất của Ấn Độ.

clip_image002

Truyền hình chiếu lại cảnh Đại sứ Trương đấu khẩu với nhà báo Ấn Độ

Ông Trương Viêm đã có mặt tại buổi tiếp tân nơi một công ty Trung Quốc ký hợp đồng đầu tư vào bang Gujarat.

Công ty này trình bày một tấm bản đồ, trong đó bang Arunachal Pradesh và Ladakh bị ghi là lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời phần đất tranh chấp ở Kashmir bị ghi là lãnh thổ Pakistan.

Ông Trương, sau khi bị một phóng viên Ấn Độ vặn vẹo nhiều lần, đã nói người này “shut up” trong tiếng Anh có thể dịch là "câm mồm" hoặc "im đi".

Sự việc xảy ra trong khi họp báo ở một khách sạn sang trọng của New Delhi, khi công ty Trung Quốc phân phát cho quan khách cuốn sách giới thiệu sản phẩm, trong có tấm bản đồ gây tranh cãi.

Đại sứ Trương Viêm nói người phóng viên đã chất vấn đi chất vấn lại, dù đã được giải thích rằng đây “chỉ là vấn đề kỹ thuật” và sẽ được sửa ngay.

Trong chương trình truyền hình chiếu trên kênh Star ở Ấn Độ và cũng được truyền lại trên YouTube, người xem thấy ông Trương lúng túng nói bằng tiếng Anh "chúng tôi sẽ giải quyết" (We will handle it) và sau đó có bắt tay người phóng viên.

Tuy nhiên, toàn bộ cảnh va chạm lời lẽ hai bên đã khá căng thẳng trước sự chứng kiến những người khác.

Ông Trương Viêm được trích lời nói: "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng quan hệ hữu hảo với Ấn Độ... thái độ [của người phóng viên] thật không hay ho".

Giận dữ

clip_image003

Đại sứ Trương (bên trái) đã có mặt trong một buổi tiếp xúc doanh nghiệp

Khi được hỏi về phát ngôn giận dữ của ông, Đại sứ Trương nói việc ông buột miệng “câm mồm đi” không có tác hại gì ghê gớm vì thái độ của phía Trung Quốc vẫn là hữu hảo.

Gautam Bambawale, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, sau đó đã lên tiếng phản đối tấm bản đồ và nói ông được cam đoan đây là lỗi thiết kế và sẽ được sửa.

Một số khu vực dọc biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang còn tranh chấp sau cuộc đụng độ Trung Ấn hồi năm 1962.

Hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới.

Trung Quốc đã phản đối khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thăm khu vực Arunachal Pradesh trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2009.

Bản đồ gây tranh cãi nói ở trên còn mô tả khu vực Kashmir còn đang tranh chấp là lãnh thổ Pakistan.

Cuộc tiếp tân mà ông Trương Viêm tham gia là do công ty năng lượng Trung Quốc TBEA tổ chức ăn mừng việc ký biên bản ghi nhớ hợp đồng đầu tư 400 triệu đôla vào bang Gujarat.

Sự việc này hiện đang được báo chí Ấn Độ và quốc tế đăng tải rộng rãi.

Người ta cũng chú ý đến chuyện ông Trương là một nhà ngoại giao dày kinh nghiệm của Trung Quốc.

Sinh năm 1950, quê Triết Giang, ông từng công tác tại các sứ bộ ngoại giao của Trung Quốc ở châu Phi, Liên hiệp quốc (Geneva), APEC và IAEA (Vienna).

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn