Sông Ðỗ Chú: biên giới lịch sử qua tư liệu Việt-Hoa

Hồ Bạch Thảo – Nguyễn Bá Dũng

image Sông Đỗ Chú, mỏ đồng Tụ Long… là những địa danh từ nhiều đời nay đã hằn sâu trong ký ức dân tộc như những vùng đất bị ngoại bang – Thực dân Pháp – chuyển nhượng trái phép mặc dầu trước đó các triều đại quân chủ nước ta – đặc biệt là nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn – đã thành công trong việc giữ gìn những vùng đất này trước mọi mưu đồ thôn tính của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc/TQ).

Sự việc khởi đầu khi Thổ ty phủ Khai Hóa (Vân Nam, TQ) nhà Thanh chiếm 120 dặm đất thuộc hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ, vua Lê Dụ Tông gửi thư kháng nghị dẫn tới việc hai bên cử người cùng hội khám vùng đất tranh chấp và đàm phán, cuối cùng vua Ung Chính chịu hoàn lại 80 dặm đất. Sử Việt chép:

Trước đây, đất biên giới tại hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ bị Thổ ty Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm gồm 120 dặm. Năm Ung Chính thứ 3 [1725] Cao Kỳ Trác, Tổng đốc Vân Nam nhà Thanh, lại tâu với vua Thanh là cương giới An Nam có chỗ xâm lấn vào biên cảnh nội địa, xin thi hành việc tra xét rõ ràng. Việc này triều đình nhà Lê đã đưa thư sang biện bạch; Khổng Dục Tuân, Tổng đốc Quảng Tây tâu bày đề đạt giúp, được vua nhà Thanh y cho.

Triều đình bèn hạ lệnh cho Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hội đồng với viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đi đến nơi khám xét, hai bên vẫn giằng co nhau không giải quyết được. Ðến nay có tờ dụ của vua Thanh đưa sang, triều đình bèn sai Ðình Ân đi hội đồng lập giới mốc ở dưới núi Xưởng Chì. Ðất nước ta được nhà Thanh trả 80 dặm, còn 40 dặm là chỗ xưởng đồng vẫn còn chìm đắm vào phủ Khai Hóa.

(Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục, t. 2, nxb Giáo dục, H. 1998, tr. 456-457)

Phía bên kia, Thanh Thực Lục ghi chép khá chi tiết các diễn biến liên quan đến việc này kéo dài trong các năm 1725-1728.

Theo những ghi chép này thì năm Ung Chính thứ 3 [1725], Tổng đốc Vân Quý (Vân Nam - Quý Châu, TQ) kêu Trung Quốc mất đất (mà có lẽ nguyên cớ chính là nguồn lợi khai mỏ đồng, chì đang phát triển ở vùng này), tự ý dựng bia lập biên giới mới tại sông Ðỗ Chú (giả) gần thôn Tà Lộ, cách đường biên cũ 120 dặm về phía nam. Việc này đã bị vua ta (Lê Dụ Tông, 1705-1729) phản đối và Thanh Thế Tông (Ung Chính 1723-1735) không tán thành, hứa với vua ta sẽ trở lại nguyên trạng:

Ngày Kỷ Sửu tháng 4 năm Ung Chính thứ 3 [2/6/1725]

Trước đó, Tổng đốc Vân Quý Cao Kỳ Trác tâu rằng:

Phủ Khai Hóa, Vân Nam tiếp giáp với Giao Chỉ [tên TQ gọi nước ta thời đó], có đất cũ của nội địa [tức TQ] mất vào Giao Chỉ. Nay nhân mở xưởng đồng, qua lời báo của Bố chánh sứ Lý Vệ Tường, thần ủy quyền cho Tổng binh Khai Hóa tra khám. Nay tra được rằng từ xưởng Ðô Long nhìn qua dưới núi Duyên Xưởng có 129 [?] [dặm]; lại có ba bốn chục trại tại Nam Lang, Mãnh Khang, Nam Ðinh đều bị Giao Chỉ chiếm. Lại tra “Vân Nam Thông Chí” chép phía nam phủ Khai Hóa 240 lý đến sông Ðỗ Chú của Giao Chỉ làm ranh giới, nay Giao Chỉ gọi chỗ này là An Biên Hà. Sau đến đời cuối triều Minh, nhân đất này rộng và xa, chúng bèn đem đồn trấn thủ dời vào nội địa, rồi chỉ cái khe nhỏ dưới núi Duyên Xưởng cưỡng đặt tên là sông Ðỗ Chú, nên đã mất 120 lý. Triều ta thời Khang Hy thứ 22, 6 trại, thôn Tà Lộ dưới khe nhỏ của núi Duyên Xưởng cũng sáp nhập vào Giao Chỉ; có thể thấy lấy tấn [trấn] Mã Bá làm biên giới, so sánh với thời cuối Minh đã mất 40 lý. Nếu xét về biên giới cũ, đáng mang 240 lý thu hồi [sic, ???]. Thần thấy trong văn thư giao dịch cùng Quốc vương An Nam, thì hai xưởng Ðô Long, Nam Ðan đều nằm trong đó; Giao Chỉ dựa vào mối lợi lớn, bèn tìm cách kháng cự, đem những lời sai trái để phân trần, lấy đó mà tâu lên cặn kẽ.”

Nhận được chiếu chỉ rằng:

Xem tờ tâu, biết được tình hình biên giới với Giao Chỉ từ xưa và gần đây. Trẫm nghĩ đến đạo nhu viễni, luận về việc chia cương thổ cùng hòa mục với lân bang, thì hòa mục với lân bang hay hơn; so sánh việc sợ uy và nhớ đức, thì nhớ đức đáng ở trên. Cứ bảo rằng hai xứ Ðô Long và Nam Ðan từ đời cuối Minh, An Nam đã có, như vậy việc xâm chiếm không phải từ triều ta. Kể từ triều ta đến nay, An Nam mấy đời cung thuận, thật đáng khen, đáng tưởng lệ việc này; há lại vì việc tranh giành thước tấc đất đã mất vào thời cuối Minh ư ? Ðất này quả có lợi ích ư! Há thiên triều lại cùng nước nhỏ tranh lợi ? Hoặc không lợi ư! thì tranh chấp để làm gì ? Trong lòng Trẫm chỉ muốn đại công, chí chính; coi dân trong nước, ngoài nước đều là con đỏ. Vả lại hai nước đất tiếp giáp, liền biên giới; rất dễ sinh sự gây hấn, càng nên khéo thu xếp để quyến luyến nhau; không chỉ yên dân nước họ, mà cũng chính là để yên dân ta vậy; vậy hãy lấy khe nhỏ làm biên giới, nào có thương tổn gì! Tham lợi, kiêu hãnh lập công, không thể là mẫu mực dạy đời. Hãy hiểu Trẫm ý, châm chước thi hành.”

Lúc này, Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào [Dụ Tông] tấu xưng:

Châu Vị Xuyên nước thần vốn tiếp giáp với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam, dùng sông Ðỗ Chú làm biên giới; phía tây sông thuộc phủ Khai Hóa, phía đông sông thuộc xã Tụ Long châu Vị Xuyên. Hốt nhiên nhận được tờ tư của Tổng đốc Vân Quí gửi cho nước thần rằng: ‘Sáu trại tại xã Tụ Long, thôn Tà Lộ thuộc phủ Khai Hóa là đất nội địa; trước đây bị Thổ mục Ðô Long xâm chiếm, đến nay đã 40 năm, cần phối hợp để lập lại biên giới.’ Thần đã có văn phúc đáp đầy đủ; rồi Tổng trấn Khai Hóa đến núi Yên Mã tại thôn Tà Lộ, cách sông Ðỗ Chú 120 lý lập bia biên giới, cùng thiết lập phòng ốc, sai quân phòng thủ. Thần trình bày nguyên do sự tình, kính cẩn tâu đầy đủ.”

Nhận được chiếu chỉ như sau:

Ðiều này trước khi Vương chưa tâu, thì lúc Tổng Ðốc Vân Quý Cao Kỳ Trác sai người khám biên giới, đã từng tâu lên. Trẫm nghĩ An Nam vào các đời đều cung thuận, Vương kính cẩn nối chức đáng khen. Vả lại đất này đã bỏ đi từ thời triều Minh, dân An Nam cư trú tại đó đã lâu, đất đã ở yên lại phải dời đi, không khỏi lâm vào cảnh khổ lưu ly. Trẫm trong lòng nghĩ đến nhu viễn, coi người trong nước và ngoài nước như nhau, nên thực không nỡ. Ðã phê cho triệt hồi nhân viên tại thôn Tà Lộ, hãy bàn nghị riêng chỗ khác làm biên giới, nhắm thỏa đáng. Ước lượng thời gian này lời phê đã đến, sẽ có sự liệu lý riêng. Vương giữ chức vụ, coi dân của ngươi, nên bình tĩnh để đợi.”

(Thế Tông Thực lục, q. 31, tr. 28-31)

Việc thực thi kéo dài tới hai năm, biên giới mới được lập tại Xưởng Chì. Vậy là tân Tổng đốc Vân Quý Ngạc Nhĩ Thái mới chỉ hoàn lại 80 dặm đất, còn 40 dặm chưa trả nên vẫn bị vua Lê phản đối. Ung Chính dụ cho Nội các, đồng tình với thuộc hạ, tỏ ý coi khinh Vua An Nam không biết điều:

Ngày Nhâm Tý tháng 4 năm Ung Chính thứ 5 [15/6/1727]

Dụ nội các:

Về việc định biên giới An Nam, trẫm đã gia ơn, hãy bàn riêng mà lập giới tuyến. Quốc vương nước này không biết cảm ơn, lại còn tâu lên nữa, và yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ðông, Vân Nam đề đạt lên. Y ngu muội vô tri, Trẫm đáng ban sắc dụ để tiếp tục mở mang cho biết. Mới đây Ngạc Nhĩ Thái tấu xưng, đã gửi văn thư cho An Nam. Nếu như khi văn thư đến, viên Quốc vương tuân phụng thi hành, thì không cần ban thêm nữa. Nhất thiết mọi việc nên làm, Ngạc Nhĩ Thái hãy thi hành ổn thỏa.

(Thế Tông Thực Lục, q. 56, tr. 26-27)

Vua Lê tiếp tục gửi biểu văn, lời lẽ mềm dẻo nhưng cương quyết; Ung Chính giọng cứng rắn nhưng rồi nhượng bộ, trả lại đủ 40 dặm đất dưới danh nghĩa… món thưởng cho vua ta! (vị trí gần trấn Mã Bạch hiện nay):

Ngày Kỷ Mão tháng giêng năm Ung Chính thứ 6 [8/3/1728]

Trước tiên, vào tháng 4 năm Ung Chính thứ 3, nguyên Tổng đốc Vân Quý Cao Kỳ Trác điều tra và tâu về biên giới tại nước An Nam, so với biên giới cũ, lấn vào đất nội địa 120 dặm cần phải sửa đổi lại, lập biên giới tại sông Ðỗ Chú. Rồi Quốc vương An Nam tâu đầy đủ đòi xin; Thiên tử sai tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái làm cuộc thanh tra mới, lập biên giới cách con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng 40 lý; Quốc vương An Nam kịch liệt trình tố. Vào ngày 4 tháng 4 năm Ung Chính thứ 5, Thiên tử ban một đạo sắc, dụ Quốc vương An Nam rằng:

Trẫm ra lệnh các quan địa phương thanh lý cương giới; cứ viên cựu Tổng đốc Vân Quý Cao Kỳ Trác tuân chỉ, khảo tường tận chí thư biết rằng phủ Khai Hóa cùng châu Vị Xuyên giáp giới đáng tại làng Phùng Xuân cạnh sông Ðỗ Chú, phủ Khai Hóa, nên tại các xứ tại thôn Tà Lộ, thiết lập tấn sởii, để nghiêm túc biên cảnh. Rồi nhân Quốc vương đưa tấu biểu đến, tình từ khẩn thiết, Trẫm vốn có lòng hoài viễniii, miễn cưỡng chấp nhận lời xin, ra lệnh viên Ðốc triệt hồi tấn sở nhân viên, rồi bàn lại việc lập biên giới mới, đó là điều đặc ân của Trẫm. Tiếp đến viên tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái tấu xưng những lời như sau ‘Tra xét hình thế sông núi dưới chân núi Duyên Xưởng, trong ngoài rõ ràng. Vả lại dựa vào chí thư, căn cứ sổ lương thực, tra xét chỗ đặt các tấn sở cũ, xét nghiệm cách ăn mặc của dân chúng, thực vùng đất này thuộc nội địa. Nên lập biên giới tại đây, thật là hết sức nhân nghĩa.’

Trẫm chấp thuận lời tâu, ban dụ cho Quốc vương tuân phụng thi hành. Tính liệu rằng khi Vương nhận được dụ, sẽ hân hoan cổ vũ, đội ơn cảm đức Trẫm ban đất yên ổn dân, hăng hái nhận mệnh. Nhưng viên Quốc vương lại tiếp tục tố cáo biện bạch, thật Vương với lòng chấp mê, tham vọng không cùng, quên tấm lòng cung thuận của tiên nhân, phụ ơn trạch nhu viễn của Trẫm. Cao Kỳ Trác, Ngạc Nhĩ Thái đều là bầy tôi trấn tĩnh công bình, không phải là bọn lắm chuyện tâng công; nên các quan sở tại cũng không dám quanh co tư tình. Trẫm thống trị hoàn vũ, các nước đến thần phục đất nào cũng là đất của ta, nào phải kể đến vùng đất nhỏ nhoi 40 dặm! Nhưng phân cương định giới, là việc đầu tiên của chính quyền, dù nơi gần kinh kỳ hoặc chốn hoang dã cũng đồng nhất thể. Trước mắt các nước phiên xa xôi như Mông Cổ, nhận được chỉ dụ của Trẫm, không có ai mà không tranh tiên ứng chực; huống nước các ngươi vốn xưng là lễ nghĩa lại một mình trái với đức hóa ư!

Vương không nên hiềm việc trước đây xâm phạm đất của triều đình, rồi đâm ra nghi sợ nên tiếp tục trình bày biện bạch, đó là lầm lỡ của tiền nhân, không phải là sự sai lầm của Vương. Vương chỉ nên tuân theo lời dụ của Trẫm, Trẫm không thâm cứu về dĩ vãng, mà lại còn gia ơn trong tương lai. Nếu lời tâu bày sắp tới, lại mất lòng cung thuận trước kia, thì Trẫm cũng không còn thi hành chính sách chiếu cố người phương xa nữa. Lòng Trẫm đối với người phương xa, chí thành chí thiết; ân cần hiểu dụ. Hãy suy nghĩ đi! Suy nghĩ đi!

Lại vào ngày 26 tháng 9, mệnh Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhiệm Lan Chi đến An Nam tuyên dụ. Lúc bọn Hàng Dịch Lộc chưa đến An Nam, Quốc vương An Nam tiếp nhận được đạo dụ ngày 4 tháng 5, tỏ lòng cảm ơn và hối hận sai lầm qua biểu văn. Tổng đốc Vân Quí Ngạc Nhĩ Thái đem tâu trình; biểu văn như sau:

Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào kính cẩn tâu: Vào ngày mồng 2 tháng 12, thần nhận được sắc dụ, đốt hương duyệt đọc, mừng sợ giao tập. Trộm nghĩ châu Vị Xuyên nước thần cùng phủ Khai Hóa, Vân Nam tiếp giáp; nguyên dùng sông Ðỗ Chú, tức con sông nhỏ tại tấn Mã Bá làm ranh giới. Các viên châu mục tại biên giới đời đời giữ đất, thần chưa từng thấy việc xâm chiếm đất của nội địa. Vả lại chưa nhận được chiếu thư, nên đem mọi việc ra trình tâu. Rồi nhận được sắc dụ, lệnh triệt hồi nhân viên tại thôn Tà Lộ, sẽ bàn riêng để lập biên giới; ngưỡng mong lòng từ chiếu cố, hân hạnh không cùng. Nay lại phụng sắc dụ, định tại con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng lập biên giới; dụ thần đừng dựa vào ơn ưu đãi, ôm tham vọng không cùng, để rồi can vào quốc điển; thần chịu uy trời trong gang tấc. Trước mắt núi Duyên Xưởng đã được Tri phủ Quảng Nam lập cửa quan ải, xây phòng ốc, làm bia biên giới. Các viên châu mục biên giới nước thần, tuân sự nghiêm sức của thần, yên lặng không có lời nói. Nước thần mấy đời dốc lòng thành, theo sự hướng hóa của Thánh triều, được ơn nhu viễn của Thánh Tổ Nhân hoàng đế hơn 60 năm nay; nay nhận mệnh lớn của Hoàng đế bệ hạ, như mặt trời mới mọc, khắp trời biển chỗ nào cũng là đất của Ðế vương, riêng 40 dặm đất, thần đâu dám sinh lòng oán vọng. Nay được nghe lời hiểu dụ tha thiết chân thành, thần đội ơn Thánh triều, hân hoan trong lòng, xin nguyện vạn phương chầu mệnh, Thánh thọ vô cùng, Thánh triều ngàn vạn năm thái bình, nước thần ngàn vạn năm phụng cống. Cẩn tâu!

Ðược chỉ dụ ban như sau:

Xem lời tâu của Vương, cảm ơn và hối lỗi, lời ý cung kính; khiến Trẫm đặc cách ban ơn lớn, lệnh Tổng đốc Vân Nam lấy 40 dặm đất, thưởng cho An Nam. ”

Vẫn ban sắc dụ, đưa đến Vân Nam, rồi ra lệnh Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi đến An Nam tuyên đọc Thánh dụ. Sắc dụ như sau:

Trước đây Trẫm lệnh các quan coi đất lập rõ ràng cương giới, chỉ thi hành trong nội địa, chưa ra lệnh thanh tra đến đất An Nam. Viên Tổng đốc Cao Kỳ Trác với chức vụ được phong, khảo rõ chí thư cùng phỏng vấn dư luận, biết rằng chỗ phân giới giữa phủ Khai Hóa và An Nam đáng tại xã Phùng Xuân cạnh sông Ðỗ Chú; do đó một mặt thiết lập tấn sở phòng ốc, một mặt tâu lên. Rồi nhân Quốc vương trình tâu, Trẫm đặc giáng chỉ dụ lệnh viên Tổng đốc nghị bàn cách khác về việc thiết lập biên giới. Lại lo rằng Cao Kỳ Trác chấp nhất ý kiến riêng, nên ra lệnh tiếp cho viên tân Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái lấy công tâm mà biện lý. Ngạc Nhĩ Thái thể theo bụng thương yêu người xa xôi của Trẫm, định giới tại con sông nhỏ dưới núi Duyên Xưởng, một mặt thiết lập tấn sở phòng ốc, một mặt tâu lên; so sánh với giới tuyến cũ [do Cao Kỳ Trác lập] giảm xuống 80 lý, thực là tận nhân tận nghĩa. Sự việc do các quan Ðại thần kinh lý biên cương, theo chức phận mà thi hành.

Trẫm thống ngự hoàn vũ, phàm các nước thần phục, đều lệ vào bản tịch; An Nam là nước được phiên phong, thước đất nào mà không phải của ta, hà tất phải so đo đến 40 dặm đất nhỏ nhoi. Nếu viên Quốc vương chí tình khẩn cầu, Trẫm có thể ban cho, nào có khó khăn gì! Chỉ vì 2 lần các viên Tổng đốc định biên giới, viên Quốc vương khích thiết tâu xin, lời lẽ quá sức oán than, trình bày lắm chuyện, hết sức thiếu cung kính. Viên Quốc vương đã không giữ được đạo thờ người trên, Trẫm cũng không theo cách ban ơn, đó là điều thông thường xử thế trong thiên hạ, cách thức giao tiếp trên dưới, sự việc do Vương gây lấy, nào phải tấm lòng Trẫm sơ hốt!

Mới đây Ngạc Nhĩ Thái đem tờ tâu của Quốc vương vào tháng 12 năm trước dâng lên, biết Quốc vương rất cảm khích sâu xa ơn của triều đình, tự hối trước đây chấp mê sai lầm, hăng hái xin tuân mệnh, lời và ý cung kính. Trẫm xem xong, rất vui lòng. Vương đã biết tận lễ, thì Trẫm có thể gia ân. Huống 40 dặm đất này, nếu thuộc Vân Nam là đất nội địa, tại An Nam là đất ngoại phiên của Trẫm, không có gì đáng phân biệt; nay đem đất này giao cho viên Quốc vương giữ đời đời. Lại sai bọn Ðại thần đến nước ngươi, tuyên dụ ý Trẫm. Trẫm nghĩ đã ban ơn huệ cho phiên vương, cũng đáng nhìn xuống sự thuận tiện của dân, Nếu dân chúng cư trú trong đất này, tình nguyện dời vào nội địa, lệnh cho Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái ước lượng liệu lý, cùng dụ cho viên Quốc vương hay biết.

(Thế Tông Thực Lục q. 65, tr. 12-17)

Sau khi tuyên bố trả lại đất, vua Ung Chính ban dụ cho Tổng đốc Vân Quí lệnh thu xếp ổn thỏa; định cư những người Trung Quốc muốn rời khỏi phần đất đã trả cho An Nam:

Ngày Tân Tỵ tháng Giêng năm Ung Chính thứ 6 [10/3/1728]

Dụ Tổng đốc Vân Quý Ngạc Nhĩ Thái:

Xem tấu chương Quốc vương An Nam trần tạ, cảm ơn hối lỗi, nhiệt tình bái mệnh, tình từ hết sức cung thuận. Viên Quốc vương biết xử tận lễ, Trẫm cũng có thể gia ơn. Nay đem 40 dặm đất, thưởng cho viên Quốc vương như cũ. Ðặc cách ban một đạo sắc dụ, vẫn sai Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi đi đến nước này, tuyên dụ Trẫm ý. Nhưng nghĩ rằng Trẫm đã gia ơn cho ngoại phiên, cũng đáng cúi xuống chiều theo sự thuận tiện của dân. Số cư dân trong vòng 40 lý, nếu có người tình nguyện dời vào nội địa, hãy lưu tâm giúp đỡ an sáp. Trước mắt tỉnh Vân Nam đang có việc khai khẩn đất đai, tức lệnh cho bọn họ nhận ruộng cày cấy, nhắm sao cho thích hợp. Nếu có những kẻ tình nguyện sống tại đất ngoài, nơi An Nam quản hạt, cũng chấp nhận ý đó.”

(Thế Tông Thực Lục q. 65, tr. 18-19)

Tiếp đến, hai Sứ thần Hàng Dịch Lộc, Nhiệm Lan Chi dâng sớ tường trình chuyến đi đến An Nam, mô tả cảnh dân chúng tại đây hoan nghênh việc trả đất:

Ngày Mậu Tý tháng 10 năm Ung Chính thứ 6 [12/11/1728]

Phó đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhiệm Lan Chi phụng sứ đến An Nam, dâng sớ tâu:

Bọn thần vào ngày 11 tháng 3 năm nay tại tỉnh thành Vân Nam, nhận được dụ của Thiên tử đem đất tại Duyên Xưởng cấp cho Quốc vương An Nam; lại ban một đạo sắc dụ, mệnh bọn thần mang đến tuyên đọc. Bọn thần vào ngày 21 tháng 3 khởi hành từ tỉnh Vân Nam theo đường qua Quảng Tây, đến tháng 5 đến trấn Nam Quan. Bọn Bồi thần An Nam Phạm Khiêm Ích 6 người khấu đầu tiếp đón. Bọn thần đốc suất hộ tòng 1 viên quan văn Ðồng tri, 2 viên quan võ Thủ bị, khởi hành trong ngày. Ra khỏi cửa quan, thấy dân chúng An Nam vỗ tay hoan hô, tiếng vang cả núi rừng. Vào ngày mồng 8 tháng 6 đến công quán doanh Ðiêu Giao, Quốc vương sai Bồi thần nghênh đón.

Ngày hôm sau phát hành nghi thức tuyên đọc chỉ dụ, viên Quốc vương xin chiếu theo lễ kính trời của nước này, hành lễ 5 bái, 3 lần khấu đầu. Bọn thần gửi thư trách vấn, bảo rằng định chế của Thiên triều khắp bốn biển đều phải tuân theo, không được sửa đổi, hãy dựa vào thịnh điển này; bọn y đều sợ thẹn tuân mệnh. Ngày 16, bọn thần qua sông Phú Lương [Hồng Hà], đến cửa Trường An của nước này; Quốc vương Lê Duy Ðào quỳ đón sắc dụ, các tùy tòng Ðại thần kính cẩn đảnh lễ. Thần bưng sắc dụ, do cửa giữa đi vào, đặt trên điện; viên Quốc vương cùng văn võ Bồi thần hành lễ 3 lần quỳ, 9 khấu đầu. Sau khi nghe tuyên đọc xong, bèn tạ ơn. Bọn thần lại hiểu thị rằng Hoàng thượng coi trong [nước] ngoài [nước] như nhau, nên trước đây không nỡ có ý dùng binh, ân đức dồi dào, từ xưa đến nay chưa hề có như vậy. Từ nay trở về sau đáng tăng thêm lòng trung thuận, răn sức bọn lại mục giữ biên giới, không được sinh sự, để rước lấy họa. Quốc vương nghe qua, lấy tay đặt lên trán ba bốn lần, thề đời đời con cháu, vĩnh viễn giữ tiết bề tôi. Lại đưa tiễn đến cửa Trường An, trình bày lòng quyến luyến, đưa lễ vật tống tặng; bọn thần ngưỡng theo đức anh minh của Bệ hạ, thi hành chính sách nhu viễn với nước phương xa, nên từ chối không nhận. Vào ngày 22 khởi hành, đến ngày 29 vào trấn Nam Quan; Các viên Bồi thần tùy tùng là bọn Ngô Ðình Thạc 4 tên, hành lễ giống như nghi thức có sẵn trước, dâng một đạo biểu chương tạ ơn của Quốc vương, một tờ thân văn cho bộ Lễ, cầu xin thần lúc trở về chuyển tâu.

Bọn thần nghĩ rằng An Nam là nơi hoang tịch cõi ngoài, được liệt vào ngoại phiên từ lâu; Hoàng thượng nghĩ rằng nước này đời đời cung thuận, không nỡ vì lý do một mảnh đất, mà mang quân đi chinh thảo; nên khi chúng đem lòng thành cảm ơn hối lỗi, bèn theo ân điển ban thưởng đất rộng rãi, đây là một ơn lớn, kế sách chiêu phủ đã đạt đến nơi vậy. Bọn thần chứng kiến dân nước ngoài nhiệt liệt hoan nghênh, thấy được uy trời rộng lớn; bèn cứ sự thực tâu lên, xin được đưa việc này đến sử quán, để ghi lại cho vạn thế về sau truyền tụng.

[Thiên tử] chấp thuận. Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào dâng biểu tạ ơn được ban 40 dặm tại Duyên Xưởng, hãy đưa xuống cho các bộ hay biết.

(Thế Tông Thực Lục, q. 74, tr. 11-13)

Về phía Việt Nam, Khâm Ðịnh Việt sử Thông giám Cương mục chép đầu đuôi việc nhà Thanh hoàn trả 40 dặm đất, lại còn thêm chi tiết rằng khi phái đoàn nước ta đến nhận đất và lập giới mốc thì viên Thổ ty Khai Hóa muốn ăn chặn đất, nên chỉ bậy một chỗ khác, nói là sông Ðỗ Chú. Quan Tế tửu Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn xông pha lặn lội lam chướng, qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận đúng chỗ sông Ðỗ Chú, bèn dựng bia nơi giáp giới. Ðề cao việc làm của Tế tửu Nguyễn Công Thái, vua Tự Ðức có lời ngự phê như sau “ Ðạo làm bầy tôi phải như thế ”:

Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập mốc biên giới hai bên ở núi Diên Xưởng, còn núi Tụ Long của nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh, thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm, triều đình đã nhiều lần làm văn thư tâu bày biện bạch việc này, vua nhà Thanh hạ sắc văn bảo quan địa phương bàn luận riêng về việc lập mốc biên giới, một mặt hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu), khám xét lại. Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, rồi hắn tâu với vua nhà Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hóa, không chịu giao trả, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo nước ta phải theo lời trả lại. Nhĩ Thái làm tờ tư cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng Hoàng Văn Phác (có sách chép: Văn Lâu),thổ mục giữ quan ải, dùng lời lẽ kháng cự, không chịu tiếp nhận tờ tư, kéo dài đến 5, 6 ngày. Nhĩ Thái ngờ nước ta có mưu kế gì khác chăng, hắn lập tức tư sang tỉnh Quảng Tây chia địa điểm phòng bị nơi biên giới. Một mặt hắn lại đem việc này tâu về triều đình nhà Thanh và xin điều động binh mã ba tỉnh để phòng bị biên giới, nhưng vua nhà Thanh không y cho. Liền đó, vua nhà Thanh sai bọn Hàng Dịch Lộc tả Ðô ngự sử, và Nhậm Lan Chi nội các Học sĩ, đi thẳng sang nước ta tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân đấy xem xét sự động tĩnh. Khi bọn Dịch Lộc ra đi chưa đến nước ta, thì ngay lúc ấy, quốc thư nước ta đưa sang nhà Thanh từ trước đã đến Yên Kinh, trong quốc thư giải bày "lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời", vua nhà Thanh xem quốc thư, rất lấy làm vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, lại giao cho bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố dụ bảo, trong sắc văn nói về việc tra ra đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả lại.

Lúc ấy, biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt, nên bên nước ta trong kinh ngoài trấn có ý nghi ngờ sợ hãi, nhưng [chúa] Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng, có lý nào không hấn khích gì mà lại sinh sự được, bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới, không được hành động càn rỡ.

Về nghi lễ tiếp nhận sắc văn của vua nhà Thanh, Dịch Lộc lại yêu cầu cử hành nghi lễ ba lần quỳ chín lần vái, triều đình cũng miễn cưỡng nghe theo.

Sau đó, sai tả thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và tế tửu Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang nhận đất và lập giới mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn, nên chỉ láo chỗ khác là sông Đỗ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền xông pha lặn lội những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú, bèn dựng bia ở nơi giáp giới. Từ đấy việc cương giới hai bên mới được ấn định.”

(Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục, t.2, tr. 466-467)

Bia đá được dựng lên tại hai bờ sông Ðỗ Chú. Bia nước ta đặt tại bờ nam, nội dung đơn thuần ghi lại việc đánh dấu biên giới quốc gia. Bia nhà Thanh đặt tại bờ Bắc thì khác, nội dung khinh miệt láng giềng (gọi nước ta bằng tên cũ thời nội thuộc: Giao Chỉ) và chứa chất mầm mống để tạo tranh chấp trong tương lai.

Bia bờ nam viết:  “Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Ðỗ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 [1728]. Chúng ta là Nguyễn Huy Nhuận Tả thị lang bộ Binh, và Nguyễn Công Thái Tế tửu Quốc tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này.”

Bia bờ bắc nội dung như sau: “Khai Dươngiv ở xa tận một góc trời, tiếp giáp đất đai Giao Chỉ. Tra trong sách vở ghi chép lại, thì giới mốc chỗ đất này phải ở vào sông Ðỗ Chú cách phủ trị Khai Hóa 240 dặm về phía nam. Chỉ vì về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái ủy khám xét tâu xin lập giới mốc tại núi Diên Xưởng. Hoàng thượng ta (vua Ung Chính) ân uy rộng khắp phương xa, nghĩ Giao Chỉ đời đời giữ đạo cung kính thuận theo, cả ban cho dụ chỉ, lại đem 40 dặm đất tra xét ra được, để trả lại cho.

Bọn Sĩ Côn chúng tôi, tuân theo tờ hịch của bộ viện quan Tổng đốc Vân Quí ủy thác, nên ngày mồng 7 tháng 9, chúng tôi hội đồng với bọn Nguyễn Huy Nhuận, viên quan phái ủy của nước Giao Chỉ, cộng đồng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía nam vịnh [trấn] Mã Bạch làm giới mốc, chỗ này tức chỗ mà trong tờ tâu của Quốc vương gọi là sông Ðỗ Chú đấy.

Vậy chúng tôi tuân theo dụ chỉ, lập nhà bia giới mốc ở phía bắc sông. từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm được đội ơn không bao giờ mai một.

Ngày 18, tháng 9, năm Ung Chính thứ 6.

Chúng tôi là Ngô Sĩ Côn giữ chức Tri phủ Khai Hóa và Vương Võ Ðảng giữ chức Du kích trung doanh trấn Khai Hóa, kính dựng bia này.

(Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục, t.2, tr. 469-470)

Từ đó, sông Đỗ Chú là biên giới quốc gia trong suốt hơn 150 năm sau và đường biên giới này chỉ bị thay đổi sau khi Pháp cai trị nước ta. Hòa ước Thiên Tân ký kết năm 1885 nhằm kết thúc cuộc chiến tranh Pháp-Thanh tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam; qua tiến trình thi hành hoà ước này, Pháp đã nhượng nhiều phần đất của Việt Nam hòng tìm kiếm những ưu đãi về thương mại của Trung Hoa. Lần này, Trung Quốc lại tiếp tục chơi trò sông Đỗ Chú giả để lấn đất. Và lần này, Thực dân Pháp đã nhân nhượng, kết quả là Việt Nam mất một vùng đất giàu quặng mỏ (đồng, kẽm…) diện tích vào khoảng 700km2. Đó là mỏ đồng Tụ Long, nay thuộc các trấn Ðô Long, Kim Xưởng, huyện Mã Quan, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Qua Bản-đồ Tổng Tụ-Long của Trung tá Bonifacy (trong tác phẩm Le Canton de Tu-Long et la frontière sino-tonkinoise) dưới đây, nêu lên một số sự kiện quan trọng như sau:

- Ðường biên giới Việt Trung, thỏa thuận giữa nhà Thanh và nhà Lê năm 1728 (Frontière de 1728); nằm trên sông Ðỗ Chú thật (Ðỗ-Chú (vrai)] và cột mốc biên giới của 2 nước Việt Trung vào năm 1728 (Stèles de 1728).

- Ðường giới tuyến năm 1897 (Délimitation de 1897) giáp với các huyện Xin Mần, Hoàng Su Phì ngày nay.

- Vùng đất bị mất sau hòa ước Thiên Tân, nằm giữa 2 đường giới tuyến nêu trên, tính từ tây sang đông gồm các xã Tụ Nghĩa, Tụ Mỹ, Tụ Hoa, Tụ Long, Tụ Thanh, Phấn Vũ, Bình Di.

clip_image001

- Sông Ðỗ Chú giả (Faux Ðỗ-Chú) tức sông Cháy, nằm gần giới tuyến năm 1897.

Để độc giả có thể hình dung được phần nào vùng đất lịch sử đó, chúng tôi trích dẫn bản đồ huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam,v Trung Quốc hiện nay với các chú thích kèm theo.

clip_image002

Chú thích bản đồ:

[1]. Huyện lỵ Mã Quan (马关县/Maguan), Trung Quốc.

[2]. Trấn Mã Bạch/Bá (马白镇/Mabaizhen), cạnh sông Ðỗ Chú, Trung Quốc.

[3]. Trấn Ðô Long (都龙镇/Dulongzhen, tên Việt: Tụ Long), Trung Quốc

[4]. Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, Việt Nam.

[5]. Huyện Xin Mần, tỉnh Hà Giang, Việt Nam.

[6]. Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Việt nam.

[7]. Sông Bàn Long (Trung Quốc), tức sông Lô (Việt Nam).

Tháng 11.2011

H. B. T. & N. B. D.

i Nhu viễn: mềm dẻo với nước xa xôi.

ii Tấn sở: đồn lính canh gác tại biên giới.

iii Hoài Viễn: thương yêu người xa xôi

iv Khai dương: tức phía nam phủ Khai Hóa. Tại đây chữ dương có nghĩa là phương nam.

v Vân Nam Tỉnh Ðịa Ðồ Sách, Bắc Kinh: Tinh Cầu Ðịa Ðồ Xuất Bản Xã, 2010, trang 162-163.

Nguồn: diendan.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn