Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chính sách mới của Mỹ tại Á Châu?

clip_image002

AFP PHOTO / JIM WATSON

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và phu nhân Michelle Obama bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tân Sang (giữa) và phu nhân Mai Thị Hạnh (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Honolulu, Hawaii, vào ngày 12 tháng 11 năm 2011.

Đây không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với người Việt Nam mà còn là một ẩn số trong bài toán ngoại giao – quân sự quốc phòng của nhiều nước trong khu vực.

Ngay sau khi chính phủ Hoa Kỳ, mà cụ thể là đích thân Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton công khai tuyên bố khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm trong các chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng đây là sách lược mới của Mỹ nhằm kiềm chế phần nào những tham vọng của Trung Quốc; và tất nhiên Việt Nam là một phần không thể thiếu trong bàn cờ chính trị này.

Trả lời phỏng vấn Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn bang giao quốc tế tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, phân tích:

“Lần trước, sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu là vì chiến tranh lạnh. Còn lần này sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu không phải vì chiến tranh lạnh mà sự trổi dậy của một cường quốc. Nước Mỹ là một cường quốc gọi là statistical là một quốc gia chủ về nguyên trạng. Còn Trung Quốc là một quốc gia mới lên gọi là revisionist power, là một quốc gia chủ trương thay đổi tại vì họ không thỏa mãn, họ muốn thay đổi.

Trên trật tự thế giới một khi có một revisionist power nổi lên với statistical power thì hai bên phải tìm cách giải quyết với nhau, nếu không thì có thể xảy ra chiến tranh như trường hợp Nhật Bản và Đức Quốc trước đệ nhị thế chiến.”

Còn lần này sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu không phải vì chiến tranh lạnh mà sự trỗi dậy của một cường quốc.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

Quan điểm cho rằng sự can dự của Mỹ vào vùng Á Châu – Thái Bình Dương sẽ giúp mang lại sự ổn định cho khu vực cũng nhận được sự tán đồng của Giáo sư Carl Thayer.

Trả lời Việt Hà của RFA, vị Giáo sư thuộc Học việc Quốc phòng Australia, nhấn mạnh:

“Mỹ với sức mạnh hải quân của mình muốn được hoạt động tự do trên vùng biển quốc tế.

Có đến 1/3 phần diện tích biển trên thế giới là vùng đặc quyền kinh tế và Trung Quốc muốn nói là phần diện tích 200 hải lý từ bờ ra gọi là vùng đặc quyền kinh tế thì không cho phép hoạt động quân sự trừ khi có sự đồng ý của chúng tôi.

Mỹ thì nói là công ước quốc tế về luật biển không có ý nói như vậy. Cho nên khả năng mà lập luận của Trung Quốc có thể được chấp nhận là khó xảy ra, vì luật nói rằng các hoạt động vì mục đích hòa bình thì được phép và Mỹ nói là họ làm vì mục đích phòng vệ, họ thu thập thông tin tình báo mà thôi.

Các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế không có liên quan gì đến vấn đề tranh chấp chủ quyền của các nước mà chỉ liên quan đến việc diễn giải công ước như thế nào. Tuy nhiên nếu lập trường của Mỹ được khẳng định thì có nghĩa là sự có mặt của Mỹ tại khu vực này sẽ giúp ổn định an ninh khu vực.”

Duy trì an ninh khu vực

clip_image004

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang tại Honolulu, Hawaii hôm 10/11/2011. Photo courtesy of state.gov

Về phần mình, Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chính sách can dự vào Á Châu của Mỹ? Có lẽ câu trả lời rõ ràng nhất đã được chính Chủ tịch Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đưa ra nhân cuộc gặp với đại diện Hoa Kỳ bên lề thượng đỉnh APEC 2012.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không những mang lại lợi ích cho hai quốc gia, mà còn giúp duy trì an ninh và ổn định cho toàn khu vực.

Sự kiện Hoa Kỳ trực tiếp can dự vào Á Châu diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang ngày càng căng thẳng, cũng được xem là một cơ hội cho Việt Nam trong việc tạo đối trọng với Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Trả lời RFA, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chỉ có sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, mới hy vọng kiềm chế được phần nào tham vọng bành trướng xuống phía Nam của Trung Quốc.

“Chỉ có Mỹ là đối lực mà có thể gọi là thực tiễn nhất. Sự trở lại của Mỹ mở ra một cơ hội để Việt Nam có thể chơi trò gọi là balancing. Việt Nam không bao giờ muốn nói như thế. Nhưng trên thực tế khi mình ở sát một quốc gia mạnh quá và trong quá khứ nó đã có tham vọng bành trướng thì mình chỉ có hai chọn lựa: một là mình phải tìm cách thích ứng với nó và nhân nhượng; hai là mình nhân nhượng một cách tối thiểu và tìm một đối trọng. Và đối trọng duy nhất và thực tiễn chỉ là Mỹ thôi.”

Trong khi đó, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine Hoa Kỳ thì ngoài việc gia tăng các quan hệ ngoại giao chiến lược, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, như một hình thức phản bác các luận điểm của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế trong việc áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông:

Sự trở lại của Mỹ mở ra một cơ hội để Việt Nam có thể chơi trò gọi là balancing.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

“Người Việt Nam trong nước và ngoài nước cần phải đi các hội thảo hay các đại học ở Mỹ cũng như các nước khác để trình bày cho dân chúng ở những nơi đó biết sự thật như thế nào. Chính phủ Việt Nam không muốn người VN đi ra nước ngoài để nói về những vấn đề này vì sợ mất lòng Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu như thế thì Trung Quốc sẽ tha hồ tuyên truyền còn người VN thì không có cơ hội để trao đổi với người nước ngoài.”

Và thưa quý vị, tất nhiên Trung Quốc, với quan điểm lâu nay vẫn coi khu vực Á Châu – Thái Bình Dương là sân chơi riêng của mình, đã không thể che giấu được sự khó chịu trước chính sách can dự của Washington.

Từ phát ngôn viên Bộ ngoại giao cho đến báo chí Trung Quốc đã lập tức cho mở một chiến dịch truyền thông: một mặt chỉ trích Hoa Kỳ, một mặt lên tiếng răn đe các quốc gia láng giềng.

Thậm chí, chính phủ Trung Quốc còn thông báo sẽ thực hiện một cuộc tập trận ở vùng biển Tây Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trước xu thế Hoa Kỳ và các nước trong khu vực tại các thượng đỉnh diễn ra ở Bali, Indonesia hồi tuần qua, người đứng đầu của chính phủ Trung Quốc, thủ tướng Ôn Gia Bảo, ngoài mặt cũng đã dịu bớt giọng điệu mới trước đó cho rằng bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào khu vực cũng dẫn đến bất ổn.

Lần này, các cấp lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh cũng không có phát biểu trực tiếp nào về Việt Nam, một trong 5 quốc gia anh em vẫn còn theo chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn