Cạnh tranh thể chế và thách thức với Việt Nam

Lê Anh Hùng

Bắt đầu từ năm 2005, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (VNCI) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cho ra đời Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI), một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Chi phí thời gian, Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý.

Từ đó đến nay, bảng xếp hạng PCI hàng năm đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ngoạn mục, nhiều tỉnh thành đã lột xác chỉ trong vòng một năm, từ vị trí thấp nhảy vọt lên những vị trí cao, và dĩ nhiên, một số tỉnh thành lại theo chiều hướng ngược lại, tuy không hẳn là do năng lực cạnh tranh của các địa phương đó kém đi mà nhiều khi chỉ đơn giản là do sự tiến bộ của chúng chậm hơn so với các địa phương khác.[1]

Đa số nội dung của các lĩnh vực trên đây thuộc nội hàm của khái niệm cạnh tranh thể chế giữa các địa phương trong phạm vi một quốc gia. Thể chế ở đây được hiểu là luật lệ, chính sách, các quy định hành chính công, v.v. ra đời thông qua một quy trình chính trị và có tính chất cưỡng bách trong xã hội (thể chế công) và các tập quán, thông lệ, quy ước, v.v. tự hình thành trong lòng xã hội và không mang tính chất cưỡng bách (thể chế tư); tóm lại, các thể chế là những quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong một thế giới đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn cùng xu thế toàn cầu hoá, khi mà ngày càng nhiều người nhận ra rằng thể chế chính là yếu tố cơ bản quyết định của tăng trưởng kinh tế,[2] hầu hết các quốc gia đang thực sự tham gia vào một cuộc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu: cạnh tranh thể chế quốc tế.

Tuy là một khái niệm mới phổ biến gần đây nhưng nội hàm của khái niệm cạnh tranh thể chế từng được nhà kinh tế học nổi tiếng người Scotland Adam Smith đề cập đến cách đây 235 năm khi ông bàn về ảnh hưởng của chính sách thuế đối với sự chuyển dịch của nguồn vốn giữa các quốc gia trong tác phẩm kinh điển Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations):

Chủ sở hữu vốn đúng là một công dân của thế giới, và không nhất thiết phải gắn bó với bất kỳ một quốc gia cụ thể nào. Anh ta có xu hướng từ bỏ đất nước mà ở đó anh ta phải đối mặt với sự thẩm vấn phiền toái, để được đánh giá tài sản kèm theo một mức thuế nặng nề, và sẽ chuyển vốn tới một quốc gia khác mà ở đó anh ta có thể hoặc là tiếp tục công việc kinh doanh hoặc là tận hưởng gia sản của mình thoải mái hơn. Bằng hành động di chuyển vốn, anh ta đã đặt dấu chấm hết cho toàn bộ ngành nghề mà đồng vốn đó từng giúp duy trì tại đất nước mà anh ta rời bỏ. Vốn giúp canh tác đất đai; vốn giúp tuyển dụng lao động. Một thứ thuế từng có xu hướng xua đuổi vốn khỏi bất kỳ đất nước cụ thể nào sẽ tiếp tục có xu hướng làm khô kiệt mọi nguồn thu, cho cả nhà vua và xã hội. Không chỉ lợi nhuận của vốn, mà cả địa tô và tiền công của lao động cũng đều không tránh khỏi bị suy giảm ít nhiều do việc di chuyển vốn đó.

(Adam Smith, The Wealth of Nations, [1776] 1970-1971, 2 tập, Nxb Dent, London, trang 330-331)

Bắt đầu từ năm 1979, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thuỵ Sỹ đã cho ra đời bản báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report – GCR).

Năng lực cạnh tranh được định nghĩa là tập hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức năng suất của một quốc gia. Đến lượt, mức năng suất lại xác lập mức độ thịnh vượng mà một nền kinh tế khả dĩ đạt được” (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Trong bản Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2011-2012 (GCR 2011-2012), ra đời tháng 9/2011 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 142 nước được khảo sát, tụt 6 bậc so với năm 2010. Lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn thấp, cùng với những bất cập về pháp lý, thuế và đất đai đang khiến Việt Nam ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nước láng giềng trong việc thu hút vốn đầu tư.[3]

Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên 12 chỉ số thành phần, bao gồm: thể chế (institutions), hạ tầng (infrastructure), môi trường kinh tế vĩ mô (macroeconomic environment), sức khoẻ và giáo dục cơ sở (health & primary eduction), giáo dục và đào tạo bậc cao (higher education & training), hiệu quả của thị trường hàng hoá (goods market efficiency), hiệu quả của thị trường lao động (labour market efficiency), sự phát triển của thị trường tài chính (financial market development), công nghệ (technological readiness), quy mô thị trường (market size), độ tinh vi của hoạt động kinh doanh (business sophistication), đổi mới (innovation).

Tuy kết quả của 12 chỉ số thành phần của năng lực cạnh tranh được tách riêng, song điều quan trọng là cần lưu ý rằng chúng không độc lập với nhau: chúng có xu hướng củng cố lẫn nhau, và yếu kém trong lĩnh vực này thường ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực khác (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).

Ngoài ra, mặc dù 12 chỉ số thành phần nêu trên đều ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến mọi nền kinh tế song ảnh hưởng của chúng lại thể hiện theo những cách khác nhau: phương thức tốt nhất để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của mình khác với Canada. Điều này là bởi Việt Nam và Canada nằm ở hai giai đoạn phát triển khác nhau: khi các quốc gia chuyển dịch theo lộ trình phát triển, tiền lương có xu hướng tăng lên và, để duy trì mức thu nhập cao, năng suất lao động phải tăng lên (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).

Phù hợp với lý thuyết về các giai đoạn phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) giả định rằng ở giai đoạn đầu tiên, nền kinh tế được thúc đẩy bởi các yếu tố sản xuất (factor-driven) và các quốc gia cạnh tranh với nhau dựa trên khả năng thiên phú về các yếu tố sản xuất – chủ yếu là lực lượng lao động thiếu kỹ năng và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các công ty cạnh tranh trên cơ sở giá cả và bán các sản phẩm hay hàng hoá cơ bản, với mức năng suất thấp thể hiện qua mặt bằng lương thấp. Việc duy trì năng lực cạnh tranh ở giai đoạn phát triển này chủ yếu xoay quanh các thể chế công và thể chế tư hữu hiệu (chỉ số thành phần 1), hạ tầng phát triển tốt (chỉ số thành phần 2), môi trường kinh tế vĩ mô ổn định (chỉ số thành phần 3), và một lực lượng lao động đủ sức khoẻ với nền tảng giáo dục tối thiểu cấp cơ sở. Bốn chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yêu cầu cơ bản (basic requirements subindex).

Khi một quốc gia trở nên cạnh tranh hơn, năng suất sẽ tăng lên và tiền lương sẽ ngày một tăng. Lúc đó, các quốc gia sẽ bước vào giai đoạn phát triển mà động lực là hiệu quả (efficiency-driven), khi chúng phải bắt tay vào việc phát triển các quy trình sản xuất hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi tiền lương đã tăng lên và chúng không thể tăng giá. Ở giai đoạn này, năng lực cạnh tranh ngày càng được thúc đẩy nhờ giáo dục và đào tạo bậc cao (chỉ số thành phần 5), thị trường hàng hoá hiệu quả (chỉ số thành phần 6), thị trường lao động vận hành tốt (chỉ số thành phần 7), thị trường tài chính phát triển (chỉ số thành phần 8), khả năng khai thác lợi ích của các công nghệ hiện hành (chỉ số thành phần 9), và một thị trường trong nước hoặc ngoài nước có quy mô lớn (chỉ số thành phần 10). Sáu chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yếu tố nâng cao hiệu quả (efficiency enhancers subindex).

Cuối cùng, khi các quốc gia bước vào giai đoạn phát triển mà động lực là đổi mới (innovation-driven), tiền lương đã tăng lên đến mức mà chúng chỉ có thể duy trì mặt bằng lương cao đó và mức sống kèm theo nếu các doanh nghiệp của chúng có khả năng cạnh tranh bằng những sản phẩm mới và độc đáo. Ở giai đoạn này, các công ty phải cạnh tranh bằng cách sản xuất ra những sản phẩm mới khác nhau khi sử dụng những quy trình sản xuất tinh vi nhất (chỉ số thành phần 11) và bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm mới (chỉ số thành phần 12). Hai chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yếu tố đổi mới và tinh vi (innovation and sophistication factors subindex).

Bảng 1. 12 chỉ số thành phần của năng lực cạnh tranh

clip_image002[4]

Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 9.

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tính đến các giai đoạn phát triển bằng cách gán các trọng số tương quan (relative weight) cho những chỉ số thành phần nào liên quan nhiều hơn đến một nền kinh tế trong giai đoạn phát triển đặc thù của nó.

Bảng 2. Trọng số của các chỉ số con và ngưỡng thu nhập (GDP đầu người - USD) của các giai đoạn phát triển (giai đoạn 1; sự quá độ từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2; giai đoạn 2; sự quá độ từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3; giai đoạn 3):

clip_image004[4]

* Với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, GDP đầu người không phải là tiêu chí duy nhất để xác định giai đoạn phát triển.

Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 10.

Bảng 3. Phân bố các quốc gia/nền kinh tế theo giai đoạn phát triển:

clip_image006[4]

Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 11.

Như vậy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển thứ nhất cùng 36 quốc gia khác; trọng số tương quan của 3 chỉ số con ở giai đoạn này lần lượt là 60%, 35% và 5%.

Còn đây là biểu đồ GDP đầu người qua mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam từ năm 1985 đến nay so với mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (theo đồng USD quốc tế):

clip_image008[4]

Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 2.1, trang 368.

Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của thể chế và cải cách thể chế đến từng chỉ số thành phần khác nói riêng và qua đó đến năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nói chung.

1. Thể chế

Do Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thứ nhất nên chỉ số con về các yêu cầu cơ bản chiếm tỷ lệ 60% trong chỉ số năng lực cạnh tranh. Điều này cũng có nghĩa là đối với một quốc gia ở giai đoạn phát triển thứ nhất như Việt Nam, thể chế có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến năng lực cạnh tranh so với các quốc gia ở giai đoạn phát triển thứ 3 chẳng hạn.

Môi trường thể chế được quyết định bởi khuôn khổ pháp lý và hành chính mà ở đó cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ tương tác với nhau nhằm tạo ra của cải (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Vai trò của các thể chế vượt lên trên khuôn khổ pháp lý. Thái độ của chính phủ đối với thị trường và các quyền tự do, cũng như hiệu quả hoạt động của chính phủ, cũng rất quan trọng: sự quan liêu và nhiêu khê quá mức, sự can thiệp quá sâu, tham nhũng, tình trạng gian lận trong khâu xử lý các hợp đồng thuộc khu vực công, sự thiếu minh bạch và độ tin cậy, và sự thiếu độc lập của bộ máy tư pháp, thảy đều gây ra chi phí kinh tế đáng kể cho hoạt động kinh doanh và làm chậm quá trình phát triển kinh tế… Ngoài ra, công tác quản lý tài chính công đúng đắn cũng đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo niềm tin vào môi trường kinh doanh (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Mặc dù các ấn phẩm về kinh tế chủ yếu tập trung vào các thể chế công song các thể chế tư (private institutions) cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình tạo ra của cải vật chất. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, cùng với vô số vụ tai tiếng của các tập đoàn, đã nêu bật sự liên quan của các chuẩn mực kế toán và báo cáo cũng như sự minh bạch đối với việc ngăn ngừa tình trạng gian lận và sự quản lý lệch lạc, việc đảm bảo chế độ quản trị tốt, và việc duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp với bộ máy quản lý trung thực - ở đó các giám đốc tuân thủ những thông lệ đạo đức đáng tin cậy khi giao dịch với chính phủ, với các doanh nghiệp khác và với công chúng nói chung - sẽ phụng sự tốt cho nền kinh tế. Sự minh bạch của khu vực tư nhân đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động kinh doanh, nó có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các chuẩn mực cũng như những thông lệ kiểm toán và kế toán với vai trò đảm bảo cho khả năng tiếp cận thông tin đúng lúc (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 5).

Cải cách thể chế chính trị là giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng sa sút trầm trọng của hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay, đồng thời qua đó góp phần củng cố các thể chế nội sinh tiến bộ và hữu ích trong xã hội, đặc biệt là trong khu vực kinh tế tư nhân.[4]

2. Cơ sở hạ tầng

Đây là lĩnh vực mà thông thường nhà nước đóng một vai trò lớn. Đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đang đóng vai trò quyết định trong lĩnh vực này, thông qua đầu tư công từ NSNN và đầu tư của các tập đoàn hay tổng công ty NN. Song do cơ chế quản lý lỏng lẻo nên hiệu quả đầu tư thấp, thất thoát lớn, kết quả là cơ sở hạ tầng yếu kém vẫn là một trở ngại lớn cho phát triển ở Việt Nam. Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN là hai trong ba nhóm giải pháp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang bắt tay vào thực hiện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào hạ tầng cơ sở; các chính sách mới sẽ được thiết kế để huy động các nguồn lực trong xã hội cho mục đích này, bởi suy cho cùng ngân sách cũng bắt nguồn từ nguồn vốn trong xã hội. Tuy nhiên, nếu không có cải cách về thể chế chính trị thì mọi chuyện rồi đâu sẽ hoàn đó, hoặc khá lắm quá trình “tái cấu trúc nền kinh tế” cũng chỉ diễn ra ỳ ạch.

3. Môi trường kinh tế vĩ mô

Bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm qua, đỉnh điểm là năm 2011, mà nguyên nhân sâu xa chính là cái đuôi “định hướng XHCN” trong nền kinh tế thị trường khác người của nước ta.

“Việc phải quản lý thâm hụt tài khoá hạn chế khả năng trong tương lai của chính phủ khi phải ứng phó với chu kỳ kinh doanh. Các doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả khi lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 5).

Để cải thiện tình hình hiện nay, cần phải xem lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Điều này rõ ràng là đòi hỏi một cuộc cải cách thể chế chính trị chứ không phải cứ cố bám víu vào một “cương lĩnh” viễn vông nào.

4. Sức khoẻ và giáo dục cơ sở/Giáo dục và đào tạo bậc cao

Cải cách thể chế chính trị sẽ mở đường cho cải cách giáo dục và đào tạo toàn diện, chứ không theo kiểu “cải cách” luẩn quẩn và theo chiều hướng đi xuống như suốt mấy chục năm qua. Xu hướng tương tự cũng sẽ diễn ra trong ngành y tế. Ngoài ra, trong một thể chế chính trị mới mà ở đó tinh thần “thượng tôn pháp luật” được tôn trọng và đảm bảo, những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, v.v. sẽ được kiểm soát, qua đó góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

5. Mức độ hiệu quả của thị trường hàng hoá

Môi trường khả thi tốt nhất cho hoạt động trao đổi hàng hoá đòi hỏi những trở ngại tối thiểu đối với hoạt động kinh doanh do sự can thiệp của chính phủ (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7). Điều này rõ ràng là liên quan đến việc xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

6. Hiệu quả của thị trường lao động

Mức độ hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động đóng vai trò quyết định cho việc đảm bảo rằng người lao động được bố trí vào vị trí phù hợp nhất với khả năng của mình và nhận được sự khích lệ để họ nỗ lực cao nhất cho công việc (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Câu chuyện tiền lương ở EVN đang nóng sốt hiện nay và mức chênh lệch một trời một vực về tiền thưởng vào mỗi dịp Xuân về Tết đến cho thấy sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường lao động, và do đó là hiệu quả của nó. Điều này một phần là do tình trạng độc quyền của một số DNNN và sự can thiệp quá sâu của Chính phủ vào nền kinh tế. Do đó, cải cách thể chế chính trị sẽ góp phần cải thiện thực trạng này.

7. Sự phát triển của thị trường tài chính

Cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây đã nêu bật vai trò trung tâm của một khu vực tài chính vững mạnh và vận hành tốt đối với hoạt động kinh tế. Một khu vực tài chính hiệu quả sẽ phân bổ các nguồn lực mà người dân tiết kiệm được, cũng như các nguồn lực đến từ bên ngoài, vào những hình thức sử dụng với năng suất cao nhất. Nó hướng các nguồn lực vào những dự án đầu tư với tỷ lệ hoàn vốn kỳ vọng cao nhất thay vì vào các dự án có mối liên hệ chính trị (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Môi trường kinh doanh cũng đóng vai trò quyết định đối với năng suất. Vì vậy, nền kinh tế đòi hỏi một thị trường tài chính tinh vi, có thể cung cấp nguồn vốn cho hoạt động đầu tư trong khu vực tư nhân từ những nguồn như các khoản cho vay của một hệ thống ngân hàng vững mạnh, từ các thị trường chứng khoán được quản lý tốt, từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, và từ các sản phẩm tài chính khác. Để hoàn thành tất cả các chức năng đó, khu vực ngân hàng cần phải đáng tin cậy và minh bạch, và các thị trường tài chính cần được điều tiết phù hợp nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và các chủ thể khác trong nền kinh tế nói chung (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán là một trong ba nhóm giải pháp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, theo Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế làm việc cho Chương trình Việt Nam của Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp HCM: “Tái cấu trúc thực chất sẽ chỉ diễn ra khi những cân nhắc về kinh tế thế chỗ cho toan tính chính trị như là cơ sở để ngân hàng mở hầu bao của mình. Làm thế nào để đạt được sự thay đổi đó vẫn là vấn đề cơ bản của việc tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam.”[5]

8. Công nghệ

Việc công nghệ mà người ta sử dụng được phát triển trong hay ngoài phạm vi biên giới quốc gia không liên quan đến khả năng nâng cao năng suất của nó. Điều mấu chốt là các doanh nghiệp hoạt động trong quốc gia đó cần tiếp cận được với những sản phẩm hay bản thiết kế tiên tiến cũng như có khả năng sử dụng chúng. Trong số các nguồn công nghệ chính từ bên ngoài, FDI thường đóng một vai trò then chốt (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7). Rõ ràng, cải cách thể chế sẽ giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn, công nghệ và cả nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.

9. Quy mô thị trường

Nếu cải cách thể chế, thị trường trong nước sẽ mở cửa hơn, các DNNN sẽ không còn nhận được sự bảo hộ từ phía Chính phủ, nhờ vậy quy mô thị trường sẽ mở rộng hơn so với hiện nay.

10. Mức độ tinh vi của hoạt động kinh doanh

Chỉ số này quan tâm đến hai yếu tố có mối liên hệ qua lại phức tạp: chất lượng của các mạng lưới kinh doanh tổng thể của một quốc gia, và chất lượng của các hoạt động và chiến lược của từng doanh nghiệp (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).

Khi Việt Nam cải cách thể chế chính trị, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra bình đẳng và thực chất hơn, đặc biệt là giữa DNNN và DN tư nhân, vì vậy các doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng liên kết theo khu vực và theo ngành nghề với nhau cũng như theo mức độ tinh vi của chiến lược kinh doanh (để tồn tại tốt hơn trong cạnh tranh). Ngoài ra, khi số lượng DNNN giảm xuống nhờ cải cách thể chế, các DNTN sẽ có điều kiện phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng chứ không phải khiêm tốn như hiện nay do lợi thế quá lớn của các DNNN (vị thế độc quyền; nguồn vốn; đất đai; cơ hội tiếp cận tín dụng, tài nguyên thiên nhiên; sự hỗ trợ của Nhà nước…).[6]

11. Đổi mới

Cải cách thể chế chính trị sẽ mở đường cho cải cách giáo dục và đào tạo toàn diện, đặc biệt là giáo dục đại học, biến các trường đại học thành những trung tâm nghiên cứu, gắn lý thuyết với thực tiễn; xu hướng tương tự cũng sẽ diễn ra trong các viện nghiên cứu. Nhờ đó, năng lực đổi mới của nền kinh tế sẽ tăng lên tương ứng.

66 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh cả nước nhân dịp khai trường lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với niềm hy vọng “dân tộc Việt Nam sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”, đất nước chúng ta vẫn tiếp tục “sánh vai” cùng thiểu số quốc gia có trình độ phát triển thấp kém nhất trên thế giới (xem Bảng 3).

Kể từ khi Đảng CSVN tiến hành công cuộc “đổi mới” về kinh tế cách đây 25 năm cho đến nay, GPD đầu người theo mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam vẫn thể hiện chiều hướng ngày càng thua xa mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (xem hình ở trên). Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang ngày càng tụt hậu xa hơn chứ không phải ngày càng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau cuộc thử nghiệm nhuốm màu tang thương kéo dài 2/3 thế kỷ qua với chủ nghĩa Marx-Lenin, chúng ta đã có thể kết luận rằng thứ chủ thuyết phi nhân và phi thực tế ấy chính là căn nguyên của tình trạng nghèo nàn và lạc hậu hiện nay của đất nước, kèm theo đó là bao vấn nạn xã hội khác: tham nhũng và tội phạm tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng một cách bất công, v.v. Cho dù chúng ta có nhìn nhận vấn đề dưới bất kỳ lăng kính nào thì cũng không thể “tô thắm” được hiện thực phũ phàng ấy.

Trước khi khép lại bài viết, xin mượn lời lời của bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, khi bà nhận xét về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cùng 8 nước là Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru và Singapore (ba nước khác vừa lên tiếng hưởng ứng tại Hội nghị APEC trung tuần tháng 11/2011 ở Hawaii là Nhật Bản, Canada và Mexico): “Chắc chắn không có chuyện các quốc gia khác sẽ đứng lại để chờ Việt Nam”.[7] Đúng vậy, chúng ta không được phép chậm trễ và tiếp tục phung phí những vận hội hiếm hoi mà bối cảnh lịch sử tạo ra cho dân tộc. Chúng ta không thể thản nhiên đứng nhìn một Myanmar đang chuyển mình nhanh chóng theo xu thế tự do - dân chủ của thế giới, mà sớm muộn gì đó cũng là một đối thủ của chúng ta trên đấu trường kinh tế. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế đang diễn ra ngày một gay gắt trong một thế giới đang ngày càng “phẳng” hơn theo xu thế toàn cầu hoá, trước hết chúng ta phải chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thể chế quốc tế. Điều này chỉ có thể diễn ra một khi chúng ta thực hiện cải cách thể chế chính trị hiện hành một cách triệt để và sâu rộng. Việc sửa đổi toàn diện bản Hiến pháp hiện nay chính là tiền đề để chúng ta tiến hành công cuộc canh tân đất nước, ngỏ hầu theo kịp đà phát triển của thế giới và sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”./.

Quảng Trị, 26/12/2011

L. A. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tài liệu tham khảo: Global Competitiveness Report 2011-2012 (World Economic Forum).

[1] Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 16/3/2011: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Hà Nội, Tp HCM giật lùi (http://vneconomy.vn/20110316042148658P0C9920/nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-ha-noi-tphcm-giat-lui.htm).

[2] Tạp chí Tia Sáng ngày 13/12/2011: Thể chế với sự hưng thịnh của quốc gia (http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=4717).

[3] Báo VnExpress ngày 2/12/2011: “Việt Nam đánh mất nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư” (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/12/viet-nam-danh-mat-nhieu-loi-the-trong-thu-hut-dau-tu/); Doanh Nhân Việt Nam Toàn Cầu ngày 27/11/2011: Financial Times: Môi trường đầu tư Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn (http://dvt.vn/20111126103541963p85c116/financial-times-moi-truong-dau-tu-viet-nam-dang-kem-hap-dan-hon.htm).

[4] Bauxite Việt Nam ngày 5/12/2011: Tình trạng vô pháp luật ở Việt Nam hiện nay: Căn nguyên và thách thức cho bản Hiến pháp mới (http://www.boxitvn.net/bai/31382).

[5] Financial Times 2/12/2011 (http://blogs.ft.com/beyond-brics/2011/12/02/guest-post-how-to-restructure-vietnams-economy/#axzz1fONDJSD6).

[6] Báo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam ngày 23/12/2011: Tại sao lợi nhuận của DN tư nhân sụt giảm (http://vef.vn/2011-12-22-tai-sao-loi-nhuan-cua-dn-tu-nhan-sut-giam-); Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 1/2/2010: Doanh nghiệp tư nhân 10 năm phát triển: Chất không theo kịp lượng (http://dddn.com.vn/20100127043134513cat81/doanh-nghiep-tu-nhan-10-nam-phat-trien-chat-khong-theo-kip-luong.htm).

[7] Báo Vietnamnet ngày 1/12/2011: Quy định riêng về DNNN trong TPP: Thách thức hay cơ hội (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-01-quy-dinh-rieng-ve-dnnn-trong-tpp-thach-thuc-hay-co-hoi-).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn