Chủ tịch Việt Nam thăm thác Bản Giốc

Truyền thông trong nước cho hay Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang vừa có chuyến thăm tỉnh Cao Bằng giáp ranh với Trung Quốc.
clip_image001
Ông Sang là quan chức cao cấp nhất từng thăm thác Bản Giốc sau khi quá trình cắm mốc biên giới hoàn tất
Hôm thứ Năm 8/12 ông Sang đã tới thăm thác Bản Giốc ở huyện Trùng Khánh.
Ông Trương Tấn Sang là nhân vật cao cấp nhất của Nhà nước Việt Nam thăm viếng địa danh nổi tiếng này sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc gây nhiều tranh cãi vào cuối năm 2008.
Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin chiều 8/12 ông chủ tịch "đã đi thăm khu du lịch thác Bản Giốc và thăm Đồn Biên phòng Đàm Thủy ở huyện Trùng Khánh".
Ông Sang được dẫn lời nói "việc duy trì và phát huy Hiệp định Phân mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường sự hợp tác hữu nghị, ổn định an ninh biên giới".
Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về Biên giới trên đất liền từ năm 1999, nhưng phải mất 10 năm quá trình phân giới cắm mốc mới được hoàn tất vì có nhiều "khu vực nhạy cảm'.
Thác Bản Giốc là một trong những khu vực nhạy cảm đó.
Chuyến thăm lần này của ông Trương Tấn Sang mang tính biểu tượng quan trọng, nhất là trong bối cảnh dư luận trong nước đang hết sức quan tâm tới các vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ.
'Nhượng bộ Trung Quốc'
Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Chủ tịch dặn dò các chiến sỹ biên phòng Đàm Thủy, đơn vị chịu trách nhiệm canh giữ khu vực thác Bản Giốc, phải "giữ vững an ninh biên giới".
Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, được tạo thành từ một phần của sông Quây Sơn, chia làm hai phần, thác chính và thác phụ.
clip_image002
Thác Bản Giốc nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc
Theo thỏa thuận biên giới đất liền giữa hai nước, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam còn thác chính được hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác.
Việt Nam cũng nhận 1/4 cồn Pò Thoong diện tích chưa đầy 3 ha nằm giữa thác.
Thỏa thuận nói trên khi công bố đã bị một số người phản đối, cho rằng Việt Nam 'nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều'.
Tranh chấp với Trung Quốc về thác Bản Giốc bắt đầu từ những năm 1974-1975 nhưng lên cao vào năm xảy ra cuộc chiến biên giới 1979.
Cơ sở để chia đôi phần thác chính là việc tính mốc bắt đầu từ cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19 sau khi người Pháp và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới.
Sự chia sẻ thác Bản Giốc được thống nhất như một phần của "gói thương lượng" gồm thác này và bãi Tục Lãm trên tinh thần mà chính phủ Việt Nam nói là "hiệp thương hữu nghị thẳng thắn".
1/4 bãi Tục Lãm ở cửa sông Bắc Luân nay thuộc về Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất cùng khai thác du lịch thác Bản Giốc nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa ký được Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác này.
Dù vậy, tin cho hay phía Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, khách sạn và đường xá bên phần đất của họ.
Báo chí Trung Quốc gọi thác này, tên tiếng Trung là Đức Thiên, là một trong những "cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa", nằm ở "thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc".
Đầu năm nay báo Lao động của Việt Nam khi đăng lại tin của Trung Quốc ca ngợi thác Đức Thiên đã bị khiển trách vì không nói tới chủ quyền của Việt Nam đối với thác.
Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn