Tình trạng nhà máy điện nguyên tử Fukushima

Fukushima: lò phản ứng hạt nhân đã nguội, nhưng cuộc chiến còn tiếp diễn

Thụy My

clip_image001  

Nhân viên đo phóng xạ tại thị trấn Katsurao, nằm gần Fukushima 4/12/2011 (REUTERS/ Kyodo)

 

Hôm nay (16/12/2011), chính phủ Nhật tuyên bố các lò phản ứng bị hư hại do tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima, đã được làm nguội trong tình trạng ngừng hoạt động. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự ổn định của nhà máy, nhưng Thủ tướng Nhật cảnh báo: "Cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt ở đây".

Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định trước báo chí: “Chúng tôi xác nhận về mặt kỹ thuật thì nước làm mát đã lưu thông thường trực, nhiệt độ ở đáy các lò phản ứng và bên trong hệ thống hiện được duy trì dưới 100 độ. Như vậy phóng xạ thoát ra bên ngoài có thể được giữ ở mức thấp, ngay cả trong trường hợp xảy ra tai nạn mới”.

Lò phản ứng ngừng hoạt động ở trạng thái nguội là một trong những mục tiêu chủ yếu của giai đoạn hai trong kế hoạch được công ty Tepco vạch ra, nhằm xử lý thảm họa ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima do trận động đất và sóng thần ngày 11/3 gây nên.

Phó chủ tịch Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật, Takashi Sawada nhấn mạnh, chính phủ và Tepco sử dụng cụm từ “dừng hoạt động ở trạng thái nguội” với nghĩa khác hẳn so với một lò phản ứng bình thường. Tại một nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động, thì việc làm nguội và ngừng hoạt động cho phép tiến hành các thao tác bảo trì. Nhưng trong trường hợp Fukushima, tại 3 trên tổng số 6 lò phản ứng, các thanh nhiên liệu đã bị nóng chảy, làm thủng thành lò và rơi xuống đáy, thì không thể tự do can thiệp từ bên ngoài do nồng độ phóng xạ rất cao.

Chính phủ cũng công nhận, việc đạt đến hồi cuối của giai đoạn hai không có nghĩa là đã thoát ra được khủng hoảng. Thủ tướng Noda cảnh báo hãy còn rất nhiều thử thách, như việc tẩy độc trong khu vực và xử lý các đống đổ nát. Ông Noda hứa hẹn, chính quyền sẽ tập trung nỗ lực cho đến khi nào dỡ bỏ được các lò phản ứng bị tai nạn – một nhiệm vụ phức tạp có thể kéo dài từ 30 đến 40 năm.

Cơ quan An ninh Nguyên tử cho rằng hiện nay nhà máy điện này đang trong tình trạng tương đối ổn định, và sắp tới phải tiếp tục giảm thải phóng xạ, bảo đảm an toàn nhà máy và chuẩn bị cho việc tháo dỡ.

Viet.rfi.fr

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Nhật tuyên bố 'đóng nguội' Fukushima

Nhật Bản nói đã đưa nhà máy hạt nhân Fukushima về ‘tình trạng đóng nguội’, chín tháng sau thảm họa động đất và sóng thần.

clip_image002

Chín tháng sau thảm hoạ, các kỹ sư nói nhà máy trong tình trạng ồ̉n định

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã ra thông cáo này tại phiên họp ban xử lý sự cố hạt nhân.

Việc tuyên bố tình trạng được làm nguội của các lò phản ứng được xem là cột mốc quan trọng trong các nỗ lực nhằm đưa nhà máy vào tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản nói rằng sẽ phải mất vài thập niên để dỡ bỏ nhà máy.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima với sáu lò phản ứng đã bị hư hại nghiêm trọng trong trận động đất và sóng thần hôm 11/3/2011. Vụ nổ xảy ra tại bốn lò phản ứng sau khi các đợt sóng đã đánh sập hệ thống làm lạnh chủ chốt của nhà máy.

Các công nhân ở nhà máy, được điều hành bởi Công ty Điện Tokyo (Tepco), phải sử dụng nước biển để làm mát các lò phản ứng. Nước thải dâng cao và một số chất lỏng nhiễm xạ bị thoát ra biển.

Vùng cách ly trong vòng 20 cây số quanh nhà máy vẫn được duy trì.

Tiếp tục rò rỉ

clip_image003

Rò rỉ phóng xạ là điều quan ngại nhất sau thảm hoạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Đầu năm 2011, chính phủ Nhật Bản nói rằng họ đang cố gắng đạt được mục tiêu" đóng nguội" nhà máy vào thời điểm cuối năm.

Đó là tình trạng khi nước làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn ở mức thấp hơn điểm sôi, có nghĩa là nhiên liệu không thể tự làm nóng lại.

Tepco cũng định nghĩa việc này là kiểm soát được việc phóng thích các chất phóng xạ và giảm mức độ tiếp xúc phóng xạ của người dân không quá 1mSv/năm tại ranh giới nhà máy.

Tại một cuộc họp của ban xử lý thảm họa hạt nhân, ông Noda cho biết đã đạt được tình trạng đóng nguội.

"Thậm chí nếu xảy ra sự cố không lường trước thì mức độ bức xạ trên ranh giới của nhà máy bây giờ sẽ được duy trì tại mức độ thấp" ông nói.

Sau khi đã bình ổn được các lò phản ứng, chính phủ Nhật cho hay sẽ xem lại các khu vực sơ tán từng được thành lập ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Hơn 80.000 người đã sơ tán khỏi khu vực, nhưng mức độ bức xạ ở một số nơi vẫn còn quá cao khiến nhiều người chưa thể trở về nhà.

Đầu tuần này, chính phủ Nhật cho biết có thể phải mất 40 năm để ngừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy và dọn dẹp khu vực xung quanh.

Các thanh nhiên liệu đã dùng và tan chảy bên trong các lò phản ứng phải được loại bỏ. Nước thải cũng phải được lưu trữ an toàn.

Một số loại thực phẩm tìm thấy bị nhiễm xạ bao gồm gạo, thịt bò và cá, trong khi đất nhiễm xạ cũng đã bị tìm thấy trong một số khu vực.

Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng nhà máy có thể tiếp tục bị hư hỏng nếu bị tấn công bởi một dư chấn mạnh.

Các kỹ sư vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề mới - cuối tuần trước, các quan chức Tepco xác nhận rằng 45 mét khối nước đã bị rò rỉ ra biển từ một vết nứt trong một cơ sở xử lý nước.

bbc.co.uk

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 2011 của Nhật sẽ kéo dài nhiều năm

Steve Herman

Nhật Bản đang thở phào nhẹ nhõm sau khi có xác nhận chính thức rằng các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hiện đang trong tình trạng “nguội lạnh”. Điều đó có nghĩa là nước dùng để làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân bị phá hủy đang ở dưới mức nước sôi, ngăn chặn nhiên liệu có mức phóng xạ cao không bị nóng lại. Nhưng công việc dọn dẹp một khối lượng lớn phóng xạ vẫn chưa hoàn thành – và có thể kéo dài hàng thập niên – rất ít người có lý do để ăn mừng khi năm 2011 đang kết thúc.

clip_image004

Cựu Ngoại trưởng Nhật Yoriko Kawaguchi nói không có điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ khó có thể tiếp tục phát triển kinh tế có thể là trong 20 hay 30 năm nữa. Hình: VOA's S. Herman

Trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3 đã làm 20.000 người thiệt mạng ở đông bắc Nhật Bản. Thảm họa này không chỉ gây tình trạng tan chảy ở ba lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở ven biển, mà còn khơi lại các cuộc tranh luận về những mối đe dọa của năng lượng hạt nhân.

Mặc dù không ai bị thiệt mạng vì bị phơi nhiễm phóng xạ trong thảm họa tại nhà máy Fukushima, nhưng các cộng đồng dân cư ở đó đã phải sơ tán. Thậm chí những người ở cách nhà máy hàng trăm km cũng lo ngại về tác động lâu dài của mức phóng xạ cao hơn bình thường, đặc biệt là về sức khỏe của trẻ em.

Sự lo lắng đó còn tăng thêm với việc phát hiện ra mức phóng xạ cao hơn giới hạn cho phép trong cá, cây trồng và thậm chí cả sữa.

Niềm tin của công chúng đã bị lung lay kể từ những ngày đầu tiên của vụ khủng hoảng khi công ty vận hành nhà máy Fukushima và chính phủ dường như đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Ông Roger Cashmore là Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Anh. Nhà vật lý nguyên tử này nói rằng việc cung cấp thông tin chậm trễ từ Tokyo và việc giữ kín những số liệu quan trọng vào cao điểm của vụ khủng hoảng đã làm mất đi niềm tin của người dân. Ông nhận định:

“Minh bạch là điều quan trọng. Phải hoàn toàn cởi mở về tất cả những điều dó và đảm bảo rằng những hành động như vậy không nên được thực hiện. Tôi nghĩ, người dân, lúc đó đã rất lo ngại về hệ thống qui định tồn tại ở Nhật Bản”.

Quan ngại đã dẫn đến việc kiểm tra kỹ lưỡng điều được gọi là “làng hạt nhân” – một cộng đồng công nghiệp và các nhà ban hành qui định của chính phủ cũng như giới truyền thông trong nước và các chính trị gia quyền lực.

Cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Vấn đề Giải giới, Nobuyasu Abe (một Giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản) nói rằng những người ủng hộ công nghiệp hạt nhân đã cản trở hoạt động giám sát. Ông nói:

“Tại Nhật Bản, một số đông chính trị gia nhận các khoản quyên góp chính trị từ các công ty năng lượng. Họ có thể bị ảnh hưởng hoặc họ có thể ngần ngại khi đưa ra lời chỉ trích”.

Cựu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Môi trường của Nhật Bản đang chỉ trích phản ứng chính thức đối với vụ khủng hoảng trong 9 tháng qua. Nhưng bà Yoriko Kawaguchi, thuộc đảng bảo thủ đối lập (và nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tự do), nói rằng chính phủ (của Đảng Dân chủ) không nên để Công ty Điện lực Tokyo, còn được gọi là TEPCO, phá sản tại thời điểm khủng hoảng.

Bà Kawaguchi nói rằng không còn phải nghi ngờ là rồi ra Nhật Bản vẫn sống còn, và sẽ kiểm soát được tình hình. TEPCO gần như đã phá sản và chính phủ đang hỗ trợ, các tổ chức tài chính đang giúp đõ. Bà nói Nhật Bản không có lựa chọn nào khác hơn là để TEPCO vượt qua sóng gió và hoạt động của họ cho dù có phải mất bao nhiêu thời gian đi nữa.

Khoảng 80% các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện đang đóng, chủ yếu là để kiểm tra an toàn.

Nhưng bà Kawaguchi nói rằng Nhật Bản, một đảo quốc hạn hẹp về tài nguyên thiên nhiên, không thể theo Đức, nước đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Bà nói không có các nhà máy điện hạt nhân, sẽ khó để Nhật Bản tiếp tục phát triển kinh tế, có thể là trong khoảng 10, 20 hay 30 năm nữa. Nhật Bản ở vị trí cách biệt, không giống như Đức nước có thể nhập khẩu năng lượng từ Pháp nơi điện được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân.

Vì vậy để duy trì tăng trưởng kinh tế, bà nói rằng chính phủ Nhật Bản phải phục hồi niềm tin của công chúng, vốn đã mất đi sau vụ tan chảy hạt nhân. Đó có thể sẽ là một nhiệm vụ phải mất hàng thập niên mới có thể hoàn thành được. 

S. H.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn