Đập thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không?

Nông Viết Lù

Sự cố rò rỉ nước ở Đập thủy điện Sông Tranh 2 (ST2) đã gây ra mối quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi xin được nói thêm vài điều:

1) Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ là một sự cố khá nghiêm trọng. Lỗi là do thiết kế, thi công và quản lý như Cục Giám định đã kết luận. Đây có thể là sự số đầu tiên của đập bê tông đầm lăn ở VN.

2) Việc xử lý ban đầu của Ban quản lý thủy điện ST2 là lúng túng và có đôi chút khôi hài. Một vài người trong đoàn giám định Nhà nước đã trả lời không chuẩn xác, nhất là khi trả lời các nhà báo (có thể vì câu hỏi không đúng chuyên môn hẹp của người trả lời). Tuy nhiên sự cố này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Họ hoàn toàn có đủ trình độ và kinh nghiệm xử lý tốt sự cố này.

Vì sao dám khẳng định như vậy?

Vì trong những năm trước đây (khi thông tin còn hạn chế, báo chí chưa được tự do như bây giờ, chưa có internet), ở VN đã xảy ra không ít sự cố về đập ở các công trình thủy điện (TĐ). Có thể kể ra như: Rò rỉ ở đập bê tông trọng lực của TĐ Playkrong, thấm và dịch chuyển ngược về phía thượng lưu ở đập đất – đá TĐ Hòa Bình, thấm và rò rỉ nước ở đập đất (đập vai) TĐ Trị An, thấm ở đập đất (đập vai) TĐ Thác Mơ, v.v. EVN đã giải quyết tốt, xử lý dứt điểm các sự cố này. Các công trình đó đến nay vẫn hoạt động an toàn. Cần lưu ý rằng việc rò rỉ nước ở đập đất là nghiêm trọng hơn nhiều ở đập bê tông vì đất là vật liệu hạt rời dễ bị giòng thấm cuốn trôi gây ra xói lở nhanh. Đập Tretone ở Mỹ là đập đất, do giòng thấm mạnh xuất hiện ở nền đập nên đập đã bị phá hoại rất nhanh.

3) Về sự an toàn của đập ST2:

Khi thiết kế đập ST2 cơ quan thiết kế phải tuân thủ nghiêm ngặt các Quy phạm, các tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành về an toàn ổn định của đập. Đây là những pháp lệnh trong kỹ thuật. Bất cứ một đập nào khi thiết kế đều phải đảm bảo an toàn khi có tác động của tổ hợp lực đặc biệt. Người thiết kế có thể quên, có thể sơ suất điều này điều này điều kia, nhưng điều này thì anh ta phải thuộc. Theo đó đập ST2 phải được thiết kế an toàn khi hồ chứa đầy nước, kèm theo động đất cấp 7 (MSK-64).

Khi xảy ra sự cố rò rỉ nước, trong hồ có chứa nước nhưng chưa phải là mực nước cao nhất, chưa kèm theo động đất cấp 7 nên có ý kiến cho rằng đập vẫn an toàn là có cơ sở kỹ thuật. Tuy nhiên nếu để sự cố rò rỉ nước kéo dài có thể làm cho bê tông đầm lăn, vốn đã ít xi măng, nhanh chóng bị thoái hóa giảm cường độ, dẫn đến chuyện “tổ mối nhỏ sụt toang đê vỡ”. Hơn nữa khi sự cố xảy ra, ban Quản lý thủy điện ST2 đã cho công nhân dùng tay trát vữa vào các khe ở cuối dòng nước – một hành động khá khôi hài. Vì vậy dư luận bức xúc là có lý do.

4) Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có khá nhiều ý kiến đề nghị hạ mực nước để xử lý rò rỉ vì mực nước thượng lưu đập là tác nhân chính (không phải là nguyên nhân), là đối tượng chính gây ra rò rỉ. Hiện nay EVN đã quyết định hạ mực nước hồ xuống mực nước chết để xử lý rò rỉ. Chúng ta hoan nghênh việc làm này. Với các kinh nghiệm xử lý thấm và rò rỉ các loại đập như đã nói ở trên trong quá khứ, việc xử lý sự cố này có lẽ không phải là quá phức tạp đối với EVN.

N.V.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn