Khi các nhà khoa học kiên trì lên tiếng

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Cuối cùng thì Bộ Công Thương phải quyết định xả nước con đập thuỷ điện Sông Tranh 2 để sửa chữa những vết nứt nguy hiểm tại đây.

clip_image001

Đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Courtesy tinmoi.vn

Việc gì đã thúc đẩy Bộ Công Thương tiến đến quyết định này khi trước đó nhiều cán bộ cao cấp tại đây vẫn luôn bảo lưu ý kiến rằng con đập không hề nguy hiểm? Mặc Lâm có thêm chi tiết.

Thuỷ điện Sông Tranh 2 vừa là niềm tự hào của người dân miền Trung nhưng cũng vừa là nỗi lo tiềm ẩn về một cơn hồng thuỷ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hàng trăm ngàn người dân huyện Bắc Trà My nơi tiếp cận trực tiếp với con đập là những nạn nhân đầu tiên nếu có sự cố nào xảy ra, vì vậy khi nguồn tin có nhiều vết nứt xuất hiện trên thân đập thì dân chúng vùng này lâm vào cảnh lo sợ triền miên vì những quả bom nước đầu nguồn có thể chôn vùi họ bất cứ lúc nào.

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư hơn 5000 tỷ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006. Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Hiện dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu gần 100 m.

Sự thiếu trách nhiệm của EVN

Chủ đầu tư và cũng là nơi chịu trách nhiệm trực tiếp thiết kế và thi công con đập là tập đoàn điện lực EVN. Ngay sau khi phát hiện các vết nứt EVN đã lên tiếng trấn an dư luận rằng vết nứt sẽ không tạo ra bất cứ một tai nạn nào vì có thể khắc phục. Báo chí nhập cuộc điều tra gửi phóng viên lên tận hiện trường và nhiều dấu hỏi liên tiếp được đưa ra khiến Bộ Công Thương không thể im lặng.

clip_image002

Công nhân đang xử lý hiện tượng rò rỉ nước ở thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Thu Minh

Tuy nhiên những câu trả lời của EVN ngày càng bị dư luận phản ứng giận dữ. Các thông số kỹ thuật về vết nứt cho thấy không đơn giản như EVN trấn an dư luận.

Việc làm chắp vá của EVN là không thể chấp nhận chẳng những cho thấy sự cẩu thả mà EVN còn có cách làm không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang

EVN đã cấp tốc cho nhân công đem ximăng tới trám các vết nứt và việc làm này lại càng làm cho dư luận giận dữ. Người lên tiếng đầu tiên là GS TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, ông cho rằng việc làm chắp vá của EVN là không thể chấp nhận chẳng những cho thấy sự cẩu thả mà EVN còn có cách làm không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm.

Các nhà khoa học nhập cuộc

GS TSKH Phạm Hồng Giang đã đề nghị một loạt giải pháp nhằm khắc phục các vết nứt căn cứ vào kinh nghiệm của các nước Hy Lạp và Mỹ. Đề nghị của ông đựơc nhiều nhà khoa học đồng tình.

TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Thủy lợi Nam bộ cho rằng  biện pháp hữu hiệu và khoa học nhất nên làm là mời tư vấn độc lập có kinh nghiệm vào cuộc, không thể xem chuyện thấm đập là bình thường, nhất là nơi từng có động đất. Theo TS Tô Văn Trường thì muốn xử lý trước nhất phải xác định chính xác nguyên nhân.

Người thứ ba nhập cuộc là GS TS Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam. Ông đã lên tận con đập Sông Tranh 2 để tận mắt quan sát và sau đó đưa ra những đề xuất cho việc sửa chữa các vết nứt. GS Nguyễn Thế Hùng giải thích:

Đứng về phương diện kỹ thuật trong thiết kế thi công cũng như là quản lý những công trình lớn như thế thì phải rất nghiêm ngặt. Qua vụ việc này cho thấy việc thi công quản lý chưa đạt yêu cầu. Việc thiết kế có đúng hay không còn phải xem xét các số liệu, hồ sơ khảo sát nữa.

Khi mà nước nó thấm vô đập bê tông thì nó làm cho khả năng chịu lực của bê tông yếu đi chưa nói trong nước nó có những hóa chất gì đó nó làm cho lực chịu của bê tông không còn tốt nữa, tức là nó sẽ có những phản ứng làm cho bê tông xấu đi.

GS Nguyễn Thế Hùng

Ở đây cụ thể đập thủy điện Sông Tranh 2 người ta đặt ba hành lang ba công trình khác nhau song song và nó có những ống thu nước. Như vậy người ta muốn rằng nước ngấm ở phía thượng lưu của cái đập thì người ta sẽ thu vào hết hành lang và người ta dẫn đường ống về hạ lưu để đa số phần còn lại trên đập nó sẽ không bị thấm nước. Khi mà nước nó thấm vô đập bê tông thì nó làm cho khả năng chịu lực của bê tông yếu đi chưa nói trong nước nó có những hóa chất gì đó nó làm cho lực chịu của bê tông không còn tốt nữa, tức là nó sẽ có những phản ứng làm cho bê tông xấu đi. Vì vậy đối với các đập bê tông người ta đặt các hành lang thu nước để thu nước thấm ở phía thượng lưu.

clip_image003

Nước chảy xối xả trong đường hầm thủy điện Sông Tranh 2 - ảnh VNE/bee.net

Trả lời chúng tôi nếu đang khi con đập bị nứt như thế mà một trận động đất như từng đã xảy ra thì hậu quả trứơc mắt sẽ ra sao GS Hùng cho biết:

Bởi vì khi động đất xảy ra thì nó sẽ gây lún sụt nền đập và dẫn đến việc đập bị nứt. Khi động đất thì sẽ có việc lắc mạnh và khi lắc như vậy thì những phần khác nhau của đập sẽ bị lắc theo ở các độ khác nhau và nó sẽ gây ra nứt.

GS Nguyễn Thế Hùng

Nếu như có động đất thì còn phải xem cách động đất và kiểm tra lại các thiết kế. Bởi vì khi động đất xảy ra thì nó sẽ gây lún sụt nền đập và dẫn đến việc dập bị nứt. Khi động đất thì sẽ có việc lắc mạnh và khi lắc như vậy thì những phần khác nhau của đập sẽ bị lắc theo ở các độ khác nhau và nó sẽ gây ra nứt. Đồng thời các hồ nước phía thượng lưu cũng giao động nó sinh ra áp lực nó gọi là áp lực thủy động. Vì nước do chuyển động nó không còn tỉnh không phải là dynamic pressure giống như mình cầm ly nước mình lắc thì áp lực nước nó tác động lên dập nước sẽ khác. Lúc đó mình phải tùy vào cường độ động đất và người ta cần phải kiểm tra lại tất cả hồ sơ thiết kế. Nếu vượt quá cường độ thì quá là rủi ro rồi.

Phản bác ý kiến của Cục giám định Nhà nước

Giáo sư Phạm Hồng Giang từng khẳng định với dung tích của Sông Tranh 2, nếu vỡ đập thì cả một huyện ở đây sẽ bị xóa sổ. Với tình hình nguy hiểm như vậy các nhà khoa học đều cho rằng trong khi khắc phục các vết nứt thì phải có biện pháp an toàn cho người dân vùng hạ lưu, và cách tốt nhất là phải xả nước tới mức an toàn. Tuy nhiên ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước nói rằng nếu giữ nguyên mực nước mà vẫn xử lý được thì vẫn tốt hơn, còn nếu hạ mực nước xuống thì có thể không phát được hiện vị trí nước bị thấm.

TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh phản bác hoàn toàn ý kiến này ông nói:

Chúng ta không thể lặn vào trong, biến mình nhỏ bằng viên bi rồi lăn lăn ở trong để xem chỗ nào có nước chỗ nào không có nước, mà ở đây là phải dùng các phương tiện kỹ thuật, mà phương tiện kỹ thuật thì cái đó rất phổ thông rồi, thế giới này ai cũng biết, cũng làm được

TS Nguyễn Bách Phúc

Tôi không ngờ ông Hùng lại nói như thế, bởi vì thế này, theo ông Hùng nói thì có nước thấm còn các nhà khoa học thì cho rằng nó đã có những đường rảnh thông nước ở trong đấy. Nhưng thôi, bây giờ tôi không tranh luận cái chuyện là thấm hay là nứt nữa, mà là thế này: Vấn đề là phải xác định cái vết đó là thấm hay nứt, nó to hay nó nhỏ, và sau khi xác định rồi thì biện pháp sửa chữa sẽ như thế nào?

clip_image004

Ông Hùng lý sự rằng phải để nước đầy lên thì mới lần theo vết nước để mà phát hiện chỗ hỏng thì ông Hùng hoàn toàn sai. Bởi vì chúng ta không thể lặn vào trong, biến mình nhỏ bằng viên bi rồi lăn lăn ở trong để xem chỗ nào có nước chỗ nào không có nước, mà ở đây là phải dùng các phương tiện kỹ thuật, mà phương tiện kỹ thuật thì cái đó rất phổ thông rồi, thế giới này ai cũng biết, cũng làm được.

Dùng các phương tiện kỹ thuật đó, mà cụ thể cái gẫn gũi nhất là cái máy phát siêu âm thì người ta vẫn có thể xác định chính xác, tất nhiên là chính xác ở trong cái đập đấy có những vết nứt ở đâu, cái vết đấy to nhỏ thế nào, rộng hẹp thế nào, nghĩa là cái máy siêu âm có thể xác định chính xác.

...cái gần gũi nhất là cái máy phát siêu âm thì người ta vẫn có thể xác định chính xác, tất nhiên là chính xác ở trong cái đập đấy có những vết nứt ở đâu, cái vết đấy to nhỏ thế nào, rộng hẹp thế nào, nghĩa là cái máy siêu âm có thể xác định chính xác.

TS Nguyễn Bách Phúc

Xin nói rằng trong cái lổ hổng đấy có nước hay không có nước không thành vấn đề, và nếu mà có nước thì nó sẽ xác định rằng cái lổ hổng kích thước như thế, bên trong là không khí hay là nước, nghĩa là nó xác định rõ ràng. Chứ việc gì mình phải giữ nước để xác định?

Cái đó ông Hùng nói theo tôi nghĩ chẳng khác gì mấy ông mấy bà nông dân be cái bờ đập để ngăn hai bên ruộng nước thì phải sờ sờ mó mó nhìn xem nước ở đâu nó chảy ở đâu thì mình vá víu chỗ đấy. Ở đây đâu có phải như vậy! Ở đây đâu có thể nhìn được, mà ở đây phải dùng phương tiện kỹ thuật, mà phương tiện thì cái chuyện đó đối với kỹ thuật ngày nay thì không có cái gì bắt buộc phải có nước ở trong đấy cả. Cho nên cái đó tôi nói ông Hùng sai và tôi không ngờ ông Hùng lại có thể nói những câu như thế được.

Kết quả từ sự kiên trì

Trước đây Thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Trần Quốc Vượng luôn khẳng định đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn và sẽ không xảy ra sự cố nào ảnh hưởng đến sinh mạng và tài sản người dân vùng hạ lưu. Ông Vượng còn mạnh mẽ chịu trách nhiệm nếu có gì xảy ra.

Thế nhưng sau khi các nhà khoa học kiên trì lên tiếng và dùng chuyên môn của mình để chứng minh rằng việc làm của EVN là hoàn toàn sai trái thì sự việc đã xoay chiều. Ngày 1 tháng 4 vừa qua một cuộc họp kín giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương và các bên liên quan đã kết luận là sẽ cho xả nước ở mức an toàn trước khi thực hiện việc khắc phục các vết nứt.

Kết quả đầu tiên này từ các nhà khoa học cho thấy nếu kiên trì phản biện những công trình yếu kém bằng chính chuyên môn của mình thì không một cơ quan nào đủ khả năng chống lại sức ép dư luận của người dân và báo chí. Thành công của các trí thức cho thấy dù muốn bao che cho nhau nhưng nếu hậu quả được báo trước là to lớn thì không một nhóm lợi ích nào có thể đỡ đầu nổi cho sự ức chế của dân chúng.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn