Quy hoạch xây dựng nông thôn mới - Vì sao vẫn ì ạch?

Tô Văn Trường

Mọi quốc gia trên thế giới đã chứng minh, một đất nước phát triển không thể làm giàu bằng nông nghiệp được. Thế nên, phát triển nông thôn theo chiều rộng, cùng “thẳng tiến” trong khi thực lực yếu kém tất thất bại đã thấy rõ. Có ý kiến tại sao ta không nghĩ trước tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông để tạo đà phát triển kinh tế, từ đó có những chính sách trợ giá cho nông nghiệp, nông thôn? Tuy nhiên, một nước có xuất phát điểm thấp, bất kỳ một sự biến động nào từ bên ngoài cũng làm cho nền kinh tế chao đảo (3 đợt khủng khoảng kinh tế những năm gần đây chứng minh điều này), Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều do dựa vào nông nghiệp. Thêm nữa, nguồn lực của ta rất hạn chế, cho nên ta có thể chọn 1-2 vấn đề ưu tiên để làm “đòn bảy”.

Thực trạng xây dựng nông thôn mới

Suốt quãng thời gian khoảng 40 năm về trước, những cánh đồng lúa, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi cá… và các điểm dân cư (với trung tâm là công trình công cộng như trụ sở ủy ban, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế…) được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông. Mô hình này, vì nhiều lý do đã không được xây dựng hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Từ đó đến nay, nông thôn đã có nhiều biến đổi. Nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai như trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm điện, đường, thủy lợi… Nhưng chưa có một đồ án quy hoạch kiến trúc nông thôn đồng bằng sông Cửu Long cũng như Bắc Bộ và miền núi phía Bắc được thực hiện đến nơi đến chốn. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là:

1. Quy hoạch nông thôn đang trong tình trạng thụ động, lệ thuộc quá nhiều vào hiện trạng, thiếu những kế hoạch cơ bản, đồng bộ và lâu dài. Những yếu tố mang tính hạn chế phát triển như mật độ xây dựng dày đặc, mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật còm cõi, lạc hậu, quá tải, môi trường sống và sản xuất bị ô nhiễm nặng nề… Đó là những vòng vành đai thép ngày càng bó chặt nhiều nhu cầu phát triển của nông thôn hiện nay.

2. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn xây dựng nông thôn mới còn rất thiếu, trình độ cán bộ xã còn hạn chế, nhất là trình độ quy hoạch (vốn họ chưa được đào tạo một cách bài bản về công tác này), chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng quy hoạch nông thôn. Do vậy, họ chưa thể đáp ứng được những đòi hỏi hết sức khoa học của công tác lập quy hoạch nông thôn mới. Sự tham gia của người dân và ban quản lý cấp xã chưa được huy động cao nhất, thậm chí người dân chưa được vào cuộc với nhiều lý do. Do vậy, chất lượng quy hoạch nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu và chậm so với tiến độ.

3. Định mức cụ thể cho công tác quy hoạch chậm được các cơ quan chức năng ban hành, kinh phí thực hiện công tác quy hoạch do phương pháp tổ chức thực hiện chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo vùng, nhất là đối với các vùng miền núi do địa bàn rộng. Trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch nông thôn mới, hầu hết các địa phương đều chia đều, bình quân kinh phí thực hiện nên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác quy hoạch.

4. Chưa xác định rõ được các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng, mỗi địa phương (đất đai phân tán, nhỏ lẻ) hay nói cách khác chưa tạo ra thương hiệu hàng hóa. Sản phẩm đầu ra hầu như chưa được xác định, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường địa phương. Chưa có cơ chế để gắn kết nhà doanh nghiệp nhà nông với nhà khoa học. Nguồn vốn đầu tư, hầu như chưa xác định cụ thể (chủ yếu là chủ trương, quyết định, còn vốn thì “chờ là chính”. Việc huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn và bố trí chưa tập trung dẫn đến công tác quy hoạch, hạ tầng cơ sở chưa thực sự có bước đột phá tìm ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, từng bước thích ứng với điều kiện thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Tiền lập dự án đầu tư, hay báo cáo đầu tư chưa phù hợp. Hiện nay, chủ yếu theo Quyết định 281 của Bộ Kế hoạch đầu tư để thực hiện, với giá quá thấp và không phù hợp với loại dự án này. Do vậy, nhiều tỉnh hiện nay vẫn chưa xong quy hoạch hay dự án đầu tư và báo cáo đầu tư cũng vậy.

5. Vùng nông thôn đồng bằng nước ta kể cả sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chịu sự tác động lớn từ sự phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá với tốc độ cao. Sự ô nhiễm trầm trọng nhất là về nguồn nước khu vực ven các đô thị của các hệ thống như sông Tiền, sông Hậu, sông Đáy, Nhuệ, Nam Bắc Thái Bình... Vì vậy công tác quy hoạch chưa được đầu tư và có số liệu chính xác dẫn đến lúng túng trong các phương án quy hoạch, chồng chéo giữa quy hoạch đô thị, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi.

Ì ạch vì quá... sớm?

Có thể nói, quy hoạch xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng nhưng với hoàn cảnh thực tế kinh tế xã hội hiện nay thì e là còn sớm bởi các yếu tố sau:

+ Xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu 19 tiêu chí thì riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể làm nổi mà phải có một ban chỉ đạo bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (và phải thật đủ mạnh).

+ Khối lượng vật tư tiền vốn cần thiết là rất lớn, do vậy việc thực hiện là khó khả thi. Nếu thực hiện quy hoạch thì đó cũng chỉ là quy hoạch treo. Điều này đã được chứng minh một xã được coi là điển hình ở tỉnh Bắc Ninh cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, có chăng chỉ là xây dựng trường, đường, trạm... mà thôi. Đây chính là tồn tại của phương án thực hiện, chỉ dựa vào ngân sách.

+ Cơ chế chính sách đất đai như hiện nay thì không thể tạo ra thương hiệu hàng hóa. Không thể tìm đầu ra cho sản phẩm thì không thể nói phát triển nông thôn theo hướng bền vững, chứ chưa nói đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo hướng văn minh hiện đại được”.

+ Bản thân người nông dân làm chủ trên mảnh đất của mình cũng coi việc xây dựng nông thôn mới là của Nhà nước trung ương, địa phương thì không thể hoàn thành cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới phải do chính những người dân sống trên mảnh đất của họ xây dựng lên. Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hỗ trợ tiền vốn (cho vay, hay đầu tư một phần). Bản quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải như bản “hương ước của làng, xã” và do chính người dân đứng ra tổ chức thực hiện. Điều này đã được chứng minh qua thực tế sản xuất như trồng lúa trên đất phèn (Đồng Tháp Mưòi, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau) nuôi tôm, lên liếp trồng hoa màu cây ăn trái và cả khoán 10 ở Vĩnh Phúc cũng xuất phát từ người dân…

+ Hiện nay, chúng ta chưa tạo ra cơ chế để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào các dự án xây dựng nông thôn mới. Một ngành nghề mang lại hiệu quả thấp và đầy rủi ro. Phải nói rằng đây là lĩnh vực mang tính xã hội là chính, do vậy cần phải có các cơ chề ưu đãi đặc thù.

Nếu hội đủ các yếu tố này thì xây dựng nông thôn mới sẽ thành công và con đường tất yếu sẽ đi đến cái đích này. Phát triển kinh tế xã hội trên từng thời đoạn có nhiều giải pháp khác nhau. Nếu chúng ta dàn trải theo chiều rộng cùng “thẳng tiến” trong khi thực lực yếu kém thất bại thấy rõ. Tại sao ta không nghĩ trước tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông để tạo đà phát triển kinh tế, từ đó có những chính sách trợ giá cho nông nghiệp, nông thôn. Mọi quốc gia trên thế giới đã chứng minh, một đất nước phát triển không thể làm giàu bằng nông nghiệp được.

Hàn Quốc đã có kinh nghiệm thành công trong xây dựng nông thôn mới. Chúng ta cần mời chuyên gia nước này giúp xây dựng một số mô hình nông thôn mới theo cách tiếp cận của họ. Nên giao cho Chủ tịch tỉnh lựa chọn và thực hiện 1-2 xã điểm (dân chọn phương án, mô hình, cũng tham gia và góp vốn). Đồng thời rút bỏ bộ tiêu chí, chỉ nên lấy tiêu chí về đời sống vật chất và tinh thần, môi trường sống là đủ. Chỉ tiêu cụ thể do các điạ phương đặt ra cho phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm dân tộc, vùng miền. Việc lựa chọn xã cũng do địa phương đưa ra các điều kiện (ví dụ: Nhà nước sẽ hỗ trợ xi măng cho xây dựng đường nông thôn, xã nào huy động được nhân công, thiết kế sẽ được nhận vật tư, xã nào không có điều kiện thì không được; trong các xã thực hiện, sau 1 năm nếu tốt, cho thực hiện nội dung thứ hai là thủy lợi nội đồng (cùng phương thức chia sẻ ngân sách), các xã không làm tốt bị loại khỏi danh sách đầu tư tiếp... cứ vậy mà cuốn chiếu.) Theo cách này, vốn Nhà nước chỉ 20-25%, của dân và doanh nghiệp là 75-80% mà thất thoát chắc chắn sẽ rất ít, hiệu quả của từng hạng mục sẽ rất cao.

T.V.T.

Nguồn: Tạp chí kiến trúc Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn