Fukushima – Những sự thật phía sau

Dương Thạch

Công nghệ hạt nhân không ngừng tiến bộ, nhưng không bao giờ đạt được trạng thái hoàn hảo và tuyệt đối an toàn. “Đơn giản” và độc lập như hệ điều hành Windows mà Microsoft còn phải vá lỗi quanh năm, huống chi là công nghệ phức tạp và mang tính tổng hợp như công nghệ hạt nhân.

An toàn điện hạt nhân phụ thuộc vào cả những yếu tố ngoài công nghệ. Thiên tai hay xảy ra ngoài khả năng dự đoán và vượt qua khả năng tưởng tượng. Khi thiên nhiên nổi giận thì mọi công nghệ đều bất lực và mọi kháng cự của con người đều bị đè bẹp. Không một cường quốc nào nằm ngoài qui luật ấy. Thêm vào đó, sự tồn tại của các nhà máy điện hạt nhân khiến xã hội trở nên dễ bị đe dọa và dễ bị tổn thương hơn trước nạn khủng bố.

Dù tự động hóa đến đâu đi nữa thì con người vẫn là một yếu tố quyết định đối với quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Dù là lãnh đạo cấp cao hay quản lý trực tiếp, dù là chuyên gia hay công nhân kỹ thuật, con người không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi những hạn chế tự nhiên của mình. Con người hay sơ suất, mà chỉ cần một sơ suất nhỏ trong kỹ thuật hạt nhân cũng có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp. Chính sai lầm của con người đã dẫn đến thảm họa hạt nhân Chernobyl và Fukushima. Không tồn tại công nghệ nào có thể loại bỏ triệt để lỗi của con người. Điều này đã đúng với Nga, với Nhật, thì lại càng đúng với Việt Nam“ [1].

Nhận định trên của Giáo sư Hoàng Xuân Phú hoàn toàn đúng với Fukushima. Và cũng tại Fukuhsima, ngoài động đất và sóng thần, sơ suất của con người trong công nghệ hạt nhân không phải là điều duy nhất mà còn có một nguyên do quan trọng khác, đó là sự tham lam, ham lợi, các „nhóm lợi ích“ chỉ nghĩ đến lợi nhuận bản thân và bè nhóm nên bỏ qua, ém nhẹm mọi nguy hiểm hiển hiện hay tiềm ẩn khác. Nguyên do này được trình bày trong một phóng sự dài 30 phút do ký giả Johannes Hano thực hiện sau một thời gian điều tra tin tức và được đài truyền hình Đức ZDF chiếu trong chương trình ZDFzoom tối hôm 7-3-2012, nguyên bản có thể xem trên mạng [2]. Dưới đây là nội dung của phóng sự này, các tựa nhỏ là của người viết.

* * *

Nhân chứng thứ nhất: Yukitero Naka, kỹ sư công nghệ hạt nhân tại Fukushima

Với sự giúp đỡ của Yukitero Naka, Johannes Hano và 2 chuyên viên quay phim đã lọt vào được khu vực cấm của Fukushima để quay phim và tìm hiểu tại chỗ hiện tình của Fukushima. Ông Yukitero Naka là Giám đốc của một văn phòng kỹ sư đã làm việc hàng chục năm nay cho công nghệ hạt nhân Nhật Bản. Nhờ mặc y phục chống xạ che kín mặt, Yukitero Naka đã đưa nhóm phóng viên của Johannes Hano lọt vào được khu vực cấm của Fukushima cách lò hạt nhân 7 cây số. Yukitero Naka sống tại làng Tomioka, nằm giữa 2 nhà máy điện hạt nhân Daiichi und Daini. Từ nhiều năm nay, Yukitero Naka và các nhân viên của ông đã cảnh báo những sai sót trong các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima nhưng không ai buồn để ý đến. Yukitero Naka nói: “Cho dù có muốn đi nữa, không ai dám để ý đến những cảnh báo đó, bởi vì ở Nhật có một nhóm rất nhiều thế lực mà chúng tôi gọi là "Làng Hạt nhân", nguyên tắc của họ là lợi nhuận kinh tế trên hết. Trong nhóm này gồm có TEPCO [3], nhân viên chính phủ và khoa học gia đại học, nhóm này quyết định tất cả mọi việc quan trọng“.

Nhân chứng thứ nhì: Kei Sugaoka, chuyên viên kiểm soát an toàn nhà máy điện hạt nhân.

Johannes Hano tiếp tục điều tra và khám phá ra nhiều chuyện tệ hại khác. Từ Nhật, ký giả Hano bay sang San Francisco - Mỹ để gặp Kei Sugaoka, một chuyên viên Mỹ gốc Nhật đã từng làm việc nhiều năm trong lãnh vực kiểm soát an toàn nhà máy điện hạt nhân Fusushima và chứng kiến TEPCO dấu nhẹm nhiều sự cố nặng nề. Nhà máy đầu tiên do công ty Mỹ General Electric (GE) xây trong thập kỷ 1970. Thời gian các kỹ sư của GE lo việc kiểm soát an toàn nhà máy, sự cố đã xảy ra nhiều lần.

Johannes Hano: "TEPCO chờ đợi gì ở ông sau khi ông làm xong việc kiểm soát?".

Kei Sugaoka: “Tôi có thể trả lời ông bằng 2 chữ: câm miệng, không được kể gì hết! Các khó khăn không được lường truớc, bởi vì trong năng lượng hạt nhân ở Nhật không có khó khăn gì cả. 1989 chúng tôi kiểm soát bằng video một máy làm khô hơi nước, bất chợt chúng tôi thấy một vết nứt khá lớn mà tôi chưa bao giờ thấy, nhưng đó không phải là sai sót duy nhất. Đồng nghiệp của tôi trợn tròn mắt nhìn lò phản ứng rồi nói họ gắn ngược máy làm khô”.

Sau khi nộp bản ghi kết quả kiểm soát, TEPCO bắt các kiểm soát viên xóa phim video đi. Sugaoka cũng không được phép viết bản báo cáo mà chỉ ký tên vào bản ghi kết quả kiểm soát.

Johannes Hano: “Họ muốn ông sửa bản ghi kết quả kiểm soát?”.

Kei Sugaoka: “Vâng, họ bắt ban quản lý sửa lại các văn kiện”.

Suốt 10 năm Sugaoka phải ngậm miệng làm thinh vì sợ bị mất việc. Cuối cùng khi Sugaoka bị GE sa thải thì ông không im lặng nữa mà thông báo tất cả mọi chuyện cho cơ quan chịu trách nhiệm ở Nhật, nhưng ông ngạc nhiên là nhiều năm trôi qua mà vẫn không thấy có chuyện gì xảy ra. Cơ quan kiểm soát an toàn hạt nhân Nhật tìm cách cản trở Sugaoka. Đến năm 2001 thì Sugaoka tìm được một đồng minh ở Nhật, tại Fukushima. Đó là Eisaku Sato, 18 năm làm Tỉnh trưởng tỉnh [4] Fukushima và là đảng viên đảng Dân chủ Tự do LDP [5], thời đó là đảng này đang cầm quyền ở Nhật.

Nhân chứng thứ ba: Eisaku Sato, Tỉnh trưởng Fukushima

Ông Sato cũng bị tuyên truyền là các nhà máy điện hạt nhân sẽ không là hiểm họa cho dân chúng và tin như vậy. Nhưng rồi Sato bắt đầu nghi ngờ. Ông nói: “Tôi nhận được 20 bản fax của các thông tin viên từ những nhà máy điện hạt nhân trong tỉnh tôi, trong đó có 2 bản fax của Kei Sugaoka. Bộ Kinh tế Nhật cũng nhận được các bản fax đó. Nhưng thay vì xem xét các cáo buộc này, họ lại chuyển tất cả đến hãng TEPCO, kế đó một chuyện xảy ra mà tôi không thể ngờ được: tại công ty TEPCO các bản báo cáo đã bị sửa lại. Sau đó tôi viết một bài báo nói rằng nếu việc này cứ tiếp diễn như thế thì chắc chắn tai nạn sẽ xảy đến”. Đến lúc đó thì các viên chức nhà nước không thể làm ngơ được nữa, 17 lò phản ứng bị tắt, một uỷ ban điều tra phát hiện ra rằng công ty điện TEPCO hàng chục năm nay đã sửa lại các bản báo cáo, dấu nhẹm nhiều sự cố trầm trọng, việc chảy lõi cũng bị dấu kín suốt 30 năm. Nhiều người ở vị trí lãnh đạo từ chức, một số nhân viên bị phê bình khiển trách nhưng được chuyển sang làm chỗ khác, không một ai bị truy tố cả. Tsunehisa Katsumata, người trách nhiệm chính của TEPCO còn được thăng lên làm lãnh đạo công ty. Trước mặt các phóng viên báo chí, Tsunehisa Katsumata đã chính thức xin lỗi Chủ tịch Sato về những lỗi lầm của TEPCO.

Ông Eisaku Sato vẫn không yên lòng và tiếp tục chỉ trích sự phát triển nhanh chóng điện hạt nhân ở Nhật, như thế ông đã phạm vào “luật chơi” của chính trị hạt nhân Nhật và bắt đầu bị phản pháo năm 2004. Ông kể: “Ngày 27 tháng 12, một bài báo cáo buộc tôi dính dấp đến một vụ buôn bán đất đai bất hợp pháp, tác giả là một ký giả vốn chỉ chuyên về điện hạt nhân, bài báo hoàn toàn bịa đặt, kế đó anh trai tôi bị bắt, công tố viên là một nhân viên của Phủ thủ tướng được thuyên chuyển tạm thời về đây, tên ông ta là Morimoto. Ông ta nói với anh tôi rằng sớm hay muộn chúng tôi sẽ tiêu diệt người em Tỉnh trưởng của ông. Vụ việc còn tiến xa đến độ 200 người trong vòng quen biết của tôi bị làm áp lực phải nói xấu về tôi. Hai hay ba người không chịu nổi sức ép đã tự tử, một người cho đến bây giờ vẫn còn nằm trong tình trạng hôn mê”. Để bảo vệ bạn bè và nhân viên, ông Sato từ chức (năm 2006, chú thích của người viết). Sau đó một tòa án đã xử ông Eisaku Sato vô tội. Nhưng Sato, coi như bị loại bỏ vì đã không chịu câm miệng. Đó chính là đòn trả thù của một nhóm đầy quyền lực nhưng mang một cái tên vô hại: “Làng Hạt nhân”.

Nhân chứng thứ tư: Naoto Kan, cựu Thủ tướng Nhật

Johannes Hano cũng đến Tokyo để gặp và phỏng vấn Naoto Kan, từng là Thủ tướng Nhật lúc đại nạn hạt nhân Fukushima xảy ra. Naoto Kan đã kể nhiều chuyện khiến ký giả Hano phải sửng sốt. Naoto Kan đã bị bôi bẩn trên các phương tiện truyền thông và bị làm áp lực buộc phải từ chức. Theo lời Naoto Kan, những biện pháp phòng ngừa đúng ra phải có trước khi đại họa 11 tháng 3 2011 xảy ra, nhưng các biện pháp phòng ngừa đó đã không được thực hiện. Nguyên nhân trực tiếp của đại họa là sóng thần, nhưng mặt khác những người chịu trách nhiệm đã không làm các biện pháp cần thiết trước đó. Johannes Hano đưa ra câu hỏi “Nguyên nhân của đại họa Fukushima có phải là sóng thần và động đất không?”.

Cựu Thủ tướng Naoto Kan nói: “Đã từ lâu, tại Nhật luôn có sức ép đối với những lời cảnh báo về hiểm nguy của năng lượng hạt nhân. Nếu những chuyên viên ở đại học nói có những nguy hiểm nào đó thì họ không còn tương lai trên đường sự nghiệp. Các chính trị gia nhận được bổng lộc của các công ty năng lượng nhưng nếu họ nói đến những nguy hiểm của năng lượng hạt nhân thì họ sẽ mất hết những bổng lộc đó. Ngược lại, nếu họ tán đồng năng lượng hạt nhân thì sẽ nhận được trợ giúp tài chính, và tiền không chỉ dành cho văn hóa, thể thao mà còn cho cả truyền thông nữa. Những móc ngoặc này đã tạo nên một tình trạng mà trong đó các chỉ trích không có chỗ phát biểu. Vì thế “Làng Hạt nhân” không chỉ là vấn đề của một địa phận nhỏ như Fukushima mà bao trùm cả nước và tất cả bị “Làng Hạt nhân” này chi phối”.

Trong lúc làm Thủ tướng, ông Naoto Kan phải đối đầu với trên 100 dân biểu trong Quốc hội nhận tiền của TEPCO, trong số đó có cựu Thủ tướng và cả các dân biểu trong đảng của ông [6]. Nhưng mạng lưới của “Làng Hạt nhân” không chỉ có thế, nhiều viên chức nhà nước sau khi nghỉ việc vào làm cho TEPCO. Từ 1962, chức vụ Phó chủ tịch công ty TEPCO luôn luôn dành cho cựu viên chức nhà nước cao cấp xuất thân từ một bộ lãnh đạo Cục Kiểm soát An toàn Điện Hạt nhân Nhật (NISA, Nuclear and Industrial Safety Agency), những người này tiếng Nhật gọi là amakudari, có nghĩa là “người từ trên trời xuống”. Điều ngược lại cũng có, tiêu biểu là Tokio Kanu, đang làm Phó chủ tịch TEPCO thì chuyển sang làm dân biểu của đảng cầm quyền LDP trong Quốc hội, chịu trách nhiệm cho lĩnh vực năng lượng suốt 12 năm trước khi ông quay trở về TEPCO.

Nhân chứng thứ năm: Taro Kono, dân biểu đảng LDP

Ký giả Johannes Hano cũng tiếp xúc với dân biểu Taro Kono thuộc đảng LDP [5], đảng đã từng cầm quyền suốt 60 năm và luôn luôn cổ vũ cho điện hạt nhân. Dân biểu Taro Kono xuất thân từ một gia đình quyền thế, bố của ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao. Dân biểu Taro Kono nói: “Họ luôn luôn nói rằng tai nạn hạt nhân không thể xảy ra ở Nhật và không hề nói dân chúng phải chuẩn bị tinh thần cho việc này. Chính quyền tại địa phương cũng không hề được cảnh báo các tai họa có thể xảy ra, họ luôn luôn nói không có gì phải lo cả vì đơn giản là không thể có tai nạn. Họ cố gắng duy trì ảo tưởng này bằng những chuyện bịa đặt ra nhưng bây giờ họ phải thừa nhận rằng tất cả đều là dối trá”.

Những bất cập trong an toàn điện hạt nhân Fukushima

Đến đây ký giả Hano cho chiếu lại đại họa Fukushima, bắt đầu bằng cuộc động đất lúc 14 giờ 46 ngày 11 tháng 3 năm 2011 với cường độ 9 Richter, động đất mạnh chưa từng có ở Nhật. Kế đó là sóng thần do động đất ở Thái Bình Dương gây ra, sóng thần ập vào đất liền có những chỗ vận tốc sóng đến hằng trăm cây số giờ hoặc ngọn sóng cao đến 30 thước trong khi tường chắn sóng ở nhà máy điện hạt nhân chỉ cao có 6 thước. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo rằng tường chắn sóng không đủ cao khi có sóng thần mạnh nhưng TEPCO và NISA vẫn làm ngơ.

Cựu Thủ tướng Naoto Kan nói: “Nguyên thủy chỗ xây nhà máy điện hạt nhân cao 35 thước trên mặt biển, nhưng đã bị đào xuống chỉ còn cao hơn mặt biển 10 thước để xây nhà máy với lý do như vậy thuận tiện hơn cho việc bơm nước biển vào, theo TEPCO thì như thế hiệu quả rất cao”.

Ông Kan kể tiếp: “Theo luật thì mỗi nhà máy điện hạt nhân phải có một trung tâm giải quyết sự cố, ở Fukushima trung tâm này nằm cách xa 5 cây số và chưa hề hoạt động đúng được một phút nào. Vì động đất không ai đến được trung tâm, rồi cúp điện, do đó mọi máy truyền thông giữa nhà máy và trung tâm không chạy được. Như thế trong tình huống cấp bách, trung tâm giải quyết sự cố không hoạt động được. Khi làm luật, không ai nghĩ đến việc tai nạn hạt nhân và động đất có thể xảy ra cùng một lúc”.

Vào lúc này Thủ tướng Naoto Kan không nhận được một thông tin nào và chỉ biết vụ nổ nhà máy qua truyền hình. Hơn một giờ sau khi truyền hình loan tin, Thủ tướng Naoto Kan vẫn không nhận được thông tin nào của TEPCO, ông nói: “Đáng lẽ ra TEPCO phải thẩm định tình hình nghiêm túc hơn và thông tin đầy đủ cho chúng tôi cũng như cho dân chúng”. Bốn ngày sau, TEPCO và NISA vẫn tiếp tục ém nhẹm mức độ trầm trọng của sự cố nhưng TEPCO lại âm thầm xin phép Thủ tướng Kan cho sơ tán nhân viên ra khỏi nhà máy nếu không thì họ sẽ thiệt mạng. Ông Kan kể: “Tôi mời ông Chủ tịch TEPCO đến và nói không thể rút lui vì nếu họ rút lui thì sẽ có việc chảy lõi hạt nhân và các chất phóng xạ sẽ tỏa ra, khi đó cả một vùng rộng lớn của đất nước sẽ không thể sống được”. Ngay từ đầu Thủ tướng Kan đã không tin tưởng TEPCO và đích thân bay đến Fukushima để thu thập thông tin. Nhưng thật ra không ai cho ông Kan hay biết rằng sự cố trầm trọng đã xảy ra trong 3 lò phản ứng. Ông Kan: “Trong bản báo cáo của TEPCO và NISA, vốn do TEPCO kiểm soát, không có một câu nào cho biết các thanh nhiên liệu đã bị hư hỏng dẫn đến việc chảy lõi. Báo cáo ngày 15 tháng 3 viết rằng sự cố ở mức độ đó chưa xẩy ra”.

Ký giả Hano cũng muốn biết rằng tại sao TEPCO phải cần đến hai tháng mới thừa nhận sự cố mà các chuyên viên quốc tế đã phỏng đoán từ lâu, đó là ngay từ ngày đầu tiên Fukushima đã là một đại nạn.

Hano hỏi: “Bao giờ thì ông biết đã có sự chảy lõi trong các lò 1, 2 và 3?”.

Junichi Matsumoto, phát ngôn viên của TEPCO trả lời: “Chúng tôi không thể nhìn tận mắt nhưng căn cứ vào các dữ kiện mà trung ương có thì chúng tôi ước lượng rằng đã có sự chảy lõi, nhiên liệu chảy ra sàn của bồn cao áp, đầu tháng năm chúng tôi mới ý thức được việc này”.

Mọi sự cố bị giấu đằng sau những dữ kiện, những con số và những giấy tờ. Trong các cuộc họp báo hằng ngày công ty TEPCO vẫn trấn an rằng mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên các dữ kiện cũng hàm chứa một số thông tin khiến người ta nghi ngờ rằng những người chịu trách nhiệm có thật sự biết những gì họ đang làm hay không. Người phát ngôn của TEPCO cũng mập mờ cho biết số nước làm nguội bị nhiễm phóng xạ đã biến mất, viện dẫn có thể là ống dẫn nước đã bị cỏ chọc thủng.

Johannes Hano: “Có đúng là ông vừa nói ống dẫn nước có thể bị cỏ đâm thủng”?

Junichi Matsumoto: “Vâng, lần đầu tiên chúng tôi đã bắt dây diện và ống dẫn nước qua các bãi đất cỏ, tôi nghĩ rằng kiến thức của chúng tôi về việc này chưa đầy đủ”.

Ký giả Hano đã đi cùng với kỹ sư hạt nhân Yukitero Naka vào làng Tomioka, một làng chết, cách nhà máy Fukushima Daiichi 7 cây số. Dân chúng làng này được phép về nhà trong một vài giờ đồng hồ để lấy các vật dụng cá nhân. Yukitero Naka đã đưa Hano vào thăm hãng của ông, nay đã đổ vỡ và nhiễm xạ. 80 chuyên viên hạt nhân làm việc cho Yukitero Naka, nhiều người đã góp phần cố giữ cho tai nạn không phát tán ra thêm. Ông Yukitero Naka nói: “chúng tôi lo nhất là sẽ không còn đủ chuyên viên để giải quyết nhà máy bị nạn, bởi vì phần lớn những người này đã bị nhiễm xạ rất cao. Tôi không biết chúng tôi đào đâu ra chuyên viên để tiếp tục làm việc trong nhà máy bị nạn”. Không có chuyên viên chưa bị nhiễm xạ thì thật khó giải quyết tai nạn hạt nhân này.

Johannes Hano: “Nhà máy điện hạt nhân bây giờ đã an toàn chưa”?

Yukitero Naka cười và nói: “TEPCO và chính phủ nói như vậy, nhưng những người đang làm việc trong đó không tin như vậy, tôi lo nhất là lò phản ứng số 4, kiến trúc đã bị hư hỏng nặng, trong bể chờ nguội ở tầng thứ tư còn khoảng 1300 thanh nhiên liệu, tầng trên nữa còn các thanh mới và nhiều máy móc nặng nề, khó lắm! Nếu lại động đất mạnh thì rất có thể cả tòa nhà đổ sụp xuống gây ra hàng loạt chuỗi phản ứng”.

Nếu sự chảy lõi xảy ra lộ thiên thì không ai còn có thể vào khu vực này làm việc và các nhà máy số 1, 2, 3, 5 và 6 sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Nhân chứng thứ sáu: Hideki Shimamura, giáo sư chuyên gia địa chấn

Trở về Tokyo, ký giả Hano đã gặp gỡ giáo sư Hideki Shimamura, một chuyên gia địa chấn có tên tuổi. Hồi tháng Hai (2012), các nhà khoa học của Đại học Tokyo đã công bố một bản nghiên cứu mới, theo đó trong vòng 4 năm tới Nhật sẽ lại bị động đất mạnh với xác suất lên đến 75%.

Johannes Hano: “Liệu rằng các nhà máy điện hạt nhân sẽ bị hư hỏng vì động đất không”?

Hideki Shimamura: “Có thể lắm chứ”!

Johannes Hano: “Tại sao”?

Hideki Shimamura: “Gia tốc địa chấn đo bằng đơn vị gal [7] cao hơn hẳn những gì chúng tôi dự đoán. Trong vòng mấy năm qua chúng tôi đã đặt trên 1000 máy đo đặc biệt và qua đó chúng tôi nhận thấy động đất ngày càng mạnh và gia tốc địa chấn cao hơn hẳn những gì mà đến nay chúng tôi có thể tưởng tượng được”.

Giáo sư Shimamura cũng trình bày bản họa đồ chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân của các công ty, trong đó dự kiến an toàn cho các động đất lớn nhất là 300 đến 450 gal, và cho động đất không tưởng là 450 đến 600 gal, và chỉ ứng dụng cho lò phản ứng và bồn chứa lò phản ứng nhưng các phần kiến trúc khác không bắt buộc phải hội đủ điều kiện này.

Hideki Shimamura: “Nhưng các nghiên cứu của chúng tôi qua 2 cuộc động đất lớn đã qua, gia tốc địa chấn lên đến 4000 gal, cao hơn dự kiến nhiều”.

Johannes Hano: “Các công ty biết như vậy mà sao lại không tăng thêm độ chắc chắn”?

Hideki Shimamura: “Cho đến giờ thì không! Tôi sợ rằng không đủ. Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đủ chắc chắn đối với những trận động đất mạnh như thế gần như không khả thi”.

Nhân chứng thứ bảy: Shirai Isao, trách nhiệm phòng chống sự cố của TEPCO

Tại Trung tâm Giải quyết sự cố cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 60 cây số, TEPCO phối hợp với Cục Kiểm soát An toàn Điện Hạt nhân Nhật và cơ quan tỉnh giải quyết các vấn đề do tai nạn điện hạt nhân để lại.

Chúng tôi hẹn gặp người trách nhiệm của TEPCO, chúng tôi muốn ông ta cho biết sẽ bảo vệ nhà máy điện hạt nhân như thế nào đối với động đất sẽ có thể xảy ra, nhất là Lò số 4 đã bị tàn phá nặng, Hano nói. Trong bể chờ nguội có rất nhiều thanh nhiên liệu, để bảo vệ các thanh này, cần phải tăng cường bể, ở tầng dưới đang được xây dựng những trụ chống đỡ.

Johannes Hano: “Nhà máy Điện Hạt nhân hư hỏng gần như hoàn toàn, do đâu mà ông nghĩ nó có thể chịu đựng được một trận động đất mạnh khác, điều mà cách đây một năm nhà máy đã không chịu đựng nổi”?

Shirai Isao: “Chúng tôi đã có những nghiên cứu về an toàn động đất dành cho tất cả các nhà máy điện hạt nhân chứ không riêng gì Lò số 4. Chúng tôi nhận được kết quả là không có vấn đề gì phải quan ngại”.

Johannes Hano: “Các nhà địa chấn đo được gia tốc địa chấn mạnh đến 4000 gal và nói không nhà máy nào chịu đựng nổi, làm thế nào ông có thể chắc chắn rằng một trận động đất ngay dưới Fukushima không làm thiệt hại các kiến trúc còn lại của Fukushima”?

Shirai Isao: “Nơi đo được 4000 gal có lẽ là một nơi nào khác, vì thế tôi không thể trả lời được”.

Johannes Hano: “Ông có thật sự tin rằng TEPCO đã có mọi dự phòng để bảo quản các nhà máy điện hạt nhân”?

Shirai Isao suy nghĩ một lúc rồi cười giã lả: “Thật khó trả lời”.

Phóng sự của ký giả Johannes Hano được kết thúc bằng câu nói của nhân chứng thứ nhất Yukitero Naka - kỹ sư công nghệ hạt nhân: “Đó là những gì ta thấy được sau khi sự cố xảy ra. Nhân loại cần biết những hậu quả này để có chung một chính sách trong tương lai”. Tựa đề của phóng sự: “Fukushima – sự dối trá” (“Die Fukushima-Lüge”).

* * *

Đúng như Phó chủ tịch Norio Tsuzumi của TEPCO đã tuyên bố hồi tháng 5 năm 2011 “thảm họa hạt nhân Fukushima là do con người gây ra[8], sự cố xảy ra không đơn thuần vì các lỗi lầm về kỹ thuật, công nghệ mà còn vì các sai trái về lương tâm và đạo đức hành xử. Phóng sự của ký giả Johannes Hano khiến cho người xem không khỏi liên tuởng đến Ninh Thuận. Những tin tức từ trong nước về Vinashin và Vinalines, bản tin ngày 24-05-2012 của báo điện tử Dân Trí [9] (đến hôm nay chưa thấy bị rút xuống) cũng như các tin về blogger TS Nguyễn Xuân Diện bị “thương binh” trấn áp tại văn phòng vì đăng thư phản đối điện hạt nhân [10] càng làm tăng thêm nỗi lo âu cho đất nước: liệu Việt Nam có tránh khỏi vụ việc “Làng Hạt nhân” như Fukushima hay không?

Năm 1986 khi tai họa Chernobyl xảy ra, người viết dù ở cách xa Chernobyl trên 1500 cây số đường chim bay vẫn bị “thưởng thức” hậu quả phóng xạ, người dân được khuyến cáo khi ở trong nhà nên đóng kín cửa kính để tránh bụi phóng xạ, tránh được chừng nào hay chừng ấy, và trong nhiều tuần lễ sau đó, chợ búa than phiền rằng rau cỏ bị ế ẩm, lý do đơn giản là rau cỏ trồng ngoài trời bị nhiễm phóng xạ từ Chernobyl bay sang khiến dân chúng không dám ăn rau tươi. Nếu sự cố như Chernobyl xảy ra ở Ninh Thuận thì chắc chắn dân cư Hà Nội không nhiều thì ít sẽ phải “nếm mùi” phóng xạ mặc dù phóng xạ “không màu, không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi loài và kéo dài ảnh hưởng lên nhiều thế hệ” như tác giả Thục Quyên nhấn mạnh trong bài viết “Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau[11], còn các dân cư ở gần Ninh Thuận hơn, trong vòng trăm cây trở lại sẽ ra sao… người viết không dám nghĩ tiếp.

D.T.

CHLB Đức 11-06-2012

Chú thích:

[1] Hoàng Xuân Phú - Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân

[2] ZDFzoom – Die Fukushima-Lüge, thực hiện: Johannes Hano, quay phim: Heiko Käberich, Toby Marschall, biên tập: MA Fuyuko Nishisato.

[3] TEPCO: The Tokyo Electric Power Company, công ty điện lực bảo quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị động đất và sóng thần làm thiệt hại ngày 11 tháng 3 năm 2011, gây nên thảm họa hạt nhân Fukushima.

[4] Tương đương với Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh.

[5] Đảng Dân Chủ Tự Do Nhật, cầm quyền suốt từ 1955 đến 2009 và chỉ gián đoạn 1993-1994.

[6] Naoto Kan là đảng viên sáng lập và nhiều lần giữ chức chủ tịch đảng Dân Chủ Nhật DPJ.

[7] gal hoặc Gal: đơn vị gia tốc địa chấn, tuy không nằm trong hệ thống đơn vị chuẩn quốc tế nhưng thường được dùng trong địa động học và địa vật lý, 1 Gal = 1 cm/s² = 0,01 m/s².

[8] Japan – TEPCO official: Fukushima is man-made disaster

[9] Vinashin, Vinalines chứng tỏ tham nhũng nghiêm trọng hơn thời PMU18

[10] Bauxite Vietnam - Xung quanh vụ “thương binh” trấn áp Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

[11] Thục Quyên - Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn