Miến Điện: các viện thăm dò dư luận hoạt động trở lại

Tú Anh

clip_image001  

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, là một trong các dấu hiệu thay đổi chính trị quan trọng tại Miến Điện. REUTERS/Sukree Sukplang

 

Thêm một dấu hiệu của thời cởi mở: thăm dò ý kiến đã tái xuất hiện tại Miến Điện và người dân hăng hái phát biểu. Tuy nhiên sau 50 năm chế độ độc tài quân sự, công việc của người làm công tác đặt câu hỏi không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì vẫn còn những chướng ngại ngoài dự tính. Dù vậy, nỗ lực này sẽ giúp chính quyền biết rõ hơn nguyện vọng dân chúng và «củng cố dân chủ» theo nghĩa thật.

Theo AFP ngày hôm nay 03/06/2012, những cơ quan thăm dò ý kiến như Myanmar Affairs hay EcoDev bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với người dân Miến Điện. Giám đốc Win Myo Thu của Myanmar Affairs cho biết là, không có đề tài nào là nhạy cảm: từ những oan khiên trưng thu đất đai, dịch vụ y tế cho đến hiệu quả của chính sách chống tham nhũng do Tổng thống Thein Sein ban hành.

Thoạt đầu thì viện thăm dò này đặt câu hỏi qua điện thoại. Khi thấy dân chúng tỏ ý lo sợ bị «gài bẫy» và không dám trả lời thật lòng, nhân viên của viện đã tiếp xúc thẳng với dân chúng và nhờ đó đã giảm bớt được tỷ lệ sai lầm.

Cách nay hai năm, nương theo những lời hứa hẹn cải cách của chính quyền quân sự, viện EcoDev là cơ quan đầu tiên thực hiện cuộc thăm dò ý kiến nhân tổng tuyển cử 2010, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ. Lý do là người được hỏi không dám nói thật là họ không đi bầu, vì sợ bị quy buộc nghe theo kêu gọi của Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ tẩy chay bầu cử.

Tháng 3/2011, tập đoàn quân sự trao quyền lại cho một chính phủ mới thi hành một loạt cải cách chính trị, nới lỏng kiểm duyệt thông tin, đối lập được tự do hoạt động. Tuy vậy theo giới phân tích, hậu quả 50 năm độc đoán không thể xóa tan trong một ngày. Câu hỏi «ông hay bà nghĩ gì về sự kiện quân đội vẫn tiếp tục giựt dây từ hậu trường?» vẫn còn là đề tài rất tế nhị.

Nhưng bên cạnh vấn đề chính trị còn khá bấp bênh, một chướng ngại bất ngờ khác làm cho kết quả thăm dò ý kiến bị sai lạc. Đó là từ 30 năm nay, Miến Điện không có thống kê dân số, nên không rõ là có 50 triệu hay 60 triệu dân.

Không rõ dân số nên không thể lựa ra «nhóm mẫu» để thăm dò một cách chính xác. Đó là lý do mà cơ quan thăm dò ý kiến Myanmar Affairs dự báo Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ chỉ thắng có 30 ghế trên tổng số 44, nhưng cuối cùng đối lập giành được 43 ghế.

Trong khi chờ đợi Liên Hiệp Quốc giúp thực hiện kiểm tra dân số vào năm 2014, báo chí Miến Điện tự mình tìm hiểu ý dân. Cố gắng này sẽ kích thích ý thức chính trị của công dân và giúp nhà cầm quyền biết rõ hơn nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng.

Tuy nhiên Win Myo Thu chưa dám «thăm dò» ý kiến về uy tín của Nobel Hòa bình 1991, như đã từng thực hiện về Tổng thống Thein Sein. Lý do là vì ông ngại nếu kết quả không được tốt, viện thăm dò Myanmar Affairs của ông sẽ bị ủng hộ viên của bà Aung San Suu Kyi tấn công.

T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn