Từ một câu chuyện thương tâm hơn 20 năm về trước

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Nhà báo Trần Quang Thành

Hơn 20 năm trước Trần Quang Thành là nhà báo quyết liệt dùng ngòi bút của mình phanh phui các vụ chống tham nhũng theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bị trả giá ngay sau đó bằng một vụ tạt acide rùng rợn làm hỏng hết khuôn mặt và gần như mù , nhưng lời kêu cứu của ông rơi vào thinh không, kể cả trước và sau thảm hoạ, ngoại trừ 200 ngàn đồng của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội “uý lạo” theo lệnh của ông Đỗ Mười.

Từ sau khi ông ra nước ngoài cư trú, hiện tượng thờ ơ vô cảm trên đất nướcViệt Nam hình như đã tăng lên 100 lần. Không những người chống tham nhũng – không riêng gì nhà báo – phải rước lấy những tai hoạ ghê gớm tương đương hoặc hơn ông Trần Quang Thành là con số không phải chỉ một hai nữa, mà luật pháp giờ đây còn phơi bày nhiều khe hở để bọn tham nhũng ngang nhiên dựa vào đó diệt trừ những ai quyết tâm quét sạch chúng giúp cho xã hội trong sạch hơn. Và nạn nhân của tham nhũng là dân chúng Việt Nam, nhất là nông dân, thì khốn khổ trăm bề, nhiều vụ việc nổi cộm xảy ra nhức nhối và phổ biến đến mức người ta không còn đủ sức than thở cho cùng khắp. Còn kẻ có trách nhiệm phải giải quyết đến nơi đến chốn những vụ việc ấy làm chỗ dựa cho niềm tin của mọi người, thì lại chính là lực lượng vô cảm bậc nhất, vô cảm trước công luận, trên báo chí, thậm chí phải dùng cả biện pháp quanh co né tránh nhằm đối phó với các ý kiến chê trách từ thế giới bên ngoài. Trong khi lũ cướp ngày hoành hành một cách trâng tráo bằng đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt nhất và có đủ bộ sậu chức năng tiền hô hậu ủng làm hậu thuẫn cho chúng mà không ai dám đem hết ý chí, nghị lực và trí tuệ ra để tìm những phương cách bài bản chỉ mặt vạch tên kẻ đầu sỏ cộm cán nhất, thì an ninh xã hội bị bỏ bê đến mức ngay ở Hà Nội thôi, một xe bán quả vải của nông dân gần gầm cầu Long Biên trong khi đang người mua kẻ bán tấp nập, vậy mà hai kẻ đi xe máy đến quát chủ xe đưa một chùm vải khoảng 5kg cho chúng rồi thản nhiên lên xe đi trước thái độ sợ sệt lặng phắc của đông đảo mọi người, không một ai dám có phản ứng gì (nhipcauthegioi.hu).

Đó là chưa nói sự xâm nhập của kẻ thù phương Bắc cũng gây nên vô số xáo trộn khủng khiếp trên khắp mọi miền đất nước, từ các công ty Tàu tha hồ làm mưa làm gió với các dự án khai thác hoặc xây dựng công nghiệp bỏ giá rẻ và hoàn toàn không chất lượng của chúng, các làng Tàu theo đó mọc lên hầu như khắp nơi như những “tô giới” nội bất xuất ngoại bất nhập, các thứ hàng thực phẩm độc hại của Tàu len lỏi vào tận mọi xó xỉnh ngày này qua ngày khác đầu độc người dân Việt, đám thương lái Tàu lùng sục khắp các làng quê tìm hết cách phá hoại tận gốc lực lượng sản xuất của nông dân, và hoạt động xâm chiếm cướp bóc của lũ giặc Tàu trên vùng biển chủ quyền của nước ta ngày càng tăng cường độ gay gắt, mỗi lúc chúng mỗi tiến sát lại gần bờ biển Việt Nam...

“Cướp ngày” và “cướp đêm”, “cướp trong” và “cướp ngoài” quả đang làm hỏng sự sống yên bình của cả một cộng đồng vốn rất lương thiện, biết tôn trọng pháp luật, nề nếp, phong tục có từ nghìn xưa, biết quật cường đứng lên mỗi khi biên cương có giặc. Kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau những vụ Vinashin, Vinalines... và hàng loạt tập đoàn nhà nước làm ăn không có hiệu quả, bị các nhóm lợi ích thao túng, khiến lạm phát phi mã, dự trữ ngân sách sụt giảm, GDP xuống đến mức báo động, CPI rơi xuống điểm âm, gần 100 nghìn doanh nghiệp tư nhân phá sản, nợ xấu ngân hàng nhà nước và nợ xấu doanh nghiệp nhà nước được công bố công khai dưới mức sự thật rẩt xa nhưng đã là những con số đáng ghê sợ – đời sống cả nước lâm tình trạng khó khăn chưa bao giờ thấy.

Dầu có muốn nhìn “biện chứng” đến đâu người ta cũng thấy lòng tin trong mình về sự tồn tại của cái trật tự hiện hữu bị chấn động mạnh, bị lung lay đến gốc. Thử hỏi, còn người Việt Nam nào hiện nay, những ai không thờ ơ với vận mệnh của đất nước, mà không cảm thấy bất an trong lòng, không nghi ngờ tính chính danh của những gì trước đây mình vẫn tin tưởng và phó thác sinh mệnh? Một giải pháp rốt ráo xem ra chưa có, trong khi các giải pháp đã có đều tỏ ra hoàn toàn bế tắc.

BVN vẫn kiên trì mong mỏi một Hội nghị Diên Hồng hiện đại, ở đó trí thức và tất cả những người Việt có tâm huyết và tài năng được tôn trọng, lắng nghe, để cùng nhau bàn bạc đưa ra những kiến giải thiết thực nhất, làm nền tảng cho một chiến lược dài hạn trên con đường cứu nguy dân tộc.

Từ sau khi trở thành người Việt xa nước, ông Trần Quang Thành vẫn kiên trì cầm bút nói tiếng nói chính nghĩa chứ không chịu sống như một người tàn phế. Đó là một tấm gương bộc trực và dũng cảm để nhiều người cầm bút ở trong nước noi theo. Dưới đây xin đăng lại bài phỏng vấn của Trà Mi (đài VOA) đối với ông như một phụ lục cho bài xã luận này, để ghi nhận tấm lòng tri ngộ của chúng tôi.

BVN

22.06.2012

Một nhà báo bị tạt acid khiến dung mạo bị dị dạng, thân thể bị hủy hoại 81%, mất cả môi và mũi, một mắt bị mù và mắt chỉ nhìn được 1/10 sau khi ông có các bài viết chống tiêu cực, tệ nạn xã hội và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Trà Mi 21 năm sau khi tai họa xảy ra nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6 năm nay, nhà báo Trần Quang Thành hiện đang định cư tại Slovakia thuật lại câu chuyện của mình, và chia sẻ cảm nghĩ về những hậu quả cay đắng mà ngòi bút phơi bày sự thật đã mang lại cho ông và về những thử thách, hiểm nguy đối với một nhà báo chân chính ở Việt Nam.

Nhà báo Trần Quang Thành: Năm 1986 mở đầu phong trào đổi mới ở đất nước Việt Nam, làm lành mạnh xã hội Việt Nam, tôi đã đấu tranh chống tham nhũng ngay trong cơ quan tôi làm việc là Viện nghiên cứu Phát thanh-Truyền hình. Viện mua thiết bị về lắp cho các đài phát thanh và truyền hình, thế nhưng ông Viện trưởng đã lạm dụng tiền của địa phương để đi làm việc khác hầu hưởng chênh lệch giá. Tôi đấu tranh, báo cáo lên những người lãnh đạo Việt Nam như Đỗ Mười và Phạm Hùng. Các ông ấy đã cho công an ra kiểm tra ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng ở Sài Gòn và đã bắt được tất cả những tang vật đó. Sau đó, tôi bị trả thù, tức là tôi bị mất việc làm và con tôi cũng mất việc làm luôn. Ra xã hội tôi tiếp tục đấu tranh. Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có chỉ thị tăng cường quản lý xã hội để trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới. Tôi có viết bài về đường dây buôn bán phụ nữ qua Malaysia, Campuchea, Trung Quốc từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, vào tới Sài Gòn, Cần Thơ. Đây là một đường dây rất lớn đưa phụ nữ ra nước ngoài làm mại dâm. Tôi dựa vào sức mạnh của người dân. Người ta nói cho mình biết, chỉ cho mình những địa điểm nó lui tới bán phụ nữ, trẻ em. Tôi có tất cả những tài liệu trong tay, tôi viết bài đăng trên Đài tiếng nói Việt Nam về thực chất của đường dây đưa phụ nữ, trẻ em qua biên giới buôn bán. Khi bài đăng lên, cơ quan công an tới xin tôi tài liệu. Tôi không tin họ. Họ đề nghị với ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ là ông Mai Chí Thọ. Các ông ấy yêu cầu tôi phải cung cấp tài liệu. Thế là tôi bằng lòng và tôi cung cấp rất tỉ mỉ. Trong vòng một tuần lễ, họ đi phá án tất cả từ Nam ra Bắc. Kết quả cuối cùng đã chặn đứng được đường dây buôn bán đó. Lúc đó tôi đã bị xã hội đen đe dọa giết. Đó là tháng 10/1989. Tới năm 1990 có chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cấm buôn bán thuốc lá ngoại. Tôi lại có bài viết về đường dây buôn bán thuốc lá ngoại qua đường hàng không và đường bưu điện. Đường dây này vướng tới rất nhiều quan chức. Họ lại đến xin tôi tài liệu. Cuối cùng tôi lại phải cung cấp tư liệu. Chỉ hai ngày họ phá được án.

Trà Mi: Việc ông bị tạt acid xảy ra cách hai vụ án đó bao lâu?

Nhà báo Trần Quang Thành: Vụ án cuối cùng xảy ra ngày 1/10/1990. Đến ngày 4/7/1991 tôi bị tai họa này. Họ đã đe dọa trước đó rồi và tôi đã báo cho công an biết rồi.

Trà Mi: Ông nhận được những lời đe dọa thế nào?

Nhà báo Trần Quang Thành: Họ gọi qua điện thoại.

Trà Mi: Khi ông báo công an, họ có sự bảo vệ nào cụ thể không?

Nhà báo Trần Quang Thành: Họ nói bảo vệ nhưng không có. Đến cả vụ án họ còn lừa nữa mà. Khi tôi bị tạt acid, gia đình có làm đơn báo công an. Công an tới bảo tôi không được khai báo để báo chí đăng lên vì nếu để báo chí đăng lên thì họ không thể bảo đảm tính mạng cho tôi. Họ nói rằng Sở Công an thành phố đã lập ban chuyên án do ông Vũ Đình Hoành, Phó giám đốc Sở Công an làm trưởng ban và trên Bộ Công an có ban chuyên án do ông Phạm Tâm Long, Thứ trưởng thường vụ công an làm trưởng ban. Thế mà tôi đợi mãi cả một năm trời chả thấy rục rịch gì cả. Lúc tôi lành lặn một tí, tôi trực tiếp ra gặp ông Phạm Chuyên, Phó giám đốc công an phụ trách an ninh. Ông ấy thề với tôi là không hề có một thông báo nào về việc có một nhà báo bị tạt acid như tôi cả. Tức là anh Vũ Đình Hoành, Phó giám đốc công an đã bịt đi rồi. Tôi hỏi ông Đại tá Nguyễn Văn Tình, Phó giám đốc phụ trách xây dựng lực lượng. Ông ấy cũng nói như vậy. Ông bảo chỉ khi ông Đỗ Mười gửi bài báo viết về tôi xuống cho công an, công an mới biết tôi bị tai nạn.

Trà Mi: Bài báo viết về ông là do ai viết và nó xuất hiện khi nào?

Nhà báo Trần Quang Thành: Do một bạn đồng nghiệp bên thông tấn xã viết. Họ không dám nói về tôi, mà viết về mẹ tôi. Mẹ tôi là người chuyên giáo dục các cháu thiếu nhi hư hỏng nên người. Họ không dám viết thẳng về tôi, sợ nguy hiểm cho tôi. Họ viết về nỗi đau của người mẹ, nói lên sự đau đớn của mẹ tôi khi thấy tôi bị tai họa thế này. Ông Đỗ Mười đọc bài báo đó mới biết tôi bị tai nạn. Ông giao cho Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đến thăm tôi. Họ cho tôi 200 ngàn.

Trà Mi: Sau khi hoàn tất phẫu thuật, ông có tiếp tục đi tìm công lý cho mình?

Nhà báo Trần Quang Thành: Có chứ. Tôi đã gặp cả ông Phạm Tâm Long. Ông ấy bảo vụ án của tôi nếu phát hiện nhanh thì chỉ 10 ngày sau tìm ra được thủ phạm. Ông Phó giám đốc công an Hà Nội cũng bảo thế, nhưng vụ án hoàn toàn bị bưng bít. Tôi nói công an bưng bít chứ còn ai nữa, thì ông ấy nhận. Họ có điều tra đâu. Nếu điều tra thì lộ ra số tiền hối lộ cho công an thì công an chết trước tiên. Báo chí lúc sau mới đăng lên, mọi người phản ứng, nhưng ngành công an lờ đi, không điều tra, không gì cả.

Trà Mi: Bằng cách nào một nhà báo chỉ với một ngòi bút có thể có được những manh mối, thông tin mà chính lực lượng công an với đầy đủ nghiệp vụ cũng không có được, phải tìm tới để xin ông cung cấp?

Nhà báo Trần Quang Thành: Đấy là do dân tin tôi. Họ biết tôi là một nhà báo trung thực. Vì cũng có những nhà báo nhận thông tin rồi đi bán lại thông tin để lấy tiền, cho vụ án chìm xuồng. Tôi ngược lại không làm điều đó. Vụ tham nhũng ở Viện Phát thanh Truyền hình do tôi phát hiện, chính những người tham nhũng nhất lại là những người đi kiểm tra, ông Phó chủ nhiệm Ủy ban thanh tra nhà nước, Trần Văn Soạn. Công an cũng tham nhũng vào đấy. Tiền tang vật thu về lúc đó trên 20 ngàn đô la thời năm 1986 là rất lớn, thế nhưng họ cũng thủ tiêu tang chứng luôn. Họ bịt đi. Người ta tin tôi vì tôi làm có tư liệu cụ thể và có xác minh. Sau khi tôi bị tai nạn, tôi vẫn tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng. Tôi đã bị nghiền nát thế này, tôi cho nát luôn, không ngán. Người chống tiêu cực luôn luôn bị thiệt thòi. Xã hội nó như thế mà cô. Hồ sơ đầy đủ, tang chứng - vật chứng đầy đủ, nhưng họ ăn chia với nhau thế nào không biết, họ bịt đi. Một hồ sơ mang về 400 trang, cuối cùng họ vẫn bịt đi.

Trà Mi: Dính dáng tới những vụ liên quan tới tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn lậu có rất nhiều nguy hiểm. Làm thế nào ông có thể tự mình tìm hiểu sự thật, đi vào tận những đường dây?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi có tất cả những bà con họ bảo vệ tôi, cung cấp tài liệu cho tôi, đưa cho tôi những nhân chứng - vật chứng. Nhưng tôi không bao giờ chỉ dựa vào đấy mà phải tự đi xác minh. Dựa vào quần chúng, quần chúng là những người cung cấp cho mình tài liệu tốt nhất.

Trà Mi: Ở Viêt Nam những nhà báo dám phanh phui sự thật và phản ánh tiêu cực xã hội cũng không phải là ít, nhưng vì sao bản thân ông lại bị những hậu quả mà có thể nói là cay nghiệt nhất?

Nhà báo Trần Quang Thành: Chính ra không nhiều cô ạ. Không ít, nhưng không nhiều đâu vì trong nhà báo có những cái phức tạp lắm. Có nhà báo dùng tư liệu của mình để đi làm giá lấy tiền.

Trà Mi: Nhưng ông có nghĩ đến lý do vì sao bản thân mình lại gánh chịu những hậu quả cay nghiệt nhất không?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tại vì tôi dính vào những vụ toàn có những người có mối liên hệ với cơ quan công quyền, tức được cơ quan công quyền bảo kê.

Trà Mi: Tới khi ra nước ngoài, rủi ro ít hơn hoặc không còn nữa, ông có tiếp tục dùng ngòi bút của mình để phanh phui sự thật, phơi bày sự thật, và đấu tranh cho công lý?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi vẫn làm nhưng ra nước ngoài tôi lại bị một sức ép khác. Những người lãnh đạo hội người Việt ở nước ngoài ở Slovakia cũng là tay chân của những người trong nước và của sứ quán. Họ nghe tới những bài báo tôi tố giác tội ác tham nhũng ở các cơ quan, họ lại áp lực với con tôi, bảo tôi không được viết những bài báo phản động.

Trà Mi: Ông ra nước ngoài năm nào và trong trường hợp nào?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi ra nước ngoài ngày 8/8/2008. Tôi tới Đại sứ quán của Slovakia ở Bangkok để làm thủ tục xin sum họp gia đình do con tôi đứng ra bảo lãnh.

Trà Mi: Vì sao ông phải qua tận Bangkok làm thủ tục?

Nhà báo Trần Quang Thành: Lúc đó Slovakia chưa có sứ quán ở Hà Nội. Hơn nữa, có ở Hà Nội chưa chắc họ đã cho tôi đi.

Trà Mi: Chuyện ông ra nước ngoài có thể hiểu là cũng có liên quan đến an toàn cá nhân không?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi không nghĩ tới an toàn cá nhân đâu. Tôi thấy ở đâu cũng chả an toàn. Công an cộng sản Việt Nam có rất nhiều mối, nhiều nơi lắm. Trong nước họ cũng có thể hại mình, ngoài nước họ cũng hại được mình. Đã có người bị rồi.

Trà Mi: Ông nghiệm ra cho mình điều gì sau những gì đã trải qua?

Nhà báo Trần Quang Thành: Là nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực xã hội là một nghề rất nguy hiểm. Chỉ có nhà báo nào ngồi ca ngợi đảng cộng sản tốt đẹp thì không làm sao thôi. Chứ còn nói đối ngược lại thì không vào tù cũng bị tai họa như tôi. Nếu muốn làm nhà báo chân chính, phải nói sự thật. Mà nói sự thật thì dứt khoát là gặp thảm họa. Tôi không nghĩ ai ở trong nước Việt Nam này làm nhà báo chân chính mà lại được sống một cuộc sống an lành cả. Không bị việc này cũng bị việc khác. Nhẹ nhất là bị đuổi việc, hoặc bị vô hiệu hóa, bị phân công công tác khác, hay bị cắt thẻ nhà báo. Rất nhiều người bị rồi. Nhưng trường hợp như tôi là hy hữu, là lần đầu tiên, vì tôi bị cách đây 21 năm, là vụ án mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Lúc đó chưa có nhà báo nào phanh phui chống tham nhũng cả. Hồi đó những vụ nhà báo phanh phui chống tham nhũng bị tai nạn, báo chí cũng không công bố. Các nhà báo bây giờ như Hoàng Hùng, Hoàng Khương được báo chí lên tiếng, chứ còn vụ của tôi lúc bấy giờ có được ai lên tiếng đâu.

Trà Mi: Vì sao một vụ việc nghiêm trọng như vậy, một nhà báo chống tham nhũng, chống tiêu cực xã hội bị trả thù dã man mà báo chí nhà nước không một tờ nào đăng tải, thưa ông?

Nhà báo Trần Quang Thành: Ban tuyên giáo họ không cho đưa thì làm sao đưa được. Bây giờ họ mới cho đưa, nhưng họ cho đưa nhỏ giọt, chứ thời của tôi là không được đưa. Những hiện tượng tiêu cực xã hội báo chí không được đưa. Báo chí chỉ được đưa màu hồng thôi, chứ không được đưa những chuyện gì ảnh hưởng tới uy tín chế độ.

Trà Mi: Bây giờ nhìn lại những gì đã trải qua trong nghề nghiệp của mình, có lúc nào ông chợt nghĩ rằng giá như không có những bài viết đó, giá như không dính líu tới những vụ phanh phui tham nhũng đó thì có lẽ số phận của ông sẽ khác đi rất nhiều không?

Nhà báo Trần Quang Thành: Câu hỏi đó cũng là câu hỏi của ông Nguyễn Cơ Thạch với tôi. Khi ông Thạch tới thăm tôi, ông cũng hỏi rằng: “Làm những việc đó bây giờ chú có hối hận không?” Tôi bảo: “Em không hối hận vì em làm đúng. Đảng kêu gọi chống tham nhũng thì em chống, thế nhưng em không ngờ. Em buồn là vì tin đảng, tin chính phủ mà thực hiện đúng theo đường lối của đảng thì cuối cùng đảng không bảo vệ mình mà hóa ra nhũng kẻ gian manh lại được bảo vệ.” Ân hận thì không ân hận, nhưng mà buồn vì mình hết lòng tin vào một chế độ, một nơi mà mình đã gửi gắm vào đây tất cả những nhiệt huyết và thân phận của mình. Thất vọng.

Trà Mi: Với những người cầm bút ở Việt Nam, ông có tâm tình nào muốn chia sẻ?

Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng đã là một nhà báo chân chính thì đừng uốn cong ngòi bút, đừng để máy tính của mình bị virus. Hãy là những nhà báo của dân, do dân, và vì dân. Đừng là những nhà báo của đảng, do đảng, và vì đảng. Thế nhưng để làm được điều đó thì các bạn chỉ có vất vả, không có giàu sang, vinh quang mà đảng tặng cho. Các nhà báo phản ảnh tốt các vụ như Văn Giang, Tiên Lãng đều đang bị đe dọa đấy. Một nhà báo chân chính muốn giữ vững trong sạch của mình chỉ cần dựa vào dân. Chính nhờ dựa vào dân mà tôi đã làm được những việc của dân, ra đường ngẩng cao đầu lắm.

Trà Mi: Như ông nói, nghề báo ở Việt Nam đầy rủi ro và nguy hiểm. Có cách nào những người cầm bút ở Việt Nam có thể tự bảo vệ mình tốt nhất không?

Nhà báo Trần Quang Thành: Bây giờ mỗi người tự cứu mình, tự bảo vệ mình thôi. Các cơ quan bảo vệ pháp luật họ không làm vì sự thật, vì bảo vệ công lý, mà họ làm vì một cái gì khác cơ.

Trà Mi: Ra nước ngoài nhìn lại tình hình trong nước hiện nay ông thấy bối cảnh nghề nghiệp làm báo ở Việt Nam và nghề làm báo trong nước so với thời gian trước thế nào?

Nhà báo Trần Quang Thành: Bây giờ thấy buồn vì báo chí Việt Nam đi theo một con đường rất buồn, không còn tính nhuệ khí đấu tranh như ngày xưa nữa. Vietnamnet chẳng hạn, bây giờ cũng không như thời kỳ tôi còn ở trong nước nữa, không còn sắc nét nữa. Bây giờ họ đi vào những chuyện như các cô hoa hậu đi bán dâm vv..v..tức là những chuyện vô thưởng vô phạt. Bây giờ vụ Vinalines có ai dám làm không. Vụ PMU18 mở ra sau cũng đóng cửa luôn. Mở ra vụ Năm Cam sau cũng đóng cửa luôn, không có vụ Năm Cam thứ hai mặc dù bây giờ có rất nhiều vụ Năm Cam, có rất nhiều vụ Vinasin. Nhà nước ta có một câu mà cuối cùng bịt mồm báo chí rất hay. Đó là chỉ thị 239, yêu cầu báo chí chỉ được công bố vụ án sau khi vụ án đã kết thúc và đưa ra tòa. Báo chí chỉ được đưa tin bắt, khởi tố thế thôi, còn quá trình điều tra như vụ PMU18 chẳng hạn, thì không được đưa. Nếu muốn đưa thì phải đưa luồng thông tin chính thức của cơ quan phát ngôn, ví dụ như Bộ thì phải là Chánh văn phòng Bộ phát ngôn. Chứ còn nguồn tin riêng của nhà báo thì không được đưa.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn nhà báo Trần Quang Thành đã dành thời gian cho đài VOA trong buổi nói chuyện này.

Nhà báo Trần Quang Thành: Xin cảm ơn cô Trà Mi và các bạn nghe đài.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn