Phát biểu trong buổi chiếu bộ phim André Menras – Một người Việt ngày 25/7/2012 tại Sài Gòn

André Menras Hồ Cương Quyết

Thiều Thị Tân dịch

TP.HCM, ngày 25 tháng 7 năm 2012

clip_image002 Chào quý bà, quý ông cùng các bạn hữu thân mến,

Hai ngày nữa tôi sẽ trở về Pháp và tôi không biết khi nào mình sẽ trở lại, bởi cuộc đời rất ngắn ngủi, và không ai có thể biết trước ngày mai sẽ ra sao. Vì thế, nhân dịp giới thiệu bộ phim này, tôi rất xúc động được nói lời tạm biệt đầy tình cảm thắm thiết cùng quý vị và các bạn. Đây quả là một ưu ái cho tôi cũng như cho bộ phận làm phim, đồng thời là điều động viên tôi trong những xác tín và chọn lựa của mình.

Tôi sẽ không tranh thủ micro để đưa ra những vấn đề gây tranh cãi. Đây không phải là chỗ thích hợp, và tôi cũng không muốn gây khó chịu cho một số thân hữu đã không quản ngại chức vụ mình đang nắm giữ để đến tham dự buổi chiếu phim này. Điều tôi muốn nói một cách ngắn gọn và quả quyết là, có những thế lực nấp trong bóng tối đã theo dõi, săn đuổi những người yêu nước và làm hỏng cuộc sống của một số bạn bè của tôi. Đặc biệt với Cao Lập, một người anh em của tôi từ xưa đến nay, hiện đang có mặt tại khán phòng này. Những thế lực bí ẩn ấy không hề có tiếng nói chung với lợi ích của dân tộc Việt Nam và đang làm hỏng hình ảnh đất nước này với thế giới. Tôi sẽ đấu tranh với họ bằng tất cả sức lực của mình. Tôi tin vào sự sáng suốt của các giới chức có liên quan trong việc chấm dứt những hành vi nguy hiểm và không lành mạnh ấy.

Liên quan đến bộ phim hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, người đã tặng tôi quốc tịch Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, người đã khởi xướng cho bộ phim, cũng như toàn bộ êkíp làm phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đây là bộ phim có kinh phí khá lớn vì nó là phim nhựa 35mm, chứ không phải phim video. Điều đó giải thích cho một số lựa chọn của đạo diễn Đào Thanh Tùng khi anh đặt để tôi vào một số phân cảnh hơi “cải lương” theo kiểu diễn viên màn bạc mà tôi thấy khá bất tiện. Tôi có mời anh Tùng vào TP. HCM để nói chuyện về kịch bản và kỹ thuật phim trong dịp náy, nhưng anh đang bận làm một phim khác ở Hà Nội nên không đi ngay được. Anh Tùng và anh Phát, nhà quay phim, là những người chịu khó “chiều” tôi trong suốt thời gian quay bộ phim này.

Nhìn chung, trong khuôn khổ của Việt Nam và trong tình hình hiện nay, tôi thấy bộ phim đã phản ánh đúng một số thời điểm trong câu chuyện tình của tôi đối với dân tộc và đất nước này. Trong 36 phút đồng hồ, bộ phim đã thực sự kết nối được tiếng sét ái tình tuổi ngoài 20 với mối tình sống dậy gần 70 tuổi của tôi. Phim cũng kết nối rất tốt giữa hình ảnh lá cờ trước đây và quốc kỳ hôm nay, luôn luôn ở bên cạnh nhân dân Việt Nam, nay cũng là đồng bào của tôi, cùng chống lại hiểm họa xâm lăng.

Thực tình, đọc lời bình bằng tiếng Việt trong phim không phải là chủ ý của tôi, bởi tôi hiểu rõ hạn chế của mình về phát âm. Nhưng anh Tùng đạo diễn đã nói mà không cho tôi phản ứng, rằng: “Anh là người Việt, vậy anh phải nói tiếng Việt!” – y như lời của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nói với tôi vài tháng trước đó. Vì vậy, tôi không có cách lựa chọn nào khác là để các bạn phải nghe lối phát âm tiếng Việt sai dấu của tôi.

Quả là một “sản phẩm” Việt-Pháp hết sức phong phú và phức tạp, là con người của tôi đây! Sản phẩm của nền cộng hòa, được xây dựng trên các nguyên lý cách mạng – “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Sản phẩm của một gia đình nông dân nghèo nhưng được mọi người kính trọng, một gia đình cần cù lao động và đầy lòng tự hào đã nuôi dạy tôi nên người. Sản phẩm của vùng miền Nam nước Pháp mang truyền thống quật khởi. Sản phẩm của quê hương vị anh hùng Jean Moulin bị phát xít Đức tra tấn và tử hình… Sản phẩm của cuộc đấu tranh tuyệt vời bên cạnh những người anh em Việt Nam của tôi. Sản phẩm của nền văn hóa rượu vang và của các lễ hội… Tôi đã mang theo tất cả những thứ ấy để hội nhập với tình yêu bún bò và bánh xèo, với lẩu mắm và rượu đế!

Tôi đã pha trộn tính chất nổi dậy của nghệ sĩ (nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ) Georges Brassens nổi tiếng, quê ở miền Nam nước Pháp, với con người tinh tế, u sầu, lãng mạn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… đến nỗi đôi khi tôi “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Tuy vậy, điều mà tôi biết, là gia đình lớn của tôi ở Việt Nam có thể còn đông đảo hơn gia đình ở Pháp, với những mối liên hệ mạnh mẽ khó tách rời. Ở đây tôi có mẹ nuôi Phan Thị Minh, cùng tuổi với mẹ ruột của tôi. Đông đảo các anh chị em là bạn chiến đấu, mà một số người vẫn còn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết. Tôi biết cả những điều thấp hèn mà một vài kẻ xấu xa nói nghĩ về tôi. Ở đây, tôi không có con cái nhưng có hàng chục trẻ em nghèo mà Hiệp hội của chúng tôi đang giúp đỡ hàng năm để các cháu đến trường, kể cả những đứa trẻ mồ côi ở Lý Sơn, Bình Châu. Nói ngắn gọn, ở nơi đây tôi cảm thấy thoải mái và chỉ tồn tại, sống vì những người khác, vì cuộc đấu tranh mà tôi đang tiến hành cùng với họ. Đó là những người bạn hết sức thân thiết, từ Pháp và Việt Nam, đã làm nên con người Việt Nam là tôi đây.

Tôi nhờ các bạn đang có mặt ở đây hôm nay hãy chuyển đến các bằng hữu không có điều kiện tham gia buổi gặp gỡ lời cảm tạ, lòng tự hào của tôi được sát cánh bên các bạn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn sắp tới. Hãy đảm bảo với các bạn ấy rằng, tôi không bao giờ lơi lỏng nghĩa vụ là người Việt Nam!

Quay lại với bộ phim và cũng để kết thúc, tôi xin nói rằng, việc lựa chọn các nhân vật xuất hiện trong phim hầu như do tôi đề xuất và đã được đạo diễn chấp nhận.

Tôi muốn mọi người được nhìn thấy vị đại tá huyền thoại Đặng Văn Việt, người từng được mệnh danh là con hùm xám đường số 4, ấy vậy mà lại không hề được các phương tiện truyền thông trong nước ngó ngàng đến. Tôi cũng muốn giới thiệu những người bạn của “bộ tộc tà-ru” [tù ra], những người thuộc dân tộc thứ 55 của cộng đồng các dân tộc ít người của Việt Nam.

Tôi muốn mọi người nhìn thấy những thợ lặn ở Bình Châu và Lý Sơn đã trả giá bằng mạng sống của mình để bảo vệ biển đảo của tổ quốc thế nào. Tôi muốn các bạn biết đến một chiến sĩ kiên cường mà tôi quen ở nhà lao Chí Hòa, người đã đặt tên Việt Nam cho tôi – Liệt sĩ Nguyễn Văn Quới, ông đã vượt ngục thành công, về chiến khu nhưng sau đó đã hy sinh vì bom B52 ở Củ Chi.

Tất cả đã được Đạo diễn Đào Thanh Tùng chấp nhận và Ủy ban Kiểm duyệt cũng đã thông qua. Tôi xin cảm ơn tất cả các vị ấy.

Các bạn Việt Nam, Pháp, Anh quý mến, một lần nữa xin quý vị thứ lỗi cho tôi vì lời bình tiếng Việt không được hoàn chỉnh. Tôi mong rằng, Cục Điện ảnh quốc gia có thể dịch phim này ra tiếng Pháp và tiếng Anh để các bạn có thể dễ xem hơn. Tối nay, có lẽ quý vị phải cậy nhờ đến người phiên dịch, tôi rất tiếc về việc này.

Một lần nữa, xin gửi đến tất cả các bạn lòng biết ơn, tình cảm quý mến và thân thiết của tôi. Xin cảm ơn.

A. M. H. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Phỏng vấn ngắn André Menras Hồ Cương Quyết sau buổi chiếu phim “André Menras – Một người Việt”

Trần Hoàng Sa (thực hiện)

Hôm nay là ngày 25.7.2012, ngày này của 42 năm về trước, cũng đúng ngày này (25.7.1970) ông và người bạn đã treo cờ MTDTGPMNVN tại Sài Gòn. Sự trùng hợp ngày tháng này được ông tính trước?

(cười lớn) Thật vui khi có sự trùng hợp ngày tháng thú vị thế này. Khi tổ chức chiếu, chắc chắn tôi không để ý đến ngày tháng bởi đơn giản ngày 27.7 tôi về nước, nên muốn chiếu để gặp thăm bạn bè trước khi về thôi. Nay có thêm chi tiết trùng hợp ngày thế này, cũng thấy thú vị quá, đúng không?

Có người cho rằng, ông phải “diễn” theo kịch bản mà chính anh không mấy thích thú, điều đó đúng không?

Không phải diễn mà tôi nói đùa với anh bạn đạo diễn là hơi “cải lương”, chẳng hạn khi trò chuyện về biển đảo với các em học sinh ở Lý Sơn, các anh đạo diễn và quay phim muốn tôi đưa ra giấy Chứng minh nhân dân để nhấn mạnh cho các cháu rằng tuy tôi mắt xanh mũi lõ đây, nhưng tôi đang nói chuyện với các cháu với tư cách một người Việt. Tôi nói “cải lương quá Tùng ơi!” nhưng vẫn vui vẻ làm vì thấy nhiệt tình của các bạn rất tự nhiên và chân thành. Ngoài ra, toàn bộ những nhân vật sẽ gặp để quay và nói… đã được tôi và đạo diễn trao đổi từ trước khi tôi về Việt Nam để quay, nên hoàn toàn không có chuyện tôi bị ai đó ép để phải diễn. Những chi tiết nhỏ này chỉ phát sinh trong quá trình quay, bình thường thôi. Những người làm phim thừa thông minh và nhân văn để biết, với Hồ Cương Quyết, đâu cần thiết phải ép ông ấy vậy!

Bài phát biểu của ông hôm nay, từ đầu buổi phát biểu, chúng tôi thấy có vài người mặc thường phục lên bục phát biểu có hành vi như can thiệp không muốn ông đọc nó?

Thật buồn cười. Tôi viết bằng tiếng Pháp những lời như muốn tri ân, chia sẻ trong không khí bạn bè trước khi về nước. Tôi đã nhấn mạnh rõ là sẽ không tranh thủ micro để đưa ra những vấn đề gây tranh cãi vì ở đây không thích hợp. Nhưng đoạn họ muốn tôi bỏ không nên nói về “một thế lực nấp trong bóng tối” đang theo dõi làm phiền các bạn bè tôi. Tôi rất giận và yêu cầu họ nên ngưng ngay bởi làm vậy chỉ làm hỏng hình ảnh đất nước này với thế giới. Bởi buổi chiếu phim hôm nay có người bạn đến từ Pháp, đồng nghiệp trong Hiệp hội, đến từ Anh là Chủ tịch Quỹ hỗ trợ Việt Nam và nhiều bạn bè trong và ngoài nước.

Tôi phải nói thêm có một điều rất lố bịch nữa là, hơn một tiếng trước khi chiếu phim, các lực lượng trong bóng tối mà tôi đã nói trên, họ đi thẳng vào rạp chiếu phim, lắp vài cái máy camera và một máy ghi âm rất hiện đại để quay tất cả những người đến xem phim để ghi tất cả những gì tôi sẽ nói. Hơn nữa, tôi đã hai lần vào phòng kỹ thuật chiếu phim và tôi phát hiện rất rõ có ít nhất bốn “người lạ” đứng bên cạnh kỹ thuật viên. Chắc họ đến để… bảo vệ đĩa DVD của bộ phim luôn! (cười)

Và ông từ chối bị kiểm duyệt đó chứ?

Tất nhiên, tôi vẫn đọc hết bài bằng tiếng Pháp đầy đủ và chị Thiều Thị Tân giúp tôi đọc dịch sang tiếng Việt.

Có nhân vật nào ông muốn đưa vào phim “một người Việt” nhưng không thực hiện được? Lý do tại sao?

Lý do này từ chính nhân vật do… họ bận. Hoặc cũng do một lý do thế nhị nào đó từ bản thân họ. Họ biết và gắn bó với các hoạt động của tôi từ sau khi ra tù, ký Hiệp định Paris và những chuyến đi đến 17 nước trên thế giới để tố cáo cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam. Nhưng xin phép không nêu tên ở đây.

Rất cảm ơn ông!

T. H. S.

Người phỏng vấn gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn