Cấp bách

Tô Văn Trường

Xây dựng cảng Lạch Huyện đang là đề tài thời sự trên nhiều diễn đàn, thu hút sự quan tâm của nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực. Nhiều nhà khoa học, trí thức tâm huyết với sự phát triển của đất nước cũng không muốn đứng ngoài cuộc, mặc dù đã nhiều lần đối với nhiều vấn đề hệ trọng tiếng nói của họ bị bỏ ngoài tai những người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền. Lần này, thì có vẻ hơi khác, khi Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra trân trọng ý kiến đóng góp, phản biện của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là lãnh đạo Bộ đang tích cực thuyết phục, vận động Tổng hội xây dựng (thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) ủng hộ đề xuất coi cảng Lạch Huyện là công trình cấp bách. Vậy thử xem cảng Lạch Huyện “cấp bách” đến mức nào?

Theo lẽ thông thường cấp bách là cần giải quyết gấp, giải quyết ngay một công việc nào đó, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội hoặc sẽ phải chịu hậu quả do chậm trễ. Trong lịch sử nước nhà, ngay từ khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngày 25 tháng 8 năm 1945, có nhiệm vụ cấp bách là Chính phủ phải ra mắt chính thức trước quốc dân đồng bào và thế giới càng sớm, càng tốt, bởi vì, khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đồng minh sẽ vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật. Nếu có khoảng trống quyền lực, không có chính quyền thì Việt Nam sẽ rơi vào vùng đất ủy trị, lúc đó Pháp nghiễm nhiên quay trở lại với tư cách nhận nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc. Hồ Chủ tịch đã chọn ngày 2/9/1945 làm lễ Tuyên ngôn độc lập. Công việc cấp bách là Người tự tay soạn bản Tuyên ngôn, đồng thời chỉ thị cho Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Nguyễn Hữu Đang cùng với kiến trúc sư khẩn trương xây dựng lễ đài và chuẩn bị công việc truyền thanh. Công việc cấp bách nói trên đã được Hồ Chủ tịch và các cộng sự thực hiện một cách xuất sắc, ghi vào sử xanh của nước nhà.

Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng cơ sở, giải pháp cấp bách chỉ là phương tiện không phải là mục tiêu mà chỉ được ứng dụng trong trường hợp thực sự khẩn cấp nếu không có nó thì không thể hoàn thành chiến lược phát triển trong thời gian nhất định. Tuy nhiên cấp bách và cần thiết không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Mặt khác, cấp bách cũng có ý nghĩa tiêu cực, thể hiện trạng thái bị động. Lẽ ra ta phải làm một việc cần thiết với một sự đầu tư căn cơ, bài bản, đúng quy trình,… nhưng do bị đẩy vào tình thế cấp bách nên dễ dẫn đến làm ẩu, làm cho xong để đối phó với tình hình cấp bách. Việc càng hệ trọng, càng phức tạp thì càng không nên làm trong tình thế cấp bách vì rủi ro rất cao. Ở nước ta, có rất nhiều dự án, công trình quan trọng vì mang danh thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, được hoàn thành một cách “cấp bách” để rồi sau đó lại phải có các dự án khác rất tốn kém tiền thuế của dân để sửa chữa các hư hỏng kém chất lượng, hậu quả do làm ẩu của các công trình cấp bách!

Lý thuyết về quản trị chỉ ra rằng hiệu quả nhất và cơ bản nhất trong lập kế hoạch là ta phải làm những việc cần thiết nhất nhưng không phải trong tình thế cấp bách nhất. Còn kém hiệu quả nhất là khi ta làm những việc rất cấp bách nhưng chưa hoặc không cần thiết. Còn vừa cần thiết, vừa cấp bách thì cũng chỉ là cực chẳng đã mà phải làm!

Theo nghĩa này thì việc có làm hay không làm cảng Lạch Huyện không có tình huống khách quan bất thường. Cảng Lạch Huyện không phải đang trong thời chiến, hay bão lũ thiên tai khẩn cấp, hay có tình thế nguy cấp nào cả, cũng không phải là công trình chống thảm họa môi trường sau thảm họa thiên tai hay nhân tai. Xây dựng cảng nhằm tăng cường năng lực vận tải, không thể coi là cấp bách, nhất là việc chọn vị trí xây cầu cảng Lạch Huyện và nạo vét 40 triệu mét khối bùn cát của Bộ Giao thông Vận tải còn gây bất đồng lớn trong giới chuyên môn. Nếu thấy đúng thì triển khai, thấy chưa đúng thì không thực hiện, thấy lăn tăn hoặc các câu hỏi chưa được giải đáp thoả đáng thì cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ. Công trình lớn, có tác động lớn cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội như cảng Lạch Huyện chắc chắn càng cần một quy trình chặt chẽ từ khảo sát, nghiên cứu khả thi, phản biện khoa học… theo trình tự phù hợp với “đẳng cấp” của công trình.

Đất nước đang trong giai đoạn có rất nhiều việc hệ trọng mà toàn Đảng, toàn dân đều thấy rõ ràng “cấp bách”, trong đó có những công trình xây dựng. Tuy nhiên, nếu chỉ để thông qua cho nhanh mà đặt tên công trình đó là “cấp bách” bỏ qua những tính toán cẩn trọng, những phân tích lợi hại lâu dài, những ý kiến phản biện khoa học thì không nên.

Tiền nhân đã có câu “Dục tốc bất đạt”. Mọi sự vội vàng, chủ quan, không xuất phát từ lợi ích tổng thể chỉ mang lại hậu quả xấu, thậm chí thảm họa. Đã có nhiều bài học cay đắng, nhiều cái giá quá đắt phải trả cho sự chủ quan nóng vội, cho nhiều công trình “cấp bách” nhưng chuẩn bị không kỹ, quản lý lỏng lẻo, và bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Cảng Lạch Huyện liệu có trở thành một sự kiện tiếp theo của chuỗi các sự kiện như cảng Cái Lân, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Vân Phong, Vinashin, Vinalines... hay không? Dư luận đang theo dõi những động thái của các cơ quan Nhà nước và các bên liên quan đến cảng Lạch Huyện.

T.V.T.

Nguồn: ketcau.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn