Hoảng sợ động đất ở thủy điện Sông Tranh 2

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Một loạt động đất với rung chấn cao nhất đo được 4,2 độ richter xảy ra tối 3/9/2012 ở huyện Trà My – Quảng Nam gây thêm quan ngại về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.

clip_image001

Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo

Vì nước thủy điện?

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 4/9/2012, TS Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu trụ sở ở Hà Nội có những đánh giá sơ bộ mang tính quan ngại về công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Ông nói:

“Trận động đất hôm qua (3/9) gây tiếng nổ rất lớn và sự rung động được ghi nhận là lớn nhất so với các trận động đất khác từ 2011 tới nay, vì thế người dân rất lo sợ. Thực ra khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thuỷ điện quá trình dẫn nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ”.

Thực ra khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất.

TS Lê Huy Minh

Theo lời TS Lê Huy Minh, hồi tháng 11 năm ngoái có hai trận động đất cường độ chỉ có 3,4 rồi đến tháng 3 vừa rồi xảy ra động đất 3,1 đến hôm 3/9 động đất 4,2 độ richter và tần suất của nó cũng rất lớn. Tối  3/9 các chuyên viên ghi nhận được 4-5 trận động đất đến sáng 4/9 thêm mấy trận nữa. Sự kiện này chứng tỏ tần suất động đất chưa giảm đi chút nào và sự lo sợ của người dân là đúng.

Trả lời Nam Nguyên một ngày sau trận địa chấn 3/9, ông Nguyễn Thế Tài – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 xác nhận là người dân rất hoang mang. Ông nói:

“Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi ghi nhận lúc 7 giờ 35 rồi  9 giờ kém 10 và lúc 10 giờ kém 5, nhân dân lo sợ ngủ không được. Tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang đang lo về tính mạng về lâu về dài… tất cả đã được báo cáo về cấp trên… Tỉnh và Trung ương sẽ tính toán cụ thể… tôi động viên nhân dân cần bình tĩnh”.

Độ an toàn của đập?

clip_image002

Động đất ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam làm nhiều nhà dân bị rạn nứt. Courtesy 24h

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 có tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, công suất tổng cộng 190 MW được xây dựng từ 2006 đến cuối năm 2010, cả hai tổ máy đều đã phát điện. Điểm đáng chú ý hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 dung tích 730 triệu m3 nuớc, thuộc hàng lớn nhất miền Trung và được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m. Cuối năm 2011 đầu năm 2012, cùng với những trận động đất chưa từng xảy ra, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước và xuất hiện một số vết nứt.

Một thời gian dài dư luận chấn động và vấn đề an toàn của Sông Tranh 2 được đưa ra trước diễn đàn Quốc hội. Gần đây chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành sửa chữa trám các vết nứt và khe rò rỉ nước. Sau khi thủy điện Sông Tranh 2 vận hành được khoảng 1 năm, một công trình đắt tiền được mô tả là để góp phần phát triển kinh tế lại được người dân Quảng Nam gọi là quả bom nước khổng lồ, đang treo lơ lửng trên đầu cả trăm ngàn người của 4 huyện vùng hạ lưu.

Sự lo ngại của người dân và chính quyền địa phương là có cơ sở, nhất là với một loạt địa chấn xảy ra từ chiều tối 3/9 và sáng 4/9. TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu nhận định:

Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang, đang lo về tính mạng về lâu về dài.

Ô. Nguyễn Thế Tài

“Rung động động đất được đánh giá bằng một thang 12 cấp từ 1 đến 12, mỗi một cấp có khoảng gia tốc nền nhất định. Viện Vật lý địa cầu kiến nghị cho chủ đầu tư xây dựng đập ấy có gia tốc nền là 150 cm /giây bình phương tức là ứng với độ rung động cấp 8. Trận động đất hôm thứ hai độ rung động ở chân đập mà máy gia tốc của Ban Quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận được là 88,3 cm/giây bình phương tức là ứng với động đất cấp 7, như thế chưa vuợt quá mức động đất cực đại mà đập được thiết kế. Tuy nhiên phải xem xét là với trận động đất xảy ra như vậy các khe nhiệt có phát triển hay không”.

Theo lời TS Lê Huy Minh, từ hồi tháng 4 đến nay khi nhóm của ông vào Quảng Nam xem xét, ghi nhận Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 đã đưa tất cả máy quan trắc thân đập vào hoạt động. Trong đó có sự theo dõi độ giãn nở của các khe nhiệt theo thời gian, rồi theo lưu lượng nước chảy qua thân đập cũng như độ lún của nền đập, độ dịch chuyển ngang của nền đập và nhiều thông số vật lý khác của đập. TS Lê Huy Minh nhấn mạnh chỉ có trên cơ sở theo dõi hiện trạng đập một cách chặt chẽ như thế mới có thể đánh giá được độ an toàn của đập như thế nào.

N.N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn