Xin thắp một nén nhang




Nguyễn Anh Dũng
     
Nhìn những tấm ảnh chụp cụ bà Hà Thị Nhung 76 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa. Nằm chết dưới đất mà mắt vẫn không nhắm được bởi sự oan ức, tại vườn hoa Lý Tử Trọng nơi được coi là trung tâm quyền lực của chế độ CS, người bình thường cũng khó cầm lòng, xót thương cho một con người có công với chế độ, đã phải chịu một cái chết tức tưởi của một người dân oan, tại nơi đất khách quê người!


Lẽ thường khi ở tuổi cao niên, ai cũng mong được sống vui cảnh điền viên, sum vầy với con cháu. Chắc chắn cụ bà Nhung không tự hành xác mình, khi có gia đình, tuổi cao sức yếu vẫn phải đường sá xa xôi, ăn đói mặc rét, vất vưởng ngoài đường. Không dưng cụ đâu có rước lấy việc tố cáo tham nhũng, đòi quyền con người làm gì. Cái chết của cụ càng giúp ta nhìn thấy rõ hơn “Những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua” (Hội nghị TW 6, khóa XI), của đảng cầm quyền.

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp và luật. Gần đây báo cáo trước Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh chắc chắn mới chỉ đưa ra được một con số rất khiêm tốn về đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.

Vậy còn các đơn thư khiếu tố về lĩnh vực tư pháp, về kỷ luật đảng, về những đảng viên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, tại sao lại không được đề cập tới? Tại sao việc chất vấn công khai các cơ quan tư pháp trên truyền hình lại bị bãi bỏ sau sự cố phiên chất vấn Chánh án tòa án NDTC Nguyễn Văn Hiện tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI (DânTrí.com.vn,  ngày 27/11/2006)?  Phải chăng đây là biểu hiện bao che, dung túng cho nhau  cùng tham nhũng, để bảo vệ cái gọi là uy tín của lãnh đạo.

Những viên cảnh sát có mặt lúc cụ Nhung sắp chết đã tỏ thái độ dửng dưng, vô ý thức khi những người dân ở xung quanh kêu gọi cần có sự cứu giúp. Tại sao vậy? Phải chăng họ sợ phải liên đới chịu trách nhiệm, sợ mất đi quyền lực để kiếm miếng cơm manh áo, hay sợ người dân trút căm thù lên đầu? Có lẽ đáng sợ hơn tất cả là họ đã tự làm mất đi lương tâm con người mà bất kỳ công dân bình thường nào cũng phải có.

Khi cụ Nhung còn sống, đã bao năm đơn thư khiếu tố không được giải quyết. Khi chết đi, thân xác của cụ lập tức bị đem đi nơi khác, nhằm bưng bít thông tin. Để khỏi làm xấu đi hình ảnh của nhà nước được gọi là pháp quyền XHCN, vốn dĩ đã không còn tốt đẹp trong con mắt người dân và bạn bè quốc tế.

Truyền thông của nhà nước đã nói nhiều về lòng tin của người dân và khẳng định mất lòng tin là mất tất cả. Một sự thật là xã hội ngày nay, đang bị khủng hoảng lòng tin một cách nghiêm trọng. Đặc biệt là lòng tin của người dân vào chế độ và ngược lại.

Nhà nước cộng sản không tin người dân, nên việc bầu cử đại biểu Quốc hội, phải để “Đảng cử dân bầu” người đại diện cho mình. Các cuộc biểu tình yêu nước, bãi công, bãi thị, tố giác và báo tin về tội phạm, công khai bày tỏ chính kiến về tự do, dân chủ trên mạng thông tin toàn cầu Internet, bị cho là gây rối trật tự công cộng, là nghe theo lời  kẻ xấu, thế lực thù địch xúi giục hoặc được chia tiền (HTV ngày 5/8/2012). Việc Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà nội, ông Phạm Quang Nghị đã từng mắng người dân: Dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm ... ” (nguồn: Kinh tế nông thôn) đã nói lên tất cả.

Người dân thì không tin vào chế độ độc tài, bởi vì các văn kiện thể hiện sự lãnh đạo của đảng, pháp luật của nhà nước đã nói một đằng nhưng việc thực hiện lại làm một nẻo. Hiến pháp đã quy định rõ về các quyền con người, nhưng người dân khó được tiếp cận với các quyền đó, kể cả quyền và nghĩa vụ chống giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Để rồi phải tự điều chỉnh để sống chung với tham nhũng và giữ thái độ lặng im vô cảm trước mọi chuyện éo le giữa dòng đời!

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã diễn ra rầm rộ nhưng hỏi có mấy ai làm theo? Hội nghị TW 4, 5 và 6, khóa XI được cho là thẳng thắn, nghiêm túc và quyết liệt đã qua đi, rồi mọi việc vẫn nguyên như cũ! Không một ai bị xử lý theo kỷ luật Đảng và pháp luật của nhà nước. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Như một phản ứng dây chuyền, các tổ chức Đảng và cán bộ, công chức nhà nước ở nhiều nơi, càng có điều kiện ngang nhiên đứng trên pháp luật.

Cái chết thương tâm của cụ Hà Thị Nhung rồi cũng sẽ qua đi, là một con người, xin được thắp lên một nén nhang và cúi đầu, cầu mong linh hồn cụ và những người đã phải chết, khi chưa được giải tỏa nỗi oan sai.

Chính quyền không thể biện minh, để rồi phủi tay lẩn tránh trách nhiệm trước sự thật phũ phàng này.

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2012

N.A.D.
Nhà giáo - Cựu chiến binh VN
               
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn