Việt Nam: 22 người bị bắt vì biểu tình ở Hà Nội

Marianne Brown

09.12.2012

clip_image001

Người biểu tình chống Trung Quốc cầm quốc kỳ Việt Nam và các biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành trên đường phố trung tâm Hà Nội, ngày 9/12/2012

HÀ NỘI — Căng thẳng Biển Đông lại dấy lên ở Việt Nam khi công an bắt giữ 22 người hôm Chủ nhật tại một cuộc biểu tình ở Hà Nội.

Cộng tác viên Marianne Brown của VOA ở Hà Nội cho hay người biểu tình đã mang biểu ngữ và hô to nhiều khẩu hiệu như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” hoặc “Trung Quốc hãy ngưng sát hại các ngư dân vô tội.”

Khoảng 200 người đã tụ tập bên ngoài Nhà hát thành phố và tuần hành qua các đường phố trung tâm với ý định tiến về hướng đại sứ quán Trung Quốc, có công an đi theo canh chừng.

Sau độ 30 phút, công an đã dồn 22 người biểu tình lên một chiếc xe lớn. Một trong những người bị bắt cho biết họ bị đưa đến trại giam Lộc Hà.

Họ đã đàn áp những người biểu tình yêu nước, họ đã công khai thừa nhận rằng họ đã tiếp tay cho giặc. Chủ quyền đất nước đã bị xâm phạm, ngư dân chúng tôi bị bắt, bị đánh...

Chị Bùi Thị Minh Hằng

Ngay tức khắc, những hình ảnh liên quan đến cuộc biểu tình đã được tải lên các trang blog và trang mạng xã hội.

Một cuộc biểu tình tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh đã bị giải tán nhưng không có tin về bắt giữ.

Tại Hà Nội, chị Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, một trong những người tham gia biểu tình cho biết:

“Họ đã đàn áp những người biểu tình yêu nước, họ đã công khai thừa nhận rằng họ đã tiếp tay cho giặc. Chủ quyền đất nước đã bị xâm phạm, ngư dân chúng tôi bị bắt, bị đánh”.

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ mấy ngày sau khi Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam tố giác các tàu đánh cá của Trung Quốc đã cắt giây cáp một chiếc tàu thăm dò địa chấn của họ trong vùng biển của Việt Nam. Tập đoàn này nói rằng năm ngoái, tàu của họ đã bị cắt cáp ít nhất hai lần, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Căng thẳng  lên cao trong thời gian gần đây sau khi Trung Quốc phát hành loại hộ chiếu mới cho thấy nhiều vùng biển bị cuộc tranh chấp là của Trung Quốc, khiến nhiều nước khác cũng phản đối.

Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng gây xôn xao khi công bố các quy định mới, áp dụng tại vùng biển, trong đó có những dãy đão có tranh chấp.

Các nhà phân tích nói rằng Việt Nam và Trung Quốc sử dụng những vụ đối đầu tại Biển Đông để gây ảnh hưởng lên dư luận và chỉ trấn áp các cuộc biểu tình khi tình hình có thể vượt khỏi tầm tay. Nhiều người nghĩ rằng nhà chức trách e ngại những cuộc biểu tình lớn có thể biến thành biểu tình chống chính quyền.

Nhiều nhà tranh đấu nổi tiếng đã vắng mặt một cách bất thường trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật. Cụ bà Lê Hiền Đức là một trong những người này:

“Tôi bị khoảng 50 công an vây kín nhà, nó không cho ra khỏi cửa để đi mua bánh mì nữa. Rồi nó cướp cả máy ảnh, đủ mọi thứ. Sau đó nó khiêng lên đồn công an”.

M.B.

Nguồn: voatiengviet.com

* * *

Việt Nam: Hà Nội và Sài Gòn biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Thụy My / Trọng Nghĩa / Tú Anh

Vào sáng nay, 09/12/2012, hai cuộc biểu tình tập trung khoảng vài trăm người đã diễn ra hầu như đồng thời tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đông đảo đã được huy động để giải tán đám đông sau không đầy nửa tiếng đồng hồ. RFI phỏng vấn các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, bà Lê Hiền Đức và blogger Lê Dũng.

clip_image002

Biểu tình tại Hà Nội, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, ngày 09/12/2012. REUTERS

Theo các nguồn tin trùng hợp, có khoảng 20 người đã bị câu lưu tại Hà Nội, trong lúc tại Sài Gòn, nhiều người trong nhóm tổ chức biểu tình đã bị cản trở ngay từ nhà, không đến được địa điểm tập hợp là Nhà hát thành phố.

AFP, tại Hà Nội, cho biết, có khoảng 200 người biểu tình, một số trương biểu ngữ chống Trung Quốc và hô to khẩu hiệu «Đả đảo Trung Quốc xâm lược» đã bị công an chận lại khi tiến về đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Việt Nam.

Theo lời một số nhân chứng, khoảng 20 người đã bị quây bắt đưa lên một chiếc xe buýt sau khi cuộc biểu tình diễn ra khoảng 30 phút, đưa về trại giam Lộc Hà ở ngoại ô Hà Nội. Một người trong số này, xin giấu tên đã xác nhận với AFP rằng, không những anh bị bắt, mà điện thoại di động của anh cũng [bị] phá sóng, chỉ dùng được tin nhắn.

Đây là lần thứ năm trong năm nay mà biểu tình xảy ra tại Hà Nội chống lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông nhắm vào Việt Nam.

Tại Hà Nội, từ đêm hôm qua cho đến sáng sớm hôm nay, chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp để cô lập hóa những người bị xem là cột trụ của phong trào biểu tình, trong đó có cụ Lê Hiền Đức. Theo lời kể của cụ với RFI, sau khi hàng chục người biểu tình bị an ninh, cả sắc phục lẫn thường phục chặn lại, bắt đưa về trại phục hồi nhân phẩm phụ nữ Lộc Hà, những người không bị bắt đã kéo đến tận nơi đòi công an phải thả người.

Trước cửa trại Lộc Hà, cụ bà Lê Hiền Đức tường thuật cuộc biểu tình ngày hôm nay :

Bà Lê Hiền Đức - Hà Nội - 09/12/2012 - 1

09/12/2012

Nghe (01:37)

«…Sáng sớm thì «nó» lập ra một cái sân khấu ngoài trời để lôi kéo người dân chú ý vào đấy, không chú ý người biểu tình. Nhưng cuối cùng, tất cả những người biểu tình, vì tinh thần yêu nước, người ta đã tập trung đến và bị bắt đưa lên trung tâm lưu trú Lộc Hà, bắt 24 người trước Thư viện Quốc gia Hà Nội. Trên đường diễu hành đi đến sứ quán Trung Quốc mới được một phần ba đường thì «nó» đã bắt. Bây giờ thì anh em đồng đội người ta lên (Lộc Hà) đòi người… Tôi lưu ý là bọn công an rất hành hung, hành hung những người gầy gò ốm yếu mà tôi một bà già 82 tuổi phải xót thương và kêu nhân dân vào cứu những người bị công an đàn áp. Nó đánh ghê quá, đúng là cách làm ăn của những kẻ không biết nhục, khi biển đảo đã mất hết rồi. Bao nhiêu gây hấn của Trung Quốc đều bị chúng nó lờ đi, không dám đưa ra công khai cho nhân dân biết».

Được hỏi vì sao chính phủ Việt nam không cho dân phản đối Trung Quốc, bà Lê Hiền Đức nhận định:

Bà Lê Hiền Đức - Hà Nội - 09/12/2012-2

09/12/2012

Nghe (00:15)

clip_image004[1]

«Tôi thấy người dân vô cùng căm phẫn trước hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng một số bọn cầm quyền nó đã bán đất bán biển cho Trung Quốc, cho nên nó đàn áp biểu tình».

Một nhân chứng khác là anh Lê Dũng, theo dõi cuộc biểu tình từ sáng cho đến tận trại Lộc Hà, nhận xét như sau về cung cách của công an Việt Nam mà anh gọi là «rất côn đồ».

Blogger Lê Dũng - Hà Nội - 09/12/2012

09/12/2012

Nghe (01:17)

clip_image004[2]

«…Tôi đến Tràng Thi, nhưng đến đấy thì một xe áo xanh, một xe băng đỏ và không băng đỏ xông vào bắt vài chục người trước mặt lãnh đạo công an Hà Nội. Có lãnh đạo còn vẫy vẫy tôi kêu «ông kia ông kia» xuống xe, nhưng tôi muốn lên xe để xem họ làm cái gì với mọi người. Theo nhận xét của tôi thì họ tỏ rõ thái độ gần như không quan tâm đến pháp luật. Họ cố tình bằng được giải tán biểu tình. Họ không có cái lý gì cả. Cái thái độ xem thường pháp luật càng được thể hiện rõ,thậm chí sang đến trại này, họ còn hành hung, cử ba bốn công an xốc nách một người… túm tóc, lật đầu, có thái độ rất côn đồ. Có nhiều nhà văn, nhà báo ở đây thì tất cả chuyện này sẽ lên công luận ngay. Bây giờ chung quanh tôi có 5 -7 chục côn đồ gây sự với bà con. Có công an thường phục thuê cả «giang hồ» gây sự với người biểu tình vừa ra khỏi cổng trại».

Lực lượng an ninh cũng phá vỡ một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tương tự tại Sài Gòn quy tụ được hàng trăm người, tập hợp tại Nhà hát lớn ngay trung tâm thành phố.

Trả lời câu hỏi của RFI, ông Huỳnh Tấn Mẫm đã nêu bật tâm trạng bức xúc của ông trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và kể lại diễn tiến cuộc "mít tinh" ngay trong Nhà hát Thành phố:

Ông Huỳnh Tấn Mẫm - Saigon

09/12/2012

by Thụy My

Nghe (01:41)

clip_image004[3]

«Thật ra cũng vì bức xúc trước cái hành động xâm lấn ngày càng lộ liễu của nhà cầm quyền Trung Quốc, nên các anh em cùng nộp đơn yêu cầu; nhưng Thành phố chưa trả lời, hoặc là trả lời một cách dứt khoát là lúc này chưa cần thiết. Tuy nhiên số anh chị em mình rất là nóng lòng biểu lộ tinh thần yêu nước, cho nên đã họp lại. Nhất là những anh chị em phong trào sinh viên cũ cũng là nòng cốt để họp nhóm anh chị em thanh niên sinh viên, rồi kéo nhau đi biểu tình để biểu lộ lòng yêu nước của mình.

Tất nhiên là chính quyền thành phố cũng có ngăn chận ở các nẻo đường tiến tới Nhà hát lớn, nhưng cũng không phải là nặng nề như lần trước. Lần trước thì có va chạm giữa công an với người biểu tình, nhưng hôm nay do biết trước cho nên việc ngăn chận cũng vừa phải, chứ không phải là gay gắt, áp đảo như trước đây.

Do đó anh em tiến vào sân trước của Nhà hát lớn cũng dễ dàng. Và khi vào trong thì anh chị em sinh viên cũng hô những khẩu hiệu như: «Đả đảo nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lấn Việt Nam!», «Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam»… và những khẩu hiệu khác, nằm trong yêu cầu của mình là chống Trung Quốc, không có gì ngoài các khẩu hiệu đó. Cho nên có lẽ là họ chẳng đặng đừng phải chấp nhận việc hô khẩu hiệu của các bạn. Sau một lúc hô khẩu hiệu rồi ca hát xong thì giải tán. Mà giải tán cũng trong vòng trật tự chứ không có vấn đề gì xô xát giữa các anh em giữ trật tự với người biểu tình».

Đây là lần hiếm hoi mà biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ngoài Biển Đông diễn ra được tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau hai lần vào năm ngoái, các cố gắng biểu tình sau đó đều đã bị lực lượng an ninh ngăn chặn từ trong trứng nước. Lần này, biện pháp ngăn chặn cũng được thực hiện, nhắm vào 5 nhân vật chủ chốt đã lên tiếng kêu gọi mít tinh: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Hồ Ngọc Nhuận và giáo sư Tương Lai.

Anh Cao Lập, cựu tù Côn Đảo trước năm 1975, một trong số 42 người từng ký vào bức thư công bố hồi tháng 7 vừa qua, xác định sẽ biểu tình nếu Trung Quốc tiếp tục ngang ngược, đã kể lại chi tiết cách thức lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản biểu tình lần này.

Ông Cao Lập - Saigon

09/12/2012

by Thụy My

Nghe (02:52)

clip_image004[4]

«Sáng nay vào khoảng 5 giờ thì tôi nhận được tin nhắn của anh Lê Hiếu Đằng. Anh Đằng nói là những người có trách nhiệm họ đã bao vây quanh nhà anh rồi. Khoảng 5 giờ 30, mặc quần áo xong tôi bước ra khỏi nhà, tôi tính đi sớm hơn các lần trước - những lần trước thì thường thường khoảng sáu giờ mấy họ mới có mặt. Năm giờ rưỡi tôi bước ra ngoài con hẻm trước nhà, đi một vòng thì tôi thấy họ rải rác cũng khoảng mười mấy người.

Tôi lại vào trong nhà thì khoảng sáu giờ sáng, có một anh là cựu công an của quận 5, chức trung tá, và một cô trước đây cũng làm trong quận 5. Họ nhân danh là những người đã từng công tác chung với tôi, vì trước đây tôi làm việc cho quận 5 cũng 15 năm, và những người này tôi có biết. Họ vào với lý do là quen biết, từng làm việc chung với tôi ngày xưa, thành ra họ khuyên can tôi bằng những lập luận như là rô-bốt vậy thôi. Họ cũng nói là phải giữ ổn định chính trị, việc này đã có Đảng và Nhà nước lo rồi, yêu nước không phải là đi biểu tình, và Nhà nước này không phải là không yêu nước, vân vân.

Cái anh công an này giọng của ảnh hơi lớn tiếng, tôi sợ ảnh hưởng đến khu phố nên tôi nói, thôi anh vào nhà nói chuyện. Rồi cô kia cũng vào nhà và ngồi đó dây dưa. Mục đích là nói thẳng với tôi rằng, nếu anh ra, chúng em đã được lệnh rồi, anh bước ra khỏi con hẻm này là em bắt anh ngay. Và tôi nhìn chung quanh thấy cũng mười mấy người, thành ra tôi biết chắc chắn là tôi cũng không làm gì được. Hồi lâu, tôi mời họ ra, nói để tôi đi nghỉ.

Tôi có suy nghĩ là họ không cho mình đi, thì tôi ở nhà viết những khẩu hiệu. Chẳng hạn «Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam», «Cực lực phản đối những hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc», tôi dán trong nhà và sau đó đem ra dán trước cửa nhà. Lúc bấy giờ bắt đầu trời đã sáng lên rồi, nhiều người đi qua lại, thì đó cũng là một cách bày tỏ thái độ của tôi đối với việc nhà cầm quyền Trung Quốc vừa qua đã gây những chuyện khuất tất và ngang ngược.

Thưa anh, còn các anh khác thì sao?

Sau đó thì tôi cũng có liên lạc và nhận được tin là anh Lê Hiếu Đằng đã bị khóa cửa. Tại vì nhà anh Đằng có hai cái cửa, một cửa phía sau đã bị khóa lại, cửa trước thì họ canh rồi. Anh Lê Công Giàu có nhắn tin cho tôi là «Tôi gặp khó khăn». Anh Tương Lai tôi cũng có liên lạc thì nghe nói lại là anh đi ra đón xe taxi, và hình như là có ông Tống Văn Công cũng đi nữa, sau đó bị chặn rồi đưa vào công an phường, rồi đưa anh về nhà. Anh Hồ Ngọc Nhuận thì cũng bị vậy thôi. Anh cũng đã có thông báo lại cho anh em biết, là họ cũng nhân danh là công an quận, phường này nọ tới thăm anh, với tư cách đó để ngăn cản không cho anh Hồ Ngọc Nhuận đi. Đó là những thông tin về những người mà tôi có biết».

Hai cuộc biểu tình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào hôm nay, đã được các nhân sĩ, trí thức kêu gọi trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các động thái hù dọa nhắm vào Việt Nam, mà gần đây nhất là việc đòi hỏi Việt Nam phải chấm dứt khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ, sau khi cho tàu đánh cá xông vào cắt đứt cáp tàu thăm dò dầu khi của Việt Nam.

Trước đó tỉnh Hải Nam Trung Quốc cũng ban hành quyết định cho phép công an biên phòng chặn giữ tàu thuyền ngoại quốc tiến vào Biển Đông kể từ đầu năm tới, và không ngần ngại tuyên bố công khai là tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam là đối tượng đầu tiên của quyết định này.

Chính thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông đã làm dư luận người dân Việt Nam phẫn nộ, sẵn sàng xuống đường biểu tình phản đối, bất chấp thái độ chần chừ của chính quyền, được cho là e ngại sự cố ngoại giao xảy ra với Trung Quốc.

T.M.T.N.T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn