Để thay thế một bản báo cáo gửi bạn bè

Hồ Cương Quyết, André Menras

Nguyễn Ngọc Giao dịch

clip_image002Vì mẹ già của tôi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tôi phải khẩn cấp trở về Pháp trước ngày dự định. Thành ra chuyến này tôi chỉ ở Việt Nam được hai tuần, trong đó 11 ngày đi trong phái đoàn những bạn bè quốc tế tham dự lễ kỷ niệm chính thức 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris. Song, mục đích thực sự (đối với tôi) của chuyến đi này đã được thực hiện: nhiệm vụ mà hàng trăm bạn bè và Việt Kiều ở Châu Âu, hàng chục đồng bào ở Thành phố Hồ Chí Minh (gia đình người bạn tôi là chị Trần Tố Nga) và bạn bè của họ ở Úc và Mỹ đã hoàn thành. Trong dịp tết, tôi đã thay mặt họ, trao 385 triệu đồng cho 50 gia đình ngư dân Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi), 30 học bổng (sáu tháng) cho con em ngư dân nghèo. Thông điệp mà các bạn ấy gửi về không thể rõ ràng và thắm thiết hơn: «Bà con ngư dân! Bà con không cô đơn, chúng tôi ở bên cạnh bà con. Bà con hãy bám biển, bám đảo, hãy tiếp tục chiến đấu vì gia đình, vì quê hương, Tổ quốc. Chúng tôi rất tự hào vì bà con». Nhiều tờ báo chính thức, trong đó có những tờ rất chính thức, đã đưa tin về chuyến đi thăm ngư dân của tôi với tư cách «người đưa thư». Các bạn đã quyên góp hẳn sẽ hài lòng trước tiếng vang của báo chí. Điều đó có nghĩa là đóng góp vật chất và tinh thần của các bạn đã được chính thức thừa nhận và biểu dương, bất luận vị trí xã hội, tín ngưỡng và chính trị của người đóng góp. Nói rõ hơn: việc làm của chúng ta đã được đón nhận, và chính quyền mặc nhiên thừa nhận đó là một hành động nhân đạo và yêu nước. Đối với tôi, đó là điều cơ bản và khích lệ.

Tất nhiên, trong bản giao hưởng ấy, cũng có những nốt nhạc không hay. Trong khi các gia đình và các cháu không giấu nổi niềm vui và đôi khi những giọt nước mắt, thì trong giới chính quyền, đặc biệt ở Lý Sơn, có người không tích cực cho lắm đối với tôi. Tôi đã trao đổi với một nhà báo và nhà báo này đã chuyển cho Anh Ba Sàm cái email nói tới một cái va-li suýt nữa đã biến mất trong đám đông trên chuyến tàu đi từ Sa Kỳ ra Lý Sơn. Chính quyền đã giúp tập hợp nhanh gọn các gia đình tiếp nhận quà tặng, còn ngoài ra, tôi phải tự bươn chải giữa đám đông ngày tết. Giá có một người đi kèm thì hay biết mấy, để bảo đảm an toàn, không phải cho tôi, mà cho số tiền mặt tôi để trong hành lý. Nhưng khi tôi kể cho bà con là trên con tàu cao tốc, suýt nữa tôi bị mất va-li, thì ông chủ tịch huyện Lý Sơn cười nói, hai lần: «Ở đây rất an toàn». Nói đùa chăng? Tôi sợ là không. Tôi vốn ngưỡng mộ những chính khách điềm nhiên khẳng định trái đất không tròn mà vuông. Còn gì bằng nữa, để tôi sẽ nhờ Hoài Linh, chuyên gia kể những chuyện khôi hài được phát âm trên chuyến tàu để giải trí cho hành khách, đề nghị em ta nói về nghệ thuật treo đầu dê bán thịt chó (nguyên văn tiếng Pháp: lấy bong bóng làm đèn lồng).

Nói chuyện nghiêm chỉnh hơn. Trước khi đi, tôi đã gửi thư ngỏ cho chính quyền Quảng Ngãi để nói lên những thỉnh cầu của tôi. Rất mừng là tới nơi, tôi được biết Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn thư hoan nghênh việc trực tiếp giúp đỡ các gia đình ngư dân và chỉ thị cho Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ nghề cá và chính quyền cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện tổ chức cấp phát trực tiếp và công khai cho các gia đình. Theo yêu cầu của tôi, Ủy ban tỉnh đã chỉ thị cho Sở Ngoại vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức một buổi làm việc với tôi, để thảo luận về những đề nghị hợp tác mà tôi chuyển từ những tổ chức và cá nhân ở Châu Âu. Cuộc họp đã được tổ chức nhanh gọn với những giới chức hữu quan, cũng là những người tôi quen từ những lần trước. Hai đề nghị bị gạt ra, một là xây dựng một quạt gió để cung cấp điện cho một trăm hộ cư dân trên đảo, hai là đặt máy chế biến nước biển thành nước ngọt, vì, theo lời các giới chức: dự án cung cấp điện từ đất liền ra đảo bằng cáp ngầm sắp được thực hiện; một công ti Hàn Quốc đã triển khai thiết bị cung cấp nước ngọt, thiết bị này được đánh giá là hiệu lực. Như thế là vấn đề nước ngọt cho Lý Sơn không đặt ra nữa, mặc dầu trong suốt một giờ trên đảo, tôi đã thấy bà con đi đi về từ nhà tới «Giếng Vua» lấy nước, và thấy cái giếng nổi tiếng đã gần cạn… Trái lại, các cán bộ phụ trách không loại trừ đề nghị giúp xử lý rác (rác đang đe dọa nặng nề môi trường sinh thái, đe dọa ô nhiễm nguồn nước của Lý Sơn). Còn thực hiện cụ thể ra sao, thì chưa bàn. Có lẽ chúng ta sẽ có dịp thảo luận trong một lần sau.

Dự án mà tôi quan tâm nhất là hiện đại hóa đội thuyền đánh cá để bảo đảm an toàn cho ngư dân đối với bão tố và các hành động gây hấn của nước ngoài, và góp phần phát triển kinh tế vùng ven biển. Mục tiêu dự án là từng bước trang bị cho đội ngư dân những tàu đánh cá vỏ thép có mã lực lớn. Các cán bộ tỉnh đã đưa ra một đề nghị nguyên tắc, còn việc thực hiện cần phải bàn thêm với chính quyền về tính khả thi trước khi công bố và tiến hành cuộc vận động.

Phải nói là tôi rất hứng thú với triển vọng và ý nghĩa của đề nghị này, vì nó vừa phù hợp với dự án hiện đại hóa đội thuyền đánh cá mà Chính phủ đưa ra từ một năm nay, vừa nằm trong mục đích của phong trào đoàn kết và yêu nước của kiều bào và bạn bè nước ngoài là nhằm giúp ngư dân đi khơi bám chặt vùng biển truyền thống trong điều kiện an toàn hơn, và đồng thời, bằng sự có mặt của mình, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển đảo. Sau Tết, chúng ta sẽ bắt tay vào việc, mang lại cho dự án này một chiều kích quốc tế. Xin hẹn với các bạn là chúng ta sẽ trao đổi qua internet. Tôi hy vọng cuộc trao đổi này sẽ mang lại kết quả.

Ngoài dự án này ra, thông qua các bạn ngư dân, tôi đã tiếp xúc với nữ Hiệu trưởng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bình Châu, để Secours Populaire Français (Cứu trợ Bình dân Pháp), một tổ chức nhân đạo lớn đã có truyền thống đoàn kết với Việt Nam, có thể triển khai một dự án đoàn kết lâu bền hướng về trẻ em nghèo của xã Bình Châu. Cũng phải ghi nhận một điểm tiêu cực là tôi không tranh thủ được sự đồng ý của quan chức giáo dục huyện Lý Sơn về nguyên tắc việc trao đổi tranh vẽ giữa học sinh Trường tiểu học Lý Sơn với học sinh một trường tiểu học ở thành phố Béziers của tôi (trao đổi qua bưu điện, mỗi năm ba lần). Phía Pháp nhận trang trải toàn bộ bưu phí trao đổi của hai bên, nhưng đối với ông cán bộ này, chắc vấn đề hơi bị «nhạy cảm», nên hẹn sẽ trả lời trong vòng 7 tháng nữa, nghĩa là đợi đến ngày tựu trường niên học sau! Tôi mong rằng cuộc trao đổi tranh vẽ sẽ được thực hiện với Trường tiểu học Bình Châu vì tại đây, tôi có thấy trong giới chính quyền nhiều dấu hiệu hợp tác, hữu nghị hơn là dấu hiệu quan liêu co cụm…

Trong cuộc hành trình đơn độc lần này, đôi khi gặp phải sự thờ ơ lãnh cảm, tôi thường nghĩ tới em bé gái ở Cheb (Cộng hòa Séc), đã rụt rè trao tặng tôi bức tranh vẽ đẹp này. Bức tranh (có lỗi chính tả « eat » rất có ý nghĩa) minh họa bài viết này, nói lên tấm lòng yêu nước và sự tỉnh táo của tuổi trẻ lưu vong. Với dòng chữ viết ở mặt sau: «Kính tặng đồng bào quả cảm tại quê nhà». Tôi cũng thường nghĩ tới những người đã hướng dẫn tôi trong các cuộc nói chuyện về biển đảo – rất xa mà rất gần – tại các chợ Việt Nam nhiều khi ở rất xa trung tâm thành phố, nơi kiều bào tần tảo bán áo quần và vật dụng, dưới những mái lều lộng gió, trong băng giá mùa đông. Tôi nhớ như in những cuộc chuyện trò ấm lòng, đôi môi và bàn tay cóng lạnh, nhưng ánh mắt say mê, buồn vui lẫn lộn. Giữa chúng tôi, có một dòng điện đồng cảm, dường như chúng tôi quen nhau không biết từ bao giờ… Cảm ơn các bạn Tường, Long, Ánh, Nga và Hoa (hai «con phe» đã dẫn đường cho tôi trong gió lạnh ở Folmava), Ngọc, Trung, Phong (và món chả cá Lã Vọng tuyệt vời); cảm ơn các bạn ở chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Nurnberg; cảm ơn tất cả những người bạn mà tôi không thể kể tên ở đây, những người đã đón tiếp tôi như người nhà. Tôi sẽ không bao giờ quên nhiệt tình và hảo tâm của các bạn. Và, bao giờ cũng có mặt trái mà chúng ta không nên che đậy, tôi cũng không quên vị Chủ tịch cộng đồng Erfurt đã đích thân xé bỏ tấm áp phích mời tới xem cuốn phim của tôi và dán thông báo kêu gọi kiều bào đừng đóng góp giúp đỡ ngư dân.

Khi tôi phải rời Lý Sơn để vội vã về Pháp trong âu lo, thì sân bay Chu Lai đã dành cho tôi một bất ngờ lý thú. Khi tôi đăng ký hành lý, mấy nhân viên trẻ đứng ở quầy, thấy lạ khi đọc tên tôi, đã bắt chuyện. Và tôi được biết tên họ của cô gái trong mấy bạn trẻ ấy: Nguyễn Thị Hoàng Sa! Cái tên đẹp quá! Chẳng phải định mệnh đã nheo mắt cười với chúng ta đó sao?

A.M.H.C.Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn