TKV ngưng kế hoạch xây cảng Kê Gà

Văn Nam

clip_image001

Dự án xây dựng cảng Kê Gà đã ngừng triển khai - Ảnh minh họa: Bình Nguyên

(TBKTSG Online) - Sau nhiều lần dự định khởi công, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cuối cùng đã ngừng triển khai kế hoạch xây dựng cảng nước sâu tại khu vực Kê Gà thuộc tỉnh Bình Thuận.

Thông tin trên được ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (20-2). Ông Chiều cho rằng TKV nhận định việc xây cảng nước sâu tại Kê Gà trong thời điểm hiện nay là không phù hợp về kỹ thuật, không hiệu quả về kinh tế.

Ông Chiều cũng cho biết thêm TKV đang cân nhắc một trong các vị trí mới để xây cảng trên tại khu vực cảng Vĩnh Tân để tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Được biết, cảng Vĩnh Tân cách Kê Gà gần 120 km.

Theo ông Chiều, tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng cảng Kê Gà giai đoạn đầu khoảng 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về kinh tế chung như hiện nay thì việc xây cảng tại khu vực Kê Gà đã không hợp lý cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, lãng phí tài sản.

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay, một nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết TKV đã "chấm" một số điểm khác thay thế vị trí Kê Gà để xây cảng, trong đó có việc mở rộng cảng Vĩnh Tân để vận chuyển xuất khẩu alumin, đồng thời cảng này cũng tiếp nhận than cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Với việc chọn phương án mở rộng cảng Vĩnh Tân, TKV sẽ không bỏ tiền đầu tư làm đường sắt, đường nội bộ vận chuyển alumin, xây kè chắn sóng với số tiền gần 4.000 tỉ đồng… như tại khu vực Kê Gà nhưng chỉ phục vụ “một chiều” cho xuất khẩu alumin.

Sau khi tính toán lại các chỉ số về cự ly, chi phí vận chuyển, sản lượng hàng qua cảng, chi phí nạo vét cảng hàng năm, tuyển dụng công nhân… thì TKV thiên về phương án chọn việc mở rộng Cảng Vĩnh Tân để kết hợp vận chuyển alumin bên cạnh nhập khẩu than cho nhiệt điện.

Nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thì vị trí cảng Kê Gà vẫn còn đó. UBND tỉnh sẽ chờ Thủ tướng Chính phủ có văn bản quyết định cuối cùng về việc ngưng xây cảng Kê Gà, sau đó tỉnh sẽ mời các chủ đầu tư các dự án resort bị ảnh hưởng bởi dự án cảng lên thông báo hướng giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư các dự án resort.

Trước đó, 12 dự án resort nằm trong khu vực xây cảng Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam đã phải dừng triển khai, nhường đất cho dự án xây cảng.

Theo tính toán trước đây của TKV, tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn dự án cảng Kê Gà tăng lên khoảng 20.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ đô la Mỹ), tăng khá nhiều so với dự kiến vốn ban đầu khoảng 700 triệu đô la Mỹ.

Riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.100 tỉ đồng. Công suất bốc dỡ giai đoạn 1 sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm, gồm 3 bến cảng như bến xuất, bến nhập hàng hóa và một bến dành để bốc dỡ xuất khẩu alumin, các tuyến kè và một phần đê chắn sóng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn/năm.

Do sức ép phải có cảng nước sâu để xuất khẩu alumin khai thác tại Tây Nguyên, đầu năm 2010, lãnh đạo của TKV cũng đã nhiều lần khẳng định với báo giới sẽ khởi công dự án năm 2010, tuy nhiên không thể khởi công do còn phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng 12 dự án du lịch trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

V.N.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Cảng Kê Gà dang dở trách nhiệm vẫn bỏ ngỏ

Dự án xây dựng cảng nước sâu Kê Gà đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều ngay từ khi khởi động, vậy nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn cứ vội vàng tiến hành. Hậu quả là dự án phải ngừng thực hiện một cách dang dở kèm theo đó là những gánh nặng về môi trường, sự phát triển kinh tế địa phương cũng như món nợ hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên người chịu trách nhiệm cho những tổn thất này vẫn chưa được chỉ rõ.

clip_image001[4]

Vùng biển Hàm Thuận Nam, nơi triển khai xây dựng dự án cảng Kê Gà

Năm 2007, Chính phủ đồng ý xây dựng cảng nước sâu Kê Gà để phục vụ cho nhà máy bauxite ở tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông. UBND tỉnh Bình Thuận lập tức thông báo thu hồi giấy phép và đất đã cấp cho 12 nhà đầu tư du lịch, nhằm lấy mặt bằng giao cho Tập đoàn Than – Khoáng sản VN (Vinacomin) để xây dựng cảng Kê Gà. Trước đó, theo lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận, 12 nhà đầu tư này đã chi gần 1.000 tỉ đồng để xây dựng hàng loạt khu du lịch sinh thái cao cấp tại mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam. Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận đã khiến cho 12 nhà đầu tư du lịch tại đây bỗng chốc lâm vào tình trạng phá sản.

Phải đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ mới có công văn đồng ý chủ trương thu hồi đất xây cảng Kê Gà. Năm 2012, dự án cảng Kê Gà được dự tính vốn đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD), nhưng đến nay Vinacomin mới chuyển vào dự án này hơn 4 tỉ đồng để đền bù cho chủ đầu tư du lịch.

Dự án Kê Gà đã trở thành một mớ bòng bong. Vinacomin khi đang gặp rắc rối lớn về tài chính (nợ 71.000 tỉ đồng) nên không thể khởi công được dự án mặc dù đã 4 lần chuẩn bị; UBND tỉnh Bình Thuận thì “loay hoay” trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 nhà đầu tư du lịch; còn hàng loạt khu resort cao cấp của những nhà đầu tư trên buộc phải đập phá, bỏ hoang trong suốt hơn 5 năm qua… Bên cạnh đó, các chuyên gia khoa học cũng lên tiếng “phản đối” dự án này vì cho rằng dự án Kê Gà, đường sắt và bauxite Tây Nguyên là không khả thi, không mang lại hiệu quả. Theo Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, vùng biển Kê Gà là “biển chết”, rất nguy hiểm, không phù hợp xây dựng cảng về mặt địa lý lẫn về thủy văn…

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bình Thuận vào tháng 12/2012, ông Lê Tiến Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã cảnh báo nguy cơ khó khởi công dự án cảng Kê Gà trong năm 2013. Trước đó, ông Phương cũng thừa nhận:  “việc hình thành dự án cảng Kê Gà chưa được chủ đầu tư tính toán một cách kỹ lưỡng”. Tại  buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vào ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức tuyên bố “ngừng xây dựng cảng nước sâu Kê Gà”, do phương án xây dựng cảng “không mang lại hiệu quả”.

Vậy là dự án nghìn tỉ đồng đã chính thức ngừng xây dựng, nhưng hệ lụy mà nó để lại thì quá lớn. Trong suốt 5 năm qua, bao nhiêu cơ hội đã bị bỏ lỡ, thiệt hại, nợ nần chồng chất. Chưa biết sẽ có ai “thở phào nhẹ nhõm” khi dự án này bị hủy bỏ, chỉ biết chắc chắn rằng, chính quyền tỉnh Bình Thuận, Vinacomin và 12 nhà đầu tư du lịch sẽ còn tốn nhiều công sức để giải quyết “gánh nặng” này.

T.L.

Nguồn: baomoi.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn