Nghĩ về hai chữ vai trò

Nguyễn Khắc Mai

Gần đây hai chữ “vai trò” được nói tới rất nhiều. Tuy thế ý nghĩa của nó thế nào cũng nên bàn. Chẳng phải vì muốn chẻ tóc làm tư, mà là muốn học theo Trần Nhân Tông, khi người nói trong bài phú Cư trần lạc đạo: “Cùng nơi ngôn cú”. Nghĩa là việc chữ nghĩa, tư duy, nhận thức, lý luận thì cái chỗ dừng lại của nó là cố gắng đến tận cùng.

“Vai trò” là chữ ban đầu dùng trong sân khấu, chỉ về những vai trong một trò diễn. Về sau, nó được dùng để chỉ một hành vi chức năng nào đó của một người, một cộng đồng, một thực thể. Ví dụ vai trò cái cây trong vườn, nó có tàng xanh, cho bóng mát, cho vẻ đẹp, cho ốc xy, cho hoa trái… Như thế, nó có vai trò kép, đa dạng, khi thế này, khi thế khác, không cố định. Lại có lúc thể hiện vai trò nào đó tốt hay không tốt. Con người cũng thế. Như một người có vai trò làm cha thì vai trò ấy thể hiện rất khác nhau trong suốt cuộc đời một người con. Ban đầu là vai trò sinh thành, rồi nuôi dưỡng, rồi giáo dục, tạo công ăn việc làm… Mà có khi những thể hiện khác nhau của vai trò làm người cha không phải lúc nào cũng tử tế tốt đẹp. Có những người cha giàu có, quyền thế cho con sung túc nhưng không cho con được giáo dục nên người!

Như Đảng ta. Lúc còn ở thế đối lập, đang đấu tranh giành độc lập tự do cho dân nước thì nhiều anh hùng dũng cảm dân chủ thân dân; khi bắt đầu giành được quyền lãnh đạo thì bắt đầu lộ ra những dấu hiệu tha hóa mà chính cụ Hồ đã bắt quả tang nên đã cảnh tỉnh răn bảo. Thậm chí còn bảo chớ dán nhãn cộng sản lên trán! Hòa bình mới lập lại vào 1954 thì răm rắp tuân theo chỉ thị của Staline, của Mao Chủ tịch. Đến mức khẳng định ai chứ hai đồng chí ấy thì chắc chắn là không thể sai lầm! Thực tế thì làm theo hai ông ấy đã dẫn đến sai lầm lịch sử rất nặng nề. Cái vai trò đổi mới đã khắc phục được một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng mấy chục năm qua, cái vai trò của Đảng lại được thể hiện cụ thể ở những sai lầm yếu kém với một năng lực và đạo đức suy đồi của một bộ phận không nhỏ của cán bộ đảng viên trong hệ thống cầm quyền. Đó là một sự thật quá đau lòng. Mấy chục năm qua Hiến pháp đã giao cho Đảng vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Nhưng từ khi bắt đầu thì Đất Nước ta ngang hàng với khu vực, đến nay chúng ta ngày càng tụt hậu xa so với khu vực. Nước ta không kém về tài nguyên, không kém về truyền thống văn hóa, không kém về tố chất con người. Thì cái gì khiến ta lạc hậu trì trệ kéo dài, xã hội rối loạn về thang giá trị, con người thì nhiều biểu hiện suy đồi đạo đức, bao nhiêu năm không hình thành nổi một đội ngũ công chức có đủ năng lực, tài trí và đức hạnh để làm được thiên chức bà đỡ cho xã hội mới. Trái lại, nó đang góp phần từng ngày làm tha hóa xã hội.

Phải tìm thấy những biểu hiện cụ thể về vai trò như thế thì chúng ta mới có quyết tâm chỉnh đốn từ một vai trò yếu kém, lạc hậu, tiêu cực và hư hỏng cũ kỹ chuyển thành một vai trò tiên phong tích cực, có thể làm lực lượng mở đường cho dân chủ cho tiến bộ, cho Đạo đức và Văn minh. Mấy chữ ‘hư hỏng, cũ kỹ” và “đạo đức văn minh” chính là chữ của cụ Hồ nói trước lúc ra đi. Người xưa nói: “Con chim trước lúc chết, tiếng kêu bi thương. Con người trước lúc mất lời nói thiện lành”. Đảng phải chuyển vai trò từ hư hỏng cũ kỹ thành văn minh và đạo đức. Không thể cứ như đười ươi giữ ống khư khư giữ mãi một thứ vai trò cũ kỹ và hư hỏng.

Cụ Hồ trong di chúc còn tha thiết nói: “Cần một cuộc chiến chống lại những hư hỏng cũ kỹ”. Lỗ Tấn nói hy vọng cũng như con đường, chưa có đường thì đi mãi rồi thành đường”. Có hy vọng ở con đường phía trước chăng? Những tiêu cực của Đảng mới là sự phủ định cái vai trò hiện thực của Đảng.

N. K. M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn