Từ thống nhất lãnh thổ đến thống nhất quyền lực

Đức Thành

Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập trong bối cảnh dân tộc đang bị kìm kẹp dưới hai tầng áp bức của thực dân và phong kiến, còn thế giới thì lâm vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất . Thời kỳ này Đảng đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân tộc, của đất nước là làm sao thoát khỏi ách thực dân phong kiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thực hiện chính sách người cày có ruộng. Nắm bắt được cơ hội sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai chúng ta đã hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, mà kết quả là Cách mạng tháng 8 thành công và hình thành nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên tại Đông Nam Á.

Khi đất nước bị chia cắt thành hai miền bởi ảnh hưởng của hai ý thức hệ cộng sản và tư bản đối kháng lẫn nhau, Đảng cộng sản VN đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và hoàn thành thống nhất về mặt lãnh thổ vào mùa xuân 1975.

“Thu non sông về một mối”, đó mới chỉ là thuật ngữ mang tính chính trị. Còn thực tế và trong khoa học pháp lý thì khái niệm “nhà nước thống nhất” (về mặt lãnh thổ) đã được đảm bảo chưa khi mà các quần đảo, vùng biển của ta đang bị bạn bè anh em đồng chí của Đảng cộng sản VN chiếm giữ trái phép? Nhân dân ta đã thực sự được tự do ra khơi vào lộng trong vùng biển của mình? Ta đã thực sự thống nhất về lãnh thổ chưa khi mà sự toàn vẹn lãnh thổ chưa hề được Đảng, Nhà nước đặt ra, nhất là giai đoạn hiện nay Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm độc chiếm biển Đông?

Nói như vậy để thấy rằng nhiệm vụ của dân tộc ta hiện nay, trong trước mắt và cả lâu dài là làm sao để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ “thu non sông về một mối”, không để kẻ thù hay bạn bè đồng chí của ai đó chiếm giữ biển đảo trái phép của ta vô thời hạn được.

Trong bối cảnh như thế chỉ còn có cách quay về như cha ông ta đã làm là phát huy mọi sức mạnh dân tộc để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, cũng như vận dụng tri thức tiên tiến, hiệu quả mà thế giới đã và đang làm để góp phần đưa đất nước đến thực sự giàu mạnh, tự do, ấm no, hạnh phúc, dân chủ văn minh.

Tiếc thay những người cầm quyền hiện nay vì một lý do nào đó không hướng nhân dân đến việc làm rõ sự thống nhất lãnh thổ mà họ đang ra sức phù phép hướng dân tộc, đất nước chấp nhận việc thống nhất quyền lực về tay họ. Họ đang ra sức cổ súy cho thứ quyền lực thống nhất mà họ luôn ở thế thượng phong lãnh đạo toàn diện còn hậu quả của nó như thế nào thì dân tộc đất nước này đang gánh chịu.

Để cổ súy cho thứ quyền lực thống nhất, người ta đang xóa nhòa các mâu thuẫn giai cấp đối kháng nhau, như giai cấp tư bản trước đây bị coi là giai cấp bóc lột thì nay trở thành người bạn đồng hành cùng giai cấp vô sản; Đảng viên cộng sản được cho phép kinh doanh (làm tư bản) và đã xuất hiện một tầng lớp “tư bản đỏ”. Trong đội ngũ cán bộ cũng bắt đầu xuất hiện một thế hệ “thái tử đảng” dần dần nắm giữ triều chính.

Có ý kiến còn suy luận thống nhất quyền lực là đoàn kết tập trung tại Quốc hội vì Quốc hội là đại diện cao nhất về quyền lực và được Hiến pháp thừa nhận “là cơ quan quyền lực cao nhất” nhưng ai cũng hiểu ở đó có tới 90% ông nghị bà nghị là người của Đảng cộng sản.

Các luật gia, các nhà khoa học có tâm huyết đã chỉ ra vấn đề quyền lực nhà nước thống nhất là một vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc cần phải nghiên cứu, phân tích một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ về phạm vi mức độ của thống nhất quyền lực, các khiếm khuyết, ưu nhược điểm của sự thống nhất quyền này so với thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu. Vì sao các nước phát triển trên thế giới lại chỉ theo mô hình tam quyền phân lập của Montesquieu trong phân chia quyền lực nhà nước và vì sao các nước Liên Xô, Đông Âu lại từ bỏ nguyên tắc quyền lực tập trung?

Tóm lại khái niệm thống nhất lãnh thổ và thống nhất quyền lực hiện nay cần phải được nghiên cứu trao đổi, làm rõ hơn nữa về các khái niệm này, đặc biệt là thời gian từ nay đến khi Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua. Chỉ khi được nghiên cứu kỹ càng, được đánh giá đầy đủ toàn diện, khách quan vì dân tộc có tính đến yếu tố thời đại và được phổ biến rộng rãi đến mọi người dân để nhân dân có quyền lựa chọn Hiến pháp thì khi ấy Hiến pháp mới thực sự phù hợp với lòng dân.

Đ.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn