Đôi điều về minh triết Các Mác hay những nghịch lý “cộng sản”

Nguyễn Khắc Mai

Hegel nói: Những gì tồn tại đều có tính hợp lý, hay trong tồn tại đều có tính hợp lý của chúng. Cái gọi là chủ nghĩa “cộng sản” có gì là hợp lý? Chúng tôi cho rằng những tư tưởng của Mác và Ăng ghen mà tiệm cận được với chân thiên mỹ đều là những giá trị văn hóa, trong đó có một số giá trị mà chúng tôi gọi là “giá trị minh triết”. Trong một bài viết về giá trị minh triết của Đông Kinh Nghĩa Thục chúng tôi thử đưa ra cách hiểu Minh triết như sau: “Minh triết là những tư tưởng và rộng hơn là những giá trị văn hóa có tính khái quát và phổ quát, ý nghĩa rộng, trường tồn, có thể đem ứng dụng cho nhiều hệ thống. Chúng đạt tới tính chấtcủa những gíá trị xã hội và nhân sinh phổ quát. Minh triết tham gia vào đời sống xã hội giống như chất tủy của một sinh vật, ta gọi đó là cốt tủy, là tinh túy của một hệ thống xã hội. Khi nghiên cứu những giá trị minh triết C. Mác, ta sẽ để dàng nhận ra những nghịch lý của nhận thức và hành động của quá trình vận dụng những tư tưởng của Mác.

Trước khi đi vào một số vấn đề cụ thể, tôi xin kể hai chuyện có liên quan ít nhiều tới vấn đề này.

Chuyện thứ nhất. Vào năm 1948 lũ chúng tôi 5 tên Việt minh nhí, tôi, thằng Thanh nay đang ở Sài gòn, thằng Quế nay đang vừa là người Việt vừa là người Mỹ, thằng Nghị đã hi sinh ở chiến khu Dương Hòa, thằng Điền sau này từng là Chủ tịch Hội Sinh viên giải phóng đã hi sinh ở Củ Chi. Vào một chiều đã chạng vạng, chúng tôi gặp nhau ở ngã tư Âm Hồn Huế, sau khi bàn những hành động của nhóm, tự nhiên thằng Điền nêu ra một câu hỏi: Bây giờ chúng mình theo Việt Minh hay theo ‘cộng sản”. Cải nhau một hồi, tôi đưa ra ý kiến. Cộng sản là gì chúng mình không biết. Nhưng Việt Minh đánh Tây giành độc lập ta theo. Cho đến bây giờ những người uyên bác nhất nước ta cũng không thể nói cho rành rọt thế nào là chủ nghĩa cộng sản, huống chi là công nông. Có lần vào năm 1988 tôi được mời tới gặp một vị lãnh đạo của Ban tổ chức TƯ, tôi đã thưa giá trị lớn nhất của đảng là giành độc lập dân tộc, phải cố gắng giữ lấy giá trị này. Còn cái gọi là giá trị XHCN thì đang bị tranh chấp. Mà trong tay chủ nghĩa tư bản là cây kiếm thật, còn trong tay ta là cây kiếm ảo ta tưởng tượng là có kiếm, thế thì ai thua là cái chắc . Bây giờ thì cả giá trị dân tộc yêu nước cũng đang bị thách đố, cũng đang đánh mất.

Vào năm Bính Ngọ, tôi có viết một bài đăng trên Tuổi trẻ Tp HCM nhan đề: Tâm hồn gặp gỡ, kể chuyện Mã Khắc Tư (C. Mác) cởi con ngựa hồng rũ Ân Cách Tư (Ăngghen) cùng đi đến thăm khu những linh hồn Việt, gặp Phan Huy Chú. Hai ông càng đi càng thấy bóng đổ dài trước mặt, vì càng đi về phương Đông mặt trời càng chếch về Tây. Trần Hữu Pháp, một nhà nghiên cứu Hán Nôm bảo với tôi, phương Đông, kinh Dịch gọi là u phương nơi tăm tối vì mặt trời đã đi khỏi. Nhiều năm tôi vẫn tự nhủ tại sao chủ nghĩa Mác không thể thực hiện được ở phương Tây, nó chỉ vào được Nga, rồi Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cu Ba… Có cái gì gọi là hợp lý ở đây? Anh Nguyễn Khắc Viện có lần bảo tôi là do Khổng giáo. Còn Hồ Chí Minh cũng có lần nói xã hội phương Đông rất thuận cho chủ nghĩa Mác! Lý giải vấn đề này cũng thú vị đấy. Thật ra những nước phương Đông này không thực hành tư tưởng minh triết của Mác mà là một thứ chủ nghĩa cộng sản đã chệch hướng theo lăng kính mugich Nga, Tàu, Việt lạc hậu. Đến một lúc nào đó, lúc trà dư tửu hậu sẽ trở lại vấn đề này.

Người ta nghiệm ra rằng một thực thể chứa trong bản thân nó quá nhiều nghịch lý nó không thể tồn tại như là chính nó. Hoặc nó biến thành quái dị, dị dạng, đầy khuyết tật…, hoặc tan rã hũy hoại.

Thử tìm hiểu xem có những nghịch lý nào đã tồn tại trong thực tế với chủ nghĩa “cộng sản”.

Thường khi một thực thể ra đời mà tiên thiên bất túc, nghĩa là cái cơ địa của nó không hoàn chỉnh, nghịch lý chứa đầy trong bản thân nó. Rồi cái hậu thiên của nó càng đầy rẫy những nghịch lý. Những nghịch lý thường được phát hiện bởi nhận thức, có khi là do một trực cảm minh triết. Như trường hợp cụ Nguyễn Hữu Cầu, một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục, ngay sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, cụ đã nói, nền độc lập này vừa giành lại được, ta phải biết bảo vệ bằng những hoạt động tinh thần. Nhưng cụ cũng nhận xét, ngày nay, chúng ta quá Tây, quá Tàu, là những kẻ giáo điều ba rọi, lại còn là đám XHCN cậy quyền! Phần lớn các trường hợp phải qua thực tiễn, đối chiếu, so sánh lý thuyết, thực tế, đặc biệt là chiêm nghiệm từ những thất bại. Vừa rồi tôi đọc được một câu, nói là của Khổng tử: Có ba cách học được “minh triết”. Thứ nhất từ thần hứng (trực cảm, tâm linh) cách này linh diệu. Thứ hai, học nhờ thầy (bắt chước) cách dễ nhất. Thứ ba qua trải nghiệm, cách đau đớn nhất (By three methods we may learn wisdom: First, by reflection, which is noblest; second, by imitation, which is easiest; and third by experience, which is the bitterest).

1- Nghịch lý thứ nhất: Cái gọi là giá trị minh triết đầu tiên của C. Mác là sự thừa nhận không có chủ nghĩa cộng sản. Hai ông nhiều lần khẳng định điều này (xem Ăngghen trả lời phỏng vấn của K. Heinzen, cũng như bài tựa tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp). Trong bài tựa này Ăng ghen viết: “Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng vứt bỏ nó trong cuối đời”. Trong bài trả lời phỏng vấn K. Heinzen, Ăngghen nói, chúng tôi không coi CNCS là lý tưởng, bởi lý tưởng là từ ý chí chủ quan, nó chỉ là phong trào hành động thực tiễn, những người CS phải lấy thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại làm tiền đề cho chính sách của mình (nôm na là hãy học những bài học văn minh của thế giới mà hành động!). Ông còn cẩn thận chỉ ra rằng thực tế văn minh chứ không phải thực tế lạc hậu, mà phải là của những dân tộc hiện đại chứ không phải của những dân tộc trung bình. Với quan niệm như thế hai ông cũng đã khẳng định không có cách mạng, mà chỉ có tiến hóa mà thôi. Tiến hóa đó mới thật là giá trị minh triết của hai ông.

Thế mà ngay cả tên gọi, chúng ta cũng dịch không chính xác. Trong thuật ngữ Kommunismus không có cái gì là “sản” cả. Nó chỉ có hai từ tố, cộng đồng và chủ nghĩa (commune và ismus). Người Nhật đã dịch là cộng sản rồi Trung Hoa bắt chước và truyền sang Việt Nam. Năm 1988 tôi đã thưa với một vị lãnh đạo BTCTW rằng tên đảng đã dịch sai nên đính chính. Từ ấy phải được hiểu là chủ nghĩa cộng đồng (CNCĐ). Anh Việt Phương còn kể, trước đó vào những năm 60, 70, các anh ấy đã nói với ông Nguyễn Duy Trinh rằng tên đảng dịch sai, trong Tuyên ngôn 1848, có hai phạm trù là cá nhân và cộng đồng. Bọn mình nói vui là nên đặt tên là chủ nghĩa cá cộng.

Tiện thể cũng xin nói qua về cái gọi là chính danh. Khổng tử nói, danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành, lễ nhạc bất hưng, hình phạt bất trúng, dân vô sở thố thủ túc. Câu ấy đã khẳng định tầm quan trọng của chính danh, đến nỗi nếu danh không chính nó sẽ dẫn theo sự rối loạn hệ thống, khiến cho “lời nói không thuận, việc chẳng thành, lễ nhạc (văn hóa đạo đức) không chấn hưng được, luật pháp không còn đúng phép, rốt cuộc dân chúng không biết chỗ nào mà đặt chân tay (sống còn và hành động) (Luận ngữ, thiên Tử Lộ). Sách Lã Thị Xuân Thu, còn bình luận gay gắt hơn: ”Danh chính thì trị, danh mất thì loạn. Kẻ làm cho mất danh, là kẻ nói, chủ trương quá mức. Nói, chủ trương quá mức, tức là biến cái có thể, cái cho phép thành cái không có thể, không cho phép. Cho nên cái phải, biến thành cái không phải, biến cái đúng thành cái không đúng, nên cái sai thành cái không sai… Phàm mọi sự loạn là do hình danh, chế danh không đúng vậy” (xem Chính danh, Từ điển Triết học Trung Quốc, NXB CTQG 2009). Cái tâm thức nào khiến cho cả Trung và Việt đều say mê cái “sản”? Nghiên cứu điều này cũng thú vị và có ích. Thư thả rồi cũng phải làm. Thực ra danh và thực phải đi liền với nhau. Xác định sai cái danh cũng tức là đã làm chệch đi cái thực, khiến cho đúng sai lẫn lộn! Như trên đã nói, thật ra CNCS không thể có đất sống như một “doctrine” [học thuyết] ở Nhật và Nam Hàn. Vì hai nơi này họ đã siêu vào văn minh hậu tư bản chủ nghĩa.

Cũng nên liên hệ một chút cái quan niệm của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh”. Có thể hiểu như sau: Cái Đạo đúng như nó thì không phải là cái Đạo như thường thấy. Cái Danh (sự vật) đúng như nó thì không như cái ta vẫn thường thấy. Cái gọi là CNCS ta thường thấy thì không phải là chính nó. Cái gọi là CNCS là sự hình dung của Mác và Ăng ghen, mà ta thì không phải là hai ông ấy. Hơn nữa cái mà hai ông gọi bằng cái tên như thế thì chính hai ông đã “vứt bỏ “rồi. Huống nữa ta lại chấp nhận cái đã bị dịch sai. Bây giờ thì không còn là một ly, một dặm nữa.

2. Nghịch lý thứ hai: Phát triển tự do cá nhân.

Nhiều người cho rằng giải phóng cá nhân là một hòn đá tảng của lý thuyết Các Mác, với câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn cộng sản: Thay cho những cộng đồng kiểu cũ là cộng đồng kiểu mới, trong đó phát triển tự do cá nhân là tiền đề của phát triển tự do toàn xã hội. Liệu có thể suy luận rằng tâm thức nông dân lạc hậu của những xã hội Nga, Tàu, Việt… đã dị ứng với sự phát triển cá nhân? Chỉ tính từ 1917 đến nay không có bất kỳ một đảng cộng sản cầm quyền nào dù là Nga, Tàu hay Việt đã làm theo chủ thuyết của Mác. Mọi quyền tự do cá nhân của con người, cũng như của công dân đều bị cắt xén gọt rũa cho vừa với chiếc giày chật hẹp của chế độ toàn trị.

Đi đôi với tự do cá nhân là vấn đề Dân Chủ (dân trị hay dân quyền). Mác khẳng định Dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi thể chế nhà nước. Nghĩa là mọi hình thức nhà nước xứng danh là nhà nước thì phải dân chủ. Ở nước ta Hồ Chí Minh cũng nói được rằng, nước ta là nước dân chủ, vì dân là chủ. Vào năm 1967 trước lúc mất hơn một năm tại Hà Tây, HCM từng nói, phải làm cho dân dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ. Dân chủ thật ra là một sáng tạo của nhân loại trong thời hiện đại với nhiều hình thức đã tồn tại hợp lý tại nhiều nước văn minh và hiện đại. Nhưng các đồ đệ của Mác dù ở Nga, Tàu hay Việt đều dị ứng và tránh né nó. Nói gì đến việc thực hành tư tưởng của Mác! Dân chủ, dân quyền là những thách đố của những hệ thống cực quyền, toàn trị, dù là nhà nước hay là trong xã hội dân sự. Xã hội ta luôn trăn trở một câu hỏi, tại sao những hình thức dân chủ mà nhân loại đã sáng tạo ra trong hàng trăm năm qua dân ta cũng không dùng được, hưởng được? Tại sao những hệ thống cầm quyền VN không trở thành lực lượng mở đường cho dân chủ tiến lên, như trong câu hát đầy hứng khởi vào những ngày tháng Tám năm xưa, tiến lên nền dân chủ cộng hòa! Cũng có một nghịch lý là tại miền Nam VN trong thể chế VNCH nhiều quyền dân chủ đã được tồn tại dù còn chút ít chật hẹp.

Bàn về dân chủ, không thể không nói về dân chủ trong đảng. Lênin đã tạo ra một chế độ chuyên quyền trong đảng khi thủ tiêu phái gọi là mensevich. Chế độ xô viết toàn trị được Xtalin hoàn chỉnh ngày càng chặt chẽ, được áp dụng ráo riết ở Nga, Tàu, Việt, những người đối lập bị đàn áp, thủ tiêu. VN cũng đã thực hiện rất nghiêm chỉnh. Trong đảng quyền dân chủ của đảng viên bị thu hẹp lại thành cái mà HCM gọi là quyền phục tùng chân lý, mà chân lý bị hiểu là ý kiến của lãnh đạo! Trong cái chính đề mà HCM đưa ra Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý, còn có cái phản đề. Thế nhưng người ta lại cố tình quên đi ý nghĩa của phản đề. Có quyền tự do phục tùng chân lý cũng có nghĩa là người ta có quyền không phục tùng ngụy lý! Nghịch lý này càng nổi bật lên khi ta nhớ lại một câu nói ngậm ngùi, mà là như một dự báo rất sớm của Ăng ghen rằng: “Cuối cùng cũng phải làm sao để mọi người chấm dứt kiểu cư xử với các quan chức của đảng - những người đầy tớ của mình - luôn luôn bằng sự tế nhị đặc biệt, và thay cho sự phê bình, lại ngoan ngoản vâng lời họ, như những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”(Ăng ghen: Những ngày hội các dân tộc ở Luân đôn. Chúng tôi đã vạch trần). Vì sao trong những hệ thống tự xưng tiên phong mở đường cho xã hội mới lại ứng xử theo những thể chế đã thoái hóa, lạc hậu cần thay đổi, bác bỏ? Lênin từng nói phải có 70 ông Mác may ra mới giải quyết được những lý thuyết và thực tiễn để xây dựng xã hội mới. Nhưng một Mác mà còn không nhận thức nỗi, nói gì đến 70 ông.

Nói dân chủ của đảng cộng sản, phải đề cập đến vấn đề tư tưởng đa nguyên chính trị, (đa đảng). Trong tuyên ngôn “CS”, Mac và Ăng ghen khẳng định: Những người “CS” phải biết đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ. Giờ đây khi người ta phê phán đa nguyên chính trị, đa đảng là người ta không hiểu gì tư tưởng của Mác, người ta đã xuyên tạc Mác vì những lợi ích không còn là “cộng đồng chủ nghĩa” nữa. Tại sao các đảng đệ tam quốc tế, theo cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin đã thủ tiêu tư tưởng của Mác mà vẫn cứ leo lẻo kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin. Chính những đảng dân chủ xã hội đã biết tiếp thu tư tưởng của Mác nên họ đã có vai trò nhân văn và tiến hóa trong thời đại hiện nay.

Còn một vấn đề rất tế nhị và không kém phần quan trọng, là một chính đảng trong thời hiện đại phải thể hiện văn hóa và dân chủ như thế nào. Một chính đảng có quyền giữ lấy cái tư tưởng mà mình tôn thờ, phải tìm cách ngày càng hiểu nó một cách sâu sắc, khoa học, tìm tòi mọi phương thức văn minh, nhân văn khoa học để thực hiện, làm cho mọi thành viên của mình có nhân cách văn minh dân chủ. Rồi trên cơ sở đó mà thuyết phục nhân dân, dân tộc mình mới là “văn minh, là đạo đức” (chữ của HCM). Còn như dùng bạo lực xây dựng chế độ toàn trị, ép dân tộc cũng độc nguyên như mình là trái đạo lý, trái tinh thần dân chủ, nhân văn của ngay cả chính Các Mác. Lịch sử khẳng định rằngnhân loại không hình thành với độc nguyên văn hóa. Mà dân tộc Việt Nam cũng như thế. Thời nào nhấn mạnh cái độc nguyên văn hóa thì biến dạng, trì trệ, vọng ngoại, suy đồi. Không đưa dân tộc phát triển lên được. Buộc dân tộc đeo mãi cái ốp che mắt, có người còn gọi là cái vòng kim cô. Mọi ứng xử của dân tộc buộc phải theo cái lăng kính mác lênin. Đưa vào luật, vào hiến pháp, và chế định cái giá trị văn hóa không đến đầu đến đũa như thế đã tạo nên sự méo mó của xã hội, làm lệch chuẩn, giam hãm cầm tù mọi sáng tạo của nhân dân của xã hội.

Nói tự do, dân chủ mà không đi đôi với pháp quyền thì cũng chỉ là nói đạo lý suông mà thôi. Cái nghịch lý là giữa quan niệm pháp quyền của Mác và cái quan niệm pháp quyền hiện nay do những người cầm quyền ở nước ta dựng lên trong cái công thức “pháp quyền XHCN”thì vênh hẵn nhau. Mặc dầu về lôgich cả trong lý lẽ cũng như thực tế thì, quan niệm của Mác chính xác hơn. Mác nói: Khi chưa có con người phát triển toàn diện, chưa có nền kinh tế sản xuất hàng hóa, vất phẩm dồi dào, thì pháp quyền tư sản dù hạn hẹp, cũng không thể vượt qua. Những người lãnh đạo của đảng hiện nay đang cho thi hành một quan niệm pháp quyền chỉ nhằm phục vụ cho một đường lối chính trị cực quyền để dễ biện hộ cho những hành vi chà đạp những quyền tự do dân chủ đích thực của nhân dân. Theo Mác, cả hai điều kiện cần và đủ để có thể vượt khỏi pháp quyền tư sản hiện nay, cả ở những nước tiên tiến hiện đại nhất, cũng chưa đủ, nói gì đến VN.

3. Nghịch lý thứ 3: Nói về pháp quyền tư sản thì đụng đến phạm trù thời đại. Những nhà lãnh đạo của đảng áp đặt một quan niệm để cho những nhà lý luận của đảng đi rao giảng về cái quan niệm thời đại này là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thật ra cái gọi là thời đại quá độ chỉ là ý niệm của Mác về sự quá độ lên chủ nghĩa cộng đồng [cộng sản], như thế cái gọi là thời kỳ quá độ chính là cái xã hội đã là xã hội XHCN đã chín muồi, nó mới tạo ra sự quá độ. Những quan niệm hiện nay nếu không là tạp nham thì cũng là hồ đồ, dân gian gọi là nói lấy được!

Nói về cái CNXH thì trên thế giới hiện đang có hai phạm trù rất phân biệt không thể lẫn lộn. Đó là phạm trù tư tưởng xã hội và cái gọi là chế độ xã hội XHCN. Tư tưởng xã hội đã từng hình thành trước Mác, nó tràn đầy trong văn hóa dân gian, trong những hệ thống triết học và đặc biệt là trong tôn giáo. Từ thế kỷ 18 nó được định hình trong những nhà XHCN cổ điển và không tưởng. Nhiều tư tưởng của Mác và Ăng ghen cũng dặt cơ sở cho sự hình thành hệ thống các đảng xã hội dân chủ. Khuynh hướng này đẫ bị Lênin và phong trào đệ tam QT công kich dữ dội cho đó là khuynh hướng tư sản, xét lại. Trong thực tế phong trào này cùng các đảng xã hôi dân chủ nhất là ở châu Âu từng có vai trò có ý nghĩa góp vào sự phục hưng của tây phương sau thế chiến thứ hai. Khuynh hướng này hiện nay đang là chủ thể ở một số nước Mỹ La tinh. Chính ông Phú Trọng đã nhầm lẫn hai phạm trù này, nên đã gây nên cái xì căng đan khi vào Brazil.

Cái gọi là xã hội XHCN, thì đã có hai sắc thái. Thứ nhất là cái phạm trù lý thuyết trong Tuyên ngôn các đảng cộng sản, với cái gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học, mà về sau cả Mác và Ăngghen đều đã phủ định. Cho đến nay lý thuyết ấy chưa được chứng minh. Còn cái gọi là chủ nghĩa xã hội đã hình thành như là một chế độ xã hội thì hình thù của nó chính là chế độ Xô viết đã phá sản ngay trên quê hương của nó. Những bản sao chép của nó ở Việt Nam, Trung hoa. Bắc Triều Tiên, Cu Ba… thì mỗi anh một phách, và đều đi vào ngõ cụt. Trung Hoa đã vứt bỏ và đang làm một thứ chủ nghĩa tư bản tiến đến chủ nghĩa đế quốc mới! VN thì đổi mới nhỏ giọt và đang khiến cho đất nước và xã hội lâm vào khủng hoảng liên tục, trên tất cả mọi phương diện xã hội.

Như thế giá trị minh triết của Mác ở đây là gì? Như trên đã nói là Mác đã dám thừa nhận cái sai và đã dũng cảm vứt bỏ vào cuối đời. Biết sai mới là thực biết (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết. Ấy chính là biết vậy). Tuy nhiên giá trị minh triết ở đây là ở ý niệm về cái lẽ tiến hóa, khi hai ông cho rằng không có cái gọi là CNCĐ mà chỉ có sự tiến hóa của xã hội, và những xã hội chậm tiến chỉ có thể học theo những thực tế văn minh của những dân tộc văn minh hiện đại mà thôi. Mấy nước chung quanh ta có lẽ họ đi nhanh hơn ta trong mấy chục năm lại đây có thể họ “minh triết “ rằng không có cái gọi là “CNCS”mà họ thực hành ngay lẽ tiến hóa, học lấy những bài học đã được chứng nghiệm. Còn Việt Nam đã vứt bỏ minh triết và cứ tưởng rằng mình thông thái hơn người và đã khư khư ôm lấy cái cặn bã đã bị chính ông thầy vứt bỏ mà lại đi nghe theo những ông đồng bà cốt rởm.

4. Nghịch lý 4: Về Giai cấp vô sản (công nhân). Trong tuyên ngôn CĐCN, Mác và Ăng ghen đã đề cao giai cấp công nhân và cho đó là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên vào cuối đời, khi hai ông đã phủ định cái gọi là chủ nghĩa cộng đồng (cộng sản), thì có nghĩa là cái gọi bằng vai trò của giai cấp công nhân cũng bị phủ định theo. Cho đến nay những nhà tuyên huấn của những đảng CNCĐ cầm quyền vẫn khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo xã hội. Tuy nhiên, từ gần hai trăm năm nay, chưa có một đảng”CS” cầm quyền nào đã thành công trong chính sách giai cấp công nhân. Nghĩa là biến giai cấp này thạt sự là giai cấp lãnh đạo. Về lý thuyết và trong thực tế, một giai cấp lãnh đạo phải thỏa mãn 4 điều kiện cơ bản sau đây, và đó là nguyên tắc mà Mác vẫn dùng thuật ngữ la tinh để nói: condition sine qua non (điều kiện không thể thiếu. ). Thứ nhất, họ (công nhân) phải là giai cấp có cuộc sống vật chất và tinh thần trên trung bình của xã hội. Ngay Lênin cũng biết được rằng khi không đủ sống người ta không thể làm chính trị được. Ở Nga, Tàu, cả Việt Nam nữa, giai cấp công nhân vẫn là giai cấp nghèo khổ lương không đủ sống. Thứ hai, họ phải là giai cấp văn hóa, có học vấn cao, nghĩa là bảy tám mươi phần trăm có trình độ đại học, có lối sống văn hóa, có nhân cách của những con người tiến tiến của thời đại, mà Mác mơ tưởng là con người phát triển toàn diện. Thứ ba, họ phải có năng lực chi phối, điều tiết được cơ chế vận hành của nền kinh tế. Hiện nay họ chưa vượt khỏi chủ nghĩa nghiệp đoàn, nghĩa là tác động vào kinh tế chủ yếu bằng hành động đình công. Ở nước ta cũng như ở những nước do đảng “CS” cầm quyền, họ không có cái gọi là nghiệp đoàn thật, chỉ là tổ chức công đoàn mà đảng nắm hết mọi quyền hành, chỉ là công cụ của bộ máy nhà nước toàn trị. Cho nên những quyền lợi kinh tế (lao động, tiền lương…) họ cũng không thể bảo vệ được. Thân phận của họ cũng chỉ là kẻ làm thuê lệ thuộc, nghĩa là không làm chủ được thân phận mình, nói chi đến “làm chủ xí nghiệp” như những nhà tuyên huấn của đảng nói. Còn nói tác động vào cơ chế vận hành của nền kinh tế chỉ là nói tào lao cho vui, hoặc để lừa mị mà thôi. Thứ tư, họ phải là giai cấp có quyền lực chính trị thất sự. Về điều này Mác đã có một phán đoán sắc sảo. Trong một cuộc tranh luận với Bakounine, Mác nói: “Chính quyền của giai cấp công nhân sẽ được thực hiện bởi chế độ ủy quyền Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người bầu cử bởi chính mình, để đại diện cho họ (công nhân), để cai trị họ, điều ấy sẽ làm cho họ (công nhân)chắc chắn là rơi tõm vào tất cả mọi trò dối trá, và trong tất tật sự lệ thuộc của chế độ đại diện và tư sản. Sau một hồi được tự do, say sưa cách mạng, là công dân của một chế độ mới, họ sẽ tỉnh ngộ ra thấy mình là nô lệ, con rối hay con mồi của những tham vọng mới”. Nếu phân tích cho rõ những nghịch lý như thế, ta sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề. Chỉ cần trả lại cho công nhân cái quyền mặc nhiên của họ, quyền nghiệp đoàn, họ sẽ biết cách làm chủ được thân phận mình, và trong lẽ tiến hóa, họ sẽ làm tròn cái thiên chức của họ trong quốc gia dân tộc.

5. Nghịch lý 5: Tại sao tắc tị?

Có một lần, tôi đến làm việc ở một Bộ, một nhóm cán bộ cấp vụ tiếp tôi. Làm việc xong, ngồi nói chuyện, tôi than phiền, rằng ở tuổi của tôi, sao tôi thấy Đất Nước ta nhiều trì trệ quá. Họ bảo, không không, chúng em không nghĩ thế. Tôi cứ tưởng họ sẽ phê phán rằng sao tôi lại nhận định tiêu cực như vậy. Nhưng họ nói, chúng em cho rằng chúng ta đang tắc tị. Giữa hai sắc thái thì tắc tị quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Tôi đã từng thưa lại ở một hội thảo do HĐLLTƯ tổ chức. Tôi nghiệm ra cái nghịch lý lớn nhất, cơ bản nhất là: Khi giao Đất Nước vào tay đảng “CS” ở thời điểm 1960, rồi 1975, thì chúng ta cùng với các nước trong khu vực là cùng một trình độ (tất cả đều có GDP trong vòng 1000 đô la), nay sau nửa thế kỷ càng ngày ta càng lạc hậu xa so với họ, cả về tăng trưởng kinh tế, cả về văn hóa, xã hội đặc biệt là về khoa học và giáo dục. Xét ở bình diện nào ta cũng cầm đèn đỏ chạy sau. Vào 1960 nhà tương lai học nổi tiếng cuả Mỹ là Herman Kahn còn xếp hạng ta trên cả Trung Quốc.

Nếu phân tích kỹ thì trong thời hiện đại, một quốc gia dân tộc phát triển lên là dựa vào bốn yếu tố cơ bản: Một là tài nguyên. Tài nguyên của ta có mặt không bằng thiên hạ, nhưng không phải là không có những thế mạnh. Mặc dầu có thế mạnh nhưng phương thức khai thác của ta lại rất lạc hậu. Thứ hai là truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa của ta dù còn những mặt hạn chế thậm chí lạc hậu. Nhưng là một yếu tố mà thiên hạ cũng thèm thuồng, nhiều giá trị rất nhân văn dư thừa để làm nội lực cho phát triển. Thứ ba, tố chất con người Việt. Con người Việt dẫu có những tiêu cực, nhưng những tố chất ưu trội lại rất lớn. Vào thời hiện đại, người sáng tạo ra chiếc máy tính điện tử đầu tiên là một người Việt sống ở Pháp. Người chơi đàn đẳng cấp hành tinh là Việt. Người tạo ra phương pháp mổ gan trình độ quốc tế là Việt, những nhà toán họcđẳng cấp quốc tế là Việt, những công chức cao cấp ở một số nước lớn là Việt. Những bàn tay vàng của người thợ Việt đã được nhiều công ty đa quốc gia thừa nhận. Chúng ta đã có trong tay nhưng yếu tố văn hóa tinh thần và cả vốn con người, để cho phát triển. Nhưng tại sao chúng ta thua chị kém em quá thể như vậy? Chỉ còn yếu tố thứ tư - những quan hệ xã hội hiện hữu. Những quan hệ xã hội hiện hữu của chúng ta cả về thiết chế chính trị, cả về thiết chế xã hội thể hiện trong mọi mặt bằng của cái gọi là kiến trúc thượng tầng đều khấp khểnh, lạc hậu. Mấy mươi năm vẫn chưa tạo ra cái mặt bằng của pháp luật và chuẩn mực giá trị của xã hội, để có một sân chơi trên đó có được sự phát triển tự do cá nhân làm bừng nở mọi giá trị sáng tạo. Đảng “CSVN” trong hơn nửa thế kỷ vẫn không tạo ra được một mặt bằng tử tế cho sự tăng trưởng kinh tế. Mọi sự so sánh với khu vực đều lạc hậu. Không tạo ra được một hệ thống nhà nước tiến bộ, nhân văn, thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không hình thành nổi một lực lượng công chức có chất lượng điều hành hữu hiệu, trong sạch, mẫn cán, có lương tâm nghề nghiệp, tinh gọn, có năng lực và đạo đức của một lực lượng cầm trịch, định hướng xã hội. Có thể kết luận một cách đau đớn rằng mọi quan hệ xã hội hiện hữu của VN hiện nay đều không tương thích cho sự phục hưng dân tộc trong thế kỷ 21.

Điều gì khiến VN đổi mới cầm chừng tiến được một bước lại lùi hai bước? Nếu thật sự vì Dân vì Nước nhất định phải đổi mới vòng hai, quyết tâm từ bỏ mô hình xô viết, đã là một vòng kim cô kìm hảm sự phát triển tự nhiên của Dân tộc trong thời gian qua. Có một số anh từng giữ cương vị lãnh đạo cao cấp nói, cậu có đeo kính dâm để nhìn sự vật không? Tại sao không thấy những đổi mới, biết bao cơ sở cả hạ tầng, cả thượng tầng đã được xây dựng? Có thế thật. Nhưng cái hiện thực mà chúng ta đang có, lại có quá nhiều bôi bác. Cũng là C. Mác từng mượn thành ngữ Latinh để nói hộ chúng ta một cái nhìn điềm tĩnh hơn khi ông bảo: Cacatum non es pictum! (Cái bôi bác không phải là bức tranh).

6. Những mong ước thiết tha:

a/ Chúng ta dang đặt ra vấn đề tái cấu trúc một số lĩnh vực kinh tế, như thế cũng chỉ là vá víu một cái áo cũ đã chật chội, lại lỗi thời không còn thích hợp cho bước phát triển mới của Dân tộc. Phải thay đổi mô hình phát triển đất nước. Quyết tâm từ bỏ mô hình xô viết. Tái cấu trúc thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục…

b/ Thành tâm đoàn kết dân tộc, vượt qua tâm thức quốc cộng lỗi thời, lấy đại đồng là Chấn hưng và phát triển Đất nước, xây dựng một nước VN Độc lập, Thống nhất, Dân chủ, Thịnh vượng, Hạnh phúc, phát triển trong Hòa bình. Tôn trọng tiểu dị, hóa giải mọi ân oán tiêu cực của quá khứ, làm lành những vết thương do quá khứ lầm lỗi để lại.

c/ Kiến tạo một thập niên Hòa hợp, hòa giải, chỉnh đốn, tạo đà cho bước phát triển, xây dựng nhân cách mới của Dân tộc.

– Hình thành Đại diễn đàn Diên Hồng, với thành phần 30% đảng “CS”, 30% thành phần lập trường VNCH, 30% phái trung tính, bàn thảo và quy định những vấn đề quan trọng của Đất Nước như thể chế chính trị xã hội, chương trình tái cấu trúc kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, an sinh xã hội, đối ngoại, v.v.

– Thành lập một ủy ban Giám quốc, một chính phủ lâm thời, ban hành và thi hành chương trình tái cấu trúc chính trị kinh tế xã hội… Thực hành tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hoạt động chính trị… thúc đẩy dân chủ phát triển. Hàn gắn vết thương chính trị, xã hội do hậu quả của cuộc chiến tranh ý thức hệ để lại. Tổ chức Hội đồng lập Hiến, dự thảo Hiến pháp mới phù hợp với tiến trình chấn hưng và phát triển Đất Nước, trưng cầu ý kiến nhân dân. Để nhân dân phúc quyết.

– Xây dựng xã hội dân sự văn hiến, có trách nhiệm xã hội, công tâm cùng chính phủ đoàn kết dân tộc vượt lên mọi khó khăn của thời kỳ biến đổi xã hội. Trong đó ưu tiên vận động hình thành một đội ngũ lối ngót vạn người là những specialists (xin không dùng chữ chuyên viên vì nó không còn nghĩa đúng và tốt) để làm nòng cốt (cũng không dung chữ cốt cán vì cũng đã hỏng) cho hầu hết các lĩnh vực xã hội cần chuyển đổi.

– Tổ chức lại bộ máy hành chính, đào tạo lại đội ngũ công chức…

7. Đôi lời kết:

Mười năm cho chuyển dịch hòa bình, êm thấm, nhân văn đầy tình thương yêu, đoàn kết dân tộc, đừng để diễn ra cảnh, khi cái bình Pandora được mở nắp thì ma quỷ nhảy ra chứ không phải là những con người lương thiện tử tế, có trí có tâm, và có ý chí mạnh mẽ, cao thượng, có công tâm chứ không phải là một bè lũ cơ hội mới, một lũ lợi ích mới. Cũng nên dè chừng tâm lý trả thù hạ đẳng. Tôi tin và mong ước sẽ có những con người Việt, có trí, có dũng, có nhân cách mới, cao thượng có đủ năng lực làm thành “Nhóm xã hội định hướng mới của Đất Nước” (groupe social orientee).

Mười năm để sửa soạn cho dân tộc một nhân cách mới, để chỉnh đốn những hư hỏng cũ kỹ, tạo dựng một bệ phóng mới cho sự phát triển bền vững của dân tộc, là một nghĩa vụ lớn lao, khó khăn và phức tạp. Đó sẽ là trạng thái “văn hóa phục hưng” cần thiết để cho Việt nghĩa là siêu việt lên vượt qua chính mình, vượt qua mọi thử thách tiến vào một thời kỳ mới tự do, hạnh phúc.

Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha. Vượt lên vượt lên Hãy vượt lên Hãy tự vượt lên Hỡi người giác ngộ (Thần chú của kinh Prajnaparamita – Bát nhã tâm kinh).

Tôi viết những dòng này, dâng cho ngày 30 tháng Tư, như một khấn nguyện để cho ngày này trở thành ngày của thương yêu hòa giải đoàn kết dân tộc, để mỗi người Việt là một nhân vị cao quý, hạnh phúc và tự do, để xây dựng một nền Thống nhất xứng đáng của Dân tộc.

Ô Đồng Lầm, Kinh thành Thăng Long

29-4-2013

N.K.M.

Những trích dẫn cần thiết:

1. Ăngghen: Lời nói đầu tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp của C. Mác. “Lịch sử chứng tỏ chúng ta đã mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn, không những đã xóa bỏ mê muội của chúng ta hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ. Nhưng đã vứt bỏ nó trong cuối đời”.

2. C. Mác: Đối với chúng ta, chủ nghĩa “cộng đồng” không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi phong trào cộng đồng là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay (Hệ tư tưởng Đức).

3. Ăng ghen: “CNCĐ” không phải là một học thuyết, mà là một phong trào. Nó xuất phát không phải từ những nguyên tắc mà từ những sự thực. Người “cộng đồng” không lấy thứ triết học này nọ, mà lấy toàn bộ quá trình lịch sử trước đây và đặc biệt là những kết quả thực tế của quá trình trước mắt tại các nước văn minh làm tiền đề của họ. Bài những người “cộng đồng” và K. Heinzen.

4. C. Mác: Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức nhà nước. Ở đây chế độ nhà nước ngày càng hướng tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. Góp phần phê phán Tư tưởng pháp quyền của Hegel, NXB CTQG 1995 T1 tr 349.

Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà luật pháp tồn tại vì con người. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy. sđd tr 354.

5. C. Mác: Tự do chính là biến nhà nước, cơ quan đặt trên xã hội, thành cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội. C. Mác – Ăng ghen Toàn tập (bộ cũ) NXB ST 1980 tr 22.

6. Ăngghen: “Mác cho rằng nói chung, không phải nhà nước quy định và điều chỉnh xã hội dân sự, mà xã hội dân sự quy định và điều chỉnh nhà nước (Góp vào lịch sử của Đồng minh những người “CS”).

7. C. Mác: Tự do là biến nhà nước, cơ quan cao nhất của xã hội thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước được gọi là tự do hay không, tùy thuộc ở chỗ trong những nhà nước ấy, hình thức ấy, sự tự do của nhà nước bị hạn chế nhiều hay ít (Phê phán cương lĩnh Gôtha).

8. C. Mác: Luật kiểm duỵệt không phả là luật, mà là biện pháp cảnh sát, và thậm chí còn là biện pháp cảnh sát tồi, bởi vì nó không đạt được điều nó muốn và nó không muốn điều nó đạt được. Mác-Ăng ghen Toàn tập. NXB CTQG 1995 tr 98.

9. Đạo Đức Kinh (chương 14): Thái thượng bất tri hữu chi. Kỳ thứ thân nhi dự chi. Kỳ thứ úy chi. Kỳ thứ, vu chi. Minh Chi dịch: Nhà nước tốt nhất (quản lý giỏi tới mức ngưới dân không biết nhà nước tồn tại). Dưới một bực là nhà nước mà nhân dân gần gũi và ngợi khen. Dưới nữa là dân sợ. Dưới cùng là dân khinh.

10. Hồ Chí Minh: Cần một cuộc chiến (tranh) đấu để chống lại những hư hỏng cũ kỹ. Di chúc, NXBS T (phần viết bằng bút bi màu lục).

11. Ngô Thì Sĩ: Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người. Dẫn theo Phan Huy Chú. Lịch triều Hiến Chương loại chí, NXB ST 1961 T2 tr 71.

12. HCM: Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. HCM toàn tập, NXB ST 1987 T7 tr 482.

13. Thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thục:

Nước muốn mạnh thời Dân phải mạnh.

Dân có khôn thì nước mới khôn.

Xin sửa lại: Nhà nước muốn mạnh, thời dân phải mạnh,

Dân có khôn thì nhà nước mới khôn.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn