Đôi điều về nhân quyền và nhân tính

Phạm Kỳ Đăng

Trong chuyến viếng thăm các nước ASEAN bỏ qua Việt Nam, tân Ngọai trưởng Trung Hoa Vương Nghị khẳng định lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, lên giọng cảnh báo và đe dọa hai nước có „tranh chấp“ biển đảo. Philippines, hết nước hết cái không thành về ngoại giao, đảo quốc đưa ông cá lớn này ra Tòa án quốc tế. Còn lãnh đạo Việt Nam, phát ra vài lời phản đối bớt yếu ớt, chung cục vẫn làm ngơ, giả như im lặng chờ thời. Vậy mà thế thời đã bày ra khá rõ: Trung Quốc sẽ lưu tâm ra đòn đánh người đồng chí phương Nam, mỗi ngày một thêm dữ dằn và tàn ác.

Tại Việt Nam, tham nhũng, phá sản, thất nghiệp, lạm phát, bong bóng bất động sản, tín dụng, xảy ra ở một thể chế phát những tín hiệu xấu nhất về xã hội mất định hướng, cuộc khủng hoảng như vết chân chim liên tiếp phá ra rạn nứt trên nền tảng. Một làn sóng phản đối từ trí thức bất đồng chính kiến, từ người dân đòi quyền đòi đất, đòi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; tiếng nói phản tỉnh của những người đảng viên, lão thành cách mạng; sự chống đối của sinh viên trẻ, khiến người lãnh đạo Đảng bất an trước „những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ“.

Dưới sức ép của dư luận trong nước và công luận quốc tế, dù khất lần đã nhiều năm, chính Đảng Cộng sản thông qua Quốc hội đứng ra đạo diễn cuộc thảo luận về Nhân quyền, về Hiến pháp tại ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, mào đầu rằng không có vùng nào cấm, như ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý giảng giải.

Đáng lẽ ra trong xu thế không thể cưỡng lại, xét cả theo nội dung mô phạm về khách quanbiện chứng, người lãnh đạo cao nhất cần chủ động khai phóng tiến trình cải cách theo hướng vận động nhân quyền và mở rộng dân chủ, trong tâm điểm đang là cuộc vận động Sửa đổi Hiến pháp 1992 mới phải.

Trước nhân dân Việt Nam, ông Tổng Bí thư một lần nữa tuyên bố một lập trường kiên định sự lãnh đạo của Đảng. Khi còn là Chủ tịch Quốc hội, ông đã khẳng định trước báo giới nước ngoài „chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng“. Vừa nhậm chức đảng bầu từ Đại hội 11, ông đã lôi kéo hàng triệu người vào một loạt những hoạt động dã tràng xe cát, tốn rất nhiều tiền bạc của nhân dân. Hội nghị này tiếp hội nghị kia, ban hành nhiều nghị quyết thủ tiêu nhu cầu dân chủ, nguy hiểm hơn, nhằm xiết chặt hơn nữa vai trò độc diễn, sẵn gộp trong tay cả ba nhánh quyền lực (ở giai đọạn mạt kỳ còn triệt tiêu chức năng tư pháp và lập pháp bày vẽ) của bộ máy Đảng kiêm trị Quốc hội và Tòa án tối cao. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII vừa diễn ra trong những ngày qua, buồn lòng cho mấy ai còn kỳ vọng, xì thêm một bong bóng lớn trong dãy bong bóng đã phát ra từ miệng loa phát thanh phường phố. Tất cả những vấn đề lớn đưa ra quyết sách như tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ tài nguyên môi trường v.v. đều đưa đất nước chìm nghỉm, mỗi ngày một rời xa hơn thực tế phát triển của nhân loại, nói đúng hơn dần cập bến một thực tế đắng cay, vô vọng.

Vô vọng bởi việc hoàn thiện hệ thống chính trị hoàn toàn không theo hướng khắc phục những „hạn chế yếu kém“ do chính nó mang lại. Mọi nỗ lực của Đảng dưới thời ông làm Tổng Bí thư cho đến nay đều điên cuồng kiện toàn một chế độ toàn trị thời mạt kỳ.

Từ lý thuyềt đến thực tiễn, hệ thống các xã hội toàn trị thu hẹp thậm tệ môi trường sống của con người riêng lẻ, chỉ còn hình hài sống vật vờ trong số phận tuân phục bất khả kháng. Nếu sinh nhầm vào vào một giai cấp, một chủng tộc, họ sẽ bị thủ tiêu trong các cuộc đấu tranh về giai cấp hay thanh lọc giống nòi. Với bước hoàn thiện của chế độ toàn trị nuốt chửng mọi tổ chức manh nha nhất để con người còn nơi nương náu, nhiều tầng lớp khác còn sống sót, dần dần lan rộng ra toàn dân, đều bị tước đọat sạch quyền làm người, trừ tầng lớp đảng viên quyền thế. Trong xã hội lọai bỏ hiện thực con người như vậy, một cách thô bạo, từng cá nhân còn lại bị giam nhốt trong môi trường đoàn thể chính trị hóa, bị cách ly khỏi nhiều bình diện nuôi dưỡng nó. Bi kịch của việc xây dựng con người mới ở những nhà nước XHCN, bằng duy ý chí đúng hơn cưỡng nhục bởi ý chí, chính là sự giản hóa, bần cùng hóa tồn tại cá thể. Ở đây, trong quá trình „xây dựng con người mới“, có sự trục xuất linh hồn khỏi thể xác trên một cõi giới ô trọc, một sự lạ hóa con người trên bản địa thổ ngơi bị chặt đứt khỏi các mối liên hệ về văn hóa, lịch sử. Song song với việc củng cố quyền lực độc tôn, nhà nước toàn trị không ngửng rửa não con người rèn dập bằng những giáo huấn tha nhân, phản khoa học, cũng như thường xuyên nuôi dưỡng nó bằng những huyền thoại.

Cuộc khủng hoảng về huyền thoại tất phải xảy ra ở chế độ toàn trị duy trì tuyên truyền với bộ máy khổng lồ của nó. Trong các nguồn nuôi dưỡng tuyên truyền giáo huấn, có nhiều huyền thọai – như thứ phẩm của một chính sách bất lường, bưng bít, thiếu minh bạch –; và nguồn huyền thoại này ngày càng cạn kiệt, càng bị giải thiêng, mỗi lúc thực tại lộ trần chịu công luận xét soi, hay ngấm ngầm so sánh. Quá khứ nhuận sắc hào quang để trong kho đụn, với huyền thoại nuôi sống nó cũng bị lật tẩy theo, trước ánh sáng sự thật sớm mục ruỗng và cũ kỹ. Các huyền thọai gốc biện minh cho chế độ toàn trị, cũng như vậy, được tái chế vụng về ở giai đoạn hệ thống chính trị ngoi ngóp, cố sống cố chết với lịch sử, một khi tuổi trẻ chối từ, cực chẳng đã ních đầy bánh vẽ.

Thuộc về những dấu hiệu sa sút niềm tin còn có một cuộc khủng hoảng lãnh tụ. Bời tước đi quyền con người với tư cách cá thể, giam nhốt con người trong các thiết chế chính trị, các nhà nước toàn trị bắt buộc phải tạo dựng một lãnh tụ toàn năng, mang ý nghĩa nêu gương và giáo dục lòng phục tùng và ý thức phụng sự. Các cuộc vận động noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng rầm rộ tổ chức liên tục, càng sớm đến thời điểm cần thiết đánh giá con người ông với những thành công, thất bại, công và tội trong bi kịch của một vận động xã hội thử nghiệm trên phạm vi toàn cầu đã từ lâu bế mạc. Tại nhiều nước, nhân dân hân hoan tháo dỡ các tượng đồng bia đá long sơn tróc mảng. Đâu đó còn những người kế cận tạo dựng và nương bóng lãnh tụ, kiếm chác từ hình ảnh cá nhân toàn năng, trong bối cảnh đều khốn khổ nhập vai trò đóng thế.

Con người lý tưởng của hệ thống chính trị, cần phải trám vào huyền thoại lãnh tụ chính là ông Tổng Bí thư hôm nay, thăng tiến lên vị trí cao nhất của quyền lực.

Lớn lên trong chế độ toàn trị lấy chính trị làm thống soái, con người bị truất quyền, dù chưa va vấp, lần nào đó khi bước vào thế giới thật sẽ bị hụt hẫng, vỡ mộng và tủi hổ. Vậy mà cô gái trẻ Nguyễn Phương Uyên, chưa đi ra đường đời, mới bước ra khỏi định chế tù ngục cá nhân con người, đã kiên cường nắm chặt bàn tay học trò nhỏ chống lại mưu đồ và hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, chống lũ tham nhũng trong Đảng độc quyền đang phá hoại tan hoang đất nước.

Cũng thăng tiến trong môi trường xã hội toàn trị, người thế quyền là ông hô hào áp đặt giáo điều, vốn thói quen làm ở kẻ vô tri vô cảm, còn ca ngợi tình hữu nghị với kẻ rắp tâm cướp nước. Ông mạt sát trí thức lo vận nước, kết luận họ suy thoái. Rất đúng, suy thoái về mặt chính trị, trong xã hội lấy chính trị lưu manh xảo quyệt làm thống soái, chính trị hóa toàn diện đời sống nhân sinh.

Ông cổ vũ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chính sách dân vận. Ý nghĩa điều này thật tăm tối, vì chỉ có Đảng của ông mới dân vận cả một Dân tộc chưa có quyền công dân, vốn chỉ đat được ở một nhà nước dân chủ-pháp quyền, nên nào còn ai tham gia vào lãnh đạo công tác đó mà phải tăng cường. Hay ý ông muốn nói tăng cường dân vận. Làm sao có thể huy động nội lực dân tộc, phát huy lòng yêu nước của thanh niên trước một cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ. Lấy gì làm đức tin đẩy người nông dân, vừa bị cướp bóc xua đuổi khỏi mảnh đất của mình lên đường cứu nước, cầm súng chống lại kẻ thù vừa ôm hôn lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên vai họ.

Cho nên khi ông Tổng bí thư nói về thoái hóa, cần phải phân biệt rõ đó là thoái hóa về phẩm chất của nô lệ chính trị, người nghe khó nhận thấy mặt nhân tính nói chung chưa bao giờ được đếm xỉa trong chế độ chính trị – toàn trị.

Ở ông có một sự suy thoái trầm trọng về nhân bản, về tính người.

Giá như vào một ngày tới, tôi mong thấy ông dám đứng trên đài cao, giữa Quảng trường Ba Đình trước ngàn triệu người dân công khai quy kết sự phản động và suy thoái của một bộ phận không nhỏ trong nhiều tầng lớp thuộc về Nhân dân đó.

Đằng này ông quy kết và đòi trừng trị trí thức tâm huyết trầm cảm vì ông, những người bên họ ông không đáng làm học trò. Ông dửng dưng cho bộ máy tư pháp công cụ trả thù Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Cũng thái độ đương nhiên ở những người đứng ở vị trí cao nhất của quyền lực, chưa một lần ông đoái hoài ngó xuống một đơn khiếu kiện, hay trả lời một đơn kiến nghị. Thể chế do ông đứng đầu, xin cam đoan không phải của dân do dân và vì dân.

Cũng cái thiết chế ông đang hoàn thiện đó, trong giai đọan đốn mạt vẫn không ngừng chế xuất sợ hãi, tàn phá mối liên thông và tình đồng cảm nơi con người. Bản án ngang ngược xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha những ngày qua bức tử lòng yêu nước, phỉ báng niềm tự hào của tuổi trẻ, khiêu khích lương tri còn lại trong mỗi người Việt Nam.

Nói về nhân quyền bị cướp đọat, như vậy phải chăng tôi đã quá lời? Tôi dứt khóat rằng không. Nữ triết gia Hanna Arendt, trong những khảo luận về chế độ toàn trị sẵn cảnh báo chúng ta từ nhiều thập kỷ trước: “Nhân quyền luôn không may được những cá nhân hoặc hiệp hội không mấy có ý nghĩa về chính trị đại diện. Ngôn ngữ nhân đạo và ủy mị của họ thường chỉ khác hơn các tờ gấp của các hội bảo vệ thú vật chút ít mà thôi“(1).

P.K.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chú thích: (1) Die Menschenrechte haben immer das Unglück gehabt, von politisch bedeutungslosen Individuen oder Vereinen repräsentiert zu werden, deren sentimentale humanitäre Sprache sich oft nur um ein geringes von den Broschüren der Tierschutzvereine unterschied" - Hanna Arendt (1906-1975).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn