Giai cấp mới

Milovan Djilas

Phạm Nguyên Trường dịch

Kỳ 9 - Khủng bố về mặt tinh thần

1.

Sau khi giành được chính quyền, những người cộng sản đã thực hiện việc khủng bố về mặt tinh thần với một sự khéo léo đến trơ trẽn. Chủ nghĩa duy vật cộng sản có thể là thế giới quan bất dung nhất từ trước tới nay, chỉ điều này cũng đủ để có thể buộc các tín đồ của nó tiến hành những cuộc khủng bố “những quan điểm không phù hợp”. Nhưng nếu thế giới quan ấy không liên kết với những hình thức quyền lực và sở hữu nhất định thì người ta cũng không thể nào dùng nó để biện hộ cho tính chất quái gở của việc đàn áp và tiêu diệt tư duy của con người như đã từng xảy ra.

Mọi hệ tư tưởng cũng như mọi quan điểm đều cố gắng làm ra vẻ như là quan điểm duy nhất đúng, duy nhất không có tì vết nào. Bản chất tư duy của con người là như thế.

Ý định của Marx và Engels trong việc coi học thuyết của mình là đặc biệt không chỉ được thể hiện trong tư tưởng của họ mà còn thể hiện rõ trong cách mà tư tưởng đó được khẳng định. Chính họ đã phủ nhận mọi đóng góp về mặt khoa học và giá trị “xã hội - tiến bộ” của những người cùng thời với mình. Thay vì thảo luận và phân tích thì họ gán cho ý kiến của những người đó cái nhãn “khoa học tư sản”.

Gót chân Achilles của chủ nghĩa Marx, sự hẹp hòi của Marx và Engels (đây chính là môi trường sinh sống cho thái độ bất dung của chủ nghĩa cộng sản về sau) thể hiện rõ nhất trong việc họ không chịu tách thái độ chính trị của những nhà khoa học, nhà tư tưởng đương thời khỏi giá trị khoa học và đạo đức của những trước tác của họ. Họ đã áp dụng thái độ: “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” với các nhà tư tưởng đương thời.

“Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản” đã gặp sự phản đối mạnh mẽ ngay từ đầu là vì thế.

Quan điểm bất dung thái quá của các “tổ sư” cộng sản xuất phát từ cội nguồn học thuyết của họ: tin rằng không có ngôi sao nào trên bầu trời triết học nữa, hơn nữa họ còn cho rằng nếu có điều gì đó đáng giá xuất hiện thì nó nhất định phải dựa trên cơ sở học thuyết của họ. Tinh thần thượng tôn khoa học của thời đại cũng như nhu cầu của phong trào xã hội chủ nghĩa lúc đó làm cho Marx và Engels coi mọi hiện tượng  "không quan trọng” đối với họ (không thúc đẩy phong trào) đều là thiếu khách quan và ít ý nghĩa.

Quá quan tâm đến việc định rõ danh giới “có tính nguyên tắc” trong đội ngũ của mình, trên thực tế họ đã bỏ quên đóng góp của những nhà tư tưởng lớn đương thời.

Trong các trước tác của mình, họ không hề nhắc đến, thí dụ, nhà triết học lớn như Schopenhuaer, hay nhà mỹ học Tan hoặc các nhà văn và hoạ sĩ lớn cùng thời. Ngay những người say mê tư tưởng và tương lai do họ vẽ ra cũng ít được nói tới. Marx và Engels sử dụng một phương pháp đầy bất dung và tìm cách “thanh toán” những kẻ thù của phong trào xã hội chủ nghĩa, hệt như các nhà cách mạng trước đây đã từng dùng với những kẻ thù của mình. Có thể phản bác đóng góp của Proudhon cho khoa xã hội học, nhưng không ai có thể nghi ngờ giá trị những việc ông đã làm cho sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa và cuộc đấu tranh xã hội, nhất là ở Pháp. Ta có thể nói tương tự như vậy về Bakunin. Trong cuốn Sự khốn cùng của triết học, Marx không chỉ tranh cãi với Proudhon mà còn coi ông này chẳng có tí giá trị gì. Marx và Engels cũng có hành động tương tự với Lassalle và những người đối lập khác trong phong trào của mình.

Mặt khác họ lại có khả năng đánh giá chính xác các sự kiện lớn của thời đại: thí dụ họ là những người đầu tiên đồng ý với Darwin, họ nắm vững các giá trị vĩnh hằng của quá khứ Cổ đại và Phục hưng vốn là cội nguồn của văn hoá châu Âu. Về mặt xã hội học, họ dựa vào kinh tế chính trị học (Smith, Ricardo), về triết học họ dựa vào triết học cổ điển Đức (Kant, Hegel), về lý thuyết phát triển xã hội họ dựa vào chủ nghĩa xã hội Pháp, đúng hơn là những xu hướng diễn ra sau cách mạng Pháp. Đấy đều là những đỉnh cao của tư tưởng khoa học, xã hội học của châu Âu dân chủ và tiến bộ và của cả loài người nói chung.

Nếu so sánh với Lenin thì ta thấy Marx là một nhà khoa học lớn, có thái độ khách quan hơn. Lenin trước hết là một nhà cách mạng vĩ đại, được tôi luyện trong chế độ chuyên chế, tư bản nửa thuộc địa của nước Nga và cuộc đấu tranh giành thị trường của các tập đoàn độc quyền thế giới.

Dựa vào tư tưởng của Marx, Lenin đã đi đến kết luận rằng chủ nghĩa duy vật, nếu nhìn qua lăng kính lịch sử thế giới, là tiến bộ, còn chủ nghĩa duy tâm là phản động. Phải nói rằng kết luận này không những là phiến diện, nghĩa là thiếu chính xác, mà còn làm cho lý thuyết của Marx vốn đã độc tôn còn độc tôn hơn. Cũng cần phải nói rằng nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết về lịch sử triết học của chính Lenin. Vào năm 1908, khi viết cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lenin chưa thật sự hiểu các nhà triết học cổ đại cũng như đương đại. Muốn mau chóng đập tan các kẻ thù tư tưởng, những người cản trở sự phát triển của phong trào, ông đã bỏ qua một bên tất cả những gì không phù hợp với quan điểm cách mạng của Marx. Tất cả những gì trái ngược với chủ nghĩa Marx đều bị ông coi là sai, là vô nghĩa và vô giá trị.

Có thể coi các trước tác của Lenin là khuôn mẫu của giáo điều, rất lôgic và có sức thuyết phục.

Cảm thấy rằng trong lịch sử, chủ nghĩa duy vật luôn luôn là hệ tư tưởng của các phong trào cách mạng, phong trào bạo loạn, Lenin rút ra kết luận phiến diện rằng về nguyên tắc (kể cả áp dụng cho việc nghiên cứu những qui luật phát triển của tư duy) chủ nghĩa duy vật là tiến bộ còn duy tâm là phản động. Đi xa hơn, Lenin đã trộn lẫn hình thức và phương pháp với nội dung và tính khoa học của mọi phát minh khoa học. Đối với Lenin chỉ cần một người có quan điểm duy tâm thì ngay lập tức những đóng góp thực tế cũng như vai trò của người đó trong khoa học đều là “đồ bỏ” hết. Ông đã mở rộng thái độ bất dung về chính trị đối với kẻ thù của mình thành thái độ bất dung đối với toàn bộ lịch sử tư tưởng thế giới.

Triết gia người Anh, ông Bertrand Russell, người có cảm tình với Cách mạng tháng Mười ngay từ năm 1920 đã phát hiện được bản chất của của chủ nghĩa giáo điều của Lenin, cũng có nghĩa là của cả chủ nghĩa cộng sản như sau:

“Tôi có những bất đồng về mặt nguyên tắc với một vài khía cạnh của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, đấy không chỉ là một học thuyết chính trị, nó còn là một tôn giáo với một giáo lý hoàn chỉnh và những cuốn kinh thánh. Định chứng minh một điều gì đó, chỉ cần có cơ hội, là bao giờ Lenin cũng trích dẫn Marx và Engels. Người cộng sản chân chính không chỉ là người thừa nhận quan điểm rằng đất đai và tư bản phải là của chung mà còn phải công nhận rằng tất cả sản phẩm làm ra phải được chia một cách công bằng nhất. Đấy còn là người chấp nhận một số định đề giáo điều có sẵn (thí dụ như chủ nghĩa duy vật), những định đề có thể phù hợp với chân lý nhưng về mặt khoa học thì không thể chứng minh một cách không chối cãi được rằng đấy chính là chân lý... Tôi tin tưởng rằng phương pháp khoa học là đặc biệt quan trọng đối với nhân loại. Nếu một hệ thống kinh tế công bằng hơn nào đó có thể được xây dựng với cái giá phải trả là không được tự do nghiên cứu nữa và trở về với thời kỳ đen tối Trung cổ thì tôi cho rằng giá đó là quá cao. Nhưng cũng phải công nhận rằng trong một khoảng thời gian ngắn nào đó chủ nghĩa giáo điều có thể có lợi cho cuộc đấu tranh”.

Thời Lenin đã là như thế.

Tuy không có kiến thức sâu sắc và chiều sâu tư tưởng như Lenin, Stalin tiếp tục “phát triển” lý luận của ông này.

Ta có thể thấy rằng con người cho đến nay vẫn được Khrushchev coi là “nhà lý luận mac-xit số một” thực ra chưa hề đọc Tư bản, tác phẩm quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx. Một người cực kỳ thực tế và giáo điều đã tự tạo ra “học thuyết về xây chủ nghĩa xã hội” mà không cần đọc những tác phẩm về kinh tế của Marx ! Ông cũng không nghiên cứu bất kỳ một nhà triết học nào, Hegel thì bị coi là “con chó già” và là “phản ứng của chủ nghĩa chuyên chế Phổ đối với cách mạng Pháp”.

Đồng thời ông lại hiểu rõ Lenin, thường trích dẫn Lenin hơn cả Lenin trích dẫn Marx. Các tác gia khác cũng được Stalin trích dẫn theo Lenin. Điều duy nhất mà ông nắm vững là lịch sử chính trị, đặc biệt là lịch sử Nga, phải nói thêm rằng ông có một trí nhớ siêu quần.

Để đóng vai của mình, Stalin chỉ cần có thế. Tất cả những gì không phù hợp với ước muốn và sự hiểu biết của ông đều bị ông coi là “thù địch” và cấm tiệt.

Ba người, Marx, Lenin, Stalin không chỉ khác nhau như những cá nhân mà khác nhau cả cách hành văn nữa.

Ở Marx, người ta thấy hình ảnh một nhà cách mạng, một giáo sư với văn phong sống động, tự do và cực kỳ sắc bén. Lenin là hiện thân của cách mạng, văn phong của ông có lửa, chặt chẽ và sắc sảo. Stalin tự coi mình là hiện thân của những khát vọng của nhân dân, còn tư tưởng của mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Văn phong của Stalin đơn điệu, thiếu sức sống; nhưng chính nhờ tính chất lôgic và giáo điều mà nó lại có tính thuyết phục đối với nhiều người. Sự đơn giản này rất giống với giọng văn cô đọng của các thầy tu, điều đó không chỉ là do thời trai trẻ Stalin đã từng theo học trong trường dòng và mà còn phản ánh chính xác tư duy giáo điều của những người cộng sản.

Không ai trong số những người kế tục Stalin có được sự hài hoà nội tại nghiêm khắc của “lãnh tụ vĩ đại”, niềm tin và sức cuốn hút giáo điều như ông. Là những người tầm thường trong mọi lĩnh vực nhưng họ lại là những người rất thực tế. Không có khả năng tạo dựng những hệ thống mới, không thể đưa ra được những ý tưởng hay ho nhưng họ lại có thể (nhờ khả năng nắm bắt được hiện thực) ngăn chặn được những cái mới hoặc bóp chết mọi sáng kiến từ trong trứng nước.

Chủ nghĩa giáo điều trong tư tưởng cộng sản đã phát triển như thế đấy. “Sự phát triển của chủ nghĩa Marx” cùng với việc củng cố giai cấp cầm quyền mới như vậy là đã dẫn tới không chỉ sự độc quyền của một sơ đồ tư tưởng duy nhất mà còn tạo ra sự bao cấp về tư tưởng của một người hoặc một nhóm người và như vậy kết quả nhất định sẽ là sự trì trệ về tinh thần và sự nghèo nàn của chính hệ tư tưởng kia. Đồng thời thái độ bất dung đối với mọi quan điểm khác, đối với tư duy nói chung lại ngày một tăng thêm. Lực tác động cũng như sức sống của hệ tư tưởng này tỉ lệ nghịch với “sức khoẻ” của những người đại diện cho nó.

Trở thành “một chiều” và bất dung hơn, chủ nghĩa cộng sản hiện đại càng ngày càng sản sinh ra thêm nhiều những “nửa” sự thật hoặc là dùng những nửa sự thật như thế để che đậy hành tung của mình. Mới nhìn thì một vài khía cạnh của nó có vẻ giống y như thật. Nhưng chính nó lại chứa đầy dối trá. Khi toàn bộ đời sống xã hội bị đặt dưới quyền kiểm soát của các lãnh tụ cộng sản thì những nửa sự thật kia, thậm chí cả lý thuyết cộng sản càng ngày càng mất khả năng vận động và chìm dần vào dối trá.

2.

Việc áp dụng luận điểm cho rằng chủ nghĩa Marx là phương pháp toàn năng mà người cộng sản phải luôn luôn sử dụng nhất định sẽ dẫn đến sự khủng bố đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần.

Nhà vật lý sẽ làm thế nào nếu các nguyên tử không chịu tuân theo nguyên lý thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của Hegel và Marx? Nhà thiên văn học sẽ làm thế nào nếu vũ trụ không tuân theo biện chứng pháp cộng sản? Nhà sinh vật học sẽ phải hành động ra sao nếu cây cối không chịu theo lý luận của Stalin và Lưshenko về sự hợp tác giữa các giai cấp trong “xã hội xã hội chủ nghĩa”? Không thế nói dối “một cách chân thành”, các nhà khoa học đành phải trả giá vì “tà thuyết” của mình. Những phát minh của họ chỉ có thể được công nhận nếu chúng “khẳng định” các công thức macxit- lêninit. Các nhà khoa học cứ phải thường xuyên tìm cách lái những kết quả hoặc phát minh của họ sao cho không trái ngược với giáo điều chính thống. Khoa học bị buộc phải trở thành cơ hội và thoả hiệp. Các lĩnh vực lao động trí óc khác cũng có số phận tương tự.

Sự bất dung của phong trào cộng sản hiện đại làm người ta nhớ đến các giáo phái thời Trung cổ.

Trong chủ nghĩa cộng sản hiện đại người ta có thể thấy sự bất dung giáo điều của những người Thanh giáo thời Cromwell và chính sách không khoan nhượng của phái Jacobin. Dù sao vẫn có một khác biệt, nhưng đấy không phải là vì những người Thanh giáo tin tưởng tuyệt đối vào Kinh thánh còn cộng sản thì tin vào khoa học hay quyền lực của cộng sản thì bao trùm hơn Jacobin. Sự khác biệt nằm trong khả năng: không một tôn giáo hay một nền chuyên chế nào từng có một sức mạnh vô giới hạn và toàn diện như chế độ cộng sản.

Vị trí của họ càng được củng cố thì các lãnh tụ cộng sản càng thêm tin rằng họ đã chọn được con đường duy nhất đúng để đi tới hạnh phúc và xã hội “lý tưởng”. Đã có một câu chuyện tiếu lâm rằng các lãnh tụ cộng sản xây dựng chủ nghĩa cộng sản cho chính mình. Nhưng các lãnh tụ đã không đùa khi đồng nhất mình với xã hội, đồng nhất mình với khát vọng của mọi người dân. Chế độ chuyên chế cực quyền song hành với niềm tin không lay chuyển vào hạnh phúc tối cao của nhân loại, còn sự vạn năng của phương pháp và bao trùm của thế giới quan thì song hành với sự bao trùm và vạn năng của áp bức.

Chính quá trình phát triển đã biến các ông trùm cộng sản thành những cai ngục của lương tâm con người, sự bao cấp về tư tưởng tăng lên theo đà phát triển của sức mạnh và “sự thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nam Tư cũng không tránh khỏi qui luật đó. Ở đây, các lãnh tụ thường xuyên nhấn mạnh “tính tự giác cao của nhân dân ta” trong thời kỳ cách mạng, nghĩa là khi nhân dân, đúng hơn là một bộ phận nhân dân đã tích cực ủng hộ họ. Ngày nay, cũng theo lời các lãnh tụ này, ý thức tự giác “của nhân dân” rất thấp cho nên không thể có dân chủ ngay được. Các lãnh tụ cộng sản Nam Tư tuyên bố công khai rằng khi tính tự giác xã hội chủ nghĩa phát triển cao, họ tin rằng ngày đó sẽ tới cùng với việc hoàn thành công nghiệp hoá, thì họ sẽ mở cánh cửa dân chủ. Khi ngày đó chưa tới thì họ lại tin tưởng tuyệt đối rằng họ có quyền, nhân danh tự do và hạnh phúc trong tương lai, dày xéo lên mọi mầm mống của những tư tưởng và quan điểm đối nghịch với họ.

Các lãnh tụ Xô Viết không cần phải dùng thủ đoạn giả dối như thế. Họ tin tưởng và tuyên bố rằng đất nước đã có dân chủ rồi. Nhưng phải nói rằng chính họ cũng thấy con thuyền đang chao đảo. Họ cũng thường xuyên phải “nâng cao” ý thức của nhân dân, nghĩa là bắt dân chúng phải học thuộc lòng các công thức Marx-Lenin và các chỉ thị của lãnh đạo. Tệ hơn nữa, họ còn bắt buộc dân chúng phải thề nguyền trung thành với chủ nghĩa xã hội, trung thành với tổ quốc và tin vào sự lãnh đạo và những lời hứa suông của họ.

Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Giống như thời Trung cổ khi người ta luôn luôn phải chứng tỏ rằng mình là người trung thành với nhà thờ.

Bắt đầu ngay từ nhà trường, với hệ thống giáo dục và sau đó là tất cả mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần cũng như đời sống xã hội đều nhằm mục đích đó. Đảng cầm quyền quan tâm đến tính tự giác, lương tâm và sự “phát triển” của con người từ khi sinh ra cho đến tận lúc chết. Các nhà báo, các nhà tư tưởng, các văn nô, các trường học chuyên biệt, một hệ tư tưởng chủ đạo duy nhất, một khối lượng tài sản khổng lồ được chi ra cho công việc đó. Để cho bức tranh được toàn vẹn phải kể thêm số lượng khổng lồ các loại sách, loại báo, báo in, báo nói, báo hình và các loại tuyên truyền khác.

Mặc dù vậy, thành tích thu được thật là khiêm tốn và không tương xứng với chi phí cũng như biện pháp tiến hành (ngoại trừ đối với chính giai cấp mới, dĩ nhiên là họ luôn luôn tuân thủ đường lối do chính họ lựa chọn)

Nhưng họ chỉ giành được kết quả khi tiến hành đàn áp những sáng kiến không phù hợp với hệ tư tưởng chính thống cũng như cố tình tiêu diệt mọi tư tưởng đối nghịch.

Trong chế độ cộng sản người ta không thể tư duy mà không có hướng dẫn. Hơn nữa người ta lại thường suy nghĩ khác với chỉ đạo. Xuất hiện tư duy nước đôi: cách nghĩ ngầm, cho mình, và có một cách nữa là để trưng ra, theo tiêu chuẩn chung. Đánh giá các sự kiện cũng theo kiểu nước đôi như vậy.

Điều đó phản ánh, một mặt là kinh nghiệm của quần chúng và mặt khác là sức mạnh của những người cộng sản.

Con người dưới chế độ cộng sản không những bị ngu dân vì sự tuyên truyền mà còn đau khổ vì không thể nhận chân được sự thật, không vươn tới được những ý tưởng mới. Trong lĩnh vực này thì sự tha hoá, thối nát nhiều hơn là “thành tích”.

Các lãnh tụ cộng sản, những kẻ bao cấp về tinh thần, luôn luôn tiến hành theo dõi để tư tưởng của dân chúng không “đi lạc vào khu vực chống cộng”, họ chỉ chuyên cung cấp cho dân chúng hàng tiêu dùng loại hai (những tư tưởng cũ rích, đã hoá đá và không có khả năng thay đổi), chính họ đã đầu độc, giết chết đời sống tinh thần của dân tộc mình. Họ đã nghĩ ra một hình thức giết người vô tiền khoáng hậu - giết chết tư tưởng và hành xử với con người cũng như tư duy của con người không khác gì người ta hành xử với búi cỏ trên sa mạc. Khi giết chết tư tưởng của người khác, không cho tư tưởng người khác được tự do bay bổng thì chính họ cũng trở thành một bọn người nhạt nhẽo, trống rỗng, một bọn người không hề biết đến những phút giây hạnh phúc của tư duy trầm mặc thâm sâu. Cả xã hội giống như một nhà hát không khán giả. Họ tư duy theo kiểu nhai lại: khi có nhu cầu là đầu óc bắt đầu xào xáo những ý cũ rích. Công việc của những cố-đạo-cảnh-sát-viên, đồng thời là chủ nhân ông không những của những phương tiện hoạt động trong lĩnh vực tinh thần như nhà in, đài phát thanh,... mà còn là chủ nhân của những phương tiện vật chất liên quan đến đời sống của từng con người như nhà ở và bánh mì, là như thế đấy.

Như vậy thì chủ nghĩa cộng sản hiện đại có khác gì một giáo phái?

M.D.

Nguồn: Bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn