Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam

Phan Thành Đạt

Tiếp theo bài «Tòa án hiến pháp» là phần 1, ông Phan Thành Đạt lại có thêm phần 2 «Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam», để giúp cơ quan quyền lực của Quốc hội, nhất là Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tham khảo.

Như chúng tôi đã nói, đây chỉ là giấc mơ không có thật của một người sống xa đất nước, không thể hình dung nổi những gì xảy ra tại quê hương, nơi mà một số nhu cầu tối thiểu về quyền làm người cũng có thể mất khi nào không biết, trong kiểu hành xử coi việc phá nhà dân để cướp đầm nuôi tôm mênh mông do gia chủ khai phá là “một trận đánh đẹp” của một ông Đại tá CS; hay việc không đội mũ bảo hiểm chưa chết vì tai nạn giao thông thì đã bị CA một đồn nọ – và không phải chỉ một đồn – bẻ cho gãy cổ; hoặc nữa bà mẹ từng hy sinh trọn đời cho CQCS mà vì mất đất đội đơn đến trước vườn hoa sát dinh cơ Chính phủ đã bị những tên máu lạnh đẩy chết đứ đừ; hoặc chuyện đang diễn ra hiện nay là một người tù lương tâm – “một người không tầm thường” – mà cả nước đều biết tiếng đã tuyệt thực đến ngày thứ 21, trước sự dưng dưng của cả một bộ máy quyền lực hình như không còn nhân tính, v.v.

Nhưng dù sao, BVN vẫn trân trọng đăng trọn vẹn cả hai phần của bài viết này nhằm kích thích niềm hy vọng cho tất cả những ai đang kiên trì phấn đấu vì con đường dân chủ hóa chầy chật của đất nước.

Bauxite Việt Nam

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đưa ra kế hoạch thành lập Hội đồng Hiến pháp, với vai trò giám sát và loại bỏ các đạo luật, các văn bản dưới luật vi hiến. Tòa án Hiến pháp cũng sẽ so sánh tính hợp hiến của các hiệp ước quốc tế với Luật cơ bản của Việt Nam. Có thể khẳng định đây là bước tiến quan trọng, góp phần vào sự nghiệp dân chủ hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thiết lập Tòa án Hiến pháp là việc làm cần thiết, lẽ ra Việt Nam phải làm việc này từ rất lâu rồi.

Để đảm bảo cho Tòa án Hiến pháp giữ đúng vai trò là cơ quan tư pháp đặc biệt, điều cốt yếu là phải đảm bảo tính độc lập cho cơ quan này. Tòa án Hiến pháp sẽ không chịu sự chi phối, hay chịu sức ép của bất kỳ cơ quan nào. Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam cũng phải có vị trí cao hơn tất cả các tòa án khác. Cơ quan này nằm ngoài sự kiểm soát của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương, bởi vì các cơ quan nhà nước cũng như nhân dân phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp là bộ luật cơ bản có vị trí cao nhất trong hệ thống luật pháp, do đó Tòa án Hiến pháp cũng có vị trị đặc biệt, để bảo vệ tốt hơn các giá trị được Hiến pháp công nhận.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập là không đúng về nguyên tắc. Vì Tòa án Hiến pháp là cơ quan tư pháp có nhiệm vụ giữ gìn các giá trị của Hiến pháp, cần có vị thế riêng biệt. Trong khi đó Quốc hội là cơ quan lập pháp có chức năng thảo luận và thông qua các dự luật được Chính phủ đề xuất, hoặc được chính các Đại biểu Quốc hội đề xuất. Một cơ quan tư pháp đặc biệt được thành lập bởi một cơ quan lập pháp, các thành viên của cơ quan tư pháp này lại là các đại diện của cơ quan hành pháp và lập pháp (ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đề nghị Chủ tịch nước là người lãnh đạo Hội đồng Hiến pháp, các thành viên khác của Hội đồng này cũng là đại biểu Quốc hội). Ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp chồng chéo và đan xen vào nhau. Đây là những thiếu sót cơ bản khó đảm bảo tính hiệu quả của Hội đồng Hiến pháp, điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc tam quyền phân lập (Il s’agit de la confusion totale des pouvoirs, le principe de la séparation des pouvoirs est nié). Nhưng cũng dễ hiểu vì cơ chế vận hành của Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ (1), quyền lực đều thu về một mối, trong khi đó tổ chức quyền lực của các nước dân chủ theo nguyên tắc phân quyền, và có cơ chế giám sát độc lập. Vì vậy Hội đồng Hiến pháp nằm trong Quốc hội là điều dễ hiểu. Hai phương thức tổ chức Nhà nước khác nhau, do đó các cơ quan hành chính ở Việt Nam sẽ vận hành theo cách thức tổ chức riêng, theo nguyên tắc quyền lực tập trung và thống nhất. Nếu Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam giữ vai trò độc lập, cũng khó hoạt động, vì đó là cơ chế vận hành theo kiểu phương Tây. Trừ khi cơ quan này tự khẳng định được vai trò quan trọng của mình, tự bứt ra và giữ vị trị độc lập, hoặc nếu Việt Nam mong muốn xây dựng Nhà nước dân chủ theo mô hình phương Tây.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ dành 1 điều duy nhất đề nói về Hội đồng Hiến pháp (điều 120) là quá ít và có nhiều thiếu sót. Hiến pháp của các nước đều dành một chương để quy định vai trò và chức năng của Tòa án Hiến pháp. Hiến pháp Pháp từ điều 56 đến điều 63 (8 điều) chỉ để bàn về Hội đồng Hiến pháp, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp Pháp được quy định rất cụ thể. Hiến pháp Tây Ban Nha dành 6 điều (Từ điều 159 đến 164) để quy định vai trò và nhiệm vụ của Tòa án Hiến pháp. Hiến pháp Ý cũng có 4 điều (từ điều 134 đến điều 137) quy định vai trò của Tòa án Hiến pháp.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ những quy định khác về Hội đồng Hiến pháp, cách thức chọn lựa các thành viên sẽ được cụ thể hóa bằng luật. Sẽ đúng hơn khi những nhiệm vụ quan trọng bảo đảm quyền con người của Hội đồng Hiến pháp, các tiêu chuẩn lựa chọn quan tòa Hiến pháp, các tổ chức chính trị có quyền tiến cử những người tài giỏi vào Hội đồng Hiến pháp, các nguyên tắc cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả của cơ quan này... Những quy định đó nhất thiết phải được ghi cụ thể trong Hiến pháp. Ban soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp cần dành hẳn 1 mục quan trọng, với ít nhất 4 điều đề cập về những nội dung chủ yếu này. Chỉ nên luật hóa cách thức tổ chức của Hội đồng Hiến pháp, các khoản chi tiêu hàng năm cho cơ quan này, mức lương cho các thành viên, cơ quan giúp việc, thời gian hội họp...

Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam không nên là cơ quan trực thuộc của Quốc hội. Tòa án Hiến pháp cần thiết phải là cơ quan độc lập (I). Các thành viên được chọn lựa phải là những người có trình độ và trách nhiệm cao, vì các quyết định của Tòa án này có ảnh hướng rất lớn đến các cơ quan thực thi luật pháp. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần xây dựng Hội đồng Hiến pháp thành một Tòa án thực sự, góp phần xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền (II).

I. Hội đồng Hiến pháp cần có vai trò độc lập

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Phan Trung Lý dẫn đầu đã đi thăm Pháp và hội kiến với các Nghị sĩ Pháp, mục đích chuyến thăm của Việt Nam để học hỏi về cách tổ chức Hội đồng Hiến pháp. Phía Pháp cũng khuyên Việt Nam cần thành lập Hội đồng bảo hiến.

Thành lập Hội đồng Hiến pháp bên trong Quốc hội sẽ không đảm bảo tính hiệu quả của cơ quan này, vì thẩm phán sẽ không có tư thế độc lập và khách quan trong các quyết định của mình. Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam sẽ lại mắc phải những khuyết điểm giống như Ủy ban Hiến pháp dưới thời Cộng hòa đệ tứ của Pháp (1946-1958), Hiến pháp Pháp năm 1946 dành 3 điều (từ điều 91 đến điều 93) để ghi nhận cụ thể vai trò và nhiệm vụ của Ủy ban Hiến pháp. Cơ quan này xem xét các đạo luật được Quốc hội thông qua, nếu như các đạo luật này bị nghi ngờ trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp. Tổng thống và Chủ tịch Hội đồng nhà nước có quyền yêu cầu Ủy ban Hiến pháp xem xét lại đạo luật. Ủy ban Hiến pháp thảo luận về đạo luật, đồng thời tiến hành hòa giải những quan điểm khác nhau của Quốc hội và Hội đồng nhà nước. Nếu Quốc hội sau khi thảo luận thêm một lần nữa về đạo luật, vẫn giữ nguyên đạo luật đó, đạo luật gây tranh cãi chỉ được thông qua và ban hành, nếu trước đó Hiến pháp đã được sửa đổi.

Ủy ban Hiến pháp dưới thời Cộng hòa đệ tứ chỉ có vai trò là Ủy ban hòa giải giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp. Lợi ích duy nhất của Ủy ban Hiến pháp là làm chậm lại thời gian ban hành đạo luật gây tranh cãi, cơ quan này không có tư thể của 1 Tòa án Hiến pháp thực sự, không bãi bỏ đạo luật vi hiến. Vì thế Ủy ban Hiến pháp tồn trong suốt 12 năm mà không có đóng góp gì để bảo vệ Hiến pháp. Ủy ban này có một tuyên bố duy nhất, nhưng không phải để loại bỏ đạo luật vi hiến, mà là sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với đạo luật đó. Các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1958 đã thấy được những yếu kém của Ủy ban Hiến pháp khi cơ quan này trực thuộc Quốc hội Pháp. Họ đã khắc phục được những nhược điểm điểm đó, bằng cách xây dựng Hội đồng Hiến pháp độc lập.

Chắc chắc Hội đồng Hiến pháp của Việt Nam cũng sẽ mắc phải những khuyết điểm như thế, vì không có vị trí độc lập và khách quan. Chúng ta đưa ra giả thuyết như sau : Hội đồng Hiến pháp gồm các thành viên là Đại biểu Quốc hội và đại diện của Chính phủ. Một dự thảo luật của Chính phủ sẽ được trình Quốc hội, sau khi thảo luận ở tổ, dự thảo được đưa ra trước Quốc hội, các đại biểu đóng góp ý kiến, sau đó đạo luật được thông qua. Một số đại biểu hoài nghi vì theo họ đạo luật có thể là vi hiến. Hội đồng Hiến pháp được triệu tập, một số thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua đạo luật, sau đó họ lại là người xem xét lại đạo luật đó. Đương nhiên họ sẽ là người tiếp tục đồng ý về nội dung đạo luật, (Trừ khi họ bỏ phiếu lấy lệ cho đúng thủ tục, nhưng đến khi xem xét đạo luật họ mới bộc lộ suy nghĩ thật), như vậy nhiệm vụ giám sát luật của Hội đồng Hiến pháp không có tính khả thi.

Hội đồng Hiến pháp chỉ có vai trò xem xét lại đạo luật một lần nữa xem có phù hợp với Hiến pháp không. Nếu đạo luật có những điều khoản mâu thuẫn với Hiến pháp, Hội đồng sẽ tiến hành sửa đổi, sau đó đề nghị Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Như vậy, Hội đồng Hiến pháp trở thành Ủy ban kiểm tra Hiến pháp của Quốc hội và Chính phủ. Vai trò duy nhất của cơ quan này là làm chậm lại quá trình ban hành luật giống như Ủy ban Hiến pháp dưới thể chế cộng hòa đệ tứ ở Pháp. Kết quả là Việt Nam vẫn không có Tòa án Hiến pháp đúng nghĩa.

Tòa án Hiến pháp độc lập sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn và khách quan, để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tòa án Hiến pháp độc lập cũng sẽ định hướng cho ngành tư pháp độc lập, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn xây dựng Nhà nước dân chủ và văn minh, con người trong xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thiết lập Tòa án Hiến pháp độc lập là một trong những điều kiện đầu tiên.

II. Hội đồng Hiến pháp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo vệ các quyền công dân

Tôn trọng quyền con người luôn là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một xã hội tiến bộ và công bằng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tòa bảo hiến là bảo vệ các quyền được Hiến pháp công nhận. Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ loại bỏ tất cả các đạo luật vi hiến. Để thực hiện tốt công việc này. Việt Nam cần áp dụng cả hai hình thức giám sát tập trung và phổ quát đang được các Tòa bảo hiến ở hầu hết các nước thực hiện. Hình thức giám sát luật tập trung cần được tiến hành theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng ,Chủ tịch nước và yêu cầu của 1/5 số Đại biểu Quốc hội. Cơ chế giám sát này cũng sẽ không mang lại hiệu quả vì thể chế chính trị của Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu như Quốc hội đã thông qua một đạo luật với sự đồng thuận cao, vì hơn 90 % Đại biểu Quốc hội là đảng viên, sẽ ít có ý kiến yêu cầu giám sát luật theo chiều hướng phản đối và muốn loại bỏ đạo luật bị nghi ngờ là vi hiến. Bởi vì ở các nước khác, khi các Nghị sĩ yêu cầu Tòa bảo hiến giám sát luật, thực tế là một hình thức phản đối của phe đối lập ở Nghị viện, phe đối lập muốn tìm một cơ hội để loại bỏ đạo luật gây tranh cãi mà họ không tán thành. Ở Việt Nam sẽ không có tình huống như vậy. Nếu có ý kiến yêu cầu giám sát, đó chỉ là yêu cầu thảo luận để bổ sung hay loại bỏ một số điểm trong đạo luật cho phù hợp với Hiến pháp. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cơ quan lập pháp thành hai viện, đạo luật sẽ lần lượt được thảo luận tại mỗi viện, mức độ chính xác và lợi ích của đạo luật sẽ được xác định rõ hơn, do đó không nhất thiết cần đến ý kiến của Hội đồng Hiến pháp, hơn nữa khi một dự thảo luật của Chính phủ trình Quốc hội, cơ quan này sẽ hỏi ý kiến của các cố vấn về luật pháp. Cơ chế giám sát tập trung của Hội đồng Hiến pháp mang tính hình thức, cơ quan này trở thành một tiểu ban giúp việc cho Quốc hội và Chính phủ.

Hình thức giám sát luật phổ quát có thể sẽ phát huy tác dụng hơn. Vì công dân sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp can thiệp, một khi các quyền cơ bản của mình bị vi phạm trong một vụ việc tranh chấp cụ thể. Nhưng công dân cũng không biết sẽ phải làm thế nào trong trường hợp Hiến pháp không công nhận công dân có quyền gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến Tòa án Hiến pháp. Hơn nữa cơ quan này trực thuộc Quốc hội, và không phải là Tòa án Hiến pháp đúng nghĩa như ở các nước.

Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của Hội đồng Hiến pháp sẽ khó thực hiện, nếu như cơ quan này không có vị trí độc lập và được Hiến pháp giao cho nhiều quyền hơn. Hội đồng Hiến pháp chỉ còn lại vai trò xem xét và đóng góp ý kiến cho Quốc hội và Chính phủ. Đây sẽ là điều rất đáng tiếc, khi vai trò chính của Tòa bảo hiến không được ghi nhận cụ thể.

Để khắc phục những thiếu sót có thể xảy ra khi thiết lập Hội đồng Hiến pháp. Tôi xin đưa ra một số đề nghị :

1. Nên gọi Hội đồng Hiến pháp là Tòa án Hiến pháp, để thể hiện rõ vai trò của cơ quan này. Tòa án Hiến pháp có vị thế độc lập và không chịu sự kiểm soát của bất kì cơ quan nào. Tòa án Hiến pháp có trụ sở tại thủ đô Hà Nội. Các khoản chi tiêu của Tòa án Hiến pháp được Nhà nước chu cấp. Các chi phí sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin vào dịp cuối năm.

2. Tòa án Hiến pháp gồm 11 thành viên, có nhiệm kỳ 9 năm, và không thể bị bãi chức, trừ khi phạm tội hình sự, hoặc bị chính Tòa án đề nghị bãi chức vì năng lực yếu. Các thành viên phải có ít nhất 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật pháp hoặc chính trị. Các Giáo sư luật có quốc tịch Việt Nam đang giảng dạy ở trong nước và ở nước ngoài được đề cử vào Tòa án Hiến pháp. Khi đã là thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, các thành viên không được phép làm bất kỳ công việc gì khác, họ chỉ được phép, khi đã thôi chức tại Tòa án Hiến pháp.

3. Tòa án Hiến pháp giám sát luật theo hình thức tập trung và phổ quát. Công dân có quyền gửi đơn trực tiếp đến Tòa khi các quyền cơ bản được Hiến pháp bảo vệ, bị xâm phạm. Khi các đơn từ có nội dung giống nhau, Tòa án sẽ đưa ra quyết định chung có hiệu lực với những trường hợp tương tự. Ví dụ như quyền sở hữu đất đai, tài sản của nông dân bị vi phạm. Các đơn kiện phải đáp ứng đủ các điều kiện do luật định, Tòa án Hiến pháp mới xem xét giải quyết.

4. Các quyết định của Tòa án Hiến pháp là những phán quyết cuối cùng. Tất cả các cơ quan có thẩm quyền phải tôn trọng các quyết định đó. Để đảm bảo tính công bằng và khách quan của Tòa án Hiến pháp, các nhà lãnh đạo, các cơ quan đoàn thể không được phép gây sức ép đến quyết định của Tòa án Hiến pháp.

Kết luận

Montesquieu cho rằng quan tòa phải là cái miệng chỉ nói lên những lời của luật pháp (le juge est la bouche qui prononce les paroles de la loi). Nghĩa là quan tòa chỉ tuân thủ và thực hiện đúng với những nguyên tắc của luật pháp, (nhưng luật pháp cũng phải đúng đắn và có cơ sở). Để đảm bảo bình đẳng và khách quan trong các phán quyết của mình, thẩm phán của Tòa án Hiến pháp cần có tư thế độc lập. Khi đó thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ là cái miệng của Hiến pháp. Họ chỉ có vai trò duy nhất là bảo vệ các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận.

P.T.Đ.

Ghi chú

Nguyên tắc dân chủ tập trung, dựa trên quyền lực tập trung, được sáng tạo dưới thời Cộng hòa đệ nhất, năm 1793 ở Pháp, bởi luật sư Roberspierre cùng các cộng sự Saint-Just, Danton, Babeuf. Nhóm Jacobin là các thành viên cực tả, tiền thân của chủ nghĩa cộng sản sau này. Lénine chịu ảnh hưởng về cách thức tổ chức nhà nước của những người Jacobin. Những người Bolchévique đã áp dụng một số nguyên tắc về tổ chức Nhà nước trong bản Hiến pháp năm 1793 của nhóm Jacobin. Nguyên tắc tập trung dân chủ được Lénine nói đến lần đầu trong tác phẩm «Làm gì», xuất bản năm 1906, khi đó cả Lénine và Trotsky đều đang còn trẻ. Trotsky hỏi Lénine : « Đồng chí xếp Đảng, để thế vào vị trí của giai cấp vô sản, rồi Ban chấp hành Trung ương thế chỗ cho Đảng, cuối cùng là Bộ chính trị và Tổng bí thư thế chỗ cho Ban chấp hành Trung ương, nhân danh giai cấp vô sản, đồng chí lại chuyển quyền lực tuyệt đối cho một người, hay một nhóm người». Chính bản thân Trotsky cũng không hiểu đầy đủ những lời thắc mắc của mình (theo Raymond Aron, Démocratie et totalitarisme). Trotsky cho dù có thắc mắc về tổ chức quyền lực trong Nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng bản thân Trotsky, (cũng như các lãnh tụ như Maurice Thorez, Sékou Touré, Che Guevara, Mao) đến khi trút hơi thở cuối cùng, cũng không bao giờ mất đi nhiệt tình cách mạng và niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản, cũng như thắng lợi hoàn toàn của giai cấp vô sản trên toàn thế giới và hạnh phúc được cống hiến vì sự nghiệp giải phóng giai cấp bị áp bức. Điều này được khẳng định khi đọc lại các bức thư của Trotsky viết cho vợ đã được công bố.

Tài liệu tham khảo

- Le droit constitutionnel de Louis Favoreu

- La Constitution française de 1958

- Les Constitutions de la France de la Révolution à la IV ème République

- Les grandes démocraties, Constitution des États-Unis, de l’Allemagne, de l’Espagne et de l’Italie.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn