HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN HỌC THỜI LÝ – TRẦN

PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Chủ nhật tuần trước BVN tiếp tục đăng bài thứ 2 trích trong công trình Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ chi do NXB Giáo dục vừa cho ra mắt (xin xem: Từ nghĩa rộng và hẹp của hai chữ “văn học” trong quá khứ đến việc phân loại các loại hình văn học Lý – Trần http://www.boxitvn.net/bai/16498). Bài viết này công bố từ năm 1976, thực ra là trích một phần từ công trình Khảo luận văn bản Thơ văn Lý – Trần của cùng tác giả, ra mắt năm 1977. Sau khi in, Khảo luận Thơ văn Lý – Trần đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hoc cổ tham khảo, tiếp nhận, cũng như có thêm những tìm tòi, bổ sung. Dưới đây là một bài viết thuộc loại đó của Nguyễn Phạm Hùng.

Bauxite Việt Nam

Chúng tôi sẽ không nhắc lại ở đây tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nghiên cứu thể loại văn học của các thời kỳ lịch sử, của từng nhà văn cụ thể. Bởi vì điều đó là hiển nhiên. Vấn đề là chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể chứng minh được hết những biểu hiện đa dạng và phức tạp của nó trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật của con người. Mỗi thời đại lại có thể tìm kiếm và phát hiện thêm những giá trị mới của nó. Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ hoàn thành công việc phục hiện những tư liệu và hiện vật của văn học quá khứ, nhưng việc giải thích nó thì dường như, hay nhất định là thế, chẳng bao giờ dừng lại. Bởi những giá trị mà nó đem lại không bao giờ là giá trị tự thân. Nó chỉ có giá trị trong những sự giao tiếp, sự đối xử. Mà mỗi thời đại có cách giao tiếp và đối xử riêng đối với văn học và văn hóa quá khứ.

Chúng tôi cũng sẽ không nhắc lại ở đây thái độ và định kiến về việc xem thể loại văn học chỉ là câu chuyện thuần túy hình thức nghệ thuật. Và cũng cần khẳng định lại cái quan niệm cũ nhưng luôn đúng rằng thể loại chính là sự hòa hợp tối đa giữa nội dung và hình thức của văn học. Đấy là đối với những thể loại văn học đích thực. Vì vậy, nghiên cứu thể loại không bao giờ chỉ là nghiên cứu hình thức văn học. Những hình thức ấy phải được giải thích bằng, hay chính nó sẽ giải thích cho, nhưng nội dung tư tưởng, nhưng cảm hứng nghệ thuật, những tâm lý và cá tính sáng tạo của nhà văn trong những hoàn cảnh lịch sử, hay là những hoàn cảnh sống cụ thế. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta vẫn cứ phải đi vào và đi từ hình thức, từ cấu trúc hình thức, rồi mới đến những thông điệp tinh thần mà tác phẩm gửi gắm.

Chúng ta xem văn học là một hệ thống các tín hiệu, hay là hệ thống của những hệ thống tín hiệu. Đó cũng có thể là những hệ thống những cấu trúc. Hay đó là hệ thống các giá trị(1)… Nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là, chúng ta đang đứng trên bình diện nào để nhận thức các hệ thống ấy. Đây là điểm khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Và vì đứng ở những bình diện khác nhau, nên nhiều khi các nhà nghiên cứu trở nên mâu thuẫn và xung khắc nhau kịch liệt về cách đánh giá một hiện tượng văn học, mà không biết rằng kỳ thực họ lại rất giống nhau trong quá trình khám phá đối tượng. Chỉ có điều, mỗi người đã khám phá đối tượng ở một khía cạnh khác, nhưng lại nhất thiết buộc người khác phải nghĩ theo cách của mình.

Nghệ thuật là một sự trừu tượng hoá. Cũng giống như quá trình sáng tạo các loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, hội họa, điêu khắc… tức là quá trình trừu tượng hóa những cái cụ thể bằng các chất liệu khác nhau, các nghệ sĩ buộc phải thực hiện một quá trình mã hóa nghệ thuật. Cách trừu tượng hóa của nghệ thuật cũng bằng nhiều con đường, nhiều chất liệu, nhiều phương pháp, cách thức khác nhau để từ đó tạo ra những mô thức nghệ thuật, kiểu thức nghệ thuật, loại hình nghệ thuật, hình thể nghệ thuật … khác nhau, để người ta bắt chước nhau mà lặp lại, hay loại bỏ nhau để sáng tạo cái mới hơn. Quá trình này diễn ra liên tục, chẳng bao giờ có điểm dừng. Biện chứng của sự sáng tạo nghệ thuật cũng giống như biện chứng của sự sống, là sự phủ nhận những cái đã có để tạo ra cái mới. Bởi vậy nghệ thuật phải luôn luôn sống động và vận động. Có sự vận động để phát triển đi lên, có sự vận động chỉ để đổi thay. Có sự vận động lại theo kiểu “dậm chân tại chỗ”. Nghệ thuật trung cổ là một ví dụ điển hình cho sự “dậm chân tại chỗ” có khi cả trăm năm về hình thức nghệ thuật.

Sẽ phải trả lời cho câu hỏi: Vậy chúng ta cần tiếp cận văn học từ phương diện nào? Rõ ràng là không chỉ có một phương diện. Nhưng nếu văn học (mà rộng ra là nghệ thuật) là một quá trình trừu tượng hóa những cái cụ thể, hay cũng có thể xem là một quá trình mã hóa những cái cụ thể, thì việc khám phá văn học (và nghệ thuật) là một quá trình giải mã những cái cụ thể đó. Cái cụ thể ở đây là màu sắc, đường nét của hội họa, là âm thanh, giai điệu của âm nhạc, là hình khối, kiểu dáng của điêu khắc và là từ ngữ, câu cú, nhịp vần, cấu trúc, bố cục… của văn học. Và khi những cái cụ thể đó được xếp vào các loại, các thể, các kiểu thì chúng ta bắt đầu chú ý tới các kiểu thức (type), các thể loại (genre) của nó. Thể loại như là những hệ thống cấu trúc của cái cụ thể giúp chúng ta khám phá cái thể giới trừu tượng của nghệ thuật.

Trở lại với thời đại Lý - Trần, một thời đại mà nhiều người, tuy thán phục những thành quả của văn học nhưng không giấu giếm sự thất vọng về hệ thống cấu trúc của những cái cụ thể – tức là hệ thống thể loại của nó. Và người ta thường an tâm với những đánh giá có phần “chiếu cố” như đấy chỉ là thời kỳ “tập làm văn” (với cái nghĩa là i tờ trong nghệ thuật) của con người. Hay có khi là một đánh giá nhìn ngoài tưởng như hợp lý, rằng chúng ta chỉ biết tiếp thu những cái có sẵn của Trung Quốc, mà chưa có khả năng tự sáng tạo ra cái riêng của ta. Một sự yếu kém có tính tất yếu, dù được giải thích bằng những cách khác nhau.

Có thật sự là thuyết phục khi mà chúng ta ca ngợi một thời kỳ văn học huy hoàng chỉ bởi những giá trị nội dung của nó?

Cái trừu tượng chỉ có thể được thể hiện bởi cái cụ tượng. Mà cái cụ tượng không có gì đặc sắc thì làm sao ta có được cái trừu tượng đặc sắc?

Có người giải thích rằng, chúng ta đã mượn cái cụ tượng của nước ngoài để thể hiện thành công cái trừu tượng của ta. Điều đó không phải là không có lý. Nhất là nếu đặt văn học Lý - Trần trong phổ (sphère) “Hán văn hóa” có tính khu vực. Nhưng điều này dường như vẫn còn nhiều cấn cái.

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu văn học chữ Hán thời Lý - Trần chỉ dùng để xem, thì sẽ không có vấn đề gì lớn. Nó sẽ dễ dàng hòa lẫn và tan biến vào những hệ thống cấu trúc của văn học Trung Quốc, họa chăng chỉ để lại một vài dư âm nhỏ. Nhưng vấn đề không hoàn toàn như thế. Văn học chữ Hán thời Lý - Trần còn được người ta đọc. Và vì thế, vấn đề trở nên khác hẳn, do chỗ người Việt Nam đọc văn không giống người Trung Quốc. Người Việt Nam sáng tác văn học hay “tập làm văn” (nói theo ngôn ngữ bây giờ) không thể không chú ý tới điều đó.

Đọc văn có phải là yếu tố quan trọng chi phối sự sáng tạo văn học hay không? Theo tài liệu còn lại, thời này người ta đọc văn nhiều. Và trong văn học viết, văn nói rất nhiều, văn ghi chép cũng nhiều. Hơn nữa, văn học của chúng ta chủ yếu là thơ ca. Văn học Lý - Trần nói riêng, văn học trung đại Việt Nam nói chung, cũng chủ yếu là thơ ca. Điều này là rất quan trọng trong nhận thức và đánh giá văn học Lý - Trần.

Bởi vì, “nhịp điệu là linh hồn của thơ”(2), và “lối kiến tạo tiết tấu là căn cứ để phân biệt đâu là câu thơ Việt Nam, đâu là câu thơ ngoại lai”(3). Người làm thơ thường bị chi phối bởi ngữ âm chứ không phải bởi chữ viết. Người ta thẩm thơ chủ yếu bằng tai chứ không không phải bằng mắt. Tạo tiết tấu, gieo vần căn cứ vào âm tiếng Việt, không căn cứ vào hình chữ Hán. Đường nét của chữ viết không tạo nên câu thơ, trong khi âm vận của từ ngữ làm thành chỉnh thể câu thơ, đoạn thơ, bài thơ.

Điều này hoàn toàn đúng với các loại văn có vần, có nhịp trong thời trung đại. Còn văn xuôi không vần có vẻ như chịu ảnh hưởng của cấu trúc văn bản văn học Trung Quốc. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn chính xác, bởi văn xuôi thời Lý - Trần chủ yếu là ghi chép, là văn nói, với rất nhiều khẩu ngữ hay bạch thoại trung đại, nên ít chịu quy định nghiêm ngặt của văn luật Trung Quốc như đối với những thể loại có cấu trúc chặt chẽ như văn đình đối, văn sách, hay loại văn xuôi chia theo chương hồi... sau này. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng thì cấu trúc các loại văn bản này cũng không hoàn toàn rập khuôn theo Trung Quốc, do cách chấm câu và ngắt đoạn của câu văn Việt Nam là khác.

Sự thành công của nội dung văn học chẳng thể tách khỏi sự thành công của hình thức văn học. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta cần đánh giá công bằng những đóng góp của hệ thống cấu trúc cụ tượng của văn học (thể loại) bên cạnh hệ thống giá trị trừu tượng của văn học (tư tưởng nghệ thuật) như thế nào. Vì nếu xét cho kỹ, thì hệ thống các giá trị trừu tượng này cũng đâu có hoàn toàn là riêng lạ của Việt Nam. Cái tỷ lệ ảnh hưởng Trung Hoa của hai bộ phận này là rất lớn, và sự sáng tạo của hai bộ phận này cũng không nhỏ.

Hệ thống thể loại văn học thời Lý - Trần vừa mang tính tương đồng vừa mang tính dị biệt đối với hệ thống thể loại của Trung Quốc. Nhưng vì chúng ta đã quá rõ những sự tương đồng, còn sự khu biệt lại rất ít được để ý, cho nên câu chuyện về hệ thống thể loại văn học Lý - Trần được chúng tôi khai thác chủ yếu trong tinh thần khu biệt với hệ thống thể loại văn học của Trung Quốc mà nó tiếp thu.

Quá trình hình thành

Nên hiểu quá trình hình thành hệ thống thể loại văn học thời Lý - Trần như thế nào trong bối cảnh hầu hết thể loại văn học chữ Hán đều tiếp thu từ Trung Quốc?

Có người cho rằng trong thời Lý - Trần không có quá trình hình thành thể loại, mà chỉ có quá trình tiếp thu và chuyển hóa thể loại. Điều này cỏ vẻ như là có lý. Nhưng như thế xem ra văn học thời Lý - Trần tỏ ra quá thụ động về mặt thể loại. Có thực là các nhà văn Việt Nam thời này đã thu động và máy móc trong việc tiếp thu hình thức thể loại của Trung Quốc hay không? Nếu chúng ta so sánh hệ thống thể loại văn học của Trung Quốc đương thời (Tống và Nguyên) với hệ thống thể loại của Việt Nam thời Lý Trần thì thấy có một sự không trùng khớp. Hai hệ thống thể loại không tồn tại “tương đương”, mà “chệch” nhau. Cụ thể là, không phải bao giờ những thể loại văn học Lý - Trần cũng song song tồn tại với những thể loại của Trung Quốc, không phải bao giờ những thể loại tiêu biểu, “thể loại lớn” của Trung Quốc đương thời cũng là những thể loại tiêu biểu, hay những “thể loại lớn” của Việt Nam lúc đó. Có khi những thể loại tiêu biểu nhất của Việt Nam thời Lý - Trần lại tiếp thu các thể loại từ thời Hán, đời Đường chứ không phải từ thời Tống, Nguyên của Trung Quốc vốn được xem là đang song hành với Việt Nam.

Điều đó cần được lý giải như thế nào? Đó là một sự tiếp xúc chậm chạp chăng? Đó là một sự “phản ứng” lại quá trình “Hoa hóa” chăng?

Không phải như vậy. Văn hóa Việt Nam vẫn tiếp xúc rất trực tiếp với văn hóa Trung Quốc đương thời và đồng thời. Vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta đã quen với cách nhìn nhận, đánh giá thái độ bị động của người Việt trong tiếp thu thể loại của Trung Quốc. Bởi vì trong suốt thời trung đại, người Việt đã hầu như chỉ sử dụng lại các hình thức văn học chữ Hán của Trung Quốc mà không có mấy sáng tạo, nên ấn tượng về sự lệ thuộc rất rõ rệt. Thứ hai, dường như khi nói tới quá trình tiếp thu thể loại của Trung Quốc, chúng ta không mấy đếm xỉa đến những tiềm năng văn hóa truyền thống, mà thường cho rằng chúng ta tiếp thu thể loại của Trung Quốc từ một hiện trạng trống không, hay không quan tâm đúng mức tới vai trò của chủ thể tiếp nhận.

Sự thật đúng là không phải như vậy. Thứ nhất, người Việt, dù không sáng tạo hay cải tạo một cách rõ rệt hình thức thể loại văn hoc chữ Hán của Trung Quốc trong quá trình tiếp thu và vận dụng trong sáng tác, nhưng không thụ động mà là chủ động. Thứ hai, người Việt không gieo trồng các thể loại của Trung Quốc trên một mảnh đất trống, hoàn toàn không được chuẩn bị, và hoàn toàn xa lạ với thổ nhưỡng văn hóa của nơi sinh ra chúng, mà trái lại, chúng được gieo cấy trên một mảnh đất có truyền thống văn hóa, văn học, và đã từng có những cuộc tiếp xúc với văn học Trung Quốc trước đó. Cũng là những thể loại văn học đó, nhưng dưới sự đô hộ của người Trung Quốc, chúng đâu có được tiếp thu và phát triển như ở thời Lý - Trần? Nhưng từ khi đất nước giành quyền tự chủ, thì chúng lại được tiếp nhận và hưng trưởng. Đó chẳng phải là câu trả lời khá rành mạch cho thái độ, tư thế, cách thức tiếp thu thể loại Trung Quốc của người Việt Nam hay sao?

Điều kiện cho việc tiếp thu thể loại văn học là nhu cầu của cuộc sống và khả năng của con người. Nếu cuộc sống xã hội không có nhu cầu, nếu con người không có khả năng, thì không thể diễn ra quá trình tiếp thu này được. Nhu cầu của cuộc sống là những đòi hỏi khách quan. Khả năng của con người là trình độ, là tâm lý và thị hiếu của chủ quan. Ở đây, tâm lý thời đại là rất quan trọng. Dường như chúng ta quá chú trọng các điều kiện xã hội mà có phần coi nhẹ tâm lý cá nhân. Vì thế, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về tâm lý nghệ thuật thời Lý - Trần. Chúng ta không biết rằng con người thời ấy thích gì, muốn gì trong nghệ thuật, mà chỉ chủ yếu suy đoán về động cơ xã hội trong các sáng tác của họ. Điều đó liên quan đến thái độ ứng xử của con người đối với văn học.

Và cuối cùng là trình độ tư duy nghệ thuật và trình độ thao tác nghệ thuật của con người. Theo dõi quá trình xuất hiện các tác phẩm văn học trong lịch sử 400 năm văn học Lý - Trần, rõ ràng, chúng ta thấy tư duy nghệ thuật của họ ngày một hoàn thiện và nâng cao hơn, trình độ sáng tạo nghệ thuật của họ ngày càng hoàn chỉnh và điêu luyện hơn. Sự lựa chọn thể loại để sáng tác của họ cũng ngày một khác trước, ngày một bớt dần sự chi phối của chức năng xã hội để thể hiện rõ nhu cầu cá nhân, và hệ thống thể loại cũng chuyển dịch theo chiều hướng giảm dần yếu tố chức năng và tăng dần yếu tố thuần văn học. Văn học hình tượng ngày càng có chiều hướng tăng trưởng trong khi văn học chức năng có chiều hướng ngày càng thuyên giảm.

Chủ thể sáng tạo của văn học dù ở thời kỳ “tập làm văn” này không phải bao giờ cũng chỉ là thực hiện bổn phận, trách nhiệm công dân, mà còn thể hiện cả sự hứng thú, sự thúc bách cá nhân nữa.

Đương nhiên là hệ thống thể loại này được xác định dựa trên những tư liệu văn học hiện còn. Việc xác định này có thể thấy là tương đối đơn giản nhưng cũng không chệch xa thực tế là mấy. Chúng ta đành phải chấp nhận đi từ định lượng đến định tính cho hệ thống này. Thể loại lớn được căn cứ chủ yếu vào số lượng tác phẩm. Điều này là khá máy móc và không phải bao giờ cũng chính xác. Có khi xuất hiện tràn lan tác phẩm, nhưng không có nghĩa đấy là những tác phẩm mọi người thích thú, tâm đắc. Đấy là những chỉ số xã hội, phản ánh một thực tế nào đấy của xã hội. Còn chỉ số tâm lý thì không xác định được, hay còn rất mơ hồ. Phải làm sao biết được những loại văn nào được con người thích thú và ảnh hưởng của nó trong tâm hồn con người ra sao thì đó mới là câu trả lời chính xác cho địa vị của thể loại văn học tiêu biểu của thời đại đó. Tâm trạng thời đại tiêu biểu không phải bao giờ cũng chỉ là tâm trạng của số đông. Câu chuyện về chỉ số tâm lý nghệ thuật ít nhiều vẫn còn bị bỏ lửng một cách khó cưỡng.

Tuy nhiên, trong khi chưa có được những nghiên cứu thỏa đáng về vấn đề này thì những chỉ số xã hội cũng phần nào giúp chúng ta hình dung về diện mạo của hệ thống thể loại. Chúng ta đành chấp nhận và yên tâm về cái chúng ta đang có, tuy có thể là chưa hoàn toàn đầy đủ và thực sự sống động.

Vì xuất phát điểm của chúng ta là phải căn cứ vào số lượng và vào yếu tố chức năng của thể loại, nên chúng ta phải chấp nhận một hệ thống thể loại được định vị do những yếu tố ngoài văn học quy định, mà trực tiếp nhất là sự chi phối của những chức năng xã hội của văn học. Những chức năng xã hội nào đã tác động đến văn học của thời đại này? Đó phải chăng là chức năng hành chính? Chức năng giáo lý? Chức năng đạo lý?… Đúng là như vậy. Và tất cả những chức năng đó dường như lại bị chi phối bởi những hệ thống có tính bao trùm hơn, đó là các hệ thống tôn giáo và pháp quyền.

Rõ nét nhất là hai hệ thống thể loại văn học chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Hệ thống thể loại văn học ảnh hưởng Phật giáo, bao gồm: Thơ Thiền, văn ngữ lục, luận thuyết tôn giáo, truyện nhà sư, ca hành, văn bia… Hệ thống thể loại văn học ảnh hưởng Nho giáo, bao gồm: Thơ, ca, từ khúc, phú, hịch, cáo, chiếu, chế, biểu, tấu, minh, thư tín, văn khắc, sử, truyện, ký, ngữ lục(4)…

Nhưng hệ thống cấu trúc cụ tượng này phải được phân loại trong một hệ thống đồng nhất. Chúng ta có thể tham khảo hệ thống thể loại văn học thời Lý Trần qua hình dung của tác giả Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần như sau:

Thơ ca:

Thơ sấm vĩ

Thơ suy lý

Thơ trữ tình

Thơ tự sự

Biền văn:

Phú

Hịch, Cáo,

Chiếu, Chế

Biểu, Tấu

Tản văn:

Văn bình luận,

Văn thư tín

Văn ngữ lục

Tạp văn:

Luận thuyết tôn giáo

Truyện kể:

Truyện, Sử, Bia, Ký

“Mô hình phân loại của chúng tôi có thể còn chưa hợp lý”, như đánh giá của tác giả Khảo luận văn bản(5), nhưng có thể xem đây vẫn là sự hình dung đầy đủ nhất hiện nay về hệ thống văn học Việt Nam thời Lý - Trần.

Việc phân loại và định danh các thể văn thời Lý - Trần cho đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi tính chất không thuần nhất của chúng. Do đó, thay vì khuôn cứng các thể văn vào các nhóm loại hình, chúng tôi lựa chọn cách xác định các thể văn cụ thể đã từng có mặt trong thời Lý - Trần. Tên gọi của chúng sẽ được cố gắng bảo lưu dấu tích cũ, trong những trường hợp không thuận lợi, có thể dùng tên gọi hiện đại nhưng được giải thích theo cách hiểu của quá khứ.

Hệ thống thể loại thời Lý Trần có thể được “liệt kê” (theo thời gian và không gian, cũng như chiều hướng diễn tiến trong lịch sử) như sau:

Số TT

Thể văn thời Lý (1009 – 1225)

Thể văn thời Trần (1225 – 1400)

1

Thơ sấm

Thơ trữ tình

2

Thơ Thiền

Thơ tự sự

3

Thơ chính luận

Thơ Thiền

4

Thơ thù tạc

Thơ chính luận

5

Ca hành

Thơ thù tạc

6

Ngữ lục

Thơ Nôm trữ tình

7

Văn bia

Từ khúc

8

Minh bia

Ca hành

9

Chiếu

Phú chữ Hán

10

Biểu

Phú chữ Nôm

11

Thư

Hịch

12

Hịch, lộ bố

Văn bia

13

Sử ký

Minh bia

14

Văn nghị luận

Chiếu

15

Chí quái, dật sự

Biểu

16

 

Thư

17

 

Ngữ lục

18

 

Văn nghị luận

19

 

Tản văn triết học, tôn giáo

20

 

Văn phê bình

21

 

Sử ký

22

 

Hồi ký

23

 

Truyện Thiền sư

24

 

Văn thờ cúng

25

 

Truyện chí quái, dật sự

26

 

Truyền thuyết dân gian

Để thấy được đặc điểm của sự ảnh hưởng và vay mượn thể loại văn học của Trung Quốc trong thời Lý - Trần, chúng ta cần so sánh tính tương đồng giữa hai hệ thống thể loại này.

Có thể thấy rằng, hệ thống thể loại văn học của Việt Nam đã “nằm gọn” trong lòng hệ thống thể loại văn học của Trung Quốc đương thời. Tuy nhiên, khi áp hai hệ thống này vào nhau, thì chúng lại tỏ ra không khớp. Không khớp về thời gian, về không gian, về ngôn ngữ (đặc biệt là ngữ âm của các thể văn có vần), về khả năng và điều kiện phát triển của từng thể văn trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau do nhu cầu của con người, để tạo nên những thể loại tiêu biểu, thể loại lớn trong những thời đại khác nhau và những quốc gia khác nhau.

Diện mạo văn học một thời đại không phải là phép cộng đơn giản của các tác gia, tác phẩm, thể loại, mà là được xác định bởi những thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của thời đại đó, thông qua các tác phẩm tiêu biểu, các tác giả tiêu biểu, và cuối cùng là các hình thức nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật tiêu biểu – thể hiện ra bằng các thể loại văn học tiêu biểu của thời đại.

Vậy các đại diện nghệ thuật của thời Lý - Trần và của thời Tống, Nguyên ở Trung Quốc có phải là những anh em trực hệ không? Nếu là trực hệ thì tính chủ động sáng tạo của người Việt rất hạn chế. Nếu chúng không là trực hệ, thì vấn đề lại khác.

Có thể có các quan điểm đánh giá khác nhau về các “nhân vật chính” của thể loại trong các nền văn học. Nhưng về các “nhân vật chính” của thể loại văn học Trung Quốc, chúng tôi căn cứ vào cách đánh giá của người Trung Quốc(6), còn các “nhân vật chính” của thể loại văn học Việt Nam sẽ căn cứ vào cách đánh giá tương đối thống nhất của các nhà nghiên cứu hiện nay. Sự so sánh này là không hoàn toàn “đồng đẳng”, bới “thể loại lớn” của Việt Nam nhiều khi không thể có tầm vóc như “thể loại lớn” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là “lớn” trong tương quan của Việt Nam, cũng như thể loại văn học của Trung Quốc là “lớn” trong tương quan của Trung Quốc. Nhưng chúng là “đồng loại”, bởi tính chất và trình độ của chúng trong các nền văn học đó, một cách tương đối.

Số TT

Thể văn thời Lý (1009 – 1225)

Thể văn thời Tống (960 – 1279)

1

Thơ Thiền

Thơ ca trữ tình, thơ tự sự

2

Văn ngữ lục

Từ

3

Văn chiếu

Biền phú

4

Văn bia

Chí quái và truyền kỳ

5

 

Thoại bản

6

 

Chư cung điệu

7

 

Lý luận phê bình văn học

8

 

Bút ký

Số TT

Thể văn thời Trần (1225 – 1400)

Thể văn thời Nguyên (1279 – 1368)

1

Thơ ca (trữ tình, tự sự, thơ Thiền)

Thơ ca (trữ tình, tự sự)

2

Phú chữ Hán

Từ

3

Hịch

Tản văn

4

Truyện (Thiền sư, chí quái, dật sự, truyền thuyết)

Tản khúc

5

 

Hý khúc

6

 

Tạp kịch

7

 

Tiểu thuyết

8

 

Lý luận phê bình văn học

Dường như chỉ có một thể loại lớn giống nhau trong văn học Lý - Trần và trong văn học Tống - Nguyên, đó là thơ ca. Nhưng xét kỹ, chúng cũng không hoàn toàn giống nhau. Thơ ca thời Lý nhìn chung khá nghèo nàn về lượng (khoảng 50 tác giả), và chủ yếu là thơ Thiền, còn thơ Tống là một kho tàng kỳ vĩ, về số lượng vượt cả thơ thời Đường (với khoảng 8.000 nhà thơ), và chủ yếu đi vào đề tài thế tục. Thời Trần là thời kỳ rực rỡ của thơ ca, một bước tiến vượt bậc về số lượng, đa dạng về đề tài, sâu sắc về nội dung, phong phú và điêu luyện về hình thức. Nhưng thơ ca thời Nguyên của Trung Quốc lại là một bước lùi dài so với thơ Đường - Tống trên mọi phương diện.

Nhìn hai hệ thống trên, chúng ta nhận thấy phần lớn các thể loại văn học của hai nước trong cùng thời kỳ là không tương song, không có ảnh hưởng trực tiếp. Những gì đang diễn ra sôi nổi ở Trung Quốc lại không có ảnh hưởng gì thật rõ rệt ở Việt Nam, và ngược lại, những gì diễn ra sôi nổi ở Việt Nam lại không phải được quan tâm nhiều ở Trung Quốc lúc đó.

Rõ ràng là giao tiếp hay ảnh hưởng của văn học Trung Hoa vào Việt Nam là rất lớn và rõ rệt. Nhưng chúng ta lại không tiếp thu trực tiếp, máy móc, tương song mà có lựa chọn.

Điều này cũng thể hiện rõ trong hệ thống thể loại văn học của Việt Nam trước và sau thời Lý - Trần, hay là trong toàn bộ nền văn học thời trung đại. Nó khiến chúng ta phải chú ý tới quá trình tiếp nhận này là chủ động và tích cực. Sáng tạo hay không sáng tạo đều có lý do của nó. Và như thế, con người ngày xưa dường như chủ động hơn là chúng ta tưởng. Vì thế, có lẽ chúng ta cũng cần chú ý đến quá trình hình thành của hệ thống thể loại. Quá trình hình thành này được hiểu không phải là một quá trình nội sinh – phát triển của thể loại, mà là quá trình lựa chọn, ngoại nhập và hoàn thiện thể loại của Trung Quốc kết hợp với những tiềm năng sẵn có của Việt Nam vào điều kiện cụ thể thời Lý Trần. Cho rằng, “các thể loại văn học Lý Trần không phải hình thành một cách tự phát, ngẫu nhiên, mà có mối quan hệ khăng khít với mọi yêu cầu lịch sử, với từng bước phát triển của lịch sử”(7), là đánh giá thỏa đáng.

Quá trình vận động và phát triển

Thể loại văn học Lý - Trần có vận động và phát triển không? Và nó vận động, phát triển như thế nào? Trong phần trên, chúng tôi đã ít nhiều nói tới sự vận động của hệ thống thể loại văn học này. Văn học, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, bao giờ cũng vận động không ngừng không nghỉ trong mọi không gian và thời gian. Tuy nhiên, sự vận động của văn học trung đại so với văn học cận hiện đại tỏ ra là rất chậm chạp. Tốc độ chậm chạp của nó khiến cho ta nhiều khi có cảm tưởng như là nó đứng im, hay là vận động trong trạng thái, như đã nói, “dậm chân tại chỗ”.

Trước hết cần quan niệm như thế nào về sự vận động và phát triển? Điều này cũng đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, khiến cho việc đánh giá sự vận động và phát triển của văn học là rất thiếu thống nhất, không chỉ đối với văn học trung đại, mà ngay cả đối với văn học cận hiện đại. Vì thế, chúng ta cần phải thống nhất tiêu chí dùng làm cơ sở đánh giá cho sự vận động và phát triển của thể loại văn học.

Trong thời cận hiện đại, quá trình vận động và phát triển của thể loại văn học gắn liền với sự ra đời của các khuynh hướng, các xu hướng, các trào lưu văn học, theo đó là sự xuất hiện của các trường phái nghệ thuật, các biện pháp nghệ thuật, các hình thức nghệ thuật mới để thể hiện những nội dung tư tưởng mới đang hình thành… Văn học chỉ có thể vận động và phát triển khi nó có những thay đổi căn bản của các lĩnh vực trên. Theo cách trình bày của M.B. Bakhtin, thì đó chính là sự xuất hiện của những “hình thức thời đại” nhằm đáp ứng cho việc trình bày những “nội dung thời đại”, những “tâm trạng thời đại” tương ứng(8).

Mỗi thời đại có tâm trạng của nó, có nội dung thời đại của nó, vì thế mỗi thời đại cũng sản sinh ra những hình thức nghệ thuật tương ứng để thể hiện những nội dung đó. Điều này không chỉ diễn ra – tuy có phần rõ rệt hơn – trong thời cận hiện đại, mà còn diễn ra cả trong thời trung đại. Hay nói cách khác, nó diễn ra trong văn học mọi thời đại.

Trong thời trung đại, dù không khí có tĩnh lặng đến thế nào, dù sự “dậm chân tại chỗ” có kéo dài bao lâu, thì cũng không thể không nhận thấy rằng, có những sự biến chuyển và thay đổi hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần con người, trong tâm lý, tâm trạng, nhu cầu, thị hiếu, thói quen, tình cảm… của con người trước những thay đổi và biến động của thời cuộc, của đời sống chính trị – xã hội, của lịch sử. Các thời kỳ lịch sử đó có sự phồn vinh hay suy thoái, có những sự thay đổi hết sức căn bản về tư tưởng tôn giáo và pháp quyền… Có nghĩa là, có sự thay đổi của nội dung thời đại, của tâm trạng thời đại. Và điều đó, xét về nguyên lý, tất yếu sẽ kéo theo – hay đòi hỏi – sự thay đổi của các “hình thức thời đại” tương ứng.

Có khác là, sự hình thành các hình thức thời đại mới trong thời cận hiện đại bao giờ cũng là một quá trình bộc lộ khá rõ rệt và “ồn ào” bởi các cuộc đấu tranh phê bình văn học, các tranh luận văn học, các tuyên ngôn và bút chiến giữa các trường phái, các trào lưu, các khuynh hướng văn học… Còn trong thời trung đại thì tình hình không như thế. Sự xuất hiện những tư tưởng mới và tâm trạng thời đại mới thường khá âm thầm lặng lẽ, và sự thay đổi của các hình thức thời đại mới cũng vậy, khá âm thầm và lặng lẽ. Không có những cuộc đấu tranh, phê bình văn học dữ dội, quyết liệt để phủ nhận cái cũ và khẳng định cái mới. Cái cũ ở đây cứ lặng lẽ rút lui, và cái mới cứ lặng lẽ chiếm lĩnh vị trí.

Điều này là có nguyên nhân của nó. Đặc điểm của quá trình xuất bản, công bố, quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học ở mỗi thời đại là khác nhau. Văn học trung đại nhìn chung là khá phong bế, phạm vi ảnh hưởng rất hạn chế. Nó không phải là một hoạt động xã hội có tính rộng rãi như trong thời cận hiện đại. Nó vẫn thường là các hoạt động có tính cá nhân và không chuyên nghiệp. Sự tiếp xúc giữa tác giả - tác phẩm - độc giả là rất lỏng lẻo và mang tính cá nhân. Trong khi đó, trong thời cận hiện đại, tình hình hoàn toàn khác. Đó là những hoạt động mang tính “tập thể”, tính xã hội, tính chuyên nghiệp. Mối quan hệ nhà văn – tác phẩm – tác giả là rất công khai, rộng khắp và chặt chẽ. Sự biến động của một khâu trong mối quan hệ này sẽ làm “rung chuyển” những khâu còn lại một cách trực tiếp và nhiều khi khốc liệt. Còn trong thời trung đại thì không như vậy. Phạm vi tiếp xúc của văn học là rất hẹp. Hơn nữa, các khâu của mối quan hệ này thường tồn tại khá cục bộ và biệt lập nhau. Thời trung đại không có nhu cầu gắn kết các khâu này với nhau thật chặt chẽ.

Dù sao thì những “tâm trạng thời đại” mới cũng luôn luôn đòi hỏi những “hình thức thời đại” mới trong suốt thời trung đại. Mà trực tiếp và cụ thể ở đây là sự vận động và phát triển của hệ thống thể loại văn học được thể hiện ra bằng sự xuất hiện những thể loại văn học “mới” cũng như sự “ra đi” (tuy rất chậm chạp) của những thể loại văn học “cũ” trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Tuy nhiên, những biến động của hệ thống thể loại văn học Lý - Trần diễn ra khá phức tạp và có phần không rành mạch, thậm chí có khi hơi “luẩn quẩn”, do chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố không phải lúc nào cũng có tính quy luật. Ví như văn học chức năng, khi thì nổi trội, khi thì trầm lắng, nhưng rồi có lúc lại thịnh phát rất mạnh.

Sự thịnh phát của Phật giáo sản sinh ra con người và thời đại Phật giáo. Tâm trạng thời đại mang nặng tư tưởng Phật giáo. Vì thế các thể loại văn học Phật giáo rất phát triển trong thời Lý. Tư tưởng “tam giáo” thời Lý - Trần tạo điều kiện cho sự song hành và đan xen của hai hệ thống thể loại văn học ảnh hưởng các tư tưởng Phật giáo và Nho giáo. Sự thay đổi địa vị của tôn giáo chính thống từ Phật sang Nho kéo theo sự chuyển dịch của hệ thống thể loại từ văn học nhà chùa sang văn học nhà Nho. Sự lấn át của Nho giáo so với Phật giáo trong thời Thịnh Trần và Vãn Trần tạo điều kiện cho sự phát triển hệ thống thể loại văn học ảnh hưởng Nho giáo ở thời giữa và cuối thời Trần (tuy mơ hồ và tương đối)…

Nhu cầu chống xâm lăng, chống cát cứ phân liệt trong thời Lý - Trần là tiền đề cho sự phát triển các thể loại văn học chiến đấu như hịch, lộ bố, cáo… Nhu cầu ca tụng vương triều, ca tụng chiến công chống xâm lăng, ca tụng đất nước phồn vinh tạo điều kiện cho thể phú phát triển.

Những mầm mống của văn học mang hình thức dân tộc đầu tiên như thơ Nôm “Hàn luật” dường như là một sự bứt phá của tinh thần dân tộc và khả năng của tiếng Việt văn học, làm tiền đề cho sự sáng tạo thể thơ “Thất ngôn xen lục ngôn” sau đó(9).

Dường như rất khó hình dung một tiến trình phát triển rõ rệt và rành mạch của hệ thống thể loại văn học, bởi sự lặp lại và đan xen của các thể loại văn học thuộc nhiều trình độ khác nhau ngay trong cũng một thời kỳ lịch sử. Mặc dầu vậy vẫn cần xác định một tiến trình, hay một diễn tiến của các thể loại trong dòng chảy lịch sử của nó. Và diễn tiến của hệ thống thể loại văn học thời Lý Trần đã được tác giả Khảo luận văn bản Thơ văn Lý Trần biện luận như sau: “Đứng về khả năng và hình thức biểu hiện thì rõ ràng chiều hướng diễn tiến thơ ca – biền văn – tản văn – tạp văn – truyện kể là một chiều hướng hợp với quy luật”. Chiều hướng đó, một mặt, đáp ứng “yêu cầu khách quan của xã hội Lý Trần đối với các thể loại”, mặt khác, còn là “cho hợp với tình cảm, tư tưởng, trình độ thẩm mỹ, óc tưởng tượng” của “chủ quan” con người thời đại này(10). Đây là một cách biện giải được cho là hợp lý và khá toàn diện.

Nhưng đó là diễn tiến của các thể loại văn học Lý - Trần chứ không phải là quy luật vận động và phát triển của hệ thống thể loại văn học Lý Trần. Mục đích mà chúng ta là tìm hiểu quy luật vận động và phát triển theo cách hiểu “từ thấp đến cao” của hệ thống thể loại văn học Lý - Trần. Quy luật đó như thế nào?

Trật tự trước sau của các thể loại không hoàn toàn nói lên trình độ phát triển của thể loại, của tư duy nghệ thuật và khả năng nghệ thuật của con người, mà chủ yếu là nói tới khả năng tiếp thu, lựa chọn của con người do những yêu cầu của cuộc sống cụ thể. Trình độ nghệ thuật của con người đương nhiên càng về sau thì càng cao hơn. Nhưng không phải vì trình độ cao hơn thì mới lựa chọn thể loại này mà không lựa chọn thể loại khác. Có thể loại đã được tiếp thu, lựa chọn từ thời Lý, thậm chí từ thời Bắc thuộc, nhưng đến thời Trần vẫn được tiếp thu, lựa chọn, nhưng không có nghĩa là ở thời Trần thì cao hơn, như luận thuyết tôn giáo chẳng hạn (với Mâu Tử – Lý hoặc luận). Có thể loại được tiếp thu cả ở thời Lý và thời Trần, nhưng ở thời Lý số lượng tuy ít hơn nhưng “trình độ” lại có phần “cao” hơn thời Trần, như thơ Thiền chẳng hạn. Và thơ ca, tuy là thể loại khởi đầu của nền văn học với những hình thức hoàn toàn vay mượn của nước ngoài và mang tính chức năng cao, lại cũng là thể loại được xem là kết thúc của nền văn học này với tư cách là một sáng tạo mới về hình thức có tính dân tộc: thơ Nôm theo “Hàn luật” chẳng hạn.

Nhiều thể loại văn học thời Lý Trần cũng đã từng có mặt ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc, tuy số lượng rất ít ỏi nhưng không hẳn là hoàn toàn “non kém” hơn thời Lý - Trần, như:

Thư từ: Sáu bức thư tranh luận về đạo Phật của Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu

Thơ: Thơ của Đại Thừa Đăng, Liêu Hữu Phương…

Phú: Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ

Văn khắc (bi văn, chung văn): Văn bia ở đào tràng Bảo An, văn khắc trên chuông Thanh Mai

Văn nghị luận: Bảy đoạn văn đối thoại về Thiền học

Luận thuyết tôn giáo: Mâu Tử Lý hoặc luận(11)…

Quy luật của sự vận động và phát triển của thể loại văn học Lý - Trần dường như không nằm trên “bề mặt” của hệ thống thể loại, mà nằm ở “bên trong” hệ thống thể loại, như một lực chi phối quá trình “hướng tâm” và quá trình “ly tâm” của các thể loại khi gia nhập vào hệ thống. Lực này đẩy những thể loại không thích hợp ra ngoài rìa (thậm chí ra ngoài) và hút những thể loại thích hợp vào trung tâm hệ thống thể loại.

Nhìn tổng thể, chúng tôi thấy, văn học Lý - Trần không nằm ngoài quy luật vận động và phát triển từ các thể loại văn học chức năng đến các thể loại phi chức năng, từ văn học hành chính, quan phương đến văn học hình tượng, từ văn học “công dân” đến văn học “cá nhân”, từ văn học phi chuyên nghiệp đến văn học chuyên nghiệp, từ văn học “bất phân”, “đa nguyên” đến văn học “hữu phân”, “đơn nguyên”… Thể loại nào phù hợp với quy luật đó thì sẽ tìm thấy vị trí thích hợp của mình trong hệ thống thể loại, và xác định vị trí “trung tâm” hay “ngoại biên” của mình trong hệ thống thể loại văn học đó.

Nhưng nhìn cục bộ, trong từng thời kỳ cụ thể, quá trình vận động và phát triển của hệ thống thể loại có những sự khác nhau nhất định bởi mỗi thời kỳ đó có những cái “tâm” khác nhau, chi phối sự “hướng tâm” hay “ly tâm” khác nhau. Nếu “tâm” của văn học thời kỳ đó là văn học chức năng thì nó ưu tiên phát triển các thể loại văn học chức năng, nếu “tâm” của thời kỳ văn học đó là văn học phi chức năng thì nó ưu tiên các thể loại văn học phi chức năng. Các thể loại văn học sẽ vận động theo các chiều hướng đó.

Trong văn học Lý - Trần không chỉ có sự vận động và phát triển từ loại văn này (văn loại, thi loại, văn thể, loại hình) đến loại văn khác, mà còn có sự vận động trong nội tại của từng loại văn. Và điều này dường như rõ rệt hơn. Sự vận động, phát triển từ loại văn này đến loại văn khác dù sao cũng rất khó chứng minh một cách triệt để. Bởi vì tất cả các loại văn vốn đều là của Trung Quốc, đã được bày sẵn trước mắt để con người lựa chọn, thì cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào phát triển tới cái nào, trong điều kiện tư liệu chưa hoàn toàn đầy đủ như hiện nay, thật khó tránh khỏi võ đoán. Nhưng sự vận động, phát triển nội tại của từng loại văn trong những điều kiện lịch sử cụ thể là điều có thể hình dung được. Ví như sự vận động và phát triển của thơ Thiền, của văn ngữ lục, của thơ Đường luật, của văn chiếu… từ thời Lý đến thời Trần, có thể mách bảo cho chúng ta nhiều thông tin về quá trình thay đổi của chúng. Chúng ta có thể xác định được số phận lịch sử của từng thể loại trong những hoàn cảnh cụ thể, và lý giải được chiều hướng diễn tiến của nó từ khi “sinh thành” đến lúc “diệt vong”, hay những sự chuyển dịch của nó từ ngoại biên vào trung tâm (và ngược lại) của hệ thống thể loại, từ chức năng đến phi chức năng, từ “bất phân” đến “hữu phân”… cũng như nhiều vấn đề khác nữa về nội dung và hình thức thể loại của nó trong tiến trình lịch sử.

Lấy ví dụ từ thơ Thiền, nhìn ở dạng tĩnh, thơ Thiền thời Lý - Trần có thể chia làm ba bộ phận: thơ Thiền thiên về triết lý, thơ Thiền thiên về trữ tình, thơ Thiền thiên về thế sự. Nhưng nếu nhìn nó trong sự vận động, chúng ta sẽ thấy rõ quá trình chuyển dịch, vận động và phát triển của thể loại này trong suốt thời Lý - Trần, cũng như những điều kiện cho sự hình thành và phát triển của ba bộ phận thơ Thiền này trong những hoàn cảnh cụ thể. Kèm theo đó là những biến động tương ứng về hình thức biểu hiện từ kệ Thiền đến thơ trữ tình Thiền, với những thay đổi căn bản về cấu trúc ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, tiết điệu thơ(12).

Nghiên cứu sự vận động và phát triển của hệ thống thể loại văn học Lý - Trần hoàn toàn phải căn cứ vào từng thể loại cụ thể, chứ không chỉ căn cứ vào sự thay thế của các thể loại khác nhau trong những thời điểm lịch sử khác nhau, như đối với văn học cận hiện đại sau này.

Kết luận

Hệ thống thể loại văn học Lý - Trần có thể xem là một điển hình của quá trình tiếp thu thể loại văn học của Trung Quốc. Tính nguyên sơ và chất phác của nó khi chưa bị “nhiễu” bởi các tác động ngoại lai khác giúp cho chúng ta hình dung rõ hơn quy luật tiếp biến văn hóa (acculturation) về mặt thể loại văn học Trung Quốc trong văn học Việt Nam thời trung đại. Những vấn đề mà nó đặt ra không chỉ giúp cho chúng ta giải thích các hiện tượng văn học Lý - Trần, mà còn có thể giải thích nhiều hiện tượng văn học có tính tương đồng trong các thời kỳ văn học sau này.

Việc tìm hiểu quy luật hình thành và phát triển hệ thống thể loại văn học Lý - Trần, một mặt, chỉ rõ tính chất bộ phận của văn học trung đại Việt Nam trong “chỉnh thể Hán văn hóa”, mặt khác, xác định những giá trị dân tộc của nền văn học này, không chỉ ở những nội dung tư tưởng mang tính dân tộc mà còn ở chính các hình thức nghệ thuật mà nó đã tiếp thu và chuyển hóa.

Hệ thống thể loại là một cấu trúc chỉnh thể và toàn vẹn những giá trị cụ tượng của một nền văn học. Nó là sự thể hiện của những giá trị trừu tượng làm nên nét riêng của nền văn học đó. Từng thể loại văn học chữ Hán cụ thể trong thời Lý - Trần được tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức thể loại văn học chữ Hán ở các thời kỳ lịch sử khác nhau của Trung Quốc, nhưng hệ thống thể loại văn học của Việt Nam thời Lý - Trần lại hoàn toàn khác biệt so với hệ thống thể loại văn học của Trung Quốc. Điều này là rất quan trọng trong việc nhận thức và đánh giá những giá trị của văn học thời kỳ này.

N.P.H.

Chú thích:

(1) Xem M. Cagan: Hình thái học của nghệ thuật. Phan Ngọc dịch. NXB Hội Nhà văn, H. 2004.

(2) Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại. Vấn đề thứ hai: Thi pháp thơ. NXB Hội Nhà văn, H. 2000, tr. 16.

(3) Phạm Luận: Thể loại thơ trong Quốc âm thi tập và thi pháp Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4 - 1991

(4) Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong văn học Lý – Trần nói riêng, trong văn học trung đại nói chung, nên cẩn trọng quan điểm cho rằng mọi sáng tạo văn học đều chịu sự chi phối của các tư tưởng tôn giáo, triết học hay pháp quyền. Dường như, và hẳn nhiên thế, nằm ngoài mọi tư tưởng tôn giáo, triết học hay pháp quyền, là tâm hồn con người, là phẩm chất người như một hằng số bất biến của nghệ thuật, trực tiếp chi phối sự sáng tạo nghệ thuật.

(5) Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần. Tập I, NXB KHXH, H. 1977, tr. 184.

(6) Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý chủ biên: Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB Văn hóa Thông tin, 1994; Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB KHXH, H. 1993; Nguyễn Hiến Lê: Đại cương văn học sử Trung Quốc, NXB Trẻ, 1997; Nhiều tác giả (Sở Nghiên cứu văn học – Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc): Lịch sử văn học Trung Quốc, hai tập, NXB Văn học, H. 1964…

(7) Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần. Tập I, Sđd, tr. 186

(8) M.B. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du, H. 1992.

(9) Xem Nguyễn Phạm Hùng: Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2006.

(10) Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần. Tập I, Sđd, tr. 184.

(11) Xem Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. NXB Thế giới, H. 2000

(12) Xem Nguyễn Phạm Hùng: Thơ Thiền Việt Nam, những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1998.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Nguồn: Văn học cổ Việt Nam, tìm tòi và suy nghĩ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn